
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nỗ lực hết sức để che giấu quy mô và mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm nhân quyền đối với những người tu luyện Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Nó thậm chí còn giam giữ, bỏ tù và tra tấn những người đã cố gắng điều tra hoặc ghi chép về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Có những học viên Pháp Luân Công thậm chí còn bị kết án tù dài hạn với cáo buộc “tiết lộ bí mật Nhà nước” vì những hành động như nói chuyện với các nhà báo nước ngoài hoặc chia sẻ các tài liệu nội bộ của Chính phủ liên quan đến cuộc đàn áp.
ĐCSTQ cũng sử dụng ảnh hưởng chính trị và tài chính trên toàn thế giới để khiến các nhà báo phải im lặng và đưa tin sai sự thật về Pháp Luân Công.
Kết quả thế nào?
Chiến dịch bắt cóc, tra tấn và giết hại có hệ thống nhắm vào hàng chục triệu người dân Trung Quốc này phần lớn vẫn bị che giấu.
Tuy nhiên, khi tổng hợp các báo cáo từ Liên Hợp Quốc, Chính phủ Hoa Kỳ, các tổ chức nhân quyền và một số báo cáo điều tra chất lượng cao, cũng như các bản tường thuật trực tiếp từ nội bộ Trung Quốc, phạm vi và quy mô thực sự của chiến dịch đàn áp này hiện ra rất rõ ràng.
Sau đây là những chỉ số chính định lượng cuộc khủng hoảng nhân quyền này.
Số liệu thống kê chính.
70–100 triệu người học Pháp Luân Công vào năm 1999

Trước tháng 7 năm 1999, ở Trung Quốc có 70 – 100 triệu người thực hành Pháp Luân Công. Một số người cho rằng con số ước tính này là từ Pháp Luân Công, thực ra, nó bắt nguồn từ Chính quyền Trung Quốc. Cụ thể, những con số này được đưa ra từ một cuộc khảo sát do Chính quyền Trung Quốc tiến hành vào cuối năm 1998 và được các phương tiện truyền thông phương Tây như tờ New York Times (Thời báo New York) và hãng thông tấn Associated Press (Liên đoàn Báo chí) trích dẫn nhiều lần trước lệnh cấm Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, thậm chí còn trích dẫn rải rác trong vài tháng sau đó.
Dưới đây là một số nguồn dữ liệu về con số ước tính này:
- Tháng 12 năm 1998: Một nghiên cứu do Ủy ban Thể thao Nhà nước Trung Quốc tiến hành đã ước tính rằng có hơn 70 triệu người đang học Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
- Ngày 14 tháng 2 năm 1999: Một viên chức của Ủy ban Thể thao Quốc gia Trung Quốc, phát biểu với Tạp chí US News & World Report (Tin tức Hoa Kỳ và Báo cáo Thế giới), cho rằng có thể có tới 100 triệu người tu luyện. Viên chức này nhấn mạnh về chi phí mà việc tu luyện Pháp Luân Công tiết kiệm được cho Hệ thống chăm sóc sức khỏe Quốc gia của Trung Quốc, đồng thời còn tuyên bố, “Thủ tướng Chu Dung Cơ rất vui mừng về điều đó.”
- Ngày 26 tháng 4 năm 1999: Hãng thông tấn Associated Press cho ra mắt bài viết “Một cộng đồng ngày càng lớn mạnh đặt ra tình thế khó xử cho Trung Quốc” của Renee Schoof, trong đó có đoạn: “Nhưng với số lượng thành viên nhiều hơn Đảng viên Đảng Cộng sản – ít nhất 70 triệu người, theo Cục Quản lý Thể thao Nhà nước – Pháp Luân Công cũng là một cộng đồng đáng gờm…”
- Ngày 27 tháng 4 năm 1999: Thời báo New York đăng bài viết “Tại Bắc Kinh: Tiếng gào thét của những người biểu tình lặng lẽ” của Seth Faison, trong đó có đoạn: “… con số 70 triệu học viên mà Chính phủ ước tính thể hiện [đây là] một cộng đồng lớn trong một quốc gia 1,2 tỷ người.”
