Bẫy chết – Một thành phố Trung Quốc đã dùng đến những hành động tàn bạo để kiểm soát Pháp Luân Đại Pháp

Bị cấp trên gây sức ép, cảnh sát Duy Phường đã tra tấn các học viên của môn tu luyện bị cấm (Pháp Luân Công)

Duy Phường, Trung Quốc – Nằm trên vùng đồng bằng Hoa Bắc với những khối chung cư bụi bặm và con đường đông đúc, đây là một thành phố Trung Quốc không có gì đặc biệt ngoại trừ một điều: Cảnh sát địa phương thường xuyên tra tấn cư dân đến chết.

Kể từ đầu năm nay, khi cảnh sát giết chết một người về hưu 58 tuổi, ít nhất 10 cư dân khác của Duy Phường đã chết trong khi bị giam giữ – theo lời thân nhân và một tổ chức giám sát nhân quyền. Tất cả họ đều là học viên của nhóm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, bị Chính quyền Ttrung ương cấm vào năm ngoái. Trên khắp đất nước có 1,3 tỷ dân này, ít nhất 77 học viên Pháp Luân Đại Pháp đã chết trong khi bị giam giữ, theo các báo cáo của các tổ chức nhân quyền. Duy Phường, nơi chỉ chiếm chưa đến 1% dân số cả nước, lại chiếm đến 15% số ca tử vong đó.

Tại sao?

Câu trả lời bắt nguồn từ Trung Quốc thời phong kiến, khi quốc gia này phát triển một hệ thống kiểm soát xã hội vẫn còn được sử dụng đến ngày nay. Hệ thống này gây áp lực lớn lên các quan chức địa phương để họ tuân thủ các mệnh lệnh từ trung ương — nhưng lại trao cho họ toàn quyền quyết định về cách thực hiện. Đối với các quan chức ở Duy Phường, điều đó có nghĩa là họ phải thực hiện lệnh triệt tiêu số lượng lớn học viên Pháp Luân Đại Pháp tại khu vực của mình, nhưng không bị giám sát về phương pháp.

Điều này dẫn đến một loạt các quyết định kỳ quái và cuối cùng là bi kịch. Dưới áp lực ngăn chặn dòng người biểu tình đổ về Bắc Kinh, các quan chức Duy Phường đã điều cảnh sát đến tận thủ đô, điều hành nhà tù riêng tại đó và đưa những người bị bắt về các “trung tâm chuyển hóa” tại quê nhà, nơi họ bị đánh đập cho đến khi từ bỏ niềm tin, hoặc chết. Mức độ tàn bạo của cảnh sát tại các trung tâm này ngày càng gia tăng sau khi các quan chức cấp trên bắt đầu phạt cấp dưới theo số lượng người biểu tình đến Bắc Kinh – theo lời các quan chức thành phố và những người từng bị giam giữ.

Ngoài việc giải thích cơ chế dẫn đến cái chết, câu chuyện của thành phố này cũng cho thấy hướng đi tương lai của cuộc xung đột này. Khi ngày kỷ niệm hai năm chiến dịch đàn áp Pháp Luân Đại Pháp của Bắc Kinh vào mùa xuân đang đến gần – một khoảng thời gian vượt xa bất kỳ thử thách nào khác trong suốt năm thập kỷ nắm quyền của Đảng Cộng sản – thì nỗ lực tiêu diệt nhóm này đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao giữa một chính phủ cứng rắn và một nhóm tín đồ kiên định. Giống như cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989, nó đã để lại vô số vết sẹo dưới bề mặt xã hội và trở thành một dấu ấn nữa trên con đường hiện đại hóa đầy đau thương của Trung Quốc.

Duy Phường dường như không phải là nơi có thể trở thành tâm điểm của một thảm kịch. Thực tế, nếu muốn tìm một thành phố điển hình ở Trung Quốc, Duy Phường có lẽ là lựa chọn phù hợp. Thành phố này từng là một trung tâm thương mại nổi tiếng trong quá khứ và là quê hương của những cánh diều lụa Trung Hoa bay lượn. Ngày nay, nó là một trung tâm công nghiệp nhỏ tại một trong những tỉnh giàu có nhất Trung Quốc, với thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức trung bình toàn quốc.

