Để nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp tàn bạo tại Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới đã tổ chức nhiều dự án và cuộc biểu tình. Họ đã góp phần phá vỡ các rào cản internet tại Trung Quốc để chống lại tuyên truyền của chế độ Trung Quốc và giảm bớt sự đàn áp. Các học viên Pháp Luân Công cũng đã thành lập các phương tiện truyền thông không bị kiểm duyệt, thực hiện các cuộc gọi điện thoại đến Trung Quốc, tiếp cận khán giả Trung Quốc thông qua truyền hình vệ tinh, tổ chức các cuộc diễu hành, dựng các quầy thông tin, tạo đơn kiến nghị và tổ chức các triển lãm nghệ thuật. Ngoài ra, một số người đã sản xuất các bộ phim đạt giải thưởng như “Không thể im lặng” (Unsilenced), “Mùa xuân vĩnh cửu” (Eternal Spring) và “Thật khó tin” (Hard to Believe).
Mặc dù cuộc đàn áp vẫn chưa được công chúng biết đến rộng rãi, đã có sự ủng hộ đáng kể từ những người bên ngoài cộng đồng Pháp Luân Công. Các chuyên gia y tế từ nhiều quốc gia đã phản đối và lên án việc thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Đại diện của nhiều chính phủ và các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng đã lên tiếng chống lại sự đàn áp này.

Hoạt động Công cộng
Các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới đã tổ chức nhiều sự kiện công cộng nhằm thu hút sự chú ý đến cuộc đàn áp đang diễn ra ở Trung Quốc. Các sự kiện này bao gồm biểu tình trước các Đại sứ quán Trung Quốc, diễu hành, mít-tinh và các gian hàng thông tin đơn giản tại các sự kiện cộng đồng và địa điểm du lịch.
Biểu tình trước các Đại sứ quán Trung Quốc
Vào những ngày quan trọng hoặc các sự kiện nhạy cảm về chính trị, các học viên Pháp Luân Công tổ chức các cuộc biểu tình hòa bình trước các Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Trung Quốc tại địa phương. Thường thì, các học viên cũng viết thư ngỏ về cuộc đàn áp gửi tới Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoặc cộng đồng nơi quê họ.
Tại London, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện trước Đại sứ quán Trung Quốc suốt 24/7 từ năm 2001. Các học viên tại đây quyết tâm duy trì buổi cầu nguyện này cho đến khi cuộc đàn áp chấm dứt.




Diễu hành và Mít-tinh
Các cuộc diễu hành, thắp nến cầu nguyện và mít-tinh được tổ chức hằng năm bởi các học viên Pháp Luân Công tại các thành phố lớn nhằm tưởng niệm những ngày quan trọng và ghi nhớ các học viên đã bị giết hại trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ.
Chẳng hạn, tại Washington D.C., các học viên Pháp Luân Công tổ chức sự kiện vào khoảng ngày 20 tháng 7 – ngày khởi đầu cuộc đàn áp. Sự kiện bắt đầu bằng một buổi mít-tinh trước Tòa nhà Quốc hội với sự tham gia của các diễn giả từ Chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền. Sau đó, các học viên diễu hành từ địa điểm mít-tinh đến Đài tưởng niệm Washington, nơi họ tổ chức lễ thắp nến cầu nguyện để tưởng nhớ những người đã bị giết hại trong cuộc đàn áp.








