“Tu luyện cả đời không chính quả, một ngày hướng Phật lại hồi Thiên” trên Tinh Hoa TV là một câu chuyện đầy kịch tính và mang tính triết lí sâu sắc về vấn đề cái tâm con người. Tính cách và số phận của các nhân vật được bộc lộ rõ nhất qua món quà đặc biệt mà Ác Lai thành kính dâng lên Đức Phật: bộ gan ruột của chính nhân vật hay ăn thịt người này.
Mục lục
Tóm tắt câu chuyện
Một hòa thượng đã hơn 30 năm khổ tu, thuộc hết cả Kinh kệ, lại rất giỏi thuyết Pháp nhưng mãi chưa đắc chính quả. Sư tìm đến Tây Trúc để hỏi căn nguyên. Trên hành trình, mặc dù gặp nhiều gian nan nhưng ông vẫn kiên trì đi tiếp. Một hôm, đến trước cửa một ngôi nhà giữa rừng, sư kiệt sức nằm vật xuống cửa, bất chấp lời khuyên của chủ nhà, rằng ông nên rời đi mau, bởi con trai bà là Ác Lai, chuyên ăn thịt người, sắp trở về. Thấy nhà sư không thể đi được nữa, bà lão đành giấu ông vào một hang đá gần đó.
Ác Lai trở về, ngửi thấy mùi thịt người và dễ dàng tìm thấy nhà sư đang bất tỉnh. Ác Lai lăm lăm cây mác trong tay, chờ nhà sư tỉnh dậy. Tuy nhiên, sau khi nghe nhà sư thuyết Pháp và kể về hành trình gian khó đi về đất Phật, về việc mẹ con Ác Lai cũng có thể đạt tới cảnh giới “vô sinh vô diệt”, Ác Lai lập tức bừng ngộ. Do hiểu sai hàm nghĩa lời giảng của nhà sư, Ác Lại lập tức rạch bụng, kéo bộ ruột gan ra và thành khẩn nói trong hơi thở đứt đoạn, nhờ nhà sư dâng lên Đức Phật bộ lòng của mình làm quà.
Nhà sư bối rối nhưng rồi ông nhìn vào mắt Ác Lai, gật đầu nhận lời. Sư tiếp tục hành trình. Bộ lòng bốc mùi thối, ông cũng ráng chịu. Nhưng một hôm, không chịu nổi nữa, nhà sư vứt bộ lòng xuống biển và đi tiếp.
Cuối cùng, ông cũng đến được đất Phật. Trong khi thành tâm quỳ bái Phật và nói điều thắc mắc của mình với Đức Phật, ông thấy từ trên cao vọng xuống tiếng nói: “Con còn thiếu một lễ vật nữa mới thành chính quả”. Đồng thời phía trên cao, ông thấy thấp thoáng bóng dáng mẹ con Ác Lai. Nhà sư hiểu ra sự tình, thẹn thùng và hối hận vô biên.

Tu Phật rất khó
Sau hơn 30 năm khổ tu, nhà sư đã thuộc hết Kinh kệ. Ông lại có tài thuyết Pháp rất hay. Không phải người tu hành nào cũng có thể đạt được như vậy. Lời thuyết Pháp của ông đã khiến Ác Lai – một kẻ chuyên ăn thịt người, tức là một kẻ đã mất hết nhân tính, và kẻ ấy đang lăm lăm mũi mác trong tay để thịt ông, trong phút chốc bừng ngộ, ngộ triệt để. Tài năng này quả đáng khâm phục! Hơn nữa, trong chuyến đi này, nhà sư còn đã tích thêm được công đức khi ông giúp một kẻ như Ác Lai giác ngộ Phật Pháp và hoàn lương. Cái đích đắc chính quả dường như đang đến gần hơn với ông.
Tuy nhiên, mặc dù đã vượt qua kiếp nạn khiến ông suýt mất mạng, đã vượt qua bao gian nan trong hành trình tiến về đất Phật và đã được diện kiến Đức Phật để giãi bày điều thắc mắc của mình nhưng kết cục của nhà sư lại rất đáng buồn. Ông không đắc chính quả. Nhà sư hối hận vô biên nhưng đã muộn mất rồi.