Giống như hầu hết các thành phố Trung Quốc, Duy Phường có cảm giác nông thôn hơn so với quy mô dân số của nó. Trên danh nghĩa, khu vực đô thị mở rộng có tám triệu cư dân, nhưng con số này bao gồm cả một vùng nông thôn đông đúc. Trung tâm thành phố chỉ có 620.000 người, và trên đường phố vẫn đầy rẫy hình ảnh những người nông dân lái máy kéo đến chợ. Giống như nhiều nơi khác ở Trung Quốc, người nước ngoài vẫn còn hiếm đến mức họ bị nhìn chằm chằm khi đi ngang qua.

Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, sớm phổ biến tại đây và trên khắp tỉnh Sơn Đông, một khu vực ven biển đông dân đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua. Một số người cho rằng những người tổ chức nhóm Pháp Luân Công tại Sơn Đông đặc biệt có tài; những người khác cho rằng do người sáng lập môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã từng có chuyến thăm thành công đến tỉnh này vài năm trước. Pháp Luân Đại Pháp, với các bài luyện công chậm rãi kết hợp với các nguyên lý đạo đức lấy từ Đạo giáo và Phật giáo, hoàn toàn phù hợp với truyền thống tâm linh của khu vực – Quê hương của Khổng Tử, Khúc Phụ, và một trong những địa điểm hành hương Đạo giáo linh thiêng nhất Trung Quốc, núi Thái Sơn, đều nằm gần đó.

Theo một báo cáo nội bộ của Chính phủ, tính đến năm 1999, Duy Phường là một trong những nơi có cộng đồng học viên Pháp Luân Đại Pháp lớn nhất tỉnh, với khoảng 60.000 người. Các công viên và quảng trường trong thành phố là những địa điểm để các học viên tập trung luyện công vào mỗi buổi sáng. Điều đó chấm dứt khi khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp đến Bắc Kinh biểu tình vào tháng 4 năm 1999, yêu cầu Chính phủ hợp pháp hóa môn tập. Chính quyền trung ương đáp lại bằng cách ban hành lệnh cấm Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 7; Chính quyền Duy Phường sau đó cũng làm theo, bắt giữ các trưởng nhóm Pháp Luân Công địa phương và đóng điểm luyện công công cộng.

Ban đầu, Duy Phường yên ắng – theo lời các học viên và quan chức Chính phủ. Tuy nhiên, vào tháng 11 năm đó, Bắc Kinh tổ chức các phiên tòa xét xử công khai một số trưởng nhóm học viên Pháp Luân Đại Pháp ở một số nơi, làm bùng phát làn sóng biểu tình không ngừng tại thủ đô. Chính vào thời điểm đó, người phụ nữ trở thành nạn nhân đầu tiên của Duy Phường, bà Trần Tử Tú, đã đến Bắc Kinh. Sau khi bị bắt, bị đưa về Duy Phường và được thả, bà lại bị bắt lần nữa vào đầu năm nay và bị đánh đến chết, theo lời các nhân chứng. Vụ việc của bà đã được The Wall Street Journal đưa tin trước đó vào năm nay.

Ban đầu, sự tàn bạo của các quan chức đối với bà Trần dường như là một ngoại lệ. Tra tấn ở Trung Quốc là chuyện phổ biến, nhưng ngay cả gia đình bà Trần cũng nghĩ rằng cái chết của bà là một trường hợp cá biệt, kết quả của một cai tù đặc biệt tàn nhẫn. Tuy nhiên, kể từ đó, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã liên tục chết trong nhà tù ở Duy Phường, trung bình một người mỗi tháng, khiến giả thuyết rằng chỉ có một kẻ thủ ác đơn lẻ trở nên khó tin. Thay vào đó, có vẻ như bạo lực này là có hệ thống, xuất phát từ các chính sách được Bắc Kinh ban hành và thực thi tại địa phương.

