Trước đây, ở Trung Quốc, bạn gần như không thể đi đâu mà không thấy sự hiện diện của Pháp Luân Công. Các học viên tập trung khắp các công viên trên toàn quốc vào lúc bình minh để thực hiện các bài tập giống Thái Cực Quyền. Các sách của Pháp Luân Công, thường xuyên nằm trong danh sách bán chạy nhất, tràn ngập các kệ sách ở phố Vương Phủ Tỉnh. Và vào mùa hè năm 1999, vô số học viên đã đổ ra đường phố tại thủ đô Trung Quốc để phản đối lệnh cấm phi pháp – một lệnh cấm mà các luật sư nhân quyền hàng đầu sau này gọi là “tội diệt chủng.”
Nếu như vào những năm 1990, Pháp Luân Công nổi bật trong mắt công chúng Trung Quốc, thì khi thế kỷ mới đến gần, nó cũng thu hút sự chú ý của phương Tây: vào các năm 1999 và 2000, những báo cáo về các cuộc biểu tình táo bạo của Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn cùng với những hệ quả bi thảm của chúng thường xuyên xuất hiện trên các bản tin hàng ngày của báo chí phương Tây. Hầu như bất kỳ ai thường xuyên đọc báo cũng có thể nói rằng mình ít nhiều quen thuộc với nhóm này và lệnh cấm nhắm vào họ.
Nhưng từ đó đến nay, như được kể trong một bài luận tại Blog Leeshai Lemish, Pháp Luân Công phần lớn đã biến mất khỏi tầm ngắm của truyền thông, nếu không muốn nói là khỏi ý thức của công chúng. Và thực sự, đã qua rồi cái thời hàng ngàn người tụ tập phản đối tại trung tâm mang tính biểu tượng của Nhà nước Trung Quốc: Bắc Kinh; các biểu ngữ màu vàng đặc trưng, tiếng la hét phản đối và các màn trình diễn bạo lực công khai của cảnh sát để đáp trả phần lớn đã vắng bóng trong 5 năm qua.
Vậy, Pháp Luân Công đã đi đâu, nếu thực sự còn tồn tại? Và điều gì đã xảy ra với họ? Liệu nhà nước cộng sản lớn nhất thế giới – một Goliath so với một David theo bất kỳ phép so sánh nào – đã thực hiện thành công “giải pháp” đề ra của mình đối với “vấn đề Pháp Luân Công,” tức là “xóa sổ” nhóm này? Nhiều người đã diễn giải sự vắng mặt của các cuộc biểu tình công khai như một câu trả lời ngầm là “đúng.” Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy.
Nguồn cảm hứng đằng sau các cuộc biểu tình ban đầu của Pháp Luân Công không hề bị dập tắt, và càng không phải là sự sụt giảm số lượng học viên. Ngược lại, phong trào này đã phát triển, trưởng thành và biến hóa. Với sức mạnh được hun đúc từ niềm tin tâm linh, nhóm này đã vượt qua hơn 20 năm đàn áp tàn bạo cho tới ngày nay, đang như một chất xúc tác cho sự thay đổi ở Trung Quốc với quy mô mà ít ai có thể tưởng tượng. Hiện tại, họ đang tiến hành một nỗ lực về nhân quyền bao gồm nhiều hình thức: từ các cuộc gọi điện thoại, phát tờ rơi, phơi bày sự thật ra công chúng, xâm nhập hệ thống truyền hình cáp, các nhà in ngầm, cho đến cả nghệ thuật. Và mỗi ngày, một dàn hợp xướng của những người không phải là học viên Pháp Luân Công cũng đang tham gia. Họ chán ngán sự cai trị áp bức, đòi hỏi sự thay đổi.
Dù ít được biết đến ở phương Tây, đây có lẽ là phong trào cơ sở lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc – nếu không muốn nói là trên toàn thế giới. Chưa bao giờ lịch sử Trung Quốc chứng kiến một phong trào kết hợp hài hòa giữa bất bạo động, công nghệ cao và niềm tin tôn giáo như thế.
Đây là một câu chuyện mà, khi kết thúc, có khả năng sẽ được kể lại ở Trung Quốc qua nhiều thế hệ.
Mục lục
Ép buộc và khủng hoảng

Vào cuối năm 2001, Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch kiểu Mao Trạch Đông được thiết kế để “xóa sổ” nhóm tu luyện Phật gia này. Với nhiều người, những ngày đen tối nhất dưới Chế độ Cộng sản đã quay trở lại.
Theo The Washington Post, vào năm đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chính thức cho phép “sử dụng bạo lực một cách có hệ thống đối với nhóm này,” kết hợp với “một mạng lưới các lớp tẩy não” và một chiến dịch nhằm “loại bỏ các học viên tại từng khu phố và từng nơi làm việc… Không một học viên Pháp Luân Công nào được tha.” Bài báo kể về James Âu Dương, một kỹ sư điện 35 tuổi, cùng những học viên khác giống như ông “bị đánh đập, bị sốc điện bằng dùi cui và buộc phải chịu đựng những áp lực thể xác không thể tưởng tượng.” Một quan chức của ĐCSTQ, người đã tư vấn cho Chính quyền về cuộc đàn áp này, tuyên bố rằng, “Toàn bộ sự tàn bạo, nguồn lực và khả năng thuyết phục của hệ thống Cộng sản đang được sử dụng – và đang mang lại hiệu quả.”
Và điều đó có vẻ là sự thật. Theo câu chuyện của The Washington Post, Âu Dương, sau khi được thả ra từ trại lao động cưỡng bức, đã từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã gia nhập hàng ngũ những người mà các quan chức Đảng gọi là “được cải tạo.” Theo thống kê, việc ông từ bỏ Pháp Luân Công đồng nghĩa với việc phong trào mất đi một học viên.
Nhưng liệu đó có thực sự là điều mà Âu Dương mong muốn? Đó có phải là biểu hiện của ý chí tự do, sự lựa chọn cá nhân, hay một sự giác ngộ nào đó? Hoàn toàn không.
Câu chuyện trên The Washington Post kể lại với chi tiết đau lòng cách Âu Dương bị “biến thành một thứ ngoan ngoãn” chỉ trong mười ngày bị tra tấn. Ông bị lột trần và thẩm vấn trong năm giờ liên tục mỗi lần. Bất kỳ câu trả lời nào không “đúng” (nghĩa là không nói “vâng”) đều dẫn đến việc bị sốc điện bằng dùi cui. Ông bị ra lệnh đứng im đối diện tường; bất kỳ cử động nào cũng bị sốc, kiệt sức mà ngã xuống cũng bị sốc. Đến ngày thứ sáu, Âu Dương không còn nhìn rõ được nữa—hậu quả của việc phải nhìn vào bức tường thạch cao cách mặt ba inch suốt thời gian đó. Sau đó, ông lại bị sốc thêm một lần nữa, khi đầu gối ông khuỵu xuống, và cuối cùng, ông phải khuất phục trước những yêu cầu của lính canh. Trong ba ngày tiếp theo, ông buộc phải lên án các Pháp lý của Pháp Luân Công. Dù vậy, các sĩ quan vẫn tiếp tục sốc điện ông, khiến ông liên tục không tự chủ được việc đại tiểu tiện. Chỉ đến ngày thứ 10, khi lời tuyên bố từ bỏ của ông được các nhà cầm quyền coi là “đủ chân thành”, ông mới được chuyển đến các lớp tẩy não. Ở đó, sau 20 ngày với những buổi học kéo dài 16 giờ mỗi ngày và một lần từ bỏ Pháp Luân Công được ghi hình chính thức, Âu Dương cuối cùng đã “tốt nghiệp.”
Những trường hợp “cải tạo” như của Âu Dương nhanh chóng được các quan chức Đảng đưa ra làm mô hình thành công. Đó là lý do có việc ghi hình. Với thế giới bên ngoài trại lao động, hoặc những người trong các Khu Lãnh đạo Trung ương ở Bắc Kinh, điều này dường như cho thấy rằng Đảng – Nhà nước đang giành “chiến thắng” trước Pháp Luân Công.
