Bất tuân dân sự (*)

Trong hai thập kỷ qua, một phong trào cơ sở gồm hàng chục triệu người trên khắp Trung Quốc đã đấu tranh một cách ôn hòa chống lại sự thù hận và bạo lực do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra. Những con người này sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để vạch trần tấm màn dối trá và tuyên truyền đến từ các phương tiện truyền thông nhà nước cộng sản.

Đây là phong trào bất tuân dân sự lớn nhất trên thế giới, vậy mà phần lớn người dân ở phương Tây lại không biết đến nó.

Các hoạt động của nhóm này bao gồm việc tạo và phân phát tờ rơi, đĩa DVD, báo cáo các hành vi lạm dụng trong nước Trung Quốc cho các tình nguyện viên ở nước ngoài, cũng như tổ chức các kiến nghị và khiếu nại pháp lý chưa từng có ở Trung Quốc.

Ghi chép về sự ngược đãi, lạm dụng

Các học viên Pháp Luân Công luyện công tập thể tại Trung Quốc trước năm 1999
Các học viên Pháp Luân Công luyện công tập thể tại Trung Quốc trước năm 1999

Các nguồn thông tin từ bên thứ ba ước tính rằng có khoảng 20-40 triệu công dân Trung Quốc vẫn tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, những người tu luyện này, với thiện ý tuyệt đối nhằm phá bỏ những tuyên truyền sai lệch do nhà nước dựng lên xung quanh môn tu luyện thiền định tâm linh này, đã tự nguyện tham gia vào các chiến dịch nhân quyền ở cấp cơ sở để phơi bày sự đàn áp đối với đức tin của họ. Quy mô bất tuân dân sự này đạt tới mức độ chưa từng có trong lịch sử.

Các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc vẫn đều đặn gửi các báo cáo chi tiết về những cuộc đàn áp mà họ hoặc những người cùng đức tin phải chịu ra thế giới thông qua Minghui.org, một trang web chuyên đưa tin về cộng đồng Pháp Luân Công trên toàn cầu. Bất chấp sự kiểm duyệt gắt gao và nguy cơ bị trả thù, Minghui và mạng lưới liên lạc của họ đã xây dựng được một hệ thống tương đối an toàn và mạnh mẽ để ghi lại các hành vi lạm dụng và truyền tải các cập nhật từ trong Trung Quốc ra nước ngoài.

Chỉ riêng trong giai đoạn từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 3 năm 2022, đã có khoảng 3.000 báo cáo thực địa về cuộc đàn áp được đăng tải trên Minghui. Những báo cáo này bao gồm nhưng không giới hạn ở các trường hợp liên quan đến giam giữ, truy tố, kết án, quấy rối, tử vong, tra tấn, tẩy não, tống tiền và xâm phạm nhà ở.

Tham gia vào hoạt động Giáo dục công chúng cấp cơ sở

Các học viên Pháp Luân Công sản xuất tài liệu để phơi bày sự thật
Các học viên Pháp Luân Công sản xuất tài liệu để phơi bày sự thật

Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, các học viên Pháp Luân Công, với thiện ý tuyệt đối nhằm phá bỏ những tuyên truyền sai lệch do nhà nước dựng lên xung quanh môn tu luyện thiền định tâm linh này, đã thiết lập khoảng 200.000 cơ sở in ấn ngầm để sản xuất hàng loạt tài liệu phơi bày sự thật.

Các cơ sở in ấn này được phân bổ khắp Trung Quốc, nơi các tình nguyện viên là học viên Pháp Luân Công hàng ngày sản xuất tờ rơi, đĩa DVD và các tài liệu khác nhằm phơi bày sự đàn áp và làm rõ những tuyên truyền sai lệch chống Pháp Luân Công của nhà nước. Các địa điểm này hoạt động ở cấp cơ sở trên khắp Trung Quốc, thường được đặt tại một căn phòng phía sau của các ngôi nhà riêng. Mỗi cơ sở cung cấp tài liệu cho khoảng 1.000 học viên Pháp Luân Công. Sau đó, những người này sẽ phân phát chúng trong cộng đồng của mình.