Các viên chức ở Bắc Kinh đã lập ra khuôn khổ cho các vụ giết người cách đây một năm sau khi họ trở nên mất kiên nhẫn với dòng người biểu tình liên tục từ khắp Trung Quốc đổ về thủ đô. Quyết định cần có các biện pháp quyết liệt, họ đã tìm đến một phương pháp đã được thử nghiệm và đúng đắn để thực thi các sắc lệnh trung ương, một phương pháp được mài giũa qua nhiều thế kỷ cai trị của đế quốc.

Dựa trên phương pháp “bảo gia” có lịch sử 2.200 năm trong việc kiểm soát xã hội, hệ thống này đẩy trách nhiệm tuân thủ mệnh lệnh trung ương xuống các khu dân cư, trong đó người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm về hành động của tất cả những người trong khu vực của mình. Trong thời kỳ cổ đại, điều này có nghĩa là trưởng tộc hoặc trưởng làng phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc nộp thuế, tuyển binh và bắt giữ tội phạm.

Một biến thể của hệ thống này hiện đang được áp dụng để thực thi các mục tiêu chính sách rộng lớn hơn. Sau khi Đảng Cộng sản phát động cải cách kinh tế vào cuối những năm 1970, họ đã đạt được nhiều thành công bằng cách ký kết các “hợp đồng” với nông dân và lãnh đạo nhà máy. Theo đó, họ phải cung cấp một lượng lương thực hoặc sản lượng công nghiệp nhất định nhưng được toàn quyền quyết định phương thức thực hiện. Đến cuối những năm 1980, các Chủ tịch tỉnh cũng bắt đầu ký các hợp đồng tương tự, theo đó họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc duy trì sản lượng lương thực trong tỉnh của mình hoặc kiểm soát mức sinh trong giới hạn nhất định.

Các quan chức Duy Phường hiểu rằng chính sách này sẽ gây rắc rối cho họ. Trung Quốc có nhiều khu vực tập trung học viên Pháp Luân Công, như ở vùng Đông Bắc, nơi môn tu luyện này được hồng truyền. Nhưng các khu vực đó cách xa Thủ đô, trong khi Duy Phường chỉ cách Bắc Kinh 300 dặm (khoảng 480 km) về phía Đông nam, khiến việc di chuyển đến Thủ đô trở nên dễ dàng, ngay cả khi Chính quyền đã triển khai lực lượng an ninh tại các nhà ga xe lửa và bến xe buýt. “Sau một thời gian, cảnh sát đã chờ sẵn chúng tôi ở nhà ga, nên chúng tôi bắt đầu đi xe đạp và đi bộ đến Bắc Kinh,” một học viên 48 tuổi kể lại. “Mất bốn ngày để đạp xe đến Bắc Kinh, 12 ngày để đi bộ. Tôi đã thử cả hai cách.”

Khi dòng người biểu tình vẫn tiếp tục kéo đến Thủ đô vào đầu năm mới, Chính quyền Trung ương nhanh chóng tìm ra một kẻ chịu trách nhiệm. Người bị quy trách nhiệm là Ngô Quang Chính, Chủ tịch 62 tuổi của tỉnh Sơn Đông. Ông Ngô là thành viên Bộ Chính trị gồm 21 người của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khiến ông trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất đất nước. Nhưng vị trí của ông Ngô không hề vững chắc. Hầu hết thành viên Bộ Chính trị đều là quan chức Trung ương, chỉ có hai Chủ tịch tỉnh trong cơ quan này: ông Ngô và Chủ tịch tỉnh Quảng Đông, nơi không có nhiều người biểu tình. Điều này khiến ông Ngô trở thành tâm điểm trong các cuộc họp của Bộ Chính trị về vấn đề biểu tình. “Chính quyền Trung ương nói với Chủ tịch Ngô rằng ông ta phải chịu trách nhiệm cá nhân. Ông ta có nguy cơ mất chức nếu không làm gì đó” – một quan chức Duy Phường đã nghỉ hưu tiết lộ, “Ai cũng biết áp lực mà ông ấy đang chịu”.