Nhưng những người chứng kiến thường không nhận ra được bản chất mong manh của những “thành công” như vậy. Rất ít người suy nghĩ về việc những điều này bị cưỡng ép một cách khủng khiếp và đầy tính tạm bợ như thế nào. Chúng dựa vào khả năng cưỡng chế của Chế độ. Họ yêu cầu mọi người đưa ra những tuyên bố mà họ không tin tưởng, và thường làm như vậy bằng những hành động tàn ác đến kinh ngạc. Cá nhân “được cải tạo,” khi trở lại với thế giới bên ngoài, luôn là một mối nguy cơ đối với Nhà nước. Người đó phải luôn cảm thấy bị đe dọa, được nhắc nhở về nỗi đau và sự tàn bạo mà họ đã trải qua. Họ phải bị cô lập, để tránh tương tác với các học viên khác chưa “cải tạo,” điều có thể làm khơi dậy mối liên hệ ban đầu với môn tu luyện này. Và họ phải bị tước quyền tiếp cận các Kinh sách của Pháp Luân Công, hoặc bất kỳ thông tin bất đồng nào (không do Nhà nước kiểm soát) về những gì đang được các học viên Pháp Luân Công thực hiện. Nếu không thực hiện bất kỳ biện pháp cưỡng chế nào, sự “chuyển hóa” có thể sẽ mất tác dụng.
Tất nhiên, đây là một đề xuất nguy hiểm đối với một chính phủ không đủ khả năng cung cấp giáo dục hoặc chăm sóc sức khỏe cơ bản cho hàng trăm triệu công dân nông thôn đang phải chịu cảnh nghèo đói cùng cực, hoặc đã chứng kiến khoảng 87.000 cuộc bạo loạn và “sự cố hàng loạt” chỉ hai năm trước. Liệu nó có thực sự có đủ nguồn lực hoặc sức thu hút để thực hiện những chiến thuật như vậy mãi mãi không? Như một phóng viên của tờ New York Times đã viết vào năm 1999, “Đã đến mức này: Đảng Cộng sản Trung Quốc khiếp sợ những người về hưu đi giày tennis đi theo một bậc thầy tâm linh ở Queens?”
Có vẻ như các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không cân nhắc đến hậu quả lâu dài của chiến dịch này. Điều đó có ý nghĩa gì khi chế độ chính trị lớn nhất thế giới ra lệnh cấm và cố gắng “xóa sổ” một nhóm người thiền định, những người mong muốn sống một cuộc đời đức hạnh? Hãng thông tấn Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã vô tình khẳng định chính xác những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt chỉ một tuần sau khi chiến dịch bắt đầu. Tân Hoa Xã tuyên bố rằng, “Thực tế, nguyên lý ‘Chân-Thiện-Nhẫn’ mà Ngài Lý Hồng Chí giảng dạy không có điểm chung nào với sự tiến bộ về đạo đức và văn hóa xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang phấn đấu để đạt được.”
Những người khác, như nhà phân tích Trung Quốc Willy Lâm, sớm nhận thấy những hậu quả chết chóc mà Đảng phải gánh chịu. Viết vào cùng năm mà Âu Dương chịu đựng (2001), ông Lâm tuyên bố rằng, “Trung Quốc đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng (về) “chengxin”, đe dọa không chỉ phá vỡ kết cấu đạo đức của xã hội, mà còn làm trệch hướng các cải cách kinh tế và chính trị.” Ông Lâm giải thích thêm rằng “chengxin” là thuật ngữ tiếng Trung chỉ “sự trung thực” hoặc “ sự đáng tin cậy.”
Khi gần một thập kỷ qua đi kể từ khi chiến dịch chống Pháp Luân Công bắt đầu, cuộc khủng hoảng “chengxin” đã rơi xuống mức độ nghiêm trọng mới, như được chứng kiến qua những tiết lộ hàng ngày về các sản phẩm bị nhiễm độc xuất phát từ Trung Quốc. Rất ít người kết nối việc kem đánh răng bị nhiễm độc với hoàn cảnh của Pháp Luân Công, nhưng sự liên kết này dường như không phải là điều quá xa vời. Khi loại bỏ 100 triệu công dân ưu tú nhất của đất nước, và làm khiếp sợ bất kỳ ai cố gắng sống giống họ, bạn đã tạo ra một công thức cho thảm họa. Nói một cách ẩn dụ là “làm cho siro ho nhiễm độc”.
Trở lại

Các học viên Pháp Luân Công gặp gỡ bí mật với các nhà báo phương Tây gần Bắc Kinh kể lại những vi phạm nhân quyền mà họ hải đối mặt.
Nhiều người như Âu Dương chưa bao giờ thực sự căm ghét Pháp Luân Công. Đối với đại đa số các học viên “được cải tạo,” những lời từ bỏ là do bị ép buộc, theo đúng nghĩa đen, bằng tra tấn và đe dọa. Tuy nhiên, điều họ học được để căm ghét lại là Nhà nước – Đảng. Âu Dương nói với Washington Post: “Bây giờ, mỗi khi tôi thấy cảnh sát và những dùi cui điện đó, tôi cảm thấy buồn nôn, muốn ói.” Nói cách khác, những lời tuyên bố trung thành với Đảng có được từ trong sâu thẳm của hệ thống lao tù Trung Quốc không thực sự tương đương với lòng nhiệt thành cách mạng.
Thay vào đó, các nhân chứng từ Trung Quốc cho rằng, điều đó đã tạo ra một sự căm phẫn sâu sắc đối với kẻ áp bức. Và một vấn đề được đặt ra, như tiêu đề của một bài viết từ Nhà sáng lập Pháp Luân Công đã nói: “Cưỡng ép không thể thay đổi lòng người.” Pháp Luân Công đã mang lại cho rất nhiều người những điều lớn lao – sức khỏe dồi dào, ý nghĩa mới cho cuộc sống, các mối quan hệ được hàn gắn, và một cảm giác lạc quan lan tỏa. Đối với nhiều người, việc từ bỏ thực hành này là sự trở lại với trạng thái đổ vỡ.
Không lâu sau đó, những tuyên bố công khai nhằm hủy bỏ các lời từ bỏ tu luyện bị cưỡng bức bắt đầu xuất hiện. Mang tiêu đề: “Tuyên bố trang trọng,” những lời tuyên bố này bắt đầu xuất hiện hàng loạt trên trang web chính của Pháp Luân Công: Minghui.org. Hàng trăm học viên đã viết những lời tuyên bố mỗi ngày. Đồng Thế Huân, người bị ngược đãi bởi Chính quyền tại một trại lao động ở tỉnh Sơn Đông, đã viết vào tháng 9 năm 2001 rằng ông mong muốn “trang trọng tuyên bố vô hiệu hóa tất cả những gì tôi đã nói và viết khi tôi không còn tỉnh táo vì sự đàn áp khốc liệt.” Như nhiều người khác, tuyên bố của ông đi kèm với lời hứa sẽ chống lại sự đàn áp. “Tôi quyết tâm với việc tu luyện của mình, và sẽ tận dụng cơ hội này để phơi bày những tội ác đang diễn ra,” Ông Đồng viết. “Tôi sẽ nỗ lực gấp đôi để làm rõ sự thật và sửa chữa những sai lầm của mình.”
Hơn 350 triệu người Trung Quốc đã ký vào một bản kiến nghị để rút khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên quan của nó.
