Bài viết trước: Phần 1
Chiến dịch xóa sổ Pháp Luân Công
Nguồn gốc của Chiến dịch xóa sổ
Mọi hoạt động công dân, bao gồm tôn giáo và khí công, đều được quản lý chặt chẽ tại Trung Quốc. Pháp Luân Công được chính quyền Trung Quốc hỗ trợ trong những năm đầu tiên, cho đến khi phát triển theo cấp số nhân vào giữa những năm 90. Pháp Luân Công ban đầu được phép đăng ký với Hội nghiên cứu khoa học khí công Trung Quốc (Chinese Qigong Science Research Society, viết tắt là CQSRS), một cơ quan nhà nước nơi các nhóm khí công được cấp phép đăng ký. Các ấn phẩm phỉ báng tấn công Pháp Luân Công và quấy rối các nhóm học viên Pháp Luân Công đã dẫn đến việc Pháp Luân Công rút khỏi CQSRS vào năm 1996 dưới áp lực. Sau khi rút lui, tình trạng phỉ báng và quấy rối gia tăng.
Sự kiện châm ngòi cho chiến dịch toàn quốc nhằm xóa bỏ Pháp Luân Công là “Sự kiện Trung Nam Hải” vào tháng 4 năm 1999. Để đáp lại việc bắt giữ 45 học viên ở Thiên Tân, những người đã phản đối một ấn phẩm phỉ bang Pháp Luân Công được xuất bản tại địa phương, khoảng mười nghìn học viên Pháp Luân Công đã tập trung một cách ôn hòa tại văn phòng thỉnh nguyện của Chính phủ gần Trung Nam Hải, khu phức hợp của Chính phủ tại Bắc Kinh. Không có bằng chứng nào cho thấy cuộc tụ họp được lên kế hoạch tập trung. Cuộc tụ họp này là kết quả của các sáng kiến độc lập hợp lưu của các học viên Pháp Luân Công: cá nhân đã kêu gọi các học viên khác. Cuộc tụ họp này yêu cầu được tự do tu luyện Pháp Luân Công và trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Giang Trạch Dân, khi đó là Chủ tịch nước Trung Quốc và là người đứng đầu ĐCSTQ, đã coi sự việc này là một thách thức về mặt ý thức hệ đối với Đảng. Sau đó, Giang Trạch Dân đã có bài phát biểu trước Bộ Chính trị kêu gọi một chiến dịch đàn áp rộng rãi mang tên Đấu tranh (斗争; “để thanh trừng hoặc đàn áp tàn bạo”) đối với Pháp Luân Công. Vào tháng 7 năm 1999, Giang đã ban hành lệnh chính thức nhằm xóa sổ Pháp Luân Công. Một học thuyết trong Đảng Cộng sản đã được chuyển thành chính sách nhà nước mà không có bất kỳ thủ tục lập pháp chính thức nào.
Để thực hiện chiến dịch xóa sổ này, Giang Trạch Dân đã giao cho các cán bộ Đảng là Lý Lan Thanh và La Cán thành lập “Nhóm lãnh đạo xử lý vấn đề Pháp Luân Công”.
Nhóm này đã xây dựng các chiến lược và phương pháp để diệt trừ Pháp Luân Công. Nhóm lãnh đạo cuối cùng đã phát triển thành một cấu trúc do Đảng chỉ đạo gọi là “Phòng 610” (được thành lập vào ngày 10 tháng 6 năm 1999). Phòng 610 là đơn vị chính chịu trách nhiệm tổ chức chiến dịch xóa sổ Pháp Luân Công. Phòng 610 hoạt động ngoài vòng pháp luật; không phải là cơ quan của Nhà nước Trung Quốc mà là của ĐCSTQ. Phòng 610 chỉ đạo tất cả các cấp của các tổ chức Nhà nước bao gồm tư pháp, công chức, doanh nghiệp và giáo dục. Văn phòng có quyền lực và thẩm quyền bao trùm đối với tất cả các tổ chức Đảng khác và tất cả các cơ quan Nhà nước. Tất cả các cơ quan Nhà nước và tất cả các cơ quan Đảng khác phải tuân thủ các chỉ thị và mệnh lệnh của Phòng 610.