- Ngày 27 tháng 4 năm 1999: Thời báo New York đăng bài “Sự nổi tiếng của Nhà lãnh đạo Phong trào” của Joseph Kahn, trong đó có đoạn: “…Ngài Lý đã trở thành Sư phụ của một cộng đồng còn có nhiều thành viên hơn cả Đảng Cộng sản theo ước tính của Chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh (“Bắc Kinh” là từ thường dùng chỉ Chính phủ Trung Quốc) đưa ra con số 70 triệu người học. Các học viên cho biết họ không tranh luận về những con số đó, nhưng họ cũng không có cách nào để biết chắc chắn, phần vì họ không có danh sách thành viên”.
Điều thú vị là, Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc đã phát sóng một chương trình thời sự trước tháng 7 năm 1999, trong đó người dẫn chương trình nói với khán giả rằng “có hơn 100 triệu người đang học Pháp Luân Công” – một con số được Ủy ban Thể thao Quốc gia Trung Quốc xác nhận khi được US News & World Report phỏng vấn.
Năm 1998, Đài truyền hình được điều hành bởi Chính quyền Trung Quốc công khai quảng bá Pháp Luân Công, tuyên bố “100 triệu người trên khắp thế giới đang học Pháp Luân Đại Pháp”.
Tuy nhiên, ngay sau khi phát động cuộc đàn áp, Chính quyền Trung Quốc đã điều chỉnh giảm đáng kể con số ước tính xuống còn 2 triệu người học Pháp Luân Công. Hành động này là một phần của chiến dịch tuyên truyền và là phương tiện để hạ thấp quy mô của cuộc đàn áp bạo lực.
Đáng buồn là nhiều phương tiện truyền thông, như Thời báo New York, đã theo Bắc Kinh và giảm con số ước tính chính thức hoặc thay đổi nguồn thông tin, chỉ đưa ra ước tính dựa trên “tuyên bố” của Pháp Luân Công, thay vì đưa ra con số thực tế – số liệu chính thức từ Chính phủ Trung Quốc qua một cuộc khảo sát toàn diện năm 1998.
Không phải tất cả các phương tiện truyền thông đều theo quan điểm tuyên truyền của Bắc Kinh. Vào ngày 13 tháng 11 năm 1999, hãng Associated Press đã đăng bài “4 cá nhân thuộc nhóm tín ngưỡng tại Trung Quốc bị bắt giữ” trong đó có đoạn: “Trước cuộc đàn áp, Chính phủ ước tính số lượng thành viên là 70 triệu – điều này cho thấy Pháp Luân Công còn lớn hơn cả Đảng Cộng sản Trung Quốc, với 61 triệu thành viên.”
20–40 triệu người đang tu luyện tại Trung Quốc ngày nay

Ước tính có khoảng 20-40 triệu người ở Trung Quốc đang thực hành Pháp Luân Công và tích cực tham gia vào hoạt động bất tuân dân sự
Vào tháng 5 năm 2009, trang web chính bằng tiếng Trung của Pháp Luân Công, Minh Huệ Net (Minghui.org), đã báo cáo rằng có khoảng 200.000 “điểm tài liệu” bí mật trên khắp Trung Quốc. Điểm tài liệu là nơi các học viên Pháp Luân Công in tờ rơi, sản xuất đĩa DVD, v.v., nội dung của các tài liệu này vạch trần cuộc đàn áp và vạch trần tuyên truyền chống Pháp Luân Công của Chính quyền Trung Quốc. Các điểm này được vận hành ở cấp cơ sở trên khắp Trung Quốc và thường đặt nhà riêng. Mỗi điểm cung cấp tài liệu cho 100-200 học viên Pháp Luân Công để phân phát tại địa phương của mình. Những con số này cho thấy có 20-40 triệu học viên Pháp Luân Công đang tích cực vạch trần sự đàn áp quy mô lớn mà họ phải đối mặt ở Trung Quốc. Ngoài ra, không ai biết về số lượng người học Pháp Luân Công nhưng không tham gia vào hình thức phản kháng ôn hòa này.
