Tuyên truyền của Trung Quốc ở phương Tây

Nhà ngoại giao Trung Quốc, ông Trần Vĩnh Lâm vạch trần âm mưu toàn cầu đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ
Nhà ngoại giao Trung Quốc, ông Trần Vĩnh Lâm vạch trần âm mưu toàn cầu đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ

Những chiến dịch bôi nhọ của Bắc Kinh đối với Pháp Luân Công nhằm tác động đến lương tâm các viên chức nhà nước, tổ chức và những người ủng hộ ở phương Tây, tất cả đều nhằm mục đích loại bỏ Pháp Luân Công trên toàn thế giới.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng làm rõ rằng các học viên Pháp Luân Công không được an toàn ở bất cứ đâu. Bà Gail Rachlin là người phát ngôn tình nguyện cho Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ. Bắt đầu từ năm 1999, các điệp viên Trung Quốc đã đột nhập vào căn hộ của bà Rachlin tại Thành phố New York năm lần, sự việc này là một sự thật đã được ghi nhận bởi Hạ viện Hoa Kỳ.  

Nhưng nỗ lực của ĐCSTQ nhằm ngăn chặn Pháp Luân Công ra hải ngoại không chỉ giới hạn ở những học viên Pháp Luân Công.

Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng Đại sứ quán và Lãnh sự quán của họ để thực hiện một chiến dịch gây áp lực đối với các quan chức Chính phủ, tổ chức và thậm chí cả những cá nhân bày tỏ sự ủng hộ đối với học viên Pháp Luân Công. Không có mục tiêu nào là quá lớn hay quá nhỏ. 

Mặt trận Thống nhất sử dụng cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, bao gồm sinh viên, doanh nhân, phương tiện truyền thông để tạo ảnh hưởng, thao túng và gây sức ép với công dân nước ngoài, chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp tuân theo đường lối của Đảng về Pháp Luân Công.

– Ông Trần Vĩnh Lâm, cựu nhà ngoại giao Trung Quốc đã ra khỏi hàng ngũ của Đảng vào năm 2005

Vào tháng 11 năm 2000, Thị trưởng Stan Bogosian của Saratoga, California, đã ban hành một tuyên bố tôn vinh sự đóng góp của Pháp Luân Công cho cộng đồng. Lãnh sự quán Trung Quốc đã viết thư cho Thị trưởng Bogosian và nài nỉ ông rút lại Nghị quyết. Các quan chức địa phương trên khắp Hoa Kỳ đã đưa tin rằng họ cũng bị gây áp lực tương tự từ các Nhà ngoại giao Trung Quốc. 

Mục đích của các hành động mà ĐCSTQ tạo ra là rất rõ ràng: nhằm đưa cuộc đàn áp Pháp Luân Công ra nước ngoài, họ phải thuyết phục được các quan chức và tổ chức nước ngoài chiểu theo các chính sách đàn áp của Đảng. Trong bối cảnh mà nền dân chủ phương Tây đang dần cảnh tỉnh trước các chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ ngay trong biên giới của mình, tuy nhiên điều quan trọng là vẫn phải điều tra để vạch trần về việc Chính quyền Trung Quốc liên tục vi phạm các quy tắc ngoại giao nhằm nhắm vào các học viên Pháp Luân Công và những người ủng hộ Pháp Luân Công ở các quốc gia khác. 

Nhà ngoại giao Trung Quốc vạch trần âm mưu toàn cầu chống lại Pháp Luân Công

Ông Trần Vĩnh Lâm, cựu bí thư thứ nhất của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, Úc, là người đầu tiên tiết lộ toàn bộ phạm vi hành động của ĐCSTQ. Ông Trần trốn thoát sang Úc vào năm 2005. Ông đã làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng ưu tiên hàng đầu của mọi Lãnh sự quán và Đại sứ quán Trung Quốc trên toàn thế giới là “tiến hành đàn áp” một cách có hệ thống chống lại Pháp Luân Công bên ở ngoại quốc.