Bên cạnh các chiến dịch thông thường, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc còn sáng tạo ra nhiều phương pháp khéo léo để truyền bá thông tin, ngoài việc sử dụng tờ rơi và áp phích. Tại một số tỉnh, các học viên dùng con dấu để in dòng chữ “Pháp Luân Công là Tốt” lên tiền giấy. Ở các khu vực đô thị, họ sử dụng AirDrop và Bluetooth để gửi các file PDF và hình ảnh chất lượng cao, làm rõ những tuyên truyền sai lệch chống Pháp Luân Công, đến người dân trên các phương tiện giao thông công cộng.

Các tài liệu được dán trên cột đèn
Các tài liệu được dán trên cột đèn
Các tài liệu được dán trên tường nhà dân
Các tài liệu được dán trên tường nhà dân
Các tài liệu và đĩa được dán trên công các khu chung cư, cơ quan
Các tài liệu và đĩa được dán trên công các khu chung cư, cơ quan
Người dân đọc tài liệu, minh bạch sự thật về Pháp Luân Công
Người dân đọc tài liệu, minh bạch sự thật về Pháp Luân Công
Tài liệu được dán nơi công cộng
Tài liệu được dán nơi công cộng

Bất chấp sự đối xử bất công từ phía chính quyền Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công trong trại giam vẫn tiếp tục truyền đạt thông tin đến các tù nhân, lính canh, quản giáo, cảnh sát, trưởng công an, luật sư, bác sĩ, giám đốc văn phòng 610, thẩm phán, quan chức và nhân viên khác. Họ giải thích về Pháp Luân Công và cuộc đàn áp, qua đó phá vỡ tuyên truyền của ĐCSTQ và làm sáng tỏ những lý do mà chính quyền dùng để biện minh cho việc đàn áp đức tin tâm linh này. Trong một số trường hợp, các học viên và luật sư của họ đã báo cáo rằng một số thành viên trong hệ thống an ninh bắt đầu có sự đồng cảm hơn, thậm chí thực hiện các bước nhằm giảm bớt sự đàn áp mà các học viên dưới quyền họ phải đối mặt.

Các đơn khiếu nại hình sự chống lại Giang Trạch Dân

Vào ngày 1 tháng 5 năm 2015, các hướng dẫn mới của Tòa án Nhân dân Tối cao có hiệu lực, yêu cầu các cơ quan tư pháp phải chấp nhận các đơn khiếu nại hình sự do công dân đệ trình; trước đó, họ có thể từ chối những đơn khiếu nại này. Sau khi một số bài viết trên Minh Huệ đưa tin về sự thay đổi này, nhiều nạn nhân bị tra tấn vì tu luyện Pháp Luân Công đã bắt đầu nộp đơn khiếu nại hình sự, tố cáo cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân là người chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp và yêu cầu điều tra ông ta.

Đến tháng 12 năm 2015, hơn 200.000 học viên tại Trung Quốc đã sử dụng tên thật để đệ đơn khiếu nại Giang Trạch Dân vì tội ác chống lại loài người. Riêng tại tỉnh Sơn Đông, hàng trăm học viên Pháp Luân Công đã tích cực tham gia vào chiến dịch này. Nhiều học viên thậm chí còn tự nguyện thu thập chữ ký thỉnh nguyện từ người dân trong khu vực để kiện Giang. Tuy nhiên, phong trào này cũng vấp phải sự đàn áp và trả đũa. Trong một trường hợp đáng chú ý, hai phụ nữ tại thành phố Triều Dương đã bị kết án tù vì đệ đơn khiếu nại hình sự chống lại Giang Trạch Dân. Cả hai đều bị tử vong vào năm 2020. Một người qua đời sáu tháng sau khi được tạm tha vì lý do y tế, trong khi người còn lại mất chỉ ba ngày sau khi bị đưa về nhà trong tình trạng bất tỉnh.

