Tác giả: Benedict Rogers
Số ca cấy ghép vượt xa số người hiến tạng chính thức. Các tù nhân lương tâm rõ ràng là nguồn bù đắp cho sự chênh lệch này.
Trung Quốc đang bị cáo buộc có một ngành kinh doanh nội tạng đầy man rợ. Điều này rất khó để chứng minh, vì thi thể của các nạn nhân bị tiêu hủy, những nhân chứng duy nhất là các bác sĩ, cảnh sát và cai ngục có liên quan. Tuy nhiên, bằng chứng thu thập được đã đủ để đưa ra một kết luận đáng báo động.
Cáo buộc đặt ra là nhiều tù nhân lương tâm – bao gồm học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng và các tín đồ Cơ Đốc giáo hoạt động ngầm – đã bị xét nghiệm y tế và cưỡng bức lấy nội tạng. Những nội tạng này sau đó được sử dụng để phục vụ một ngành công nghiệp cấy ghép khổng lồ.
Các bệnh nhân ở Trung Quốc – bao gồm cả người nước ngoài – được hứa hẹn sẽ có nội tạng phù hợp trong vòng vài ngày. Cựu chính trị gia và công tố viên Canada David Kilgour, luật sư nhân quyền David Matas, nhà báo Mỹ Ethan Gutmann và một nhóm nghiên cứu đã xác nhận điều này bằng cách giả danh bệnh nhân tìm kiếm ghép tạng tại các bệnh viện Trung Quốc. Bác sĩ Hoàng Khiết Phu, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc và là Chủ tịch Ủy ban Cấy ghép Nội tạng của nước này, từng yêu cầu hai lá gan dự phòng cho một ca phẫu thuật vào năm 2005 – và chúng được giao đến ngay vào sáng hôm sau. Ở các nước phương Tây phát triển, bệnh nhân thường phải chờ đợi hàng tháng, thậm chí hàng năm, mới có nội tạng phù hợp để cấy ghép.
Năm 2016, các ông: Kilgour, Matas và Gutmann đã công bố một báo cáo mang tên Thu hoạch đẫm máu/Đại Thảm sát: Cập nhật, dựa trên nghiên cứu từ năm 2006. Trong phiên bản mới nhất này, các tác giả ước tính rằng có từ 60.000 đến 100.000 ca ghép tạng được thực hiện mỗi năm tại các bệnh viện Trung Quốc.
Những nội tạng này đến từ đâu?
Trung Quốc tuyên bố rằng họ có “hệ thống hiến tạng tự nguyện lớn nhất châu Á” và đã ngừng sử dụng tù nhân làm nguồn cung nội tạng từ năm 2015. Tuy nhiên, quốc gia này không có truyền thống hiến tạng tự nguyện.
Năm 2010, số người hiến tạng chính thức ở Trung Quốc chỉ là 34. Đến năm 2018, con số này tăng lên khoảng 6.000 người hiến tạng, với hơn 18.000 nội tạng được cho là đã được cấy ghép. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trong Thu hoạch đẫm máu chỉ ra rằng con số này “dễ dàng bị vượt qua chỉ bởi một vài bệnh viện.” Chẳng hạn, Trung tâm Cấy ghép số Một Thiên Tân thực hiện hơn 6.000 ca ghép tạng mỗi năm, và các tác giả báo cáo đã “xác minh và xác nhận 712 bệnh viện thực hiện ghép gan và thận.” Bác sĩ Hoàng Khiết Phu tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ thực hiện số ca ghép tạng nhiều nhất thế giới vào năm 2020 – vượt qua con số 40.000 ca mỗi năm của Mỹ.
Những con số này không khớp nhau. Để có thể cung cấp nội tạng phù hợp chỉ trong vài ngày cho bệnh nhân tại hàng trăm bệnh viện trên khắp Trung Quốc, với chỉ vài nghìn người hiến tạng tự nguyện mỗi năm, thì chắc chắn phải có một nguồn cung cấp nội tạng khác ngoài ý muốn.