Ông Trần làm chứng rằng mỗi Lãnh sự quán và Đại sứ quán đều có một “Hội nhóm đặc biệt chuyên chống lại Pháp Luân Công” làm việc chặt chẽ với Ban công tác Mặt trận Thống nhất, một tổ chức trực thuộc ĐCSTQ. Mặt trận Thống nhất sử dụng cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, bao gồm sinh viên, doanh nhân, phương tiện truyền thông và những nhóm được gọi là “Cộng đồng người Hoa” để làm ảnh hưởng, thao túng và gây áp lực, buộc công dân nước ngoài, chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp tuân theo đường lối của Đảng về Pháp Luân Công. 

Ông Trần lưu ý rằng mỗi Lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán Trung Quốc đều áp dụng nhiều chiến thuật để ngăn chặn sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công, bao gồm: 

  • LAN TRUYỀN RỘNG RÃI các tuyên truyền bịa đặt chống lại Pháp Luân Công tại các nước sở tại nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công;
  • TÀI TRỢ VÀ KIỂM SOÁT DƯỚI NHIỀU HÌNH THỨC, ĐCSTQ tự tạo ra những phương tiện truyền thông viết hoặc nói dành riêng cho cộng đồng người Hoa để dễ dàng kiểm soát;
  • SỬ DỤNG NGƯỜI DI CƯ TRUNG QUỐC và sinh viên để theo dõi và đưa tin về các hoạt động của Pháp Luân Công tại địa phương và trong khuôn viên trường học; 
  • GÂY ÁP LỰC CHO QUAN CHỨC ĐỊA PHƯƠNG và bắt họ phải lựa chọn giữa các mối đe dọa về kinh tế hoặc làm theo yêu cầu của ĐCSTQ và sẽ nhận được những ưu đãi về kinh tế. Điều này bao gồm việc viết thư yêu cầu các cán bộ không được ủng hộ Pháp Luân Công và loại trừ những cử tri đang tu luyện Pháp Luân Công khỏi mọi hoạt động cộng đồng, bao gồm diễu hành, các dịp lễ kỷ niệm, họp báo và các sự kiện học thuật.  
Các thành viên của Hiệp hội người Trung Quốc tai Argentina đã tấn công các học viên Pháp Luân Công
Chủ tịch của CASRECH (Phòng Thương mại Siêu thị và Nhà hàng Tự phục vụ thuộc sở hữu của cư dân người Trung Quốc tại Argentina) đã đe dọa một học viên Pháp Luân Công ở Buenos Aires, Argentina, vào ngày 19 tháng 7 năm 2014. Các thành viên của Hiệp hội người Trung Quốc địa phương đã tấn công các học viên Pháp Luân Công đang phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sau đây chỉ là một số ít trong vô số trường hợp đã xảy ra trên toàn thế giới trong hơn 20 năm qua. 

Nghị viên thành phố bị giám sát, đe dọa

Ông John Hugh, một thành viên Hội đồng Thành phố Parramatta, là người gốc Trung Quốc, định cư tại Úc, đó là một khu vực ngoại ô của Sydney, dự định sẽ đến Trung Quốc vào năm 2014 trong khuôn khổ của Phái đoàn Chính phủ. Tuy nhiên, như được đưa tin trên tờ The Australian, trước chuyến đi của mình, ông Hugh đã được mời đến Lãnh sự quán Trung Quốc và bị hỏi về mối quan hệ thân thiện của ông với Pháp Luân Công. Các quan chức Trung Quốc sau đó yêu cầu ông không tham dự một buổi biểu diễn sắp tới của Đoàn Biểu Diễn Nghệ Thuật Shen Yun, một chương trình Múa cổ điển Trung Quốc do các học viên Pháp Luân Công thể hiện. Ông Hugh đã từ chối yêu cầu này của Lãnh sự quán Trung Quốc.