Ông Ngô nhanh chóng tìm cách chuyển áp lực xuống dưới. Trước tiên, theo các quan chức thành phố Duy Phường, ông Ngô triệu tập một cuộc họp với cảnh sát và quan chức chính quyền, gọi đó là “buổi học tập chính sách.” Tại đó, Chỉ thị của Chính quyền Trung ương được đọc to. “Chính phủ yêu cầu chúng tôi phải hạn chế số lượng người biểu tình, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm” – một quan chức chính quyền kể lại.

Những biện pháp này nhanh chóng dẫn đến sự lạm dụng. Một số học viên Pháp Luân Công bị cảnh sát địa phương bắt giữ vào đầu năm đó cho biết những kẻ bắt giữ họ nói rằng việc họ tiếp tục biểu tình sẽ làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của các quan chức. Một công nhân nhà máy 43 tuổi, bị giam vào tháng 12 năm 1999, kể lại: “Một cảnh sát đã đánh tôi bằng dùi cui”; “Hắn nói rằng chúng tôi là nguyên nhân khiến cấp trên của hắn gặp rắc rối chính trị”.

Người học viên này bị đánh, sau khi bị bắt ở Bắc Kinh và bị chuyển về quê nhà Duy Phường. Các quan chức thành phố cho biết những vụ bắt giữ như vậy gây ảnh hưởng xấu đến ông Ngô và cả tỉnh Sơn Đông, bởi vì những người bị bắt ở Bắc Kinh sẽ bị ghi danh bởi lực lượng an ninh Trung ương và quê quán của họ được ghi lại. Các thống kê sau đó sẽ được tổng hợp và những tỉnh có số lượng người biểu tình cao – như Sơn Đông – sẽ bị Chính quyền Trung ương chỉ trích. Việc đánh đập những người bị giam ở Duy Phường có thể làm giảm số lượng người biểu tình về lâu dài, nhưng các quan chức muốn thấy kết quả ngay lập tức.

Vì vậy, vào đầu năm nay, chính quyền địa phương đã tìm ra một cách để né tránh sự giám sát của Bắc Kinh đối với họ. Giống như nhiều thành phố khác, Duy Phường duy trì một văn phòng đại diện thường trực ở thủ đô, hoạt động như một cơ quan vận động hành lang và là nơi lưu trú cho các quan chức khi họ đến Bắc Kinh công tác. Thành phố đã tăng gấp đôi nhân sự của văn phòng lên 40 người và điều khoảng một tá cảnh sát đến Bắc Kinh. Xe của họ, có biển số dễ nhận diện, thường đậu ở các con phố nhỏ quanh Quảng trường Thiên An Môn khi các cuộc biểu tình diễn ra.

Theo lời một nhân viên làm việc tại văn phòng này, các học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ tại Bắc Kinh sẽ được giao trực tiếp cho cảnh sát Duy Phường, những người sau đó đưa họ đến văn phòng đại diện, nơi giờ đây được sử dụng như một nhà tù tạm thời. Nhân viên tại đây sẽ giám sát họ cho đến khi họ bị chuyển về Duy Phường. Thỏa thuận này có lợi cho cảnh sát Bắc Kinh, vì họ có thể giảm bớt khối lượng công việc. Đồng thời, nó giúp Duy Phường cải thiện hình ảnh, vì những người bị giam giữ sẽ không bị ghi danh vào hệ thống nhà tù Bắc Kinh, qua đó làm giảm số liệu thống kê về các tỉnh có nhiều người biểu tình nhất trong báo cáo của Chính quyền Trung ương.

Rất ít người bị giam giữ nói rằng họ bị đánh đập tại Văn phòng đại diện Bắc Kinh. Thay vào đó, họ bị đưa thẳng đến một trong bảy “trung tâm chuyển hóa” do địa phương quản lý – trước đây được gọi là “trung tâm giáo dục và học tập” – được thành lập ở Duy Phường. Chính tại những nhà tù không chính thức này, các vụ giết hại đã xảy ra.