Phong trào “Thoái Đảng” (Tuidang)

Các học viên Pháp Luân Công luyện Bài công pháp số 5
Các học viên Pháp Luân Công luyện Bài công pháp số 5

Năm 2004, việc phổ biến cuốn sách “Cửu Bình về Đảng Cộng sản” bởi các học viên Pháp Luân Công đã dẫn đến sự ra đời của phong trào “Thoái Đảng”. Các nhà xuất bản cuốn sách đã khuyến khích người dân Trung Quốc đưa ra tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản, Đoàn Thanh niên Cộng sản, và Đội Thiếu niên Tiền phong (hầu hết người Trung Quốc từng tham gia ít nhất một trong những tổ chức này trong đời). Theo các lời kể trực tiếp từ những người tị nạn Pháp Luân Công, phong trào này đã trở thành tâm điểm trong nỗ lực cấp cơ sở của cộng đồng.

Một nghiên cứu học thuật năm 2011 kết luận rằng phong trào Thoái đảng không nhằm mục đích lật đổ Đảng, mà là tạo cơ hội để người dân Trung Quốc tố cáo các hành vi bạo lực của Đảng Cộng sản và tách mình khỏi chế độ độc tài, như một cách để thanh lọc lương tâm và cam kết với tương lai phi bạo lực. Nhiều người đưa ra tuyên bố Thoái đảng đã sử dụng bí danh để tránh nguy cơ bị trả thù. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng và những người khác đã công khai thực hiện việc này dưới tên thật của họ.

Các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và trên toàn thế giới hỗ trợ công dân Trung Quốc và các thành viên trong cộng đồng người Hoa hải ngoại từ bỏ Đảng và các tổ chức liên đới bằng cách thu thập tuyên bố thoái đảng của họ và gửi lên một trang web nằm ngoài Trung Quốc. Từ khi bắt đầu đến tháng 3 năm 2022, trang web Global Tuidang đã ghi nhận 393.744.844(*) tuyên bố từ những người thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc các tổ chức liên quan. Mặc dù con số này chưa thể được xác minh độc lập, nhưng các tài liệu từ tòa án Trung Quốc vào đầu năm 2016 đã ghi nhận nhiều trường hợp học viên Pháp Luân Công bị kết án tù vì sở hữu tài liệu liên quan đến phong trào Thoái đảng. Điều này cho thấy chính ĐCSTQ cũng đang xem phong trào này là một vấn đề nghiêm trọng.

Nhiều người từ bỏ tư cách thành viên của ĐCSTQ đã thừa nhận trong tuyên bố của họ rằng họ từng chứng kiến hoặc tham gia vào các hành động tàn bạo trong quá khứ. Ví dụ, Hu Shuyue, đến từ tỉnh Liêu Ninh, đã chứng kiến cuộc thảm sát ngày 4 tháng 6 năm 1989. Trong tuyên bố thoái Đảng và các tổ chức liên quan vào ngày 8 tháng 1 năm 2020, ông kể lại như sau:

“Sau khi quân đội dùng xe tăng nghiền nát các sinh viên biểu tình từ chối rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn, mặt đất đầy xác chết và đồ đạc của họ. Các binh sĩ đã dùng xe tải để chở đồ đạc và trực thăng để vận chuyển thi thể. Sau đó, hàng chục xe cứu hỏa được điều đến để rửa sạch máu trên Quảng trường Thiên An Môn, và chính quyền cấm bất kỳ ai nói sự thật. Theo luật quân sự, bất kỳ ai nói ra sẽ bị trừng phạt nặng nề. Giờ đây, sau nhiều thập kỷ nghỉ hưu khỏi quân đội, tôi mới dám nói ra một phần sự thật với một học viên Pháp Luân Công ngày hôm nay. Tôi tin vào những gì một học viên Pháp Luân Công đã nói với tôi về cuộc đàn áp đức tin của cô ấy và đã làm theo lời khuyên của cô ấy để thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên quan. Cầu xin Thần Phật ban phước cho chúng ta có được bình an, may mắn và an toàn trong những thời điểm khó khăn”.

