Tại sao Pháp Luân Công bị đàn áp tại Trung Quốc?

Chỉ sau bảy năm được giới thiệu với công chúng ở Trung Quốc, Pháp Luân Công đã từ một môn khí công tu luyện được yêu thích trên khắp đất nước trở thành kẻ thù số một của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Vào tháng 7 năm 1999, một chiến dịch tàn bạo đã nhắm vào 100 triệu người tu luyện Pháp Luân Công cũng như gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của họ. Với một cuộc đàn áp khắc nghiệt chưa từng thấy kể từ Cách mạng Văn hóa, các cuộc đốt sách, bắt giữ hàng loạt, giam cầm, tra tấn và cưỡng bức cải tạo đã lan rộng khắp Trung Quốc. Gần như tất cả mọi người ở Trung Quốc đều là mục tiêu hoặc buộc phải đồng lõa.

Tại sao vậy? Điều gì đã dẫn đến cuộc đàn áp khắc nghiệt này?

ĐCSTQ là một chế độ toàn trị

Nguyên nhân cốt lõi là ĐCSTQ là một chế độ toàn trị, mặc dù nó cố gắng tự ngụy trang như một chế độ chuyên chế. Vậy sự khác biệt là gì?

Cả chế độ toàn trị và chế độ chuyên chế đều là các hình thức độc tài. Tuy nhiên, một chế độ chuyên chế vẫn cho phép một số thể chế tồn tại ngoài tầm kiểm soát của mình. Ngược lại, chế độ toàn trị muốn kiểm soát tất cả — toàn bộ đời sống công cộng và riêng tư đều nằm dưới sự kiểm soát tuyệt đối của nhà cầm quyền hoặc Đảng. Chế độ này không chấp nhận bất kỳ quan điểm đối lập nào hay bất kỳ đảng phái chính trị nào khác. Dưới chế độ toàn trị, không có báo chí độc lập hay hệ thống tư pháp độc lập. Nó giống như các hệ thống Leninist hoặc Stalinist — họ có thể làm bất cứ điều gì với bạn, và nếu họ muốn, họ có thể khiến bạn “biến mất”. Vì vậy, bất kỳ lực lượng độc lập nào trong xã hội — dù là chính trị, tôn giáo hay bất kỳ lĩnh vực nào khác — đều phải bị đặt dưới sự kiểm soát của chế độ, nếu không sẽ bị coi là kẻ thù.

Sự phổ biến rộng rãi và tốc độ phát triển nhanh chóng của Pháp Luân Công

Chỉ sau bảy năm được giới thiệu với công chúng, Pháp Luân Công đã trở thành môn khí công phổ biến nhất trong lịch sử Trung Quốc. Đến năm 1998, số người thực hành Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã vượt qua số lượng đảng viên Đảng Cộng sản.

Pháp Luân Công thu hút mọi tầng lớp xã hội, từ nông dân đến các giáo sư đại học, từ giới tinh hoa văn hóa đến các sĩ quan quân đội và cảnh sát cấp cao. Thậm chí, người nhà các thành viên của bộ chính trị trung ương ĐCSTQ — cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng — cũng đang tu luyện môn khí công này.

Vào giữa những năm 1990, các địa điểm luyện công Pháp Luân Công vào cuối tuần với hàng ngàn người tham gia, như địa điểm này ở Quảng Châu, đã trở nên phổ biến trên khắp Trung Quốc.
Vào giữa những năm 1990, các địa điểm luyện công Pháp Luân Công vào cuối tuần với hàng ngàn người tham gia, như địa điểm này ở Quảng Châu, đã trở nên phổ biến trên khắp Trung Quốc.

70-100 triệu người — Một nghiên cứu năm 1998 do Ủy ban Thể thao Nhà nước Trung Quốc thực hiện ước tính rằng hơn 70 triệu người đang tu luyện Pháp Luân Công tại thời điểm đó. Truyền hình nhà nước Trung Quốc cũng phát một chương trình tin tức vào khoảng thời gian đó, trong đó người dẫn chương trình nói với khán giả rằng “hơn 100 triệu người đang học Pháp Luân Công.” Điều đó có nghĩa là, tại một quốc gia với 1,3 tỷ dân (vào thời điểm đó), cứ 13 người thì có 1 người thực hành Pháp Luân Công.

Một số lãnh đạo của ĐCSTQ coi số lượng lớn và ngày càng tăng này là một mối đe dọa, đặc biệt là khi con số này vượt xa 60 triệu đảng viên của ĐCSTQ vào thời điểm đó.