Việc sử dụng các “trung tâm” này trùng khớp với một thay đổi chính sách khác, bổ sung yếu tố có lẽ là cuối cùng để các vụ giết hại xảy ra: một sự tàn bạo do nỗi sợ hãi về sự sụp đổ tài chính gây ra.

Thay vì chỉ đe dọa hủy hoại sự nghiệp của các quan chức địa phương, các đồng nghiệp của ông Ngô trong chính quyền tỉnh đã bắt đầu phạt họ. Cách thực hiện rất đơn giản: Chính quyền tỉnh phạt các thị trưởng và chủ tịch huyện vì mỗi học viên Pháp Luân Đại Pháp từ khu vực của họ đến Bắc Kinh. Đến lượt mình, các thị trưởng và chủ tịch huyện lại phạt các trưởng ban Chính trị và Pháp luật, quy trách nhiệm cho họ. Những người này sau đó phạt các trưởng thôn, và cuối cùng, các trưởng thôn phạt cảnh sát – những người trực tiếp thực hiện trừng phạt.

Mức phạt khác nhau tùy theo khu vực, nhưng tại một huyện ở Duy Phường, trưởng ban Chính trị và Pháp luật bị phạt 200 Nhân dân tệ cho mỗi người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, tương đương khoảng 25 đô la Mỹ – một số tiền có thể gây khánh kiệt, vì lương tháng của ông ta chỉ khoảng 200 đô la Mỹ – theo lời một đồng nghiệp của vị quan chức này.

Các khoản phạt này là bất hợp pháp; chưa từng có luật hay quy định nào được ban hành bằng văn bản để liệt kê chúng. Các quan chức cho biết chính sách này chỉ được công bố miệng trong các cuộc họp Chính phủ. “Không có gì được ghi lại bằng văn bản vì họ không muốn công khai nó,” một thành viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố cho biết.

Do đó, một đặc điểm chung trong lời khai của các nạn nhân bị tra tấn là họ liên tục bị yêu cầu nộp tiền để bù đắp các khoản phạt. Ví dụ, gia đình nạn nhân đầu tiên của Duy Phường, bà Trần, bị yêu cầu nộp phạt 241 đô la để đổi lấy sự trả tự do cho bà. Khi gia đình từ chối, bà Trần bị giam thêm một đêm và sau đó bị đánh đến chết.

Người thân và bạn tù của các nạn nhân khác cũng kể lại những câu chuyện tương tự. Ví dụ, tù nhân gần đây nhất thiệt mạng ở Duy Phường, ông Tuyên Thành Hy, đã bị giết vào tháng 10 sau khi các quan chức liên tục yêu cầu ông nộp tiền – theo lời hai người đã chăm sóc vết thương cho ông trước khi ông qua đời. Tuy nhiên, tất cả thành viên trong gia đình ông đều là học viên Pháp Luân Đại Pháp và đã mất việc làm, khiến họ không thể nộp tiền. Cảnh sát đã đáp trả bằng cách đánh ông bằng dùi cui cao su và dội nước lạnh lên người ông trong nhiều giờ, khiến ông rơi vào hôn mê và tử vong – theo lời các nhân chứng.

Các quan chức thành phố Duy Phường – nhiều người trong số họ hiện lo ngại rằng cuộc đàn áp này là một sai lầm nghiêm trọng – cho biết không có cảnh sát nào trực tiếp liên quan đến các vụ tử vong bị kỷ luật. Thực tế, ba cảnh sát giám sát cuộc thẩm vấn bà Trần đã được thăng chức, đúng theo truyền thống trao quyền tự do hành động cho chính quyền địa phương mà không có bất kỳ câu hỏi nào.