Nguyên nhân khiến nhà sư không đắc chính quả là gì?
Thứ nhất, ông quá chú tâm vào việc vì sao mình chưa đắc chính quả và ông đi tìm hỏi Đức Phật. Phải chăng thẳm sâu trong tâm ông có một chút hoài nghi, rằng Đức Phật phải chăng nhìn chưa thấu công đức của ông? Ông đã thật sự toàn tâm tín Phật chăng?
Thứ hai, nhà sư không chịu được cái khổ to lớn. Người tu hành phải chịu được những điều người thường không thể chịu được. Ông cũng đã cố gắng chịu đựng mùi xú uế từ bộ lòng của Ác Lai. Nhưng rồi mùi xú uế mỗi ngày một nặng nề hơn, ông đã vứt bộ lòng xuống biển. Phải chi ông ráng nhẫn chịu thêm! Nếu như thế, rất có thể Đức Phật sẽ nhìn thấy sự nhẫn nại chịu khổ của ông và sẽ hóa giải giúp ông.
Thứ ba, nhà sư chưa thật lòng nghĩ cho người. Lo các nhà trọ sẽ không chứa mình vì bộ lòng bốc mùi xú uế, sư đã vứt món quà Ác Lai dâng Phật mà không áy náy, day dứt. Phải chi ông cứ tâm tâm niệm niệm rằng, dù thế nào đi nữa, ông nhất định phải giúp Ác Lai hoàn thành tâm nguyện, bởi món quà của Ác Lai được đổi bằng mạng sống của anh. Chỉ vì một toan tính cá nhân mà nhà sư đã quên mất điều quan trọng rằng, là người tu Phật, ông nhất định phải làm người tốt, phải biết vị tha, tức là phải biết nghĩ cho người, dùng Thiện tâm mà đối đãi với mọi người.
Thứ tư, nhà sư thiếu trung thực, thiếu thật thà. Ông không hoàn thành lời hứa với Ác Lai nhưng không thú nhận điều đó với Đức Phật. Ông nghĩ rằng Đức Phật không biết việc mình đã thất hứa với Ác Lai chăng? Khi con người chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân thì người ta sẽ trở nên thiếu minh mẫn như thế.
Kết cục đáng buồn của nhà sư không phải là do ông đã sơ suất để xảy ra chuyện “thiếu một lễ vật” nên không “thành chính quả”, mà là vì ông chưa thực tu cái tâm của mình, chưa đủ Chân thành, chưa đủ Thiện lương, chưa đủ Nhẫn nại khi đối đãi với các khảo nghiệm tâm tính trên đường tu. Thật đáng tiếc! Ông đã để phí hoài 30 năm vất vả, phí hoài cuộc đời dành cho mục đích tu.
Câu chuyện của nhà sư cho thấy tu Phật thực sự rất khó, khó vô cùng.

Tuy nhiên… con người vẫn có thể tu thành
Kết cục của mẹ con Ác Lai thật bất ngờ. Ác Lai vốn là kẻ ác, thích ăn thịt người. Câu nói của Ác Lai khi hắn mới trở về nhà nghe mà rợn người: “Có mùi thịt, mẹ ạ… Thịt người. Con biết lắm. Có mùi thịt người”. Ác Lai tìm thấy nhà sư và chuẩn bị ăn thịt ông. Nhưng sau khi nghe nhà sư thuyết Pháp, anh ta đã bừng ngộ. Không một mảy may chần chừ suy tính, Ác Lai dùng mũi giáo rạch bụng mình, lấy ra bộ gan ruột làm quà dâng lên Đức Phật. Bởi anh ngỡ Phật cần bộ lòng của anh.
Đối với một sinh mệnh, vứt bỏ sinh tử là chuyện rất khó, có thể nói là khó nhất. Nhưng Ác Lai dễ dàng đạt đến trạng thái đó.
Hành động rạch bụng rất nhanh, bất ngờ và dứt khoát của Ác Lai chứng tỏ anh có ngộ tính rất cao. Anh tuyệt đối thành tâm tín Phật và kính Phật.