Sự độc lập hoàn toàn của Pháp Luân Công khỏi sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Chủ nghĩa cộng sản, với tư cách là một hệ tư tưởng toàn trị, kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của con người, bao gồm cả những gì họ có thể suy nghĩ và tin tưởng. Ở Trung Quốc, tất cả các nhà thờ, đền chùa, và thậm chí cả các phương pháp chữa bệnh chỉ được phép hoạt động dưới sự phê duyệt và kiểm soát của ĐCSTQ. Vì vậy, khi Pháp Luân Công lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng tại Trung Quốc, nó cũng phải nằm dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Khí công Trung Quốc do nhà nước điều hành.

Người sáng lập Pháp Luân Công, ông Lý Hồng Chí, đã đi khắp Trung Quốc để thuyết giảng trong hai năm, từ 1992 đến 1994. Sau đó, phương pháp tu luyện này tiếp tục lan truyền nhanh chóng qua truyền miệng và mạng lưới tình nguyện viên địa phương không chính thức, những phụ đạo viên hướng dẫn luyện công tại các địa điểm công cộng.

Một tình nguyện viên đang hướng dẫn các động tác tay thiền định của Pháp Luân Công cho người qua đường trên phố.
Một tình nguyện viên đang hướng dẫn các động tác tay thiền định của Pháp Luân Công cho người qua đường trên phố.

Pháp Luân Công lan tỏa nhanh chóng và miễn phí trong cộng đồng, chủ yếu được truyền bá thông qua truyền miệng, nhanh chóng tiếp cận hàng chục triệu người trên khắp Trung Quốc.

Năm 1996, Pháp Luân Công rút khỏi Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Khí công Trung Quốc do Nhà nước điều hành vì áp lực phải thành lập Chi bộ của Đảng Cộng sản và thu phí tập luyện.

Ông Lý muốn giữ phương pháp này không bị ảnh hưởng bởi chính trị. Ông cũng muốn đây vẫn là một môn tu luyện cá nhân, không ghi danh, và luôn được chia sẻ miễn phí.

Do đó, Pháp Luân Công đã trở thành nhóm lớn nhất nằm ngoài sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

“ĐCSTQ đã cố gắng đưa tất cả các nhóm khí công vào tầm kiểm soát chặt chẽ hơn vào giữa những năm 1990. Năm 1996, hiệp hội khí công do nhà nước quản lý, mà Pháp Luân Công từng có liên kết, đã kêu gọi thành lập các chi bộ đảng trong số các học viên và tìm cách kiếm lợi từ các giáo lý của Pháp Luân Công. Ông Lý Hồng Chí đã chọn cách rời khỏi hiệp hội, với mong muốn Pháp Luân Công vẫn là một môn tu luyện cá nhân, không có hội viên chính thức và được chia sẻ miễn phí. Pháp Luân Công tiếp tục lan rộng thông qua một mạng lưới lỏng lẻo gồm các điểm luyện công và các điều phối viên tình nguyện trên khắp cả nước.”

— Freedom House, “Pháp Luân Công: Tự do Tôn giáo ở Trung Quốc”

Nguyên lý chỉ đạo của Pháp Luân Công không tương thích với Hệ tư tưởng Cộng sản và Vô thần

Kể từ khi giành được quyền lực vào năm 1949, ĐCSTQ đã ép buộc áp đặt các lý tưởng cộng sản lên người dân Trung Quốc, đặc biệt là trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa đầy biến động. Sự nhồi nhét tư tưởng này đã thay thế nền văn hóa Trung Hoa sâu sắc về tâm linh bằng một hệ tư tưởng vô thần, duy vật và đấu tranh — dạy người dân “tìm niềm vui” trong việc đấu tranh chống lại trời, đất và đấu tranh với nhau.

Ngược hẳn lại, giáo lý của Pháp Luân Công đã tái hiện lại trí tuệ cổ xưa về tu dưỡng đạo đức, có đức tin vào Thần, và các giá trị truyền thống, chính là những yếu tố đã duy trì nền văn minh Trung Hoa suốt hàng nghìn năm. Nguyên lý chỉ đạo của Pháp Luân Công: Chân-Thiện- Nhẫn là hoàn toàn trái ngược với văn hóa cộng sản, vốn cai trị thông qua dối trá và đấu tranh.

Tóm lại, các lãnh đạo ĐCSTQ lo sợ rằng bộ quy tắc đạo đức mạnh mẽ của Pháp Luân Công có thể làm suy yếu các chiến thuật bạo lực và mang tính Lênin của Đảng trong việc kiểm soát xã hội.

Sự ghen tị của Lãnh đạo Bộ Chính trị và động cơ Chính trị

Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã tự mình lập kế hoạch, khởi xướng và kiểm soát chiến dịch nhằm loại bỏ Pháp Luân Công, mặc dù nhiều lãnh đạo cấp cao khác phản đối chiến dịch này. Ông ta làm điều đó trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm củng cố quyền lực của chính mình.