Hậu quả là – theo lời các nhân chứng và thành viên gia đình được phỏng vấn trong bài viết này – 11 học viên Pháp Luân Đại Pháp đã chết do bị ngược đãi trong các nhà tù ở Duy Phường trong năm nay. Một tổ chức giám sát nhân quyền độc lập ở Hồng Kông, Trung tâm Thông tin về Nhân quyền và Dân chủ, đã xác minh thêm một trường hợp tử vong nữa, nâng tổng số lên 12. Theo trung tâm này, phần còn lại của tỉnh Sơn Đông có thêm 12 nạn nhân nữa, nâng tổng số lên 24. Số ca tử vong cao thứ hai là 14 ở tỉnh Hắc Long Giang.

Trên toàn quốc, quyền tự do hành động mà Chính quyền Trung ương trao cho các địa phương có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều cái chết khác. Pháp Luân Đại Pháp tuyên bố tổng cộng 91 học viên đã chết do sự tàn bạo của cảnh sát; Tổ chức Ân xá Quốc tế, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại London, báo cáo con số này là 77.

Ngoài việc dẫn đến cái chết của nhiều người, chính sách này còn khiến nhiều người phải lẩn trốn, hủy hoại sự nghiệp và chia cắt các gia đình. Ví dụ, hai học viên Pháp Luân Đại Pháp làm việc trong chính quyền thành phố đã buộc phải rời khỏi nhà của họ. Giống như hàng chục học viên khác, họ phải sống nhờ họ hàng vì lo sợ bị bắt.

Con gái của họ, cũng là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, đã bị đuổi khỏi trường đại học vì từ chối từ bỏ đức tin của mình và giờ đây phải sống lang thang giữa các gia đình khác nhau. “Chuyện này sẽ không kéo dài lâu nữa, đúng không?” cô hỏi một vị khách. “Chính quyền phải nhượng bộ và hợp pháp hóa cho chúng tôi. Đó là tất cả những gì chúng tôi yêu cầu.”

Tác động của sự tàn bạo có hệ thống này đối với xã hội rất khó đo lường. Không một trường hợp tử vong nào được báo chí Trung Quốc đưa tin. Chỉ những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc đàn áp mới biết đến mức độ và sự tàn bạo của nó. Trong một quốc gia có 1,3 tỷ dân, hầu hết không biết gì và nhiều người chấp nhận lời tuyên truyền của truyền thông nhà nước rằng Pháp Luân Đại Pháp là một “tà giáo nguy hiểm”, một tổ chức kiểm soát tâm trí cần bị tiêu diệt bằng mọi giá để duy trì ổn định.

Tuy nhiên, ở một thành phố nhỏ như Duy Phường, tin tức về các vụ tử vong đã lan truyền một cách lặng lẽ. Tại Bảo tàng Diều nổi tiếng của thành phố, mắt của một người phụ trách mở to khi được hỏi về những vụ giết người. “Không ai có thể nói về những điều này” – ông nói trong lúc mở các hộp đựng diều khung gỗ đặc trưng của thành phố, bọc trong lụa sặc sỡ – “nhưng rất nhiều người biết”.

Diệu Hương (Dịch từ bản gốc Tiếng Anh: https://faluninfo.net/wall-street-journal-death-trap-how-one-chinese-city-resorted-to-atrocities-to-control-falun-dafa/)

Bài viết liên quan

Các buổi biểu diễn của Shen Yun chật kín khán giả

Lý do thực sự khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ Shen Yun

Shen Yun, mặc dù trình diễn một cảnh tượng rực rỡ của văn hóa Trung Hoa, gần đây đã gây ra một số tranh cãi trên phương tiện truyền thông phương Tây. Mặc dù chương trình nghệ thuật này đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các khán phòng chật kín và các…
Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (gọi tắt là: WOIPFG)

“Cuộc chiến pháp lý” và “cuộc chiến dư luận” của ĐCSTQ chống lại Pháp Luân Công, Epoch Times là một phần trong chiến lược chống lại Hoa Kỳ

Giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ đặc biệt chú ý đến các động thái mới nhất của Pháp Luân Công. Hệ thống tình báo của ĐCSTQ đang tìm hiểu xem liệu đoàn thể Pháp Luân Công có kế hoạch hợp tác với Donald Trump hay không, và theo dõi chặt chẽ xem Pháp Luân…