Chiến dịch này, ban đầu, là thực hiện cải đạo những người theo Pháp Luân Công bằng mọi cách, kể cả tra tấn. Mục tiêu là hoàn thành chiến dịch trong vòng ba tháng. Tuy nhiên, mục tiêu đã không đạt được. Các học viên Pháp Luân Công đã thể hiện sự kiên cường bất ngờ; họ liên tục biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn và các cơ quan chính quyền địa phương để phục hồi Pháp Luân Công. Do đó, ĐCSQT quyết định tăng cường cường độ của chiến dịch. Vào ngày 30 tháng 11 năm 1999, Lý Lan Thanh, dưới sự chỉ đạo của Giang Trạch Dân, đã tuyên bố với 3.000 đảng viên tại Đại lễ đường Bắc Kinh về một chiến dịch mới và tàn bạo hơn nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công. Một chiến dịch “tấn công mạnh mé” mới nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công đã được phát động dưới sự bảo trợ của Phòng 610.
Tăng cường Chiến dịch Xóa sổ
Trong chiến dịch xóa sổ tăng cường này, tra tấn và tử vong do tra tấn đã trở thành chuyện thường tình. Các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu nhiều phương pháp tra tấn khác nhau, bao gồm tẩy não, lao động cưỡng bức, thiếu ngủ, bạo lực tình dục, thử nghiệm y khoa tâm thần và các phương pháp khác, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Đã có những cái chết do tra tấn sau khi bị đánh đập, ép ăn, dùng dùi cui điện, ngạt thở và các phương pháp khác. Minghui.org, một cổng thông tin trực tuyến của các học viên Pháp Luân Công, đã xác minh dữ liệu của hơn 4.000 trường hợp học viên Pháp Luân Công bị tra tấn đến chết.
Theo ước tính dựa trên khảo sát của Ethan Gutmann (một nhà văn, nhà nghiên cứu, tác giả người Mỹ và là nghiên cứu viên cao cấp về Nghiên cứu Trung Quốc tại Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản, người có công trình nghiên cứu về giám sát và thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc), từ năm 2000 đến năm 2008, tại bất kỳ thời điểm nào, trung bình 450.000 đến một triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức (còn được gọi là cải tạo thông qua lao động). Năm 2006, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tra tấn, Manfred Nowak, đã báo cáo rằng trong 66% của tất cả các vụ tra tấn bị cáo buộc tại các trại giam của Trung Quốc nạn nhân là các học viên Pháp Luân Công, tiếp theo là người Duy Ngô Nhĩ với 11%. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã đóng cửa các trại lao động cưỡng bức vào năm 2014. Tuy nhiên, theo trang web Minghui.org, các học viên Pháp Luân Công đã từng ở trong các trại như vậy đã không được thả. Thay vào đó, họ đã được chuyển đến những nơi chính thức được gọi là Trung tâm giáo dục pháp lý và thường được gọi là Trung tâm tẩy não. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã báo cáo rằng, kể từ khi bãi bỏ, hệ thống lao động cưỡng bức đã được thay thế bằng các hình thức giam giữ tùy tiện và trừng phạt khác.
Như Noakes và Ford đã lưu ý, vào năm 2002, ĐCSTQ đã tuyên bố chiến thắng Pháp Luân Công. Các tài liệu tham khảo về việc thực hành đã trở nên im lặng trên cả phương tiện truyền thông quốc tế và trong nước. Sự im lặng của phương tiện truyền thông này khiến nhiều người tin rằng chiến dịch xóa sổ Pháp Luân Công là một sự đã rồi và rằng chiến dịch chống lại Pháp Luân Công đã kết thúc. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây theo dõi tình hình chiến dịch chống Pháp Luân Công cho thấy điều ngược lại. Mặc dù có ít báo cáo trên phương tiện truyền thông, chiến dịch vẫn rất sôi động. Chế độ vẫn tiếp tục đầu tư nguồn lực vào việc chống lại Pháp Luân Công và phát động các chiến dịch thường xuyên, được phối hợp trên toàn quốc. Ví dụ, trong những năm gần đây, Chế độ Cộng sản đã phát động một chiến dịch chuyển hóa trên toàn quốc có tên gọi là “Cuộc chiến cuối cùng về giáo dục và chuyển hóa 2013-2015” Chiến dịch này yêu cầu chính quyền phải vào các làng, hộ gia đình, trường học, doanh nghiệp và chi bộ Đảng tìm kiếm các học viên Pháp Luân Công để chuyển hóa. Mức độ hoạt động và nỗ lực để xóa sổ Pháp Luân Công cho thấy rằng chiến dịch này vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Kết luận này được xác nhận bởi các nguồn tin từ Trung Quốc. Bằng cách đối chiếu các báo cáo riêng lẻ về tác hại, việc bắt giữ và giam giữ các học viên Pháp Luân Công, số liệu thống kê của Minh Huệ Net (Minghui) cho thấy rằng chiến dịch xóa sổ vẫn duy trì cường độ. Theo Minh Huệ Net, có 10.869 trường hợp bị bắt giữ, quấy rối và giam giữ các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc trong nửa đầu năm 2017. Trong cùng kỳ, hơn 1.807.396 Nhân dân tệ (khoảng 273.000 đô la Mỹ) tiền mặt, cũng như điện thoại di động, máy tính và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác đã bị tịch thu từ các học viên Pháp Luân Công trong các cuộc đột kích vào nhà của họ. Vào năm 2001, khi cường độ của chiến dịch xóa sổ lên đến đỉnh điểm, tổng số vụ bắt giữ, quấy rối và giam giữ được báo cáo đối với Pháp Luân Công chỉ là 9.105.
Thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Một khía cạnh quan trọng của chiến dịch xóa bỏ Pháp Luân Công là thu hoạch nội tạng cưỡng bức – thu hoạch nội tạng, bao gồm cả các nội tạng thiết yếu, mà không có sự đồng ý, dẫn đến tử vong. Vào tháng 6 năm 2016, David Kilgour, Ethan Gutmann và David Matas đã công bố bản cập nhật chi tiết về công trình trước đây của họ về các hoạt động cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc. Bản cập nhật đã xem xét dữ liệu từ 164 bệnh viện được Bộ Y tế phê duyệt để tiến hành cấy ghép nội tạng vào năm 2007. Dựa trên hơn 2000 nguồn từ các trang web của các bệnh viện Trung Quốc, các bài báo học thuật được công bố tại Trung Quốc và các báo cáo của phương tiện truyền thông Trung Quốc, bản cập nhật này là sự tiếp nối của mười một năm điều tra về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức tại Trung Quốc. Bản cập nhật khẳng định rằng việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc trên quy mô công nghiệp, bất chấp các thông báo của các quan chức Trung Quốc rằng Trung Quốc đã ngừng sử dụng tù nhân để cấy ghép nội tạng.
Bản cập nhật đưa ra những phát hiện quan trọng sau:
- Các bệnh viện ghép tạng Trung Quốc đang cung cấp nội tạng ghép phù hợp trong vòng một tháng kể từ khi bệnh nhân yêu cầu. Các nội tạng được lấy từ những người hiến tặng còn sống, nghĩa là các nội tạng được thu hoạch khi người hiến tặng vẫn còn sống.
- Nội tạng có sẵn theo yêu cầu và được bán cho cả bệnh nhân trong nước và khách du lịch ghép tạng trên toàn thế giới.
- Cơ sở hạ tầng ghép tạng đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 2000, khi bắt đầu xảy ra tình trạng thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc với các nạn nhân Pháp Luân Công. Nhiều bệnh viện đã xây dựng các trung tâm ghép tạng mới và các khoa ghép tạng mới, cũng như lắp đặt giường bệnh mới trong các tòa nhà cũ. Ngoài ra, nhiều bệnh viện Trung Quốc đã có sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu, trong đó các khoa ghép tạng là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận.
- Một phép tính dựa trên số lượng giường bệnh, tỷ lệ sử dụng giường bệnh, số lượng nhân viên, kết hợp với quy mô tài trợ, giải thưởng và cơ sở hạ tầng mới tại các cơ sở ghép tạng ở Trung Quốc cho thấy khối lượng và quy mô thực tế của các ca ghép tạng ở Trung Quốc vượt xa tuyên bố chính thức là 10.000 ca ghép tạng mỗi năm.
- Bộ máy Nhà nước/ĐCSTQ chỉ đạo việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Nó liên quan đến các tổ chức y tế, quân đội, tư pháp, thực thi pháp luật, nhà tù, và hệ thống hành chính dân sự.