Gian hàng Thông tin
Từ tháp Eiffel ở Paris đến Bảo tàng Cung điện Quốc gia tại Đài Bắc, các học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới đã dựng gian hàng thông tin tại các địa danh nổi tiếng để nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp. Các học viên phát tờ rơi giới thiệu về Pháp Luân Công, trình diễn các bài tập thiền định, và trưng bày thông tin về cuộc đàn áp để người qua đường có thể tìm hiểu.
Thông báo của Chính Phủ
Các buổi thảo luận do các tổ chức Phi chính phủ (NGO) tổ chức, phiên điều trần của Quốc hội, và các cuộc họp với quan chức chính phủ cùng đội ngũ nhân viên của họ là những cách mà các học viên Pháp Luân Công sử dụng để cảnh báo và cập nhật tình hình đang diễn ra ở Trung Quốc đến những người tại Capitol Hill.
Các buổi Thảo luận
Buổi thảo luận gần đây nhất được tổ chức tại Washington, D.C., là tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế vào tháng 6 năm 2022.
Hội thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế 2022
Sự kiện này do Viện Hudson chủ trì, với sự tham gia của các chuyên gia như Nina Shea, Nghiên cứu viên cao cấp và Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson; Nury Turkel, Chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế và nghiên cứu viên cấp cao tại Hudson; Levi Browde, Giám đốc Điều hành Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp; và Ethan Gutmann, đồng sáng lập Liên minh Quốc tế Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép Nội tạng tại Trung Quốc.
Các phiên Điều trần của Quốc hội
Ủy ban Hành pháp Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc đã tổ chức một phiên điều trần vào ngày 18 tháng 12 năm 2012 về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã trở thành chủ đề thảo luận trong một số phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ. Năm 2012, Ủy ban Hành pháp Quốc hội về Trung Quốc đã tổ chức một phiên điều trần chuyên biệt về cuộc đàn áp. Tham dự phiên điều trần có Chung Đình Bằng, một công dân Đài Loan bị Chính quyền Trung Quốc bắt giữ và giam giữ bất hợp pháp vào tháng 6 – khi ông đến thăm gia đình tại Trung Quốc đại lục. Chung Đình Bằng sau đó đã được thả nhờ nỗ lực của gia đình, người dân Đài Loan và cộng đồng quốc tế. Trong lời khai của mình, ông Chung đã kể chi tiết về sự tra tấn mà ông phải chịu đựng trong khi bị giám sát và thẩm vấn 24 giờ. Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã buộc ông phải thú nhận những cáo buộc bịa đặt.
Gặp gỡ các quan chức Chính phủ
Vào tháng 5 năm 2022, nạn nhân của cuộc đàn áp Trương Ngọc Hoa và Simon Trương, người có mẹ bị bắt ba ngày trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 và qua đời sau một tháng, đã gặp Đại sứ Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để chia sẻ câu chuyện của họ và yêu cầu các biện pháp nghiêm khắc hơn đối với các tội ác chống lại nhân loại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong phần phát biểu khai mạc, Rashad Hussain nhấn mạnh rằng cuộc đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc là không thể chấp nhận và không thể dung thứ. Ông cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công và lên án sự đàn áp này tại Trung Quốc.