Năm 2017, Tổ chức Freedom House đã công bố một trong những báo cáo toàn diện nhất của bên thứ ba về Pháp Luân Công có tên là “Pháp Luân Công: Cuộc chiến vì tinh thần Trung Hoa”. Báo cáo nêu rõ: “Hơn 17 năm sau lệnh cấm Pháp Luân Công, có lý do để tin rằng hàng triệu, thậm chí có thể là hàng chục triệu người ở Trung Quốc vẫn tiếp tục tu luyện”. Sử dụng phương pháp tiếp cận khác với Minghui.org, Freedom House ước tính có từ 7 đến 20 triệu học viên ở Trung Quốc, con số này sau đó cũng được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các cơ quan Chính phủ khác trích dẫn.
Hàng triệu người bị giam giữ kể từ năm 1999

Mặc dù không thể biết chính xác số người bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc do Chính phủ Trung Quốc đã che giấu thông tin này, một số chỉ số cho thấy rằng ít nhất, trong 20 năm qua, tổng số người bị giam giữ là vài triệu. Ngày nay, có thể có tới hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị giam giữ.
Dưới đây là một số dữ liệu để xem xét…
- Trong cuốn sách Đại Thảm Sát (The Slaughter) xuất bản năm 2014, tác giả kiêm nhà báo điều tra Ethan Gutmann ước tính (dựa trên các cuộc phỏng vấn ông đã thực hiện) rằng từ năm 2000 đến năm 2008, trung bình có từ 450.000 đến 1.000.000 học viên Pháp Luân Công bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức (còn được gọi là cải tạo lao động) tại bất kỳ thời điểm nào. Giả sử rằng hầu hết các cá nhân bị giam giữ 1-3 năm trong các trại lao động cưỡng bức, hoặc thậm chí chỉ vài ngày hoặc vài tuần tại các cơ sở khác, thì riêng ước tính này đã cho thấy tổng cộng có 2-4 triệu người bị giam giữ trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2008.
- Một báo cáo đặc biệt năm 2015 của Freedom House, Tình thế khó khăn của Bộ Chính trị, nêu rõ: “Hàng trăm ngàn học viên [Pháp Luân Công] đã bị giam giữ trong các trại lao động và nhà tù, khiến họ trở thành nhóm tù nhân lương tâm lớn nhất đất nước [Trung Quốc]”.
- Năm 2013, Thời báo New York đã đăng một bài viết về Trại lao động Mã Tam Gia, trong đó nêu: “Theo những cựu tù nhân, gần một nửa số tù nhân ở Mã Tam Gia là học viên Pháp Luân Công hoặc thành viên của các giáo hội ngầm”.
- Cũng trong năm 2013, báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế về Trung Quốc có tựa đề “Bình mới rượu cũ” trong bãi bỏ hệ thống trại cải tạo lao động tại Trung Quốc nêu rõ: “Bằng chứng cho thấy học viên Pháp Luân Công trung bình chiếm 30% trở lên trên tổng số người bị giam giữ trong các trại cải tạo lao động; thậm chí trong một số trại, học viên Pháp Luân Công chiếm tới 100%”.
- Trong báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2009, có nêu: “Một số quan sát viên nước ngoài ước tính rằng học viên Pháp Luân Công chiếm ít nhất một nửa trong số 250.000 tù nhân được ghi nhận chính thức trong các trại cải tạo lao động, các nguồn tin về Pháp Luân Công hải ngoại đưa ra con số thậm chí còn cao hơn”. Thực ra, con số 250.000 người này khá đáng ngờ vì đây là con số được Chính quyền Trung Quốc báo cáo chính thức, chắc chắn đã bị điều chỉnh giảm, có thể là đã giảm đi rất nhiều. Trên thực tế, Quỹ Nghiên cứu Lao Cải (Laogai Research Foundation) ước tính có 3-5 triệu tù nhân trong các trại lao động của Trung Quốc vào năm 2010. Sử dụng con số ước tính này với các tỷ lệ được trích dẫn ở trên, chỉ riêng trong năm 2010 có thể đã có 1,5 – 2,5 triệu học viên Pháp Luân Công trong các trại lao động.