Các quan chức Lãnh sự sau đó đã đến Văn phòng Thị trưởng Parramatta để bày tỏ mối quan ngại về ông Hugh. Họ đưa ra những tài liệu cho thấy họ đã theo dõi ông Hugh tại các sự kiện Pháp Luân Công và yêu cầu ông rời khỏi Phái đoàn. Tuy nhiên, Thị trưởng đã từ chối tuân theo yêu cầu này.

Sau đó, ông Hugh được triệu tập đến Lãnh sự quán lần thứ hai và bị yêu cầu ký vào một tuyên bố rằng ông sẽ không ủng hộ Pháp Luân Công, không xem Shen Yun và cũng không tham dự các sự kiện công khai về việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ các nạn nhân Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Ông Hugh một lần nữa từ chối yêu cầu này. Cuối cùng, ông Hugh đã nhận được visa và Phái đoàn vẫn tiếp tục chuyến đi mà không gặp sự cố nào.

Nghị quyết của Tiểu bang California bị trả lại sau khi bị đe dọa

Theo báo cáo của Freedom House, vào ngày 29 tháng 8 năm 2017, Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Bang California đã nhất trí thông qua một Nghị quyết lên án cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công. Tuy nhiên, vào ngày 1 tháng 9, Thượng viện bang California bất ngờ chọn trả lại Nghị quyết cho Ủy ban Quy tắc, về cơ bản ngăn chặn Nghị quyết này không được đưa ra bỏ phiếu. 

Sự trì hoãn này liên quan đến một loạt các bức thư từ Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco gửi đến các thành viên của Cơ quan Lập pháp Bang, đe dọa rằng việc thông qua Nghị quyết “có thể gây tổn hại sâu sắc đến quan hệ hợp tác giữa bang California và Trung Quốc” thêm vào đó  “phá hoại tình hữu nghị… giữa California và Trung Quốc.”

Thị trưởng Canada thay đổi lập trường sau chuyến đi Trung Quốc

Vào tháng 5 năm 2010, The Ottawa Citizen đã đưa tin rằng Thị trưởng Ottawa, ông Larry O’Brien đã từ chối ban hành một tuyên bố công nhận Ngày Pháp Luân Đại Pháp như ông đã làm trong các năm trước, sau khi ông trở về từ chuyến công tác tại Trung Quốc, ông cũng cho biết vì ông đã “đưa ra một lời cam kết”. 

Sau đó, các đại diện của nhóm Pháp Luân Công địa phương phát hiện rằng ông O’Brien thực hiện cam kết đó theo yêu cầu của Thị trưởng Bắc Kinh trong chuyến thăm tới Trung Quốc. Hội đồng Thành phố Ottawa sau đó đã phớt lờ Thị trường O’Brien để ban hành một tuyên bố công nhận Ngày Pháp Luân Đại Pháp.

Các quan chức Chính phủ ở New Zealand, Australia, Canada, Hoa Kỳ, và Châu Âu bày tỏ sự lo ngại về việc các quan chức Trung Quốc can thiệp vào quốc gia của họ.

Quốc hội Hoa Kỳ kêu gọi Bắc Kinh ngừng can thiệp ở nước ngoài

Vào năm 2004, Nghị quyết Liên hiệp Hạ viện Hoa Kỳ 304 (H.CON.RES.304) được thông qua với sự đồng thuận tuyệt đối. Nghị quyết này nêu rõ rằng các tổ chức liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã “gây áp lực lên các quan chức được bầu ở Hoa Kỳ yêu cầu từ chối hoặc rút lại hỗ trợ đối với nhóm học viên Pháp Luân Công.”

Nghị quyết kêu gọi Chính phủ Trung Quốc “ngừng can thiệp vào việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và chính trị trong lãnh thổ Hoa Kỳ, như quyền được tu luyện Pháp Luân Công; ngừng sử dụng các cơ quan ngoại giao tại Hoa Kỳ để truyền bá những thông tin sai lệch về Pháp Luân Công; thả các tù nhân lương tâm; [và] chấm dứt việc quấy rối, giam giữ, hành hạ, và bỏ tù những cá nhân vô tội.”