Tại thời điểm này, một con số đáng kinh ngạc với hơn 350.000.000(*) tuyên bố đã được gửi đến trang web. Con số này cho thấy cái nhìn thoáng qua về những thay đổi to lớn đang diễn ra. Hãy xem xét điều cần thiết cho mỗi tuyên bố cá nhân. Đầu tiên, người đó phải sẵn lòng đưa ra một tuyên bố công khai. Hành động này, tự nó, có thể khiến một người bị đưa trở lại các trại lao động cưỡng bức, và đã từng xảy ra. Sau đó, cá nhân đó phải có quyền truy cập Internet; không giống như ở Hoa Kỳ, chỉ 1 trên 26 người ở Trung Quốc sở hữu máy tính, chưa kể đến việc cần có kết nối Internet. Hơn nữa, để chỉ truy cập được vào trang web Minghui – và biết về khả năng đưa ra tuyên bố – yêu cầu phải có phần mềm tinh vi, vì sự kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc rất chặt chẽ. Cuối cùng, việc truyền đạt tuyên bố đến trang web này tự nó đã là một nhiệm vụ đầy thách thức, vì có hàng loạt bộ lọc và giám sát Internet được triển khai để ngăn chặn bất kỳ thông tin nào liên quan đến Pháp Luân Công. Chúng ta có thể hình dung rằng với mỗi người đưa ra một tuyên bố vượt qua được những rào cản này và được tính vào số liệu, có thể có thêm 50 học viên khác đã trở lại tu luyện nhưng chưa công khai thông báo.
Những báo cáo từ các làng mạc xa xôi, hẻo lánh được gửi đến Ban biên tập của Minghui và Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đều xác nhận điều này. Nhiều báo cáo cho biết phần lớn các học viên tại địa phương của họ, những người từng tu luyện Pháp Luân Công trước lệnh cấm năm 1999, đã quay trở lại tu luyện, thậm chí với lòng kiên định mạnh mẽ hơn trước.
Trong một số trường hợp, việc bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công không phải là sự trở lại, mà là lần đầu tiên tham gia. Đây là câu chuyện của Trương Tuyết Linh, 32 tuổi, ở tỉnh Sơn Đông. Theo tờ Wall Street Journal, cô Trương bắt đầu tu luyện sau một lần tình cờ gặp gỡ trong tù. Cô Trương bị giam giữ vì điều tra cái chết của mẹ cô, bà Trần Tử Tú, 58 tuổi, người đã bị cảnh sát Trung Quốc sát hại vì đức tin của mình. Trong tù, cô Trương đã gặp một số tù nhân lương tâm là học viên Pháp Luân Công. Cô nhận thấy họ là những người duy nhất đối xử tử tế với cô trong trại giam. Trải nghiệm này đã làm cô cảm động. Sau khi được trả tự do, cô Trương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.
“Tôi từng là một người theo chủ nghĩa duy vật và tin rằng mọi thứ trong cuộc sống đều có thể đạt được từ sự chăm chỉ,” cô Trương chia sẻ với Wall Street Journal. “Nhưng Pháp Luân Đại Pháp có ý nghĩa hơn. Cốt lõi của Pháp Luân Công là ba nguyên lý: “Chân-Thiện-Nhẫn”. Nếu chúng ta tuân thủ những nguyên lý này, chẳng phải đó là ý nghĩa sâu sắc hơn của cuộc sống sao?”
Tuy nhiên, các nguồn tin tại Trung Quốc cho biết nhiều người đã giữ vững đức tin của mình ngay từ đầu, bất chấp mọi nỗ lực “chuyển hóa” của Đảng. Một số người không bị ảnh hưởng; nhiều người đã vượt qua cơn bão. Nhưng cũng có những người, như trường hợp của Cao Dung Dung, một nữ kế toán 37 tuổi ở thành phố Thẩm Dương, đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Cô Cao bị tra tấn đến chết một cách dã man vì từ chối từ bỏ niềm tin của mình. Tính đến nay, hơn 3.000 học viên Pháp Luân Công được biết đã bị giết hại trong cuộc bức hại này.
Niềm tin

Nếu sự gia tăng về quy mô của Pháp Luân Công dường như đã bị các quan sát viên bên ngoài bỏ qua, thì sức mạnh của họ cũng vậy, đặc biệt là sức mạnh về niềm tin. Tuy nhiên, nếu các phong trào bất bạo động vĩ đại nhất của thế kỷ 20 có bất kỳ một dấu hiệu nào đó, thì đó là một sự giám sát. Gandhi từng tuyên bố rằng: “Một nhóm nhỏ những tâm hồn kiên định được thắp sáng bởi niềm tin không thể dập tắt vào sứ mệnh của họ có thể thay đổi dòng chảy của lịch sử.” Chưa kể đến một phong trào với hàng triệu người, vững vàng và ngày càng lớn mạnh.
Lớp niềm tin đầu tiên là lớp trực tiếp hơn trong hai lớp. Từ ngày định mệnh tháng 7 năm 1999 khi đức tin của họ bị cấm, những học viên Pháp Luân Công đã coi cảnh ngộ của họ (một cách chính đáng) là một trường hợp bất công trắng trợn. Lệnh cấm và sự leo thang bạo lực cùng các vụ giết hại sau đó đã vi phạm hiến pháp của Trung Quốc trên nhiều phương diện, cũng như các Công ước Quốc tế mà Trung Quốc đã ký kết. Quyền tự do tín ngưỡng, ít nhất là trên giấy tờ, được đảm bảo ở Trung Quốc. Phải đến tháng 10, Cơ quan Lập pháp Trung Quốc mới ban hành các luật hợp thức hóa việc đàn áp nhóm này – chưa kể đến việc các luật đó được áp dụng hồi tố. Hoạt động của họ chưa từng vi phạm pháp luật với những buổi tập yên bình trong các công viên ở Trung Quốc, thậm chí ngay cả khi họ tập trung đông người để thỉnh nguyện Chính quyền Trung ương gần Trung Nam Hải (trụ sở lãnh đạo trung ương) vào tháng 4 năm 1999, sau khi một số học viên của họ bị cảnh sát thành phố Thiên Tân hành hung. (Thực tế, chính các nhà chức trách Thiên Tân đã hướng dẫn họ đến Văn phòng Thỉnh nguyện Trung ương tại Bắc Kinh).
Đây là một niềm tin ăn sâu, bởi nó được hình thành ở cấp độ tinh thần. Nhiều người nhanh chóng nhận ra rằng cuộc bức hại không nhắm vào những gì họ làm, mà là những gì họ tin – nhắm vào con người họ. Cái giá phải trả hoàn toàn khác. Điều đang bị đe dọa không chỉ là mất đi quyền lợi, mà là mất đi bản thân, thậm chí cả linh hồn.
Một học viên từ Trung Quốc, Triệu Minh, đã miêu tả cảm giác này, nói rằng: “Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy cuộc bức hại Pháp Luân Công hoàn toàn nhắm vào niềm tin của chúng tôi.” Triệu bị tra tấn trong một trại lao động ở Bắc Kinh, nơi anh bị giam giữ suốt hai năm. “[Nó] hoàn toàn là cuộc bức hại niềm tin tinh thần của chúng tôi. Chúng tôi không làm gì trái pháp luật… tra tấn được sử dụng để ‘chuyển hóa’ con người thành những con rối không có lương tâm, có thể bị sử dụng như công cụ để hãm hại người khác.” Thật vậy, nếu toàn bộ nền tảng của Pháp Luân Công là trở thành những con người đạo đức và khỏe mạnh, thì người ta tự hỏi Đảng cầm quyền Trung Quốc muốn “chuyển hóa” họ thành gì thay vào đó.
Tuy nhiên, tẩy não không dễ thực hiện trong trường hợp này. Với rất nhiều người học Pháp Luân Công, việc tu luyện đã trở thành nguồn cảm hứng và sự tốt lành. Với một số người, đó là nguồn sức khỏe và sinh lực hồi sinh. Đối với những người khác, đó là một triết lý có sự cộng hưởng sâu sắc, một lăng kính mới để nhìn và điều hướng cuộc sống, vừa trao quyền vừa làm cho cao quý. Nó cũng giúp lý giải ý nghĩa của sự đau khổ, giống như trong đức tin Phật giáo; hầu hết đều coi nó thấm đẫm giá trị tâm linh. Vì vậy, hai điều tự nhiên xảy ra khi cuộc bức hại bắt đầu. Thứ nhất, đây không phải là điều mà con người có thể dễ dàng từ bỏ chỉ sau một đêm. Thứ hai, họ sẵn sàng chịu đựng vì niềm tin của mình. Cuộc đàn áp không chỉ là sự xúc phạm đến các quyền được công nhận về mặt chính trị: nó là một hình thức bạo lực đối với nhân loại, hoặc thậm chí đối với vũ trụ. Quá trình tu luyện bản thân, như họ gọi, là con đường để xóa bỏ cái tôi nhiều càng nhiều càng tốt, là việc đặt người khác lên trên chính mình (vị tha), ngay cả khi điều đó phải trả giá bằng sự an nguy của bản thân, khi cần thiết. Nói cách khác, Đảng đã đối đầu với một điều lớn hơn chính nó.