- Kể từ khi hệ thống trại lao động bị đóng cửa vào năm 2013, các học viên Pháp Luân Công vẫn tiếp tục bị cầm tù, bị kết án và bị giam giữ trong nhiều cơ sở khác nhau, bao gồm đồn cảnh sát, trại tạm giam, trung tâm cưỡng bức cải tạo phi pháp và nhà tù. Theo báo cáo năm 2013 của Tổ chức Ân xá Quốc tế: “Tại một số địa phương, có những cá nhân báo cáo rằng nhân viên của Cục An ninh công cộng và Phòng 610 hiện thường xuyên tìm cách giam giữ các học viên Pháp Luân Công sau khi họ được thả khỏi các trại cải tạo lao động để đưa họ đến ‘trung tâm tẩy não’, trại tạm giam hoặc nhà tù. Phần lớn các báo cáo chuyển giao trực tiếp này được Tổ chức Ân xá Quốc tế thu thập từ các học viên Pháp Luân Công đã từ chối ‘chuyển hóa’”.
- Các nguồn tin từ Chính phủ Trung Quốc cũng đã đề cập đến những vụ truy tố và bắt giam trên diện rộng đối với các học viên Pháp Luân Công, bao gồm cả thời điểm sau khi bãi bỏ hệ thống trại lao động. Một văn bản quy định bị rò rỉ năm 2015 do Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Đan Đông (PLAC) ban hành nêu rõ, “Tòa án và viện kiểm sát các cấp [nên] tăng cường hình phạt đối với Pháp Luân Công… tập trung vào các phiên tòa xét xử các vụ án Pháp Luân Công và ngăn chặn nhân quyền luật sư khỏi ‘gây cãi vã và gây rắc rối.’”
- Thật vậy, trong báo cáo năm 2017 của Freedom House, sử dụng một phần dữ liệu có được từ các phán quyết của tòa án, tổ chức này đã có thể xác minh độc lập “933 trường hợp học viên Pháp Luân Công bị kết án lên tới 12 năm tù từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 đến ngày 01 tháng 6 năm 2016, thường là vì thực hiện quyền tự do ngôn luận bên cạnh quyền tự do tôn giáo”.
Hàng trăm ngàn người bị tra tấn

Từ đầu năm 2000, việc sử dụng các hình thức tra tấn đối với học viên Pháp Luân Công đã được các phương tiện truyền thông lớn, các tổ chức nhân quyền và Liên Hợp Quốc ghi nhận rộng rãi. Có ít nhất 100.000 trường hợp bị tra tấn được Minghui.org báo cáo và có lý do để tin rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều lần.
Sau đây là một số ví dụ:
- Các luật sư Trung Quốc bào chữa cho học viên Pháp Luân Công đều nhất quán khi nói về sự tra tấn tàn bạo—bao gồm cả lạm dụng tình dục và sốc điện bằng dùi cui điện—mà thân chủ của họ phải chịu đựng. Một trong những tài liệu nổi bật nhất là các bức thư ngỏ gửi tới các nhà Lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2005 của ông Cao Trí Thịnh. Thông tin gần hơn là một báo cáo năm 2015 của Tổ chức Ân xá Quốc tế về tình trạng tra tấn ở Trung Quốc, trong đó đã nhắc lại lời kể của luật sư Cát Bình Nguyên về những gì lính canh Trung Quốc đã gây ra cho thân chủ của ông, một học viên Pháp Luân Công: “Học viên này đã bị trói bằng còng chân nặng 50 catty (khoảng 25 kg) trong 31 ngày. Sau khi cô bị chuyển đến một cơ sở giam giữ khác, hai lính canh đã ấn đầu cô xuống sàn và trói chân cô lại. Khi cô cố gắng đọc một số bài giảng của Pháp Luân Công, các lính canh nhét băng vệ sinh và khăn tắm vào miệng cô, bịt miệng cô bằng băng dính nhựa và giam cô trong phòng nhỏ. Cô đã bị phơi nắng trong một thời gian dài và hai tù nhân nữ thường xuyên đánh đập cô. Hai tay cô bị trói vào phần trên của giường tầng, và một chân bị trói vào phần dưới của giường. Cô bị bắt đứng trong tư thế đó trong khi lính canh dùng móc treo quần áo đánh vào đầu cô và dùng ván ép đánh vào người cô. Lính canh nhét ớt vào miệng cô. Cô không được phép sử dụng nhà vệ sinh. Sau đó, cô bị treo lơ lửng trên trần nhà. Cô phải chịu hình phạt này trong 27 ngày.”