Các quan chức Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các nhà hát ở Hoa Kỳ, châu Âu và những nơi khác

Theo The Epoch Times, vào tháng 1 năm 2019, Đại sứ Trung Quốc tại Tây Ban Nha, Lu Fan, đã thừa nhận trong một cuộc gọi điện thoại được ghi âm rằng ông đã đến thăm Giám đốc Điều hành của Nhà hát Hoàng gia ở Madrid để gây áp lực yêu cầu ông này hủy buổi biểu diễn sắp tới của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, hoặc sẽ phải đối mặt với việc mất đi các hợp đồng kinh doanh từ Trung Quốc. Lu tự hào cho biết ông là người đã nghĩ ra kế hoạch để Nhà hát sử dụng là lý do liên quan đến “kỹ thuật” như một hành vi che đậy. Nhà hát đã hủy buổi biểu diễn mặc dù hợp đồng đã được ký kết từ trước.

Vào năm 2016, Nhà hát KBS ở Seoul, Hàn Quốc, đã hủy bỏ bốn buổi biểu diễn của Shen Yun. Những nhà tổ chức của buổi biểu diễn Shen Yun đưa vấn đề này ra Tòa án Quận Seoul ở phía Nam. Thẩm phán đã xem xét vụ việc và quyết định rằng lý do hủy bỏ Shen Yun không hợp lý và Shen Yun nên được phép biểu diễn.

Tuy nhiên, chỉ hai ngày trước các buổi biểu diễn, chính Thẩm phán này đã lật lại quyết định từ trước của ông và ra phán quyết hủy các buổi diễn. Phán quyết mới viện dẫn các mối đe dọa từ Đại sứ quán Trung Quốc đối với Hệ thống Phát sóng Hàn Quốc (KBS), chủ sở hữu của Nhà hát. Tòa án cho biết nếu Trung Quốc trả đũa bằng cách không cho phép KBS phát sóng các bộ phim truyền hình Hàn Quốc ở Trung Quốc, KBS sẽ phải chịu thiệt hại tài chính nặng nề.

Dưới sức ép từ chế độ Cộng sản Trung Quốc, độc lập Tư pháp, Pháp quyền và Nền dân chủ của Hàn Quốc đã bị tổn hại.

Các nhà hát ở các quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm Úc, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Brussels, Ý, Vương quốc Anh, Ireland, Hà Lan, Nga, Ukraine, Romania, Cộng hòa Séc, Israel, New Zealand, Moldova, Argentina, Hồng Kông, Thái Lan, Việt Nam, Canada và các thành phố trên khắp Hoa Kỳ đưa tin những nỗ lực tương tự của các quan chức Trung Quốc nhằm cố gắng để dừng các buổi biểu diễn của Shen Yun tại các nhà hát địa phương.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng đã gửi thư cho các quan chức chính phủ và tổ chức địa phương để gây áp lực yêu cầu họ không tham dự các buổi biểu diễn của Shen Yun.

Email giả nhắm vào các quan chức phương Tây

Để tiếp tục chiến dịch bôi nhọ Pháp Luân Công, ĐCSTQ sau đó đã triển khai một chiến dịch email tinh vi để thao túng các quan chức phương Tây trên khắp thế giới. Các quan chức này đã nhận được các email kỳ lạ, xúc phạm và đôi khi đe dọa từ những cá nhân không rõ danh tính mạo danh các học viên Pháp Luân Công nhằm nỗ lực để làm mất uy tín của Pháp Luân Công. Các email trước đây đã được truy tìm đều có các địa chỉ IP có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Một email được gửi đến Văn phòng của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ được cho là từ một người phát ngôn cho Pháp Luân Công vào tháng 1 năm 2011. Sau phần giới thiệu ngắn gọn cảm ơn Thượng nghị sĩ vì sự ủng hộ trước đây của ông, bức thư sau đó đưa ra một loạt các yêu cầu bất thường, bao gồm cả việc Thượng nghị sĩ và gia đình ông phải công khai tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó, email này kết thúc bằng lời đe dọa rằng nếu các yêu cầu không được đáp ứng, các học viên Pháp Luân Công sẽ huy động không bầu cử cho ông và đảm bảo Thượng nghị sĩ không tái đắc cử. Email này được truy tìm là đến một địa chỉ IP ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. 