Tuy nhiên, đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc, niềm tin còn có một tầng ý nghĩa thứ hai, một tầng ý nghĩa mang tính hướng ngoại hơn. Niềm tin sau này được sinh ra từ lòng từ bi, từ mối quan tâm dành cho người khác, được nuôi dưỡng thông qua việc tu luyện. Hãy nhớ rằng, quá trình tu luyện bản thân là một con đường để xóa bỏ cái tôi, đặt người khác lên trên hết, ngay cả khi điều đó phải trả giá bằng sự an nguy của chính mình, nếu cần thiết. Trong trường hợp này, sự quan tâm của các học viên không chỉ dành cho những người cùng tu luyện Pháp Luân Công (mặc dù điều này chắc chắn đúng), mà còn dành cho những người dân bình thường khác. Pháp Luân Công cảm thấy rằng những người này cũng bị cuốn vào cuộc bức hại và là nạn nhân không kém. Nghĩa là, ở mức độ nào đó, những cá nhân này đã bị lừa dối bởi chiến dịch của Đảng nhắm vào Pháp Luân Công và qua đó, học cách căm ghét Pháp Luân Công.
Khi các học viên Pháp Luân Công nói về những người như vậy là bị “đầu độc” bởi tuyên truyền của Đảng, họ ám chỉ một dạng tổn hại và ô nhiễm về tinh thần. Và vì Pháp Luân Công dạy phải yêu thương những người hàng xóm như yêu chính mình, rất ít học viên không cảm thấy thôi thúc muốn dang tay giúp đỡ những người này. Một học viên đã ví điều này như việc giúp đỡ một đứa trẻ đang bị ốm, khi bị nhiễm bệnh, sức khỏe bị tổn thương và gặp rủi ro nhưng lại không hề nhận thức được điều đó. Tôi đã thấy nhiều người nói về những “nạn nhân khác” như vậy, với nước mắt lăn dài trên má. Lịch sử ủng hộ quan điểm này của Pháp Luân Công, bởi vì nếu không như vậy, làm sao người ta có thể nhìn nhận, chẳng hạn, những thanh niên của Đức quốc xã, những người thông qua chế độ tuyên truyền chống Do Thái hàng ngày, đã dần học cách căm ghét người Do Thái và thậm chí tham gia vào việc giết hại họ.
Mặc dù có lẽ hầu hết các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc chưa bao giờ nghe nói đến Martin Luther King Jr., nhưng mỗi ngày họ dường như minh chứng cho tuyên bố của ông: “Ở trung tâm của bất bạo động là nguyên tắc của tình yêu.”
Từ biểu ngữ đến băng thông

Từ niềm tin đó đã xuất hiện một câu chuyện đáng kinh ngạc về những hành động đầy dũng cảm không ngờ đến, và ít được ca ngợi. Những hành động này đến từ những con người mà ta có thể ít mong đợi nhất – những người già, trẻ em, những người tàn tật – nhưng đã trở thành một lực lượng tạo ra sự thay đổi ở Trung Quốc. Những gì bắt đầu như một lời kêu gọi đơn giản cho không gian để thở đã phát triển thành một nỗ lực đòi quyền rộng lớn, với sự tham gia đáng kinh ngạc của nhiều đối tượng và phương thức khác nhau. Rất ít người ở phương Tây có cảm giác rõ ràng về lịch sử đang được tạo dựng.
Ban đầu, nỗ lực của Pháp Luân Công được định hình bởi một niềm tin, có lẽ đôi lúc là ngây thơ, rằng cuộc bức hại thực chất là một sự hiểu lầm khổng lồ. Tức là, Lãnh đạo Đảng Cộng sản bằng cách nào đó đã hiểu sai; họ không thực sự hiểu Pháp Luân Công là gì. Nhiều người nhớ lại từng tự hỏi: làm sao điều này có thể xảy ra, khi nhóm này, vốn không có tham vọng chính trị, chỉ cố gắng trở thành những công dân và người láng giềng tốt nhất?
Do đó, họ đã đến Thủ đô Bắc Kinh và các trung tâm tỉnh lỵ để thỉnh nguyện Chính quyền. Kể từ buổi đầu của Đế chế Trung Hoa, một hệ thống cho phép công dân “thỉnh nguyện” Nhà cầm quyền đã tồn tại, cung cấp cho người dân thường một phương tiện để bày tỏ bất bình và tìm kiếm sự giải quyết. Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), trong một năm gần đây có tới 10 triệu đơn thỉnh nguyện đã được nộp, và vào bất kỳ thời điểm nào, có khoảng 10.000 người như vậy (được gọi là “người thỉnh nguyện”) có thể đang tụ tập trên các con phố ở Bắc Kinh.
Đó là một hành động phản ứng đầu tiên tự nhiên khi lệnh cấm được công bố vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Và thực vậy, chỉ vài tháng trước đó, vào ngày 25 tháng 4, dường như đã có một giải pháp tích cực khi hàng ngàn học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện Chính quyền Trung ương; Thủ tướng lúc bấy giờ, Chu Dung Cơ, đã đích thân gặp đại diện của nhóm và đưa ra những cam kết.
Tuy nhiên, điều mà các học viên không thể ngờ tới là Chính quyền hoàn toàn không quan tâm đến việc lắng nghe những mối quan tâm của Pháp Luân Công. Hàng nghìn người bị bắt vì cố gắng thỉnh nguyện, mặc dù đó là quyền được Nhà nước chỉ định. Chẳng bao lâu, người ta biết rằng tất cả các Văn phòng Thỉnh nguyện đều nhận lệnh bắt giữ bất kỳ học viên Pháp Luân Công nào bước vào. Giang Trạch Dân, người ra lệnh đàn áp, được cho là đã đốt hàng thùng thư do các học viên Pháp Luân Công khốn khổ gửi đến ông ta.
Bạo lực sớm xuất hiện, với tần suất và mức độ ngày càng gia tăng. Các nhân chứng báo cáo về những vụ đánh đập công khai. Những cái chết bắt đầu được đưa ra ánh sáng. Và các phương tiện truyền thông rõ ràng chỉ có một mục tiêu – một mục tiêu do Đảng định sẵn. Đến cuối tháng đầu tiên của chiến dịch, Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng, đã đăng một con số kinh ngạc: 347 bài báo lên án Pháp Luân Công. Các cuộc tuyên truyền kéo dài suốt ngày đêm được phát qua Truyền hình Nhà nước, gán ghép Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với xã hội. Và chỉ trong bảy ngày đầu tiên của chiến dịch, Chính quyền tự hào tuyên bố đã tịch thu hơn 2 triệu cuốn sách Pháp Luân Công bị coi là “bất hợp pháp”; thậm chí ở một số thành phố, còn diễn ra các buổi đốt sách công khai, dưới sự giám sát của Cục An ninh Công cộng.
Giờ đây, nhóm Pháp Luân Công không chỉ đối mặt với những nhà chức trách cứng đầu mà họ cố gắng làm sáng tỏ vấn đề, mà cả toàn bộ người dân cũng đứng trước nguy cơ bị nhầm lẫn. Do đó, các học viên đã đưa những thỉnh nguyện của mình ra công khai, theo cách nào đó. Những địa điểm mang tính biểu tượng nổi bật như Quảng trường Thiên An Môn trở thành nơi đấu tranh. Người ta có thể thấy nông dân, doanh nhân, y tá, nhà khoa học, thậm chí cả trẻ nhỏ giương cao những biểu ngữ màu vàng. Nhằm mục đích giáo dục, thông điệp thường tuyên bố: “Pháp Luân Công là Tốt!” hoặc “Khôi phục danh dự cho Pháp Luân Đại Pháp.”