Đức Phật đã nhìn thấu cái tâm ấy của anh và đã từ bi ban đại phúc cho anh. Từ một sinh mệnh mà sau khi hết kiếp này có lẽ sẽ bị “hình thần toàn diệt”, nếu không thì cũng phải đọa địa ngục, nhờ sự giác ngộ đột ngột và chân thành, Ác Lai đã được Đức Phật từ bi ban đại phúc. Anh được về đất Phật.
Câu chuyện của Ác Lai có lẽ cũng là một sự mở lối cho những ai đã và đang phạm tội, nhất là phạm tội bức hại Phật Pháp. Họ có thể tự cứu mình khỏi viễn cảnh kinh hoàng nơi địa ngục bằng việc thành tâm sám hối, để “quay đầu là bờ”.
Bà mẹ của Ác Lai cũng được về đất Phật. Bà là một người mang tâm Thiện. Bà tìm cách giúp nhà sư thoát khỏi việc bị con trai mình ăn thịt. Khi nghe nhà sư thuyết Pháp, bà đã rất xúc động. Người nghe thuyết Pháp mà thấy xúc động, ấy là người có Thiện tâm, có ngộ tính tốt. Bà đã cùng Ác Lai chuẩn bị lương thực để nhà sư mang đi. Bà còn được hưởng phúc báo do đã sinh ra một người con rất thành tâm kính Phật.
Trên thực tế, câu chuyện về nhục thân bất hoại của nhiều vị Thiền sư cũng cho thấy tu Phật tuy rất khó nhưng con người vẫn có thể tu thành chính quả.
Ví dụ: ở Trung Quốc có nhục thân bất hoại của Lục Tổ Huệ Năng tại chùa Nam Hoa, Quảng Đông, cho đến nay đã hơn 1300 năm; quần thể 15 bức tượng chứa nhục thân bất hoại ở chùa Chính Quả, thị trấn Miên Sơn, thành phố Giới Hưu, tỉnh Sơn Tây…; ở Việt Nam có nhục thân bất hoại của bốn Thiền sư: Thiền sư Tự Đạo Chân (thế danh Vũ Khắc Minh) và Thiền sư Tự Đạo Tâm (thế danh Vũ Khắc Trường) ở chùa Đậu, Thiền sư Như Trí ở chùa Tiêu, Thiền sư Chuyết Chuyết ở chùa Phật Tích.

Ý nghĩa của câu chuyện
Câu chuyện “Tu luyện cả đời không chính quả, một ngày hướng Phật lại hồi Thiên” là một bài học sâu sắc và quý giá cho con người trong cuộc sống về việc tu tâm. Thời gian tu dài hay ngắn, thuộc bao nhiêu Kinh kệ, khả năng thuyết Pháp tài giỏi ra sao, tu tại chùa hay không tại chùa…, tất cả chỉ là bề mặt, không phải là yếu tố cốt lõi đóng vai trò quyết định đối với việc người ta tu thành hay tu không thành.
Câu chuyện cũng cho thấy việc tu Phật rất khó nhưng không phải là con người không thể tu thành. Quan trọng là sự giác ngộ và thực tu cái tâm. Câu nói mà nhà sư nói với Ác Lai: “Tâm tức thị Phật, Phật tức thị Tâm” chính là có ý nghĩa như thế. Nếu cái tâm luôn nghĩ cho người, thực lòng, hết lòng vì người và sẵn sàng chịu đựng khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh bản thân… thì sẽ không bao giờ xảy ra chuyện đáng tiếc như chuyện đã xảy ra đối với nhà sư.
Câu chuyện là một lời nhắn nhủ, một sự khích lệ đối với thế nhân. Muốn thoát khỏi bể khổ nơi trần gian, người ta nhất định phải thành tâm tín Phật, thành tâm kính Phật và thực tu cái tâm của mình.
Bản tính của con người là hướng Thiện. Mỗi thời kỳ lịch sử đều có người tu Phật nhưng số người chân tu hỏi có bao nhiêu. Thời kỳ lịch sử hiện nay đang mở ra cho nhân loại một cơ duyên hiếm gặp. Pháp Luân Công, pháp môn tu tâm luyện thân của Phật gia tại cuộc sống đời thường, theo nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”, được truyền ra vào thời kỳ lịch sử này, chính là con đường trở về cõi Phật tốt nhất mà Đức Phật từ bi ban cho nhân loại.
Hàn Mai (s/t)