Sau trận động đất ở Christchurch năm 2011, những đại diện được bầu ở New Zealand đã nhận được email từ một người mạo danh một học viên Pháp Luân Công. Các email nêu rằng 159 người chết vì “họ phải chịu hậu quả đúng với những gì họ đã làm”. Tiến sĩ Cathy Casey, một Ủy viên Hội đồng Auckland, người nhận ra các email là một trò lừa bịp, đã gọi các email này là “kinh ngạc” và “đáng chê trách”. 

Ông John Hugh, một thành viên Hội đồng Thành phố ở Parramatta, Australia, đã nhận được một email đáng ngờ từ “Amanda Chin”, người này giả mạo là học viên Pháp Luân Công và yêu cầu ông tham dự một sự kiện. Khi ông trả lời rằng ông không thể tham gia, Amanda đã phản hồi lại: “NGU DỐT! Đây là cơ hội cuối cùng để bạn được cứu. Chờ đợi bạn là HÌNH THẦN TOÀN DIỆT!”

Tại Canada, hàng năm, các email tương tự được gửi đến các Nghị sĩ Quốc hội vào dịp kỷ niệm Pháp Luân Đại Pháp hàng năm. Các email này có vẻ như mời các Nghị sĩ Quốc hội tham dự các sự kiện, nhưng sau đó lại chuyển thành những lời đe dọa kỳ lạ. 

Bà Judy Sgro, đồng Chủ tịch của nhóm Nghị sĩ Canada Ủng Hộ Pháp Luân Công, là một trong nhiều Nghị sĩ thường xuyên nhận được những loại tin nhắn như vậy. Trong một email vào năm 2018, người gửi đã chỉnh sửa một bức ảnh của bà Sgro trên một nền tảng không phù hợp và tuyên bố rằng nó sẽ được đăng tải khắp nơi để cho thấy bà ủng hộ Pháp Luân Công. “Đó thực sự là một nỗ lực nhằm bôi nhọ các học viên Pháp Luân Công,” bà Sgro nói.

Các cuộc tấn công bạo lực vào Pháp Luân Công ở New York

Các học viên Pháp Luân Công đã bị tấn công liên tục bởi những người ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc
Cư dân Flushing, Edmond Erh, bị một đám đông tấn công trong khi đang làm tình nguyện tại Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu hỗ trợ làm tam thoái khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc

Cư dân Flushing, Edmond Erh, bị một đám đông tấn công trong khi đang làm tình nguyện tại một bàn của Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu hỗ trợ làm tam thoái khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Flushing, New York, vào ngày 10 tháng 7 năm 2008. Trong suốt mùa xuân và mùa hè năm đó, các học viên Pháp Luân Công đã bị tấn công liên tục bởi những người ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ yếu là người Trung Quốc ở Queens.

Vào mùa xuân và mùa hè năm 2008, các học viên Pháp Luân Công tại Thành phố New York đã trở thành mục tiêu của bạo lực liên tục trong khu phố Flushing, Queens, nơi phần lớn là người Hoa. Đám đông người Hoa đã bao vây, mắng mỏ, đấm đá, tấn công và ném đá vào các học viên Pháp Luân Công, dẫn đến nhiều vụ bắt giữ. 

Bành Khắc Ngọc, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại New York, đã bị ghi âm bí mật khi nói rằng ông “khuyến khích” cái gọi là các tổ chức cộng đồng người Hoa hoạt động theo Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, tấn công các học viên Pháp Luân Công. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã chỉ trích những cuộc tấn công này là hành vi vi phạm rõ ràng quyền tự do tôn giáo tại Hoa Kỳ. 