Như dự đoán, Chính quyền Đảng không tỏ ra khoan dung hơn đối với những hành động này. Thông thường, người biểu tình sẽ phải đối mặt với cú đấm, cú đá từ cảnh sát Trung Quốc, sau đó là các cuộc thẩm vấn, rồi bị giam giữ hoặc kết án ba năm trong trại lao động. Cái giá phải trả rất nặng nề và có thể cảm nhận được rõ ràng.
Năm 2002, đã có một sự thay đổi lớn, đánh dấu một kỷ nguyên mới với các nỗ lực tinh vi và thực tế hơn, nếu không muốn nói là quyết tâm hơn. Chính năm đó, một nhóm khoảng gần 50 học viên Pháp Luân Công phương Tây đã đến Thiên An Môn và lại giương cao biểu ngữ màu vàng, chỉ đơn giản ghi: “Chân-Thiện-Nhẫn.” Đến thời điểm đó, rất ít học viên Trung Quốc còn đến Thiên An Môn, vì nhiều lý do, và số lượng đó sau này còn giảm hơn nữa. Đây đánh dấu một thời kỳ mới, mặc dù kỳ lạ thay, một thời kỳ mà Thiên An Môn không còn đóng vai trò lớn nữa. Thay vào đó, các nỗ lực sẽ lan rộng ra khắp các thành phố, con đường, ngõ hẻm và từng ngôi nhà.
Đến tháng 3 cùng năm, các học viên Pháp Luân Công tại thành phố Trường Xuân, Đông Bắc Trung Quốc (nơi khai sinh của môn tu luyện này) đã thành công trong việc truy cập vào hệ thống cáp truyền hình lớn và thay thế các chương trình thông thường bằng một video thông tin về Pháp Luân Công. Đoạn video được phát trên tám kênh khác nhau và kéo dài suốt 45 phút. Đối với hàng nghìn cư dân của thành phố, đây là lần đầu tiên trong ba năm họ được tiếp cận với những mô tả độc lập về Pháp Luân Công và hoàn cảnh của họ; đơn giản chỉ cần cố gắng đọc thông tin về Pháp Luân Công trên mạng cũng có thể bị bắt giam. Chính quyền – cả ở cấp địa phương lẫn trung ương – đã bị chấn động đến mức ra lệnh thiết quân luật tại Trường Xuân và mở một cuộc truy lùng. Lệnh được ban hành là “bắn chết” và “bắn ngay tại chỗ” bất kỳ ai bị bắt gặp đang cố gắng thực hiện một lần truy cập khác. Những người tham gia vào sự việc này cuối cùng đã bị lần ra, tra tấn và sát hại.
Những báo cáo về các kỳ công kỹ thuật tương tự nhanh chóng xuất hiện từ các tỉnh khác như Tứ Xuyên và Liêu Ninh, với những phản ứng tương tự từ phía ĐCSTQ. Cả hai bên đều đẩy mức độ căng thẳng lên một cách đáng kể.
Cũng vào khoảng thời gian này, các xưởng in ngầm, được gọi là “điểm sản xuất tài liệu” bởi những người tham gia, bắt đầu mọc lên như nấm trên khắp đất nước. Đây là cách làm thiết thực nhất tại Trung Quốc trong bối cảnh thông tin bị Nhà nước độc quyền. Khiêm tốn và thô sơ, những điểm sản xuất này thường được đặt tại một góc nhà của một học viên Pháp Luân Công. Ở mức cơ bản nhất, những điểm sản xuất chỉ bao gồm một chiếc máy in; đôi khi có thêm một máy photocopy và có thể là một máy tính. Tại đây, trong những không gian chật hẹp, những người đầy quyết tâm sẽ sản xuất một loạt các tài liệu tự làm – thường là tờ rơi, sách mỏng và đĩa VCD.
Sau đó, thường dưới sự che chở của màn đêm, các nhóm học viên (hoặc đôi khi chỉ là cá nhân) sẽ tỏa đi khắp khu vực để phân phát các tài liệu này. Đến sáng sớm, những tờ rơi có thể được nhìn thấy nằm trong giỏ xe đạp, dán trên tường thành phố; đĩa VCD được luồn dưới cửa; hoặc sách mỏng được kẹp dưới cần gạt nước xe hơi hay thậm chí trong hộp thư. Đến tháng 3 năm 2002, tờ Washington Post đã đưa tin rằng hàng ngàn đĩa VCD đã xuất hiện tại các thành phố lớn. Trong khi đó, một người phụ nữ đã thoát khỏi Trung Quốc, Vương Ngọc Chi (Wang Yuzhi), mô tả trong hồi ký Chuanyue Shengsi (Vượt qua ranh giới giữa Sống và Chết) rằng từ giữa năm 2001, chỉ trong một khoảng thời gian ba ngày, bà đã in hàng trăm ngàn tờ rơi, sau đó được những người khác tại tỉnh Hắc Long Giang phân phát. Đối với những người khác, cũng giống như bà Vương, toàn bộ chi phí đều được họ tự chi trả từ tiền túi.
Theo thời gian, các điểm sản xuất tài liệu cũng như việc phân phát ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Một số thành phố hiện báo cáo rằng thậm chí những người không phải học viên Pháp Luân Công cũng tham gia in ấn và phân phát các tài liệu này.
Tuy nhiên, không chỉ có các khẩu hiệu khẳng định mới được treo gần đây. Những áp phích phơi bày những cá nhân hoặc tổ chức chịu trách nhiệm cho các hành vi đàn áp giờ đây được dán lên ở các khu vực cụ thể khi có vấn đề được phát hiện. Các học viên Pháp Luân Công thường tổ chức một chiến dịch tại một khu vực sau khi biết về những vi phạm nhân quyền, thường là tra tấn, do một số cảnh sát hoặc quan chức thực hiện. Ý tưởng là “vạch trần tại địa phương,” như cách họ gọi, và hiệu ứng thường tức thời và rõ ràng. Một cai ngục lạm dụng có thể tỉnh dậy vào một ngày và thấy các tờ rơi được dán trên tường tòa nhà của mình, mô tả các hành vi độc ác của hắn tại Trung tâm Giam giữ địa phương; hàng xóm có thể đã nhận được tờ rơi, cũng như người thân, đồng nghiệp và nhiều người khác. Ở một đất nước mà “giữ thể diện” được coi trọng nhất, kinh nghiệm cho thấy rằng bọn côn đồ có thể bị “làm nhục thẳng tay”, có thể nói như vậy.
Việc vạch trần này càng thêm trọng lượng khi được đưa lên mạng và thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài. Mặc dù việc chuyển thông tin ra khỏi Trung Quốc không phải điều dễ dàng, nhưng vẫn có một lượng lớn thông tin được truyền ra ngoài. Một phần đáng kể trong hệ thống này là trang web “Fawanghuihui.org” (“Mạng lưới Công Lý rộng lớn”), nơi tại bất kỳ thời điểm nào cũng có thể cung cấp hồ sơ của khoảng 51.000 “kẻ gian ác.” Một mục nhập thông thường bao gồm tên cơ quan, đơn vị công tác, giới tính, chức vụ và số điện thoại.
Phần cuối cùng – số điện thoại – là yếu tố then chốt, và gắn liền với một nỗ lực cơ sở khác với quy mô đáng kinh ngạc: các cuộc gọi điện thoại. Khi các văn phòng tiếp nhận đơn thư bị đóng cửa đối với Pháp Luân Công, và không có lối thoát nào qua hệ thống tòa án, các học viên đã phải tự trở thành một hệ thống pháp lý cho chính mình. Nếu các trang web như Fawanghuihui.org và Minghui.org hoạt động như các tòa án ảo, thì các cuộc gọi điện thoại tới những kẻ phạm tội chắc chắn là một phần trong “bản án.” Trên khắp Trung Quốc và từ các quốc gia trên toàn thế giới, các học viên đã thực hiện một số lượng cuộc gọi đáng kinh ngạc – với số lượng khổng lồ – tới những kẻ chịu trách nhiệm trực tiếp nhất cho nỗi đau của họ.