Đối mặt với Trung Quốc
Các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài đã hỗ trợ phản bác tuyên truyền phi nhân hóa về Pháp Luân Công do truyền thông nhà nước Trung Quốc phát tán. Những nỗ lực nổi bật bao gồm việc thành lập các đội gọi điện trực tiếp cho người dân Trung Quốc và phát triển phần mềm để vượt qua tường lửa internet của Trung Quốc.
Các đội gọi điện Toàn cầu
Các học viên Pháp Luân Công trực tiếp gọi điện cho người dân Trung Quốc để trò chuyện về những gì đang xảy ra với Pháp Luân Công, bác bỏ những vu khống về pháp môn và khuyến khích họ không đồng lõa với cuộc đàn áp.
Một số đội gọi điện đặc biệt hướng đến những người tham gia đàn áp Pháp Luân Công, chẳng hạn như các thành viên của Phòng 610, một lực lượng cảnh sát ngoài vòng pháp luật được giao nhiệm vụ đàn áp Pháp Luân Công. Những cuộc gọi đơn giản này có thể cứu sống các học viên Pháp Luân Công trong nước.
Trong một cuộc gọi vào đầu năm 2020, một học viên tại Phần Lan đã liên lạc với Giám đốc của một Trung tâm giam giữ – nơi các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Ban đầu, ông này phản ứng bằng ngôn từ thô tục, nhưng sau đó người học viên đã thuyết phục ông thay đổi suy nghĩ. Vài ngày sau, ông gọi lại để xin lỗi và thề sẽ không đàn áp các học viên Pháp Luân Công nữa. Các học viên bị giam giữ tại trung tâm này sau đó đã được thả.
Phần mềm Chống Kiểm duyệt
Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, Pháp Luân Công và mọi thứ liên quan đến nó đều bị kiểm duyệt trực tuyến nghiêm ngặt tại Trung Quốc. Điều này có nghĩa là tuyên truyền phi nhân tính do phương tiện truyền thông nhà nước đưa ra đã không bị phản đối trong không gian kỹ thuật số. Để đáp lại sự kiểm duyệt, một số học viên Pháp Luân Công am hiểu công nghệ ở nước ngoài đã tạo ra một loạt phần mềm để vượt qua “Bức tường lửa vĩ đại” của Trung Quốc.
Họ đã thành lập Liên minh Tự do Internet Toàn cầu (GIFC). Công nghệ của nhóm này – bao gồm Ultrasurf, Freegate, GTunnel, FirePhoenix và GPass – đã trở thành những công cụ thành công và phổ biến nhất trong những năm gần đây để người dùng tại Trung Quốc và các xã hội khép kín khác truy cập internet tự do và an toàn.
Theo Consortium (Tập đoàn tài chính quốc tế), tính đến tháng 6 năm 2008, số lượt truy cập được ghi nhận trên các máy chủ của họ đã vượt quá 400 triệu lượt mỗi ngày. Ước tính hơn 90% lưu lượng internet từ Trung Quốc cho mục đích chống kiểm duyệt được thực hiện thông qua các dịch vụ cổng bảo mật của họ.
“Các trang web liên quan đến Pháp Luân Công vẫn là một trong những nội dung bị chặn có hệ thống và nghiêm ngặt nhất bởi tường lửa internet của Trung Quốc.” – Nghị quyết Hạ viện Hoa Kỳ số 605, tháng 3 năm 2010.
Sử dụng nghệ thuật
Các học viên Pháp Luân Công đã tận dụng các phương tiện nghệ thuật để giới thiệu về pháp môn cũng như nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp, bao gồm triển lãm nghệ thuật và các bộ phim đoạt giải thưởng.
Triển lãm Nghệ thuật “Chân-Thiện-Nhẫn”
Triển lãm Nghệ thuật này bao gồm các bức tranh sơn dầu phong cách truyền thống được sáng tác bởi các học viên Pháp Luân Công. Hiện tại, triển lãm gồm 22 tác phẩm, mỗi tác phẩm đều thể hiện việc thực hành tu luyện Pháp Luân Công hoặc tinh thần kiên cường của các học viên trước cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). “Triển lãm Nghệ thuật Chân-Thiện-Nhẫn” đã được tổ chức tại hơn 900 thành phố thuộc 50 quốc gia trên toàn thế giới.

Một bức tranh đặc biệt, có tựa đề “Coming for You” (Đến vì Bạn), được sáng tác bởi nghệ sĩ đến từ Đài Bắc, Đài Loan: Dịch Thập Cửu. Cô chia sẻ: “Tất cả các nghệ sĩ trong Triển lãm… mong muốn ghi lại lịch sử vĩ đại của Pháp Luân Đại Pháp qua tác phẩm nghệ thuật của chúng tôi. Các tác phẩm được dựa trên những câu chuyện có thật về cuộc đàn áp. Các học viên ở Trung Quốc đang chịu đựng vô vàn gian khổ, nhưng sự kiên định và dũng cảm của họ vẫn tỏa sáng trong bóng tối.”

Phim Tài liệu về Cuộc đàn áp
Nhiều bộ phim nổi bật đã phản ánh cuộc khủng hoảng nhân quyền đang diễn ra tại Trung Quốc và những tác động rộng lớn hơn của nó trên thế giới. Nhiều phim đã đoạt giải tại các liên hoan phim và các sự kiện khác. Dưới đây là một số bộ phim nổi tiếng và được khuyến nghị, giúp khán giả hiểu rõ hơn về cuộc đàn áp Pháp Luân Công:
Bộ phim “Không thể im lặng” (Unsilenced): Dựa trên các sự kiện có thật, bộ phim theo chân các sinh viên đại học ở Bắc Kinh khi những ngày tháng thanh xuân tươi đẹp của họ bị đảo lộn bởi lệnh cấm Pháp Luân Công vào năm 1999. Khi Nhà nước phát tán những lời dối trá và bắt đầu đàn áp tàn bạo những tiếng nói phản đối, họ gặp Daniel, một phóng viên người Mỹ hoài nghi, đang đấu tranh để tìm ý nghĩa trong nghề nghiệp và trong đất nước mà anh yêu mến.
Với nguy cơ bị bỏ tù, tra tấn, thậm chí là cái chết cận kề, họ phải đưa ra lựa chọn: làm theo lương tâm và nói lên sự thật, hoặc im lặng để những tội ác tàn bạo tiếp tục xảy ra sau cánh cửa đóng kín.