Cho đến ngày nay, các học viên Pháp Luân Công tại Flushing vẫn phải chịu sự phân biệt đối xử, quấy rối, đe dọa giết người và bạo lực hàng ngày khi họ cố gắng thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và ngôn luận của mình. 

Vào năm 2015, một vụ kiện đã được đệ trình chống lại một tổ chức ở Queens, New York có tên là “Liên minh chống tà giáo của Trung Quốc” (viết tắt là CACWA) vì đã đe dọa và đưa ra các lời đe dọa giết người đối với các học viên Pháp Luân Công ở thành phố New York. Đơn kiện mô tả cách mà CACWA thực chất là một chi nhánh ở nước ngoài của một tổ chức tương tự thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, tổ chức này làm việc chặt chẽ với Văn phòng 610, một cơ quan an ninh giống như Cảnh sát Mật quốc gia được thành lập với nhiệm vụ tiêu diệt Pháp Luân Công.

Các vụ tấn công vào học viên Pháp Luân Công cũng xảy ra ở nhiều thành phố và quốc gia khác. 

Nhóm cộng đồng người Hoa: Một vũ khí ma thuật

Năm 2017, Giáo sư Anne-Marie Brady từ New Zealand đã công bố một báo cáo có tựa đề “Vũ khí ma thuật: Các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình”, trong đó nêu chi tiết cách các nhóm cộng đồng người Hoa địa phương dưới vỏ bọc là các tổ chức “hữu nghị” hoặc “người Hoa ở ngoại quốc” thực chất đang hoạt động như các điệp viên của ĐCSTQ thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất và đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề đối ngoại và quốc phòng của Trung Quốc. Bà viết rằng ngoại trừ các tổ chức do những người phản đối ĐCSTQ thành lập, như Pháp Luân Công, người Tây Tạng, các nhóm dân chủ, v.v., hầu hết các hiệp hội người Hoa ở nước ngoài đều do ĐCSTQ kiểm soát để gây ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc ở các quốc gia khác.

Do thám Pháp Luân Công trên toàn thế giới

Theo ông Trần Vĩnh Lâm, một trong những nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt chống Pháp Luân Công là biên soạn danh sách đầy đủ tất cả các học viên Pháp Luân Công tại địa phương và thu thập càng nhiều thông tin càng tốt để Lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán có thể phân công sinh viên Trung Quốc và những người ủng hộ ĐCSTQ trong cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương theo dõi hoạt động của họ. 

Ông Trần làm chứng rằng các Lãnh sự quán và Đại sứ quán Trung Quốc trên khắp thế giới đều theo dõi các học viên Pháp Luân Công. 

Giáo sư Clive Hamilton, tác giả của Cuộc xâm lược thầm lặng, Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc, đã kể câu chuyện về một doanh nhân đã nghỉ hưu nhìn thấy một học viên Pháp Luân Công đang thu thập chữ ký cho một đơn kiến ​​nghị trong khi ông đi bộ với một sinh viên Trung Quốc thuê trọ của mình. Cô sinh viên này đã cầu xin Giáo sư không được tiếp xúc với học viên đó, và bỏ đi trong khi Giáo sư vẫn ký vào Bản kiến ​​nghị. Hai tuần sau, Bộ An ninh nước Úc đã liên lạc với cha mẹ của cô sinh viên đó ở Trung Quốc và cảnh báo họ rằng con gái họ đang gây rối tại Úc. 

Giáo sư Hamilton viết, “Hãy nghĩ về điều đó. Chính quyền Trung Quốc tại Úc đang giám sát các học viên Pháp Luân Công trên đường phố Sydney và Melbourne, chụp ảnh bất kỳ ai tương tác với những học viên. Chính quyền Trung Quốc có thể xác định bất kỳ người Trung Quốc nào và đưa họ vào danh sách theo dõi.”