Nhưng hy vọng là gì? Không hẳn là “làm nhục thẳng tay” trong trường hợp này. Thay vào đó, hy vọng quay trở lại với niềm tin chung của các học viên Pháp Luân Công. Một trong những nguyên tắc chính của họ là mọi con người, dù hành động của họ có thấp hèn đến đâu, đều chứa đựng hạt giống của sự thiện lương, và vì lý do đó, họ đáng được trân trọng. Việc liên lạc được xem như một hành động từ bi; kẻ bức hại, khi anh ta làm hại người khác, cuối cùng, đang làm hại chính mình. Nhiều người mô tả các cuộc trò chuyện qua điện thoại của họ như những nỗ lực để “đánh thức” mặt thiện trong kẻ bức hại, để khơi dậy lương tâm của họ. Một số quan chức đã công khai tuyên bố qua điện thoại: “Tôi sẽ không bao giờ làm hại người của các bạn nữa – tôi đã sai.” Những chiến thắng trong cuộc sống có nhiều hình thức khác nhau.
Vì không gian công cộng không được phép tồn tại cho Pháp Luân Công tại Trung Quốc, dù là không gian vật lý hay xã hội, những chiến thắng như vậy được chia sẻ trong không gian ảo, chẳng hạn như trên Internet. Không có thực thể nào quan trọng hơn ở đây ngoài trang web Minghui.org. Trang web này không chỉ kết nối các cộng đồng trong và ngoài Trung Quốc mà còn làm được nhiều hơn thế. Trang web cung cấp một loạt các ấn phẩm sẵn sàng để in ấn và phân phát tại Trung Quốc, thậm chí còn có các video ngắn để ghi ra đĩa CD, với lựa chọn các nhãn dán kín đáo khác nhau. Tại đây, người dùng thậm chí có thể tìm thấy những chi tiết cơ bản của một cuộc biểu tình bất bạo động hiệu quả: một trong các trang web có sơ đồ cấu tạo và cách lắp ráp một loại “súng cao su treo biểu ngữ” (thiếu một thuật ngữ chính xác hơn), dùng để phóng và treo biểu ngữ treo cao lên ngọn cây hoặc trên dây điện thoại – nơi mà nó sẽ nằm ngoài tầm với của những kẻ phá hoại.
Trang web Minghui.org đã trở thành một mỏ vàng thông tin và cảm hứng. Các báo cáo về sự đàn áp tại Trung Quốc ghi nhận các trường hợp tra tấn và xác định nạn nhân cần được giúp đỡ; những câu chuyện về các hoạt động trên toàn thế giới mang lại hy vọng và nâng cao nhận thức; diễn đàn cung cấp không gian trao đổi ý tưởng; các bài luận cá nhân kể về sự trưởng thành của từng người trong tu luyện và sức mạnh trước sự đàn áp; và tất nhiên, các “tuyên bố trang trọng” cho phép những người từng bị “bẻ gãy” bởi tra tấn và tẩy não được bắt đầu lại. Vào bất kỳ ngày nào, trang web có thể nhận được liên lạc từ hàng trăm người.
Điều này, tất nhiên, không hề dễ dàng như tưởng tượng: Minghui.org và tất cả các trang web tương tự đều bị Chính quyền Trung Quốc cấm, và chỉ cần truy cập vào các trang web này từ bên trong Trung Quốc – nếu bạn vượt qua được các chặn lọc Internet – cũng có thể dẫn đến việc bị đưa vào nhà tù.
Một lần nữa, sự phối hợp quốc tế đã chứng minh vai trò thiết yếu. Kể từ những ngày đầu của cuộc đàn áp, các học viên Pháp Luân Công tại phương Tây đã làm việc hết sức chăm chỉ để phát triển và triển khai các công nghệ Internet phá vỡ sự kiểm duyệt của Chính quyền, đạt được những thành công đáng kinh ngạc. Hãy thử xem xét điều này: Năm 2005, các trang web được mở khóa bởi phần mềm của Pháp Luân Công đã nhận trung bình hơn 30 triệu lượt truy cập mỗi ngày từ người dùng Trung Quốc. Các trang web như Voice of America (Tiếng nói Hoa Kỳ) và Radio Free Asia (Đài Á Châu Tự Do) đã trở nên có thể truy cập được tại Trung Quốc nhờ các công nghệ này, cùng với các phiên bản không bị kiểm duyệt của các công cụ tìm kiếm như Google. Không một nhóm nhà hoạt động Internet nào khác đạt mức độ thành công nào gần được như vậy. Và điều đáng kinh ngạc hơn cả là tất cả đều tự tài trợ và thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
Thật vậy, một “nhóm nhỏ những linh hồn kiên định” có thể, nếu được “truyền cảm hứng bởi niềm tin không thể dập tắt vào sứ mệnh của mình,” thay đổi cả dòng chảy của lịch sử. Gandhi đã biết điều đó từ kinh nghiệm bản thân.
Hỗ trợ qua Internet chỉ là một trong nhiều bàn tay trợ giúp từ nước ngoài. Bạn có thể nói rằng các học viên Pháp Luân Công ở phương Tây đã đóng góp hy sinh không kém gì những người đồng tu tại Trung Quốc. Ví dụ, trong khi một số người tại Trung Quốc gọi điện thoại đến nhà tù và trại lao động để nói chuyện với các cai ngục bạo hành, thì những người bên ngoài Trung Quốc cũng thực hiện các cuộc gọi tương tự. Đến năm 2005, ước tính đã có từ 30–40 triệu cuộc gọi được thực hiện. Các đường dây điện thoại cũng được tận dụng thông qua máy fax, với các học viên ở nước ngoài gửi trung bình 300.000 fax vào Trung Quốc mỗi tháng. Tương tự, cộng đồng lớn hơn đã gửi các VCD thông tin và nhiều ấn phẩm khác vào Trung Quốc.
Các nỗ lực khác từ cộng đồng nước ngoài bao gồm việc sử dụng rộng rãi các phòng chat Internet cũng như phát sóng các chương trình phát thanh và truyền hình qua vệ tinh vào Trung Quốc. Tất cả, một lần nữa, đều được thực hiện mà không có bất kỳ khoản thù lao tài chính nào và trên cơ sở tự nguyện, trong thời gian rảnh rỗi. Đó chính là sức mạnh của niềm tin.
Rút khỏi các tổ chức của Đảng

Sau gần một thập kỷ phải chịu đựng sự tàn bạo, nhục nhã và thiếu thốn vì niềm tin tinh thần của mình, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã dần nhận ra rõ ràng cách vận hành của bộ máy đàn áp. Một đánh giá sắc bén hơn đã hình thành qua thời gian, bạn có thể cho là ít lạc quan hơn rất nhiều.
Nếu như ban đầu một số nhân vật chủ chốt đứng sau thảm kịch này có thể được xác định (ví dụ như Giang Trạch Dân, La Cán, và Lý Lam Thanh), và rõ ràng nhiều quan chức không đồng tình với các biện pháp hà khắc (ví dụ như Chu Dung Cơ), thì theo thời gian, sự phân biệt này ngày càng trở nên mờ nhạt. Các chiến dịch mạnh tay và các cuộc thanh trừng lặp đi lặp lại dần loại bỏ những người bất đồng ý kiến khỏi hàng ngũ của Đảng, củng cố bộ máy đàn áp. Bất đồng nghĩa là mạo hiểm sự nghiệp của mình. Những kẻ nhiệt tình nhất trong việc thực hiện đàn áp lại thăng tiến nhanh chóng, khi mà sự tuân lệnh trở thành tiêu chí được gắn liền với phần thưởng ở mọi cấp độ của hệ thống.
Chính hệ thống của Đảng Cộng sản đã trở thành vấn đề. “Nó đã mục nát không thể cứu vãn,” phát ngôn viên của Pháp Luân Công tại New York, Trương Nhị Bình, nói. “Việc thay đổi hoặc cố gắng sửa chữa bất kỳ phần nào, chẳng hạn như hệ thống tòa án, là vô nghĩa, khi mà mọi thứ từ truyền thông đến hệ thống giáo dục cho tới các trại lao động đều bị Đảng kiểm soát và phục vụ cho Đảng. Vấn đề là mang tính hệ thống đến mức không thể tưởng tượng nổi.”