- Năm 2013, Thời báo New York đã đăng một bài viết về Trại lao động Mã Tam Gia, trong đó nêu rõ: “Theo những cựu tù nhân, gần một nửa số tù nhân của Mã Tam Gia là học viên Pháp Luân Công hoặc thành viên của các giáo phái ngầm… Tất cả đều nhận thấy rằng những người bị ngược đãi tồi tệ nhất là học viên Pháp Luân Công từ chối từ bỏ đức tin. Họ cho biết ngoài việc sốc điện, lính canh còn trói chân tay các học viên Pháp Luân Công vào bốn chiếc giường, rồi đá dần các chiếc giường ra xa nhau. Một số tù nhân bị bỏ mặc như vậy trong nhiều ngày, không được cho ăn và phải nằm trên phân của chính họ.”
- Năm 2006, ông Manfred Nowak – Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Tra tấn – báo cáo rằng 66% các vụ tra tấn từ Trung Quốc được đưa lên văn phòng của ông có liên quan đến nạn nhân Pháp Luân Công.
- Trong một báo cáo mang tính đột phá năm 2001 của tờ Washington Post, Trưởng văn phòng Bắc Kinh John Pomfret đã xác định tra tấn là phần chủ chốt được lực lượng an ninh Trung Quốc chỉ đạo. Trích dẫn lời một cố vấn Chính phủ, báo cáo chứng minh rằng tra tấn không chỉ được dung thứ mà còn được nêu rõ là một phần quan trọng của chiến lược đàn áp Pháp Luân Công: “Cuộc đàn áp luôn gắn liền với sự tàn bạo của cảnh sát và nhà tù, những người cố vấn còn cho biết năm nay, Ban lãnh đạo Trung ương đã quyết định cho phép sử dụng bạo lực rộng rãi đối với các học viên Pháp Luân Công.“
Hơn 5.000 ca tử vong được ghi nhận vì bị tra tấn và ngược đãi

Tháng 6 năm 2023 là một cột mốc đáng buồn khi tổng số học viên Pháp Luân Công được ghi nhận là chết do bị bức hại đã vượt quá con số 5.000.
Việc tìm hiểu và xác minh thông tin bên trong Trung Quốc liên quan đến những vụ chết oan rất khó khăn và nguy hiểm. Một số người vạch trần việc tra tấn và giết hại các học viên Pháp Luân Công thì chính họ lại bị tra tấn và giết hại. Do đó, con số này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số người ở Trung Quốc thực sự bị giết vì đức tin vào Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, ngoài các tài liệu từ Pháp Luân Công, trong nhiều năm qua, những nhà báo, nhóm nhân quyền, các luật sư và các cơ quan chính phủ đã ghi nhận hoặc nêu bật những trường hợp học viên Pháp Luân Công tử vong do bị ngược đãi trong khi bị giam giữ.
- Trong loạt bài viết đoạt giải Pulitzer được xuất bản vào năm 2000, phóng viên Ian Johnson của tờ Wall Street Journal đã đưa tin về năm đầu tiên của cuộc đàn áp Pháp Luân Công, bao gồm việc sử dụng bạo lực có hệ thống và các ca tử vong khi bị giam giữ. Trong bài viết của mình, “Môn [khí công] nguy hiểm: luyện Pháp Luân Công là quyền của mỗi người, bà Trần nói, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời”, ông kể lại cuộc điều tra chi tiết về cái chết của bà Trần Tử Tú. Trong bài viết cuối cùng của loạt bài này, “Cái bẫy chết người: Một thành phố tại Trung Quốc đã sử dụng bạo lực để kiểm soát Pháp Luân Đại Pháp như thế nào”, ông Johnson viết: “Mọc lên từ Đồng bằng Hoa Bắc trong một mớ hỗn độn các khu chung cư bụi bặm và những con đường đông đúc, đây là một thành phố tại Trung Quốc không có gì đáng chú ý về mọi mặt ngoại trừ một điều: Cảnh sát địa phương thường xuyên tra tấn người dân đến chết”.