Một điệp viên Trung Quốc bị kết án vì tội làm gián điệp

Năm 2011, điệp viên Trung Quốc John Chu đã bị kết án và tuyên án vì tội do thám các học viên Pháp Luân Công tại Đức. Các cuộc điều tra phát hiện ra rằng ông đã làm việc với các viên chức Lãnh sự Trung Quốc tại Berlin và cũng làm việc với Phòng 610, một lực lượng đặc nhiệm bí mật có quyền hạn rộng lớn do ĐCSTQ thành lập để đàn áp Pháp Luân Công. 

Trong một trường hợp khác vào năm 2006, Vương Bằng Phi, Thư ký thứ hai tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa, đã bị từ chối gia hạn thị thực ngoại giao sau khi ông kích động sinh viên Trung Quốc thu thập thông tin về các học viên Pháp Luân Công tại Canada, theo nhiều báo cáo của phương tiện truyền thông

Iceland xin lỗi vì đã nghe theo Đảng Cộng Sản Trung Quốc

Vào tháng 6 năm 2001, theo yêu cầu của các viên chức Trung Quốc, Chính quyền Iceland đã từ chối nhận nhập cảnh đối với các học viên Pháp Luân Công đến Iceland để phản đối chuyến thăm của lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Sử dụng danh sách đen do ĐCSTQ cung cấp, hãng Hàng không Quốc gia đã từ chối hàng trăm học viên Pháp Luân Công tại các sân bay trên khắp thế giới. Những người đến được Iceland thì bị Chính phủ giam giữ. Hành động của Chính phủ tạo ra phản ứng dữ dội ở Iceland, với những người dân và các thành viên Quốc hội Iceland biểu tình trên đường phố.

Năm 2011, Bộ trưởng Ngoại giao Iceland đưa ra lời xin lỗi vì đã vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do đi lại của các học viên Pháp Luân Công trong vụ việc này.

Người dân Iceland  phản đối lệnh cấm các học viên Pháp Luân Công nhập cảnh vào nước này của chính phủ Iceland do ảnh hưởng ngoại giao của Chính phủ Trung Quốc
(Trái) Người dân Iceland bịt miệng bằng những mảnh vải đen để phản đối lệnh cấm các học viên Pháp Luân Công nhập cảnh vào nước này và lệnh hạn chế quyền tự do ngôn luận của chính phủ Iceland. (Phải) 450 thành viên quốc hội và những nhân vật công chúng nổi tiếng đã cùng nhau hành động và đăng bốn quảng cáo trên tờ báo lớn nhất Iceland, Morgunbladid, để xin lỗi các học viên Pháp Luân Công.

Công ước Vienna cấm những hành động này

Đây chỉ là một vài ví dụ về cách Chính quyền Trung Quốc đang đe dọa các giá trị và nguyên tắc dân chủ ở các quốc gia trên thế giới. Việc Chính quyền Trung Quốc sử dụng Đại sứ quán và Lãnh sự quán để truyền bá các chính sách đàn áp của họ ở ngoại quốc không thể được bỏ qua. Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao nêu rõ rằng các viên chức ngoại giao đến thăm có nghĩa vụ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia sở tại.  

Những hành động liên tục của ĐCSTQ ở các nước chủ nhà chống lại Pháp Luân Công là sự vi phạm trắng trợn Công ước Vienna và lạm dụng đặc quyền ngoại giao, và các nhà ngoại giao thúc đẩy các hoạt động như vậy nên bị trục xuất. Tuy nhiên, trong khi ĐCSTQ gây sức ép buộc một số quan chức, tổ chức và công dân bình thường nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc và nhiều nơi khác, nhiều người vẫn kiên cường và giữ vững sự chính trực của mình. 

Các chính phủ trên toàn thế giới phải xem xét kỹ hơn các hành động của ĐCSTQ tại nước mình và chấm dứt việc lạm dụng này. Không thể để ĐCSTQ lợi dụng quyền tự do dân chủ để phục vụ cho mục đích riêng của mình.  

Hân Liên & Bảo Chân (Dịch từ bản tiếng Anh: https://faluninfo.net/chinese-propaganda-in-the-west/)

Bài viết liên quan