Triệu Minh, người từng bị tra tấn tại Trại Lao động Tuấn Hà ở Bắc Kinh, đồng tình với quan điểm của Trương Nhị Bình. “Họ đã làm điều này xuyên suốt lịch sử của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong thời kỳ ‘Cách mạng Văn hóa,’ họ đã phá hủy và quét sạch mọi tín ngưỡng truyền thống của Trung Quốc, bao gồm Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Không một người phương Tây nào có thể hiểu được điều này. Tôi muốn nói rằng bạn không thể lý giải hành động của họ bằng một tư duy bình thường.”
Đối với nhiều người, sự tàn ác và thù hận mà họ chứng kiến từ Đảng áp đặt lên họ đã thúc đẩy, như đối với Trương và Triệu, một sự tái xem xét. Liệu đó chỉ là đối với Pháp Luân Công? Hay Đảng đã làm điều này trước đây, và dưới những hình thức khác?
Câu trả lời được trình bày trong cuốn sách: “9 bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc” hay gọi tắt là “Cửu Bình” theo tên tiếng Trung. Loạt bài này được xuất bản bởi một tờ báo tiếng Trung tên là Đại Kỷ Nguyên (The Epoch Times), nơi mà một số người theo Pháp Luân Công đóng góp thời gian biên soạn. Chỉ trong vòng một tháng kể từ khi phát hành (tháng 11 năm 2004), loạt bài đã gây chấn động khắp các hành lang quyền lực của Trung Quốc và trên toàn lãnh thổ. Khi đó, Mạnh Vĩ Tài, cựu Giám đốc Cục Văn học và Nghệ thuật Trung Quốc, cùng Hoàng Hiểu Minh, một vận động viên đoạt huy chương Olympic, đã tuyên bố rời khỏi Đảng. Một làn sóng từ chức nhanh chóng bắt đầu, nhận được sự xác nhận gián tiếp mạnh mẽ nhất từ các bài phủ nhận chính thức của những cơ quan như Tân Hoa Xã, Hãng thông tấn Nhà nước. Các hành động khác của Đảng, vốn khó hiểu, cũng sớm xuất hiện, chẳng hạn như các buổi học tập bắt buộc và các chiến dịch tăng cường “kỷ luật Đảng” cũng như “bảo vệ tính tiên tiến” của Đảng. Lãnh đạo Đảng có lo lắng không? Chính những điều này càng làm tăng sự quan tâm đến loạt bài Cửu Bình.
Trong thời gian ngắn, con số 100–200 người từ bỏ Đảng mỗi ngày ban đầu đã tăng lên hàng nghìn; vào ngày bài viết này được viết, đã có 33.613 người tuyên bố rút khỏi Đảng, trong khi riêng tháng 6 năm 2007, con số là 958.587 người. (Cần lưu ý rằng “Tam thoái” bao gồm Đảng Cộng sản và hai tổ chức liên kết của nó – Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên Tiền phong, mà nhiều người ở Trung Quốc gia nhập với “lời thề máu” từ khi còn nhỏ.)
Nhưng tại sao lại có một phản ứng mạnh mẽ như vậy, và từ nhiều người đến thế? Stephen Gregory, một biên tập viên tại The Epoch Times, đưa ra lời giải thích: “Sau 55 năm sống trong dối trá và khủng bố, người dân Trung Quốc giờ đây có cơ hội để hiểu biết lịch sử thực sự của mình. Lần đầu tiên, họ có thể chia sẻ với nhau những mất mát to lớn mà họ đã chịu đựng dưới chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lần đầu tiên, họ có thể lùi lại khỏi cơn ác mộng cộng sản và suy ngẫm về vẻ đẹp và ý nghĩa của nền văn minh cổ đại mà Đảng Cộng sản đã nỗ lực không ngừng để phá hủy.”
Nhận xét của Gregory gợi ý hai điểm quan trọng. Thứ nhất, đối với nhiều người, Cửu Bình và cơ hội để tách mình khỏi Đảng giống như một hành động thanh tẩy, một sự chữa lành tâm hồn, và một cơ hội để hòa giải với chính mình và quá khứ. Thứ hai, đây cũng là một hành động giành lại – giành lại văn hóa và lịch sử Trung Hoa, cả hai đều đã bị giam cầm bởi sự thất thường và độc đoán của Đảng trong gần sáu thập kỷ. Chủ nghĩa Cộng sản, như Cửu Bình chỉ rõ một cách sâu sắc, là sản phẩm của tư tưởng châu Âu thế kỷ 19, chứ không phải là Trung Quốc truyền thống.
Nhìn theo ánh sáng này, Cửu Bình có thể được coi là một hành động phi chính trị hóa, chứ không phải ngược lại. Nghĩa là, loạt bài tìm cách gỡ bỏ bóng ma của chủ nghĩa Cộng sản khỏi mọi thứ thuộc về Trung Hoa mà nó đã gắn bó và chính trị hóa theo những cách hèn hạ nhất – hãy hình dung Khổng Tử bị coi là “phản cách mạng” hoặc trẻ em bị buộc phải đập phá tượng Phật vì bị cho là “mê tín phong kiến.” Tương tự, đối với Pháp Luân Công, đây là hành động phi chính trị hóa tối cao, vì Cửu Bình là một lời mời cá nhân đến sự đổi mới và phục hồi bản thân- một bản thân tự do khỏi chính trị Đảng, khỏi sự lạm dụng tùy tiện, khỏi sự tàn ác khủng khiếp. Đây là đỉnh cao của sự kháng cự phi bạo lực: sự kháng cự, hay sự thay đổi, ở cấp độ tâm hồn.
Tác động

Nếu các biểu ngữ không hẳn là một thước đo tốt, thì ngược lại, những tuyên bố công khai từ người dân lại là một minh chứng rõ ràng hơn. Một làn sóng ý kiến ngày càng lớn từ khắp nơi trong Trung Quốc cho thấy những nỗ lực của Pháp Luân Công đang có tác động – và là tác động to lớn.
Ngay từ năm 2000, các nhân vật nổi bật tại Trung Quốc đã bắt đầu nhắc đến tấm gương của những nỗ lực bất bạo động từ Pháp Luân Công. Theo một báo cáo của Reuters vào tháng 9 năm đó, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc Hoàng Bắc Lĩnh đã “kêu gọi giới trí thức của đất nước noi gương những người thiền định Pháp Luân Công bằng cách chống lại sự đàn áp của Chính phủ thông qua sự bất tuân dân sự rộng rãi.” Bài báo trích lời ông Hoàng nói rằng: “Họ đã làm điều này một cách hòa bình. Khi bị đánh, họ không đánh trả. Giới trí thức cũng nên làm điều tương tự.”
Lưu Bân Nghiên, thường được gọi là “lương tâm của Trung Quốc” và là nhà báo quan trọng nhất của đất nước trong 50 năm qua, đã mô tả Pháp Luân Công là những người có “lòng dũng cảm chưa từng có,” giải thích rằng: “Những người này vẫn kiên quyết thực thi quyền của mình dù họ biết rất rõ rằng họ sẽ bị bắt và một số người có thể phải đối mặt với án tử hình. Thái độ này chưa từng có trong lịch sử 50 năm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Thái độ đó, cùng với nỗ lực của những người tu luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc để truyền tải thông điệp này đến người khác, đang tạo nên sự ngưỡng mộ mà những năm đầu chưa từng có. Chẳng hạn, vào dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, hàng trăm lời chúc mừng năm mới gửi tới Ngài Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập Pháp Luân Công, đã được đăng tải trực tuyến, nhưng lần này với một sự khác biệt. Cụ thể, chúng đến không chỉ từ các học viên Pháp Luân Công mà còn từ những người ủng hộ và quan sát, những người đã tìm thấy cảm hứng từ hành vi của Pháp Luân Công. Ông Hồ Bình, một trí thức và tác giả hàng đầu của Trung Quốc, đã mô tả hành động “chèn sóng truyền hình” của Pháp Luân Công là một “kỳ công đáng kinh ngạc,” và gọi nhân vật chính, anh Lưu Thành Quân, là một “anh hùng Pháp Luân Công” và “một liệt sĩ trong cuộc đấu tranh vì tự do ngôn luận.”