- Trong báo cáo Nhân quyền năm 2007 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có nêu: “Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, ước tính số học viên Pháp Luân Công tử vong trong khi bị giam giữ do bị tra tấn, bị ngược đãi và bị bỏ mặc dao động từ vài trăm đến vài nghìn”.
- Báo cáo thường niên năm 2022 của Ủy ban điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc nêu rõ: “Những học viên Pháp Luân Công phải đối mặt với khó khăn tàn khốc, bao gồm nguy cơ tử vong do bị giam giữ, án tù dài hạn và sự quấy rối; và một nghiên cứu được bình duyệt đã xác thực những giai thoại kinh hoàng kéo dài nhiều năm về các tù nhân Pháp Luân Công bị hành quyết bằng cách mổ cướp nội tạng.”
- Một trong những nạn nhân gần đây nhất là Bàng Huân, một người dẫn chương trình phát thanh 30 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên đã phát tờ rơi về Pháp Luân Công. Sau khi bị cảnh sát bắt giữ tùy tiện trên đường đi làm, anh Bàng đã bị giam giữ tại Nhà tù Lạc Sơn và bị lính canh đánh đến chết trong khoảng thời gian gần bốn tháng. Vụ án của anh được công khai vào tháng 2 năm 2023, khi một người bạn tải lên mạng xã hội Twitter một đoạn video đồ họa cho thấy những vết hằn trên xác của anh Bàng Huân, dường như là dấu vết của việc bị tra tấn bằng dùi cui điện, bị đánh đập và bị trói. Bài đăng đã trở nên nổi tiếng, thu hút hơn nửa triệu lượt xem trong một tuần, lan truyền nhận thức về cái chết oan của Bàng Huân và được các hãng tin quốc tế như Radio Free Asia và các nhóm nhân quyền như Freedom House đưa tin.
Hàng trăm ngàn người bị giết để lấy nội tạng

Ước tính từ nhiều báo cáo độc lập riêng biệt cho thấy hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công có thể đã bị giết hại để lấy những nội tạng trọng yếu, phục vụ cho hoạt động ghép tạng đang bùng nổ ở Trung Quốc.
- Vào ngày 17 tháng 6 năm 2019, một tòa án độc lập tại London – do Ngài Geoffrey Nice QC, cựu nhân viên Tòa án Hình sự Quốc tế và là người chỉ đạo việc truy tố Slobodan Milosevic (một chính trị gia người Serbia của Nam Tư) làm chủ tọa – đã công bố Kết luận và Tóm lược của Bản án.
- Bản án nêu rõ: “Việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc ở quy mô lớn và […] các học viên Pháp Luân Công có thể là một nguồn cung cấp nội tạng chính… Tòa án không có bằng chứng nào cho thấy cơ sở hạ tầng trọng yếu liên quan đến ngành cấy ghép của Trung Quốc bị phá bỏ, và do không có lời giải thích thỏa đáng về nguồn gốc của các cơ quan nội tạng có sẵn nên kết luận rằng việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.”
- Năm 2019, Luật sư Hamid Sabi của Tòa án về Trung Quốc (China Tribunal) đã tiến xa hơn khi nêu rõ ước tính về quy mô tử vong do những vụ lạm dụng này với Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc liên quan đến “hàng trăm nghìn nạn nhân”.
- Năm 2017, Freedom House đã công bố một báo cáo đặc biệt, Cuộc chiến vì tinh thần Trung Quốc (The Battle for China’s Spirit), trong đó nêu rằng “Freedom House đã xem xét các bằng chứng có sẵn do các nhà điều tra khác biên soạn (bao gồm những cuộc điện thoại với các bác sĩ Trung Quốc), phỏng vấn các cựu tù nhân lương tâm Pháp Luân Công, những người đã cung cấp các báo cáo chi tiết về việc xét nghiệm máu khi bị giam giữ, nói chuyện với một bác sĩ người Đài Loan có bệnh nhân đã đến Trung Quốc để ghép tạng và gặp bạn của một nhân viên Bệnh viện Quân y, người đã trực tiếp chứng kiến việc lấy nội tạng từ một học viên Pháp Luân Công bị giam giữ vào năm 2011. Đánh giá trên đã tìm ra bằng chứng đáng tin cậy cho thấy rằng bắt đầu từ đầu những năm 2000, các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ đã bị mổ cướp nội tạng trên diện rộng”.