Sự ủng hộ từ những người không tu luyện tại Trung Quốc

Gia đình ủng hộ các học viên Pháp Luân Công
Gia đình ủng hộ các học viên Pháp Luân Công

Gần một phần tư thế kỷ qua, người dân Trung Quốc đã phản bác lại những luận điệu của Đảng về Pháp Luân Công. Những công dân bình thường, dù không tu luyện Pháp Luân Công, đã đứng lên và chấp nhận rủi ro về sinh kế để bảo vệ những học viên vô tội trong cộng đồng của họ. Các luật sư nhân quyền tiếp tục đại diện cho các vụ án liên quan đến Pháp Luân Công, người dân trong làng thu thập hàng trăm chữ ký để yêu cầu thả những người hàng xóm là học viên, cảnh sát thả tự do hoặc bí mật bảo vệ các học viên bị bắt, các nhà tuyển dụng kháng cự chỉ thị của chính quyền nhằm phân biệt đối xử với nhân viên tu luyện Pháp Luân Công, và các thành viên gia đình tích cực nâng cao nhận thức về sự bất công mà người thân của họ phải chịu. Danh sách này vẫn không ngừng mở rộng.

Gia đình ủng hộ

Cộng đồng các học viên được hỗ trợ bởi cộng đồng lớn hơn mà họ tham gia, với sự hỗ trợ lớn nhất thường đến từ gia đình. Một gia đình gồm bốn thế hệ, với cụ ông và cụ bà đã 90 tuổi, đã kiên quyết chống lại chiến dịch “Xóa sổ” từ tháng 12 năm 2020. Họ đã lên tiếng phản đối các quan chức địa phương, những người đã nhiều lần đến nhà để ép buộc bà và hai cụ từ bỏ đức tin của mình.

Cư dân địa phương ủng hộ hàng xóm tu luyện Pháp Luân Công

Vào tháng 8 năm 2020, 415 người dân tại thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc đã ký một bản tuyên bố ủng hộ ông Dương Kiến Lục, một người tu luyện Pháp Luân Công bị bắt và kết án tám năm tù vì tín ngưỡng của mình. Trong bản tuyên bố, người dân làng viết:

“Chúng tôi đều rất sốc khi nghe tin ông Dương Kiến Lục bị bắt. Người dân ở các làng lân cận đều biết ông tu luyện Pháp Luân Công và là một người tốt. Ai cần giúp đỡ, ông ấy luôn sẵn lòng giúp. Chúng tôi không biết nhiều về những nguyên lý sâu xa của Pháp Luân Công, nhưng chúng tôi biết rằng việc làm người tốt không có gì sai cả. Ông ấy đã bị giam giữ gần tám tháng. Xin hãy trả tự do cho ông ấy. Hãy để gia đình ông ấy được đoàn tụ”.

Trong quá khứ, các bản tuyên bố tương tự kêu gọi trả tự do cho từng người tu luyện đã được ký bởi 205 người dân tại tỉnh Sơn Đông, 1.670 cư dân tại tỉnh Hồ Nam, hơn 3.000 công dân ở thành phố Tần Hoàng Đảo và 5.145 người ở thành phố Thiên Tân. Bất chấp những ý định tốt nhất của họ, những kiến nghị ủng hộ này thường gặp phải nỗ lực đàn áp của chính quyền. Tại thành phố Bản Khê, cảnh sát đã kiểm tra gần như mọi hộ gia đình để đe dọa họ rút lại chữ ký. Tuy nhiên, hầu hết người dân vẫn giữ vững sự ủng hộ của mình đối với người tu luyện Pháp Luân Công bị giam giữ. Một người hàng xóm thậm chí nói: “Nếu cần chữ ký lần nữa, cả gia đình tôi sẽ ký!”

Các luật sư nhân quyền tiếp tục đại diện cho người tu luyện Pháp Luân Công

Kể từ năm 2003, các luật sư nhân quyền tại Trung Quốc đã đứng ra bảo vệ Pháp Luân Công. Nhiều người trong số những người lên tiếng mạnh mẽ nhất, như Cao Trí Thịnh, Vương Toàn Chương, hay Giang Thiên Dũng, đã bị giam giữ, tra tấn và mất tích. Nhiều luật sư đã mất giấy phép hành nghề vì nhận các vụ án liên quan đến Pháp Luân Công và các vấn đề nhân quyền khác. Năm 2020, có hướng dẫn được ban hành cho các luật sư tại tỉnh Cát Lâm, yêu cầu họ không được đại diện cho Pháp Luân Công. Tuy nhiên, trong hai năm qua, nhiều luật sư khác vẫn tiếp tục nỗ lực này bất chấp sự đàn áp của hệ thống tư pháp đối với việc đại diện các vụ án liên quan đến Pháp Luân Công.