Tác động của Cửu Bình đặc biệt rõ rệt. Chẳng hạn, hãy xem xét lời kêu gọi được đưa ra gần đây bởi ông Cao Trí Thịnh, một người Cơ Đốc giáo và là một trong những luật sư nổi tiếng nhất của Trung Quốc. “Về cách mang lại sự thay đổi bất bạo động, tôi nghĩ rằng Pháp Luân Công đã thành công khi tìm ra một phương pháp thay đổi mà không đổ một giọt máu nào. Phương pháp đó là thuyết phục mọi người thoái xuất khỏi Đảng tà ác – một đảng đã thực hiện mọi hình thức tội ác có thể tưởng tượng được trên thế giới này. Đề nghị của tôi là hãy thoái xuất khỏi Đảng và đến gần hơn với Chúa!” Về phần mình, ông Cao gọi ngày ông thoái xuất khỏi Đảng là “ngày tự hào nhất trong cuộc đời tôi.”
Những năm gần đây đã chứng kiến một loạt người từ bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc, mỗi người mang theo một câu chuyện liên quan đến Pháp Luân Công và sự thay đổi tâm hồn. Chẳng hạn, Trần Vĩnh Lâm, từng là Lãnh sự Chính trị của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, đã cảm thấy chán ngán với công việc của mình ở đó, phần lớn liên quan đến việc gián điệp (trái phép) đối với các học viên Pháp Luân Công địa phương. Một người ly khai khác (tới Canada), Hàn Quảng Sinh, là Cục trưởng Cục Tư pháp thành phố Thẩm Dương, từng giám sát các trại nơi học viên Pháp Luân Công bị tra tấn. Một người khác đào thoát tới Úc, Hạo Phong Quân, từng là một sĩ quan cảnh sát trong “Phòng 610” khét tiếng của Trung Quốc – cơ quan được giao nhiệm vụ xóa sổ Pháp Luân Công.
Mỗi người đều xuất hiện với tâm trạng pha trộn giữa niềm tin và sự hối tiếc, hiểu rõ những rủi ro khi công khai.
Cả ba cũng tuyên bố rằng chính việc đọc Cửu Bình đã truyền cảm hứng cho họ từ bỏ Đảng.
Mặc dù giới chức Đảng đã cố gắng giảm nhẹ tác động của Cửu Bình, nhưng động thái này xuất phát từ nỗi sợ hãi, chứ không phải sự tự tin. Hãy cân nhắc điều này: Một nghiên cứu năm 2005 của OpenNet Initiative – dự án hợp tác giữa các viện tại Đại học Toronto, Harvard, và Cambridge – đã phát hiện rằng 90% các trang web thử nghiệm tại Trung Quốc có chứa tham chiếu đến “Cửu Bình” bị chặn – một trong ba tỷ lệ cao nhất được tìm thấy trong nghiên cứu.
Có lẽ sự thay đổi đáng chú ý nhất là từ chính quần chúng nhân dân Trung Quốc, những người bị cưỡng ép đối xử tàn nhẫn với Pháp Luân Công. Công dân Trung Quốc – những người bình thường, không phải học viên Pháp Luân Công – đang tự mình viết những tuyên bố “nghiêm chính” giống như những tuyên bố đã được thảo luận trước đó trong bài viết này, để đăng lên trang Minghui.org. Lần lượt các bài viết đều mô tả việc họ bị đe dọa, cưỡng ép, và ép buộc để chống lại Pháp Luân Công.
Trong một câu chuyện xúc động, một người đàn ông họ Phùng kể rằng các chương trình tuyên truyền trên truyền hình do nhà nước điều hành nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công đã khiến ông vô cùng sợ hãi. Ông sợ đến mức quyết định đốt cuốn sách Pháp Luân Công trong nhà. Ngay sau đó, ông trở bệnh nặng. Một lần tình cờ gặp bạn, ông nhận được một trong những ấn phẩm của Minghui.org – do các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc in ra sau khi truy cập trang web qua công nghệ vượt tường lửa. Lúc đó, ông nhận ra rằng những chương trình truyền hình đã lập trình ông phải căm ghét, giống như các tờ báo do Nhà nước điều hành. “Pháp Luân Công không nên bị bức hại,” ông Phùng tuyên bố trong bài viết của mình, và thề sẽ thay đổi bản thân; ông bắt đầu âm thầm nhẩm các chữ “Chân, Thiện, Nhẫn” của Pháp Luân Công và phát hiện rằng, chỉ vài ngày sau, “mọi bệnh tật của tôi đã biến mất!” Ông Phùng kết thúc lá thư của mình bằng cách xin được tha thứ.
Đến nay, hơn 55.000 tuyên bố công khai như của ông Phùng đã được đăng tải trực tuyến, với hàng trăm tuyên bố mới được gửi đến mỗi tuần.
Ngay cả những người chưa sửa đổi hành vi của mình cũng đã ngầm thừa nhận sự phát triển ngày càng lớn mạnh này. Lịch sử, dường như họ biết, không đứng về phía họ. Trần Vĩnh Lâm đã chỉ ra rằng nhiều quan chức cấp cao trong Đảng bắt đầu lo lắng gửi gia đình ra nước ngoài. Theo lời ông, Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, những nhân vật chủ chốt trong chiến dịch diệt chủng, đã cố gắng xin chứng nhận tình trạng nhập cư tại Úc – cho chính họ. “Chúng ta sẽ chứng kiến sự sụp đổ của Đảng trong tương lai gần,” Trần tự tin nói.
Một dấu hiệu bất ngờ khác xuất hiện vào năm 2005, khi một số nguồn tin từ Trung Quốc tiết lộ những chỉ thị lạ lùng trong bộ máy an ninh nhà nước. Kế hoạch lần này là gì? Bắt đầu tiêu hủy các tài liệu liên quan đến chiến dịch chống Pháp Luân Công. Động thái này được mô tả là “công việc che đậy” trước khi có sự đảo ngược chính sách về Pháp Luân Công.
Hoặc có thể là một sự đảo ngược lớn hơn: về chế độ chính trị. Theo các nguồn tin ở Trung Quốc, vào ngày 25 tháng 3 năm 2006, trụ sở Đảng tại tỉnh Hắc Long Giang đã ban hành một thông tư yêu cầu tiêu hủy tất cả các tài liệu mật do Trung ương hoặc Văn phòng cấp tỉnh ban hành. Lần này, không chỉ liên quan đến Pháp Luân Công, mà còn về các hoạt động của Đảng Cộng sản nói chung.
Liệu dòng chảy lịch sử đã thay đổi rồi chăng?
Đánh giá của ông Hồ Bình một lần nữa dường như rất sâu sắc. Viết vào năm 2004, ông Hồ tuyên bố rằng: “Pháp Luân Công không thể bị đánh bại. Chính phủ Cộng sản Trung Quốc là một trong những chế độ chính trị độc tài mạnh nhất trên thế giới; trong năm năm qua, họ đã huy động cả một quốc gia như một cỗ máy để tiêu diệt Pháp Luân Công, nhưng không thành công. Pháp Luân Công đã giữ vững được sự chính trực trong cuộc thử thách kinh hoàng và chưa từng có này.”
“Ngay cả những người biết chút ít cũng không nghi ngờ rằng cuộc đàn áp này sẽ kết thúc trong thất bại hoàn toàn. Sức sống của Pháp Luân Công không thể bị đánh giá thấp, và triển vọng tương lai của họ rất tươi sáng.”
Nhưng điều đó có ý nghĩa gì với Trung Quốc? Liệu sự thay đổi có cần phải mang tính đe dọa? Đánh giá của ông Hồ mang lại sự trấn an: “Pháp Luân Công sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hưng các giá trị đạo đức ở Trung Quốc.”
Ghi chú:
(*) Số người “Tam thoái” tính đến tháng 02/2025 là hơn 433.000.000 người.
Thu Yên (Dịch từ bản tiếng Anh: https://faluninfo.net/falun-gong-story-peaceful-resistance/)