Giang Trạch Dân trở thành lãnh đạo ĐCSTQ năm 1989 chủ yếu nhờ vào việc đã ủng hộ cuộc thảm sát Thiên An Môn, nhưng ông ta rất ít được ủng hộ trong nội bộ Đảng. Giang không được lòng Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ, và nhiều người coi ông ta chỉ là một nhân vật chuyển tiếp, sẽ bị thay thế sau vài năm ngắn ngủi.

Trước đó, khi còn là Thị trưởng Thượng Hải, Giang nổi tiếng với việc “tỏ ra hữu dụng nhưng không làm được gì.” Ngay cả trong công chúng, Giang cũng trở thành mục tiêu chế giễu vì một loạt những hành vi lúng túng trước các lãnh đạo thế giới khác.

Trong khi hình ảnh cá nhân của Giang Trạch Dân bị tổn hại và vị thế của ông ta trong Đảng vẫn còn bất ổn, Pháp Luân Công lại phát triển nhanh chóng, nhận được sự khen ngợi và công nhận trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả từ nhiều cơ quan Chính phủ. Hơn nữa, Pháp Luân Công đã mang lại sự hồi sinh các giá trị truyền thống — những giá trị mà chế độ cộng sản đã cố gắng tiêu diệt trong nhiều thập kỷ.

Theo nhiều quan chức xung quanh, Giang ngày càng tuyệt vọng.

Để củng cố quyền lực và dập tắt sự hồi sinh các giá trị truyền thống này, Giang đã sử dụng các chiến thuật mà nhiều lãnh đạo ĐCSTQ trước đó từng áp dụng. Ông ta phát động một chiến dịch bạo lực chống lại một bộ phận xã hội Trung Quốc nhằm tiêu diệt họ, đồng thời làm cả xã hội còn lại sợ hãi và phục tùng, qua đó củng cố quyền lực của mình.

“Cuộc đàn áp [đối với Pháp Luân Công] được thực hiện nhằm thể hiện và củng cố quyền lực của ban lãnh đạo Trung Quốc… Các nguồn tin trong Đảng Cộng sản cho biết rằng Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị không nhất trí ủng hộ cuộc đàn áp này và rằng Chủ tịch Giang Trạch Dân đã tự mình quyết định rằng Pháp Luân Công phải bị loại bỏ.”

— Washington Post, 1999

Theo Washington Post, “Cuộc đàn áp [đối với Pháp Luân Công] được tiến hành nhằm thể hiện và củng cố quyền lực của Ban lãnh đạo Trung Quốc… Các nguồn tin trong Đảng Cộng sản cho biết rằng Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị không nhất trí ủng hộ cuộc đàn áp này và rằng Chủ tịch Giang Trạch Dân đã tự mình quyết định rằng Pháp Luân Công phải bị loại bỏ.” Trích lời một quan chức Đảng, bài viết cho biết, “Rõ ràng đây là vấn đề rất mang tính cá nhân của Giang.”

Trong một bài báo Tháng 2 năm 2001, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc của CNN khi đó, Willy Lam, viết rằng Giang “dường như đang sử dụng phong trào quần chúng để thúc đẩy lòng trung thành với bản thân.”

Hơn hai mươi lăm năm trôi qua, cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn. Thậm chí, ĐCSTQ đã vươn cánh tay, gây bức hại đối với Pháp Luân Công tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Video: Cánh tay dài của Bắc Kinh

Tịnh Tâm (Dịch từ bản gốc tiếng Anh: https://faluninfo.net/why-is-falun-gong-is-persecuted-in-china/)

Bài viết liên quan

Các buổi biểu diễn của Shen Yun chật kín khán giả

Lý do thực sự khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ Shen Yun

Shen Yun, mặc dù trình diễn một cảnh tượng rực rỡ của văn hóa Trung Hoa, gần đây đã gây ra một số tranh cãi trên phương tiện truyền thông phương Tây. Mặc dù chương trình nghệ thuật này đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các khán phòng chật kín và các…
Hoc-vien-Phap-Luan-Cong-luyen-cong-truoc-khi-bi-cam-o-Trung-Quoc

Đảng cộng sản Trung Quốc đàn áp vì sợ Pháp Luân Công?

Tháng 7-2024 đánh dấu mốc 25 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra ở Trung Quốc Đại Lục kể từ ngày 20-7-1999. Mặc dù Chính quyền Trung Quốc vẫn luôn đàn áp tín ngưỡng và tôn giáo, nhưng cho đến ngày nay, rất nhiều người nước ngoài vẫn còn thắc mắc về cuộc…