- Gần đây hơn, trên Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ (American Journal of Transplantation) vào tháng 4 năm 2022, các nhà nghiên cứu Matthew Robertson và Tiến sĩ Jacob Lavee đã xác nhận rằng hàng chục bệnh viện Trung Quốc không tuân thủ nguyên tắc y khoa được thiết lập chặt chẽ liên quan đến đạo đức cấy ghép: Người hiến tặng phải là người chết trước khi bị lấy các cơ quan quan trọng. Bài báo nghiên cứu có tựa đề “Hành quyết bằng buôn bán nội tạng: Vi phạm quy định về người hiến tặng phải là người đã chết ở Trung Quốc” đã phát hiện ra 71 trường hợp tại 56 bệnh viện Trung Quốc— trong hơn ba thập kỷ và liên quan đến hơn 300 nhân viên y tế—trong đó người hiến tạng không thuộc diện được xác định là chết não theo đúng tiêu chuẩn trước khi bị lấy nội tạng, trên thực tế là người hiến tạng bị giết chết trong quá trình mổ lấy tạng. Những phát hiện này đã xác thực lời khai và các bằng chứng khác, rằng các tù nhân lương tâm, bao gồm cả học viên Pháp Luân Công, đã bị giết một cách có chủ đích để cướp nội tạng và sử dụng cho việc cấy ghép.
- Dựa trên lượng bằng chứng ngày càng tăng về việc các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc đang bị giết để lấy nội tạng, vào năm 2021, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng họ “cực kỳ lo ngại” trước những cáo buộc đáng tin cậy về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công và các nhóm tôn giáo & dân tộc thiểu số khác tại Trung Quốc. Cả Hạ viện Hoa Kỳ và Nghị viện Châu Âu đều đã thông qua các Nghị quyết vào năm 2016 và 2013 để bày tỏ mối quan ngại liên quan đến “các báo cáo liên tục và đáng tin cậy về việc thu hoạch nội tạng có hệ thống, được Nhà nước chấp thuận từ các tù nhân lương tâm không tự nguyện hiến tạng tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm lượng lớn các học viên Pháp Luân Công và thành viên của các nhóm tôn giáo & dân tộc thiểu số khác”.
- Báo cáo đầu tiên về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng là của ông David Kilgour (cựu Bộ trưởng Ngoại giao Canada phụ trách Châu Á – Thái Bình Dương) và ông David Matas (luật sư nhân quyền nổi tiếng). Báo cáo này kết luận rằng cáo buộc cưỡng bức thu hoạch nội tạng là đúng sự thật sau khi họ tiến hành điều tra. Một báo cáo riêng của Nhà báo điều tra và chuyên gia về Trung Quốc, Ethan Gutmann, có tên là Đại Thảm Sát: Giết Người Hàng Loạt, Thu Hoạch Nội Tạng và Giải Pháp Bí Mật Của Trung Quốc Cho Vấn Đề Bất Đồng Chính Kiến (The Slaughter: Mass Killings, Organ Harvesting, and China’s Secret Solution to Its Dissident Problem) cũng đi đến kết luận tương tự sau khi ông Gutmann tiến hành cuộc điều tra của riêng mình. Một bản cập nhật kết hợp các công trình của Kilgour, Matas và Gutmann, Thu Hoạch Đẫm Máu/Đại Thảm Sát: Bản Cập Nhật (Bloody Harvest/The Slaughter: An Update), đã được xuất bản vào năm 2016, trong đó các tác giả ước tính rằng trong khi Chính phủ Trung Quốc báo cáo khoảng 10.000 ca ghép tạng mỗi năm, thì khối lượng ghép tạng thực tế là 60.000 – 100.000 ca mỗi năm kể từ năm 2000.
200.000 điểm sản xuất tài liệu bí mật

Ngày nay, trên khắp Trung Quốc, có hơn 200.000 điểm tài liệu bí mật, có thể coi là phong trào phản kháng phi bạo lực cấp cơ sở lớn nhất trên thế giới.