Trong nhiều năm, lập trường chính thức của Trung Quốc là các cơ quan nội tạng để cấy ghép được lấy từ những tội phạm bị hành quyết hoặc những người hiến tặng tự nguyện ở Trung Quốc. Cựu Bộ trưởng Y tế Hoàng Khiết Phu khẳng định rằng hơn 90% các cơ quan nội tạng được cấy ghép có nguồn gốc từ những tội phạm tử hình. Con số này gây hiểu lầm vì Trung Quốc chưa bao giờ chính thức thừa nhận việc lấy nội tạng từ các tù nhân lương tâm.
Do đó, các tù nhân lương tâm bị loại trừ một cách có hệ thống khỏi số liệu thống kê chính thức về nguồn nội tạng. Các bác sĩ y khoa coi việc lấy nội tạng từ những tử tù là không thể chấp nhận về mặt đạo đức. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận về mặt đạo đức xung quanh việc này lại bỏ qua một vấn đề thực tế quan trọng – liệu những nội tạng này có được lấy từ nơi khác, từ các tù nhân lương tâm không?
Kể từ năm 2000, đã có một xu hướng tăng mạnh trong các hoạt động ghép tạng ở Trung Quốc.
Đã có báo cáo chính thức về sự gia tăng khối lượng ghép tạng hàng năm từ khoảng 4.000 vào năm 1999 lên hơn 13.000 vào năm 2004 – tăng hơn 230% trong 5 năm. Số lượng trung tâm ghép tạng ở Trung Quốc đã tăng từ khoảng 150 lên hơn 1.000, trong khi thời gian chờ đợi để ghép tạng giảm đáng kể xuống còn một đến bốn tuần. Sự gia tăng mạnh như vậy trong vòng 5 năm chưa được quan sát thấy ở các quốc gia khác. Theo Đài quan sát toàn cầu về hiến tặng và ghép tạng (GODT) theo dõi số lượng hiến tặng và ghép tạng trên toàn cầu, mức tăng ghép tạng hàng năm trên toàn thế giới tương đương khoảng 10-15% trong một khoảng thời gian 5 năm tương tự.
Trong khi khối lượng cấy ghép nội tạng tăng theo cấp số nhân ở Trung Quốc, khối lượng tử hình bị hành quyết lại giảm. Tỷ lệ tử hình giảm thậm chí còn nhiều hơn sau năm 2007 khi Trung Quốc yêu cầu tất cả các bản án tử hình phải được Tòa án Nhân dân Tối cao chấp thuận. Khối lượng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc không thể được giải thích đầy đủ bởi những tên tội phạm tử tù. Phải có một nguồn nội tạng khác để giải thích cho sự gia tăng bất thường về khối lượng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc. Luật hình sự Trung Quốc yêu cầu tử tù bị kết án phải bị hành quyết trong vòng bảy ngày sau khi tuyên án.
Các bệnh viện Trung Quốc chỉ có thể cung cấp nội tạng phù hợp cho bệnh nhân trong thời gian ngắn nếu có một nhóm lớn người hiến tặng còn sống, có thể thu hoạch theo yêu cầu. Không thể duy trì một nhóm như vậy nếu mỗi người hiến tặng còn sống phải bị hành quyết trong vòng bảy ngày. Ngoài ra, nội tạng từ những tử tù thường không phù hợp để cấy ghép vì tình trạng bệnh lý và bệnh truyền nhiễm phổ biến trong số họ.
Năm 2014, Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng lấy nội tạng để cấy ghép từ tù nhân bị hành quyết và thay vào đó sẽ dựa vào nguồn hiến tặng tự nguyện. Thông báo này chưa được đưa vào trong Luật; đồng thời, Luật năm 1984 cho phép lấy nội tạng từ tù nhân bị hành quyết mà không cần sự đồng ý của tù nhân hoặc gia đình họ vẫn chưa bị thu hồi. Các nghiên cứu học thuật đã phát hiện ra rằng chương trình hiến tặng nội tạng gần đây ở Trung Quốc đã tạo ra tỷ lệ hiến tặng nội tạng từ tử thi là một trong những tỷ lệ thấp nhất thế giới.