Bộ phim “Mùa xuân vĩnh cửu” (Eternal Spring): Tháng 3 năm 2002, tín hiệu truyền hình Nhà nước tại Trung Quốc bị các thành viên của nhóm Pháp Luân Công, vốn bị cấm, chiếm quyền phát sóng. Mục tiêu của họ là phản bác những lời tuyên truyền sai lệch của Chính quyền về môn tu luyện này. Sau đó, các cuộc truy quét của cảnh sát diễn ra tại thành phố Trường Xuân, buộc họa sĩ truyện tranh (Liên minh công lý, Chiến tranh giữa các vì sao) Đại Hùng phải trốn chạy.
Kết hợp cảnh quay hiện tại với hoạt hình 3D được lấy cảm hứng từ nghệ thuật của Chiến tranh giữa các vì sao, Eternal Spring (Mùa xuân vĩnh cửu) tái hiện sự kiện này nhân dịp kỷ niệm 20 năm (ngày 20/7/1999). Bộ phim mang đến một câu chuyện chưa từng có về sự phản kháng và quyết tâm mạnh mẽ trong việc lên tiếng bảo vệ tự do tín ngưỡng, bất kể cái giá phải trả.

Bộ phim “Chim hoàng yến trong Chiến tranh lạnh” (Canaries in a Cold War): Năm 2021, ca sĩ kiêm nhạc sĩ và nhà hoạt động nhân quyền James H. White gặp gỡ ba chị em tại Washington, D.C., những câu chuyện của họ đã khiến anh thay đổi cuộc đời. Với lòng quyết tâm, anh theo đuổi câu chuyện này, vượt qua Đại Tây Dương, phát hiện ra một bóng tối đáng sợ – một thế lực ngầm đằng sau mọi thứ, từ đại dịch COVID, kiểm duyệt truyền thông, đến chính trị và ngành giải trí.
Bộ phim không chỉ có những cuộc phỏng vấn đầy xúc động với những người đã từng đối mặt và sống sót qua những đau khổ không tưởng mà còn mang đến những phân tích sắc bén từ các chuyên gia nhân quyền hàng đầu thế giới và các luật sư.
Xem phim: “Chim hoàng yến trong Chiến tranh lạnh”

Bộ phim “Sự thách thức trong Vương quốc của Tin tức giả” (Defiance in the Kingdom of Fake News): Tại thành phố Trường Xuân, phía đông bắc Trung Quốc, sáu con người bình thường — một tài xế xe tải, một người bán hàng rong, một bà nội trợ — đã bí mật tập hợp để thực hiện một kế hoạch phi thường. Họ phá sóng hệ thống truyền hình của chế độ độc tài nhất thế giới, Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mục tiêu của họ là phơi bày một lời dối trá được Nhà nước bảo trợ – một lời dối trá khủng khiếp đã được sử dụng để biện minh cho việc đàn áp hàng triệu người. Sự kiện này không chỉ gây chấn động tại Trung Quốc mà còn khơi mào một cuộc cách mạng thông tin, thách thức các chế độ áp bức, từ Bắc Kinh đến Tehran, và để lại ảnh hưởng sâu rộng cho đến ngày nay.
Xem phim: “Sự thách thức trong Vương quốc của Tin tức giả”

Bộ phim “Búp bê vải” (Rag Doll): Mặc dù mẹ của Doanh Doanh bị sát hại trong cuộc đàn áp thời hiện đại và cô bé lang thang một mình trên đường phố miền Bắc Trung Quốc, một loại hình nghệ thuật kỳ diệu có thể đoàn tụ họ. Hãy bước vào thế giới của một đứa trẻ, nơi hy vọng và trí tưởng tượng mạnh mẽ hơn dùi cui của cảnh sát hay bạo lực do nhà nước hậu thuẫn, nơi ý chí kiên cường có thể chiến thắng tất cả.

Tịnh Tâm (Biên dịch từ tiếng Anh: https://faluninfo.net/worldwide-activism/)