
Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Miles Yu, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền đã tiết lộ rằng, có nhiều bằng chứng sát thực chứng minh cuộc diệt chủng nhắm vào những người tu luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc còn rõ ràng hơn cả cuộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số tại Trung Quốc.
Cả Chính quyền của Trump và Biden đều đã xác nhận cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc là một cuộc diệt chủng. Trước đây, Yu đã tư vấn cho Ngoại trưởng Mike Pompeo về các chiến lược liên quan đến Trung Quốc. Hiện tại, Yu đang ủng hộ quan điểm rằng không chỉ có cuộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, mà còn có một cuộc diệt chủng đang diễn ra nhằm vào những người tu luyện Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công là một môn pháp tu luyện ôn hòa, dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, được phổ biến tại Trung Quốc vào đầu những năm 1990. Đến năm 1999, số người theo Pháp Luân Công đã tăng từ 70 triệu lên tới 100 triệu. Sự gia tăng này đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi là mối đe dọa, và vì vậy, họ đã thực hiện một chính sách đàn áp mạnh mẽ, thậm chí đến mức diệt chủng, nhằm tiêu diệt phương pháp tu luyện này.
Yu đã chia sẻ với The Epoch Times trong một email vào ngày 9 tháng 8 (2022): “Tôi rất ngạc nhiên vì cáo buộc diệt chủng đối với ĐCSTQ liên quan đến Pháp Luân Công vẫn chưa trở thành trọng tâm trong các chiến dịch nhân quyền quốc tế nhắm vào ĐCSTQ”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Khi đưa ra quyết định về việc có công nhận một cuộc diệt chủng hay không, rào cản pháp lý lớn nhất là phải chứng minh “ý định” của kẻ thực hiện hành động đó”.
Theo Luật sư Nhân quyền Quốc tế Beth Van Schaack, trong phân tích của bà về cuộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, “thách thức lớn nhất trong việc chứng minh một cuộc diệt chủng là yêu cầu về tinh thần (hoặc trạng thái tinh thần) của con người rằng (các) thủ phạm không chỉ có ý định thực hiện (các) hành vi đó, mà còn phải thực hiện với mục đích tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Yếu tố ‘ý định’ này là đặc trưng của diệt chủng và là điều phân biệt diệt chủng với các tội ác quốc tế khác, như tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người”.

Yu tin rằng “việc chứng minh [ý định] trong trường hợp Pháp Luân Công sẽ dễ dàng hơn nhiều so với trường hợp người Duy Ngô Nhĩ, vì ĐCSTQ đã cố gắng che đậy cuộc đàn áp diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, trong khi cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công lại rõ ràng và công khai hơn.”
Ông cũng cho biết có nhiều bằng chứng tài liệu về cuộc diệt chủng đối với Pháp Luân Công hơn là đối với người Duy Ngô Nhĩ. “Tài liệu về tội ác của ĐCSTQ liên quan đến Pháp Luân Công cũng rõ ràng và có hệ thống hơn,” Yu nhấn mạnh.
Luật sư quốc tế Terri Marsh, Giám đốc Điều hành của Tổ chức Luật Nhân quyền, đồng ý với quan điểm này. Trong một email gửi The Epoch Times vào ngày 9 tháng 8, bà đã nhấn mạnh: “Bằng chứng thực sự hỗ trợ cho cáo buộc diệt chủng đối với Pháp Luân Công: Có rất nhiều bằng chứng ghi lại các kế hoạch và chính sách phối hợp chặt chẽ của Trung Quốc nhằm thực hiện một chiến dịch đàn áp rộng khắp đối với những người tu luyện Pháp Luân Công, bao gồm các hình thức tra tấn, cưỡng hiếp, giết người ngoài vòng pháp luật, cùng với nhiều hành động đối xử tồi tệ và gây tổn hại khác trên khắp các vùng của Trung Quốc.”
Tổ chức Luật Nhân quyền (Human Rights Law Foundation) đã viết một báo cáo vào năm 2015, trong đó mô tả chiến dịch “đàn áp” của ĐCSTQ, bao gồm các kế hoạch thể hiện ý đồ diệt chủng nhằm xóa sổ Pháp Luân Công bằng các biện pháp phi pháp như bỏ tù, tra tấn và thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Đáng tiếc là vẫn chưa có nhiều nghiên cứu học thuật về nạn diệt chủng đối với Pháp Luân Công. Theo một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tạp chí Quốc tế Genocide Studies and Prevention, “Nạn diệt chủng nhắm vào Pháp Luân Công là một trường hợp khác thường vì hầu như không được nhắc đến.”
Để khắc phục tình trạng thiếu sót trong việc báo cáo và truy tố nạn diệt chủng đối với Pháp Luân Công, Yu đề nghị sử dụng các phán quyết trước đây của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICT) về tội diệt chủng làm mẫu. “Sẽ không phải là ý tồi nếu áp dụng các phán quyết về tội diệt chủng của ICT đối với Rwanda và Srebrenica để làm khuôn mẫu cho việc xác định tội diệt chủng đối với Pháp Luân Công,” Yu viết.

Yu cho biết thời gian để xác định tội danh này không còn nhiều, vì một số thủ phạm đã già yếu.
“Một vấn đề quan trọng, theo tôi, là thường có một cá nhân chịu trách nhiệm chính – trong trường hợp này là (cựu lãnh đạo ĐCSTQ) Giang Trạch Dân, người sắp qua đời vì tuổi cao,” ông viết (trước tháng 11/2022. Hiện tại, Giang Trạch Dân đã chết).
“Khi Giang Trạch Dân qua đời, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICT) sẽ phải tìm một cá nhân khác chịu trách nhiệm, và rất có thể đó sẽ là toàn bộ Chính quyền ĐCSTQ. Nếu điều đó xảy ra, tôi cho rằng các nạn nhân khác của những tội ác do ĐCSTQ gây ra – chẳng hạn như người Tây Tạng, các tín đồ tôn giáo thuộc nhiều nhóm khác nhau, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ, v.v. – đều có thể cùng lên tiếng để thúc đẩy việc xác định toàn bộ chế độ ĐCSTQ là một Chính quyền Diệt chủng.”
Theo luật pháp quốc tế, tội Diệt chủng bị xem là bất hợp pháp theo Công ước về Diệt chủng của Liên Hợp Quốc (năm 1948) cũng như theo Luật pháp Hoa Kỳ (18 U.S.C. Mục 1091). Cả hai bộ luật này đều định nghĩa tội Diệt chủng không chỉ bao gồm hành vi tiêu diệt các nhóm sắc tộc, mà còn áp dụng cho các nhóm tôn giáo, như Pháp Luân Công. Việc tiêu diệt này có thể diễn ra dưới hình thức thảm sát hàng loạt, nhưng cũng có thể bằng cách cưỡng bức từ bỏ đức tin. Những người tu luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã phải chịu cả hai hình thức bức hại này, bao gồm việc giam giữ có hệ thống hàng triệu người, tra tấn, và có thể hơn một triệu học viên đã bị sát hại., trong đó có nhiều trường hợp bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Hội đồng Điều tra Trung Quốc (China Tribunal), diễn ra tại London năm 2020, đã tìm thấy nhiều bằng chứng xác thực về tội ác này.
Hòa Tâm (Dịch theo bản Tiếng Anh: https://www.theepochtimes.com/china/persecution-of-falun-gong-is-in-effect-genocide-former-us-official-3942869)