Vào tháng 12 năm 2017, hãng thông tấn Tân Hoa Xã tuyên bố rằng khối lượng hiến tặng nội tạng tự nguyện vào năm 2016 đã tăng 50% so với năm 2015, với hơn 330.000 người hiến tặng nội tạng đã đăng ký và hơn 38.000 lần hiến tặng các nội tạng chính. Tính toàn vẹn của những con số này đang bị nghi ngờ. Chỉ trong một ngày có đúng 25.000 người hiến tặng đã đăng ký được thêm vào sổ đăng ký hiến tặng nội tạng của Trung Quốc.
Sự gia tăng lớn đột ngột này ở một quốc gia vốn có truyền thống miễn cưỡng hiến tặng nội tạng là điều không thể tin được. Việc tăng số lượng hiến tặng lên một con số lớn đơn giản cho thấy sự thao túng dữ liệu. Ngay cả khi tuyên bố này là đúng, thì nó cũng không thể giải thích được khối lượng thực tế của các ca ghép tạng ở Trung Quốc. Các con số về khối lượng ghép tạng chính thức của Chính phủ Trung Quốc dễ dàng bị vượt qua bởi khối lượng ghép tạng do một số bệnh viện lớn ở Trung Quốc thực hiện. Hơn nữa, nội tạng của những người sắp chết trong bệnh viện sẽ chỉ dành cho những người trong danh sách chờ ghép tạng. Đối với những người đặt lịch ghép tạng trước, nguồn tạng phải được xác định trước và đối với các tạng quan trọng, phải đặt lịch trước để giết người.
Kết luận của nghiên cứu và điều tra được tiến hành từ năm 2006 là nội tạng để cấy ghép từ những người đã được lên lịch giết trước chủ yếu có nguồn gốc từ các học viên Pháp Luân Công, với một số ít có nguồn gốc từ các tù nhân lương tâm khác – người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và người theo đạo Thiên chúa. Kết luận này được khẳng định vào năm 2016, khi nội tạng từ các nguồn không được tiết lộ chính thức tiếp tục tràn ngập thị trường cấy ghép của Trung Quốc, và các báo cáo về các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác bị buộc phải xét nghiệm máu một cách có hệ thống vẫn tiếp diễn. Số lượng lớn các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công bị giam giữ cung cấp một lời giải thích hợp lý và sẵn sàng về nguồn gốc của khối lượng lớn nội tạng bị thu hoạch. Các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác đã phải chịu các cuộc kiểm tra y tế và xét nghiệm máu tốn kém một cách có hệ thống trong khi những người bị giam giữ hình sự, ngoại trừ những người bị kết án tử hình, không được tham gia các thủ tục như vậy. Các học viên Pháp Luân Công phải chịu lao động cưỡng bức, tra tấn và tử vong do thương tích và thiếu điều trị y tế. Những cuộc kiểm tra y tế tốn kém này không thể được thực hiện vì lợi ích sức khỏe của các học viên Pháp Luân Công. Thay vào đó, các cuộc kiểm tra y tế là cần thiết để đánh giá sức khỏe nội tạng của họ cho mục đích cấy ghép, để sàng lọc và ghép nối.
Kể từ khi chiến dịch xóa bỏ Pháp Luân Công ra đời, Chính phủ Trung Quốc đã đưa việc phát triển cơ sở hạ tầng ghép tạng của Trung Quốc trở thành một yếu tố quan trọng trong “Kế hoạch năm năm” của mình. Quân đội và Chính quyền trung ương và địa phương đã đầu tư mạnh vào các tổ chức y tế trong nước để tiến hành nghiên cứu cơ bản và phát triển về ghép tạng và thúc đẩy công nghiệp hóa. Rõ ràng là việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc không chỉ được chính quyền Trung Quốc dung túng; mà còn được Nhà nước tổ chức và điều hành.
Các phát hiện về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng do Nhà nước tổ chức ở Trung Quốc một phần dựa trên bằng chứng tình tiết. Bằng chứng nhân chứng hạn chế là hậu quả của việc thiếu minh bạch trong hệ thống ghép tạng của Trung Quốc. Bản thân sự thiếu minh bạch này là một chỉ báo về hành vi sai trái. Việc che giấu thông tin trong lĩnh vực này phù hợp với mô hình chung của việc che đậy. Việc che đậy này là một đặc điểm mang tính xác định của cuộc diệt chủng lạnh đối với Pháp Luân Công.
Tiếp theo: Phần 3
Đức Hậu (Dịch từ bản gốc Tiếng Anh: https://digitalcommons.usf.edu/gsp/vol12/iss1/6/)