Các tử tù không thể là câu trả lời cho vấn đề này. Trung Quốc hành quyết nhiều người hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng con số này cũng chỉ vài nghìn mỗi năm. Hơn nữa, luật Trung Quốc quy định rằng tử tù phải bị xử tử trong vòng bảy ngày sau khi bị kết án – quá ngắn để có thể xét nghiệm, tìm người phù hợp, và chuẩn bị cho quy trình ghép tạng theo cách mà Trung Quốc đang thực hiện.
Điều này dẫn đến kết luận rằng các tù nhân lương tâm chính là nguồn cung nội tạng chính yếu. Bằng chứng rất đa dạng: Nhiều cựu tù nhân lương tâm đã nhiều lần làm chứng rằng họ bị xét nghiệm máu và kiểm tra y tế bất thường khi bị giam giữ. Báo cáo cho biết kết quả xét nghiệm này được đưa vào một cơ sở dữ liệu về nguồn cung nội tạng sống, cho phép thực hiện các ca ghép tạng theo yêu cầu – khi có bệnh nhân cần ghép tạng, một tù nhân lương tâm trong danh sách sẽ bị mổ lấy tạng.
Pháp Luân Công – một môn tu luyện tinh thần bị Chính quyền Trung Quốc coi là “mối đe dọa,” đã bị đàn áp từ năm 1999. Năm 2006, các nhà nghiên cứu nói tiếng Trung đã giả làm người mua nội tạng và trực tiếp hỏi xem có thể sắp xếp nội tạng từ học viên Pháp Luân Công hay không. Các bệnh viện trên khắp Trung Quốc xác nhận rằng họ có sẵn những nội tạng đó, không có vấn đề gì.
Những câu chuyện này thật kinh hoàng. Bác sĩ Enver Tohti, một cựu bác sĩ phẫu thuật từ Tân Cương, đã làm chứng trước các nghị viện Anh, Ireland và châu Âu về việc ông bị buộc phải lấy nội tạng từ một tù nhân vào năm 1995. Ông nhớ lại: “Chúng tôi được lệnh chờ đằng sau một ngọn đồi, và tiến vào ngay khi nghe thấy tiếng súng. Một lát sau, những phát súng vang lên – không phải một, mà là nhiều phát. Chúng tôi chạy vào cánh đồng. Một cảnh sát vũ trang tiến lại gần và chỉ cho tôi một thi thể, nói rằng, ‘Đây là người đó.’ Vị trưởng khoa phẫu thuật của chúng tôi xuất hiện và bảo tôi lấy gan và hai quả thận. Người đàn ông đó vẫn chưa chết, nhưng tôi vẫn phải làm theo lệnh.”
Các chuyên gia trên khắp thế giới đã xác nhận tội ác này của Trung Quốc. Israel, Đài Loan và Tây Ban Nha đã cấm công dân của họ đến Trung Quốc để ghép tạng. Các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về nguồn gốc nội tạng, nhưng không nhận được phản hồi.
Tòa án Độc lập về Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức từ Tù nhân Lương tâm ở Trung Quốc đang điều tra vấn đề này. Ngài Geoffrey Nice, người từng truy tố Slobodan Milosevic, là Chủ tịch Hội đồng xét xử gồm các luật sư và chuyên gia. Ngày 10 tháng 12, họ đưa ra một phán quyết tạm thời hiếm hoi: Hội đồng “chắc chắn – một cách nhất trí và không nghi ngờ gì rằng ở Trung Quốc, hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã diễn ra trong một thời gian dài, với số lượng nạn nhân rất lớn,” và rằng điều này được thực hiện bởi Chính quyền Nhà nước.
Phán quyết tạm thời này được đưa ra với hy vọng có thể “cứu những người vô tội khỏi tổn hại.” Nếu Trung Quốc có phản hồi, tôi muốn được nghe điều đó.
(Ông Rogers – tác giả bài báo là Trưởng nhóm Đông Á tại tổ chức nhân quyền CSW, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ Anh và là cố vấn cho Liên minh Quốc tế chấm dứt lạm dụng cấy ghép ở Trung Quốc).
Diệu Hương (Dịch từ bản gốc Tiếng Anh: https://faluninfo.net/wall-street-journal-the-nightmare-of-human-organ-harvesting-in-china/)