Các luật sư trên khắp Trung Quốc vẫn kiên trì bảo vệ quyền sinh kế, sự an toàn và quyền công dân của những người tu luyện Pháp Luân Công gặp khó khăn. Một trường hợp đáng chú ý xảy ra tại thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, khi một y tá đã nghỉ hưu tên Hùng Mỹ Vĩnh bị bắt giam vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Khi được thả vào năm 2020, thị lực của bà đã suy giảm nghiêm trọng do bị tra tấn trong khi bị giam giữ. Ngôi nhà của bà bị sập trong thời gian bà ở tù, và tất cả tài sản quý giá đã bị đánh cắp. Chính quyền cũng đình chỉ lương hưu của bà, khiến bà không còn thu nhập. Vào ngày 22 tháng 10 năm 2021, bà Hùng đã ra tòa để kháng cáo đòi lại lương hưu, và luật sư của bà đã bảo vệ quyền lợi theo hiến pháp của bà với tư cách là một người nghỉ hưu. Cuối cùng, thẩm phán đã ra phán quyết có lợi cho bà Hùng, và bà đã được nhận lại lương hưu.

Các xu hướng và sự kiện gần đây khớp với những tài liệu đã được ghi nhận trước đó của tổ chức Freedom House, Bitter Winter, cũng như các báo cáo của luật sư nhân quyền và lời khai của những người tị nạn.

Cảnh sát lặng lẽ giúp đỡ

Một số cảnh sát tại Trung Quốc cũng đã âm thầm thể hiện sự ủng hộ bằng cách giúp đỡ các học viên Pháp Luân Công trong lúc nguy cấp. Vào cuối năm 2021, một nữ học viên 70 tuổi đến siêu thị để phát tờ rơi thông tin nhưng bị một nhóm học sinh trung học báo cáo với cảnh sát, dẫn đến đám đông tụ tập để theo dõi vụ việc. Khi cảnh sát đến, họ chỉ hộ tống bà ra khỏi đám đông và trấn an: “Đi cùng chúng tôi một lúc, sau đó bà có thể rẽ ở góc đường và về nhà.” Cũng trong năm 2021, khi ba học viên bị bắt bởi cảnh sát địa phương ở tỉnh Sơn Đông, một sĩ quan đã thuyết phục giám đốc công an của mình thả họ ra thay vì thẩm vấn hoặc giam giữ. Có những câu chuyện kể lại rằng tại nhiều đồn công an trên khắp Trung Quốc, từ giám đốc đến các sĩ quan, cả tập thể từ chối bắt giữ hoặc gây áp lực đối với những người tu luyện Pháp Luân Công.

Ghi chú:

(*) Bất tuân dân sự là sự từ chối tích cực và công khai, bất bạo động của công dân đối với việc tuân thủ một số luật lệ, yêu cầu, mệnh lệnh hoặc chỉ thị của chính phủ (hoặc bất kỳ cơ quan nào khác)

(*) Số người “Tam thoái” tính đến tháng 02/2025 là hơn 433.000.000 người.

Trọng Đức (Biên dịch từ bản gốc tiếng Anh: https://faluninfo.net/civildisobedience/)

Bài viết liên quan

Một nữ học viên Pháp Luân Công không sợ hãi, giương cao biểu ngữ tại Quảng trường Thiền An Môn

Kháng nghị ôn hòa

Trước đây, ở Trung Quốc, bạn gần như không thể đi đâu mà không thấy sự hiện diện của Pháp Luân Công. Các học viên tập trung khắp các công viên trên toàn quốc vào lúc bình minh để thực hiện các bài tập giống Thái Cực Quyền. Các sách của Pháp Luân Công, thường…