Ngay từ những ngày đầu của cuộc đàn áp, các học viên Pháp Luân Công đã tin rằng chìa khóa cho một giải pháp hòa bình nằm ở chính người dân Trung Quốc. Rốt cuộc, các sở cảnh sát thuộc thị trấn nhỏ, người quản lý các trại lao động phải thực hiện việc đàn áp hàng ngày, giáo viên tại các trường học bị buộc phải giao nộp các học viên Pháp Luân Công kiên định, hàng xóm tố cáo hàng xóm. Các học viên Pháp Luân Công lập luận rằng nếu người dân hiểu rõ sự thật, họ sẽ không còn tiếp tay cho điều bất công như vậy nữa.
Bắt đầu từ năm 2001 và còn tiếp diễn cho đến ngày nay, các học viên Pháp Luân Công đã thành lập những điểm sản xuất tài liệu bí mật ở hầu hết các quận và huyện trong cả nước—tương đương với samizdat thời Liên Xô. Tại nhà mình, các học viên đã thiết lập kết nối internet bảo mật, truy cập các trang web bên ngoài Trung Quốc bằng cách sử dụng máy chủ proxy, tải xuống các tài liệu bị kiểm duyệt về cuộc đàn áp Pháp Luân Công và sử dụng những thông tin họ tìm hiểu được để sản xuất tờ rơi tự chế.
Những người khác tình nguyện phân phát tài liệu, thường là vào ban đêm. Những hành động này luôn đem đến rủi ro rất lớn. Hàng ngàn người đã bị bắt và nhiều người bị giết vì sở hữu và phân phối các tài liệu này hoặc vì vận hành các địa điểm sản xuất.
Bằng chứng phong phú về những nhà in bí mật này đến từ nhiều nguồn: từ số liệu thống kê chính thức về việc cảnh sát tịch thu tài liệu về Pháp Luân Công cho đến những câu chuyện về việc người dân thường thấy đĩa CD hoặc tờ rơi về cuộc đàn áp nằm sẵn trước cửa nhà họ sau khi thức dậy. Các trang web của Chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản thường xuyên đưa tin về những nỗ lực để hạn chế lưu hành tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công.
Ví dụ, vào mùa xuân năm 2009, Cục Quản lý Giao thông Vận tải Phúc Kiến đã ban hành thông báo trong đó các ấn phẩm được xác định là bất hợp pháp toàn quốc bao gồm tài liệu “phỉ báng hệ thống chính trị của đất nước, bóp méo lịch sử của Đảng, … [hoặc] công khai Pháp Luân Công”.
Được thực hành tại hơn 100 quốc gia trên thế giới

Pháp Luân Công lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng ở Trung Quốc, nhưng môn tu luyện này đã vượt qua ranh giới ngôn ngữ, dân tộc và văn hóa. Ngày nay, người dân tại 156 quốc gia—từ Indonesia đến Ấn Độ, Togo đến Hoa Kỳ, Bỉ đến Brazil,…—đã thực hành môn tu luyện này, và các Kinh sách của Pháp Luân Công đã được dịch sang hơn 50 ngôn ngữ.
Pháp môn này phần lớn được phổ biến theo phương thức truyền miệng. Giống như tại Trung Quốc trước cuộc đàn áp, nhiều người biết đến Pháp Luân Công từ các công viên địa phương hoặc thông qua bạn bè, đồng nghiệp hoặc gia đình.
Trong cộng đồng Pháp Luân Công quốc tế thì nhiều người là dân tị nạn chạy trốn khỏi cuộc đàn áp ở Trung Quốc, nhưng cũng có nhiều người là dân địa phương thực hành tu luyện để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bất kể là ở đâu, tâm trí họ luôn hướng về những bạn đồng tu đang chịu đàn áp tại Trung Quốc. Nhiều người đã tham gia vào các hình thức nâng cao nhận thức cơ bản về chân tướng hoặc vận động chính phủ để cố gắng giải cứu các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.



Liên Hoa (Dịch từ bản tiếng Anh: https://faluninfo.net/key-statistics-related-to-falun-gong/)