
Lão Tử, tác giả của “Đạo Đức Kinh”, đã dành cả đời để tìm hiểu về “Đạo” – nguyên lý vận hành của vũ trụ. Ông tin rằng bằng cách sống hòa hợp với tự nhiên và tu dưỡng tâm tính, con người có thể đạt đến cảnh giới của một bậc cao nhân. Bài viết này sẽ giới thiệu 4 đạo lý giúp bạn khám phá phẩm chất bậc cao nhân và cách áp dụng đạo lý này vào cuộc sống thường ngày.
Mục lục
Giới thiệu về Lão Tử
Lão Tử (tên thật là Lý Nhĩ, tự Bá Dương, hiệu là Lão Đam) là một bậc đại trí giả thông tuệ, đã từng làm quan trong triều đại nhà Chu. Ông đã đọc tất cả các sách, dị thư thời đó và giác ngộ về Đạo – nguyên lý trường tồn của vũ trụ. Trí tuệ của Lão Tử được lưu truyền hàng ngàn năm qua bộ “Đạo Đức Kinh”. Ông tin rằng “Đạo” là nguồn gốc của vạn vật trong vũ trụ và là thể hiện của quy luật tự nhiên. Lão Tử cũng nhấn mạnh rằng “Đạo pháp tự nhiên” (sự trở về với “đạo” của vạn vật ở trạng thái nguyên sơ, tĩnh lặng và tự nhiên) và chủ trương thuận theo tự nhiên, dùng nước làm ẩn dụ cho Đạo, đồng thời tin rằng vạn vật hình thành đều nhờ vào “Đạo”.
Đạo lý của ông dạy con người về cách sống hài hoà, đơn giản, hoà hợp với tự nhiên và tìm kiếm sự cân bằng trong vạn sự, vạn vật. Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể áp dụng những học thuyết sâu sắc này vào cuộc sống? Để trở thành một bậc cao nhân như Lão Tử từng miêu tả, chúng ta cần hiểu rõ hơn về “Đạo” và những nguyên lý mà ông đã đúc kết.
Lão Tử đã chỉ ra 4 đạo lý sâu sắc, giúp chúng ta khám phá ra những bí quyết để đạt đến cảnh giới giác ngộ. Những đạo lý này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân và thế giới xung quanh, mà còn giúp chúng ta sống một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn.
4 đạo lý phân biệt bậc cao nhân và người bình thường của Lão Tử
Đạo làm người: Đơn giản hoá cuộc sống. Người bình thường nghĩ “phức tạp”, bậc cao nhân nghĩ “đơn giản”.
“Lão Tử từng dạy: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh; ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung, ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng; trì sính điền liệp, lệnh nhân tâm phát cuồng; nan đắc chi hóa, lệnh nhân hành phương”. Ý ông muốn nói, sự phức tạp của thế giới bên ngoài chỉ làm con người mệt mỏi và mất đi sự cân bằng. Vậy nên, bậc thánh nhân luôn chọn cho mình lối sống giản dị, chỉ giữ lại những gì thiết yếu.
Khi cuộc sống quá phức tạp, tâm hồn con người dễ bị xao động. Người đơn giản sẽ ít vướng mắc, suy nghĩ, từ đó có được sự bình yên nội tâm. Họ không chạy theo những hào nhoáng bên ngoài, mà tập trung vào những giá trị cốt lõi của cuộc sống.
Trong xã hội hiện đại, việc đơn giản hóa cuộc sống không chỉ là một lựa chọn, mà còn là một nhu cầu. Bởi lẽ, khi ta biết buông bỏ những thứ không cần thiết, ta sẽ có nhiều thời gian hơn để tận hưởng những khoảnh khắc đẹp đẽ trong cuộc sống.
Cách sống: Tìm kiếm sự hài hoà. Người bình thường tỏ ra “mạnh mẽ”, bậc cao nhân thể hiện ra “hiền hòa”.
Lão Tử nói: “Thượng thiện nhược thủy”. Người hiền hòa giống như nước, tuy rằng mềm mại nhưng lại có năng lực bao dung vạn vật.
Trong ‘Đạo Đức Kinh’ có viết: “Phù duy bất tranh, cố vô vưu”, chính vì không tranh, nên không ai chê trách oán thán.
Để làm được người hiền hòa, khi nói hay làm việc, bạn đều nên để một lối thoát cho người khác. Trong giao tiếp, lời nói và việc làm không nên quá cứng nhắc mà nên mềm dẻo, không để tâm tới những điều vụn vặt, như thế mới để lại ấn tượng tốt trong mắt mọi người. Khi mọi người có ấn tượng tốt thì mới có người tốt tìm đến, nhân duyên mới tốt đẹp, con đường cũng sẽ rộng mở hơn.
Người xưa có câu: “Thương đả xuất đầu điểu”, ý tứ là thương sắc nhọn đánh con chim đầu đàn, vì quá sắc bén mà dễ nhận về tai họa.
“Trì nhi doanh chi bất như kỳ dĩ; sủy nhi duệ chi bất khả trường bảo”. Thế mạnh của người tài năng quá nổi bật, trong lời nói và việc làm thường thường không chú ý, dễ làm tổn thương người khác, mà kiểu tổn thương này cũng là một cách gây thù chuốc oán.
Dương Tu chỉ vì một câu nói quá sắc bén của mình mà bị giết. Việc kiềm chế được lời nói và hành động sẽ khiến người đó trở nên điềm tĩnh và rộng lượng.
Hãy là người hiền hòa, quản thật tốt cái miệng của mình, giữ một thái độ khiêm tốn cùng với tấm lòng bao dung.
Tất nhiên, hiền hòa không phải là một sự thỏa hiệp vô nguyên tắc.
Lão Tử giảng: “Vạn vật dung nạp âm, bao dung dương, giúp cho vận khí hài hòa”. Còn nói “Vô vi nhi vô bất vi” (không làm cũng chính là đang làm rồi), tức là thuận theo quy luật tự nhiên, không bắt buộc, không chấp nhất, tuân thủ nguyên tắc đúng sai rõ ràng, không trở thành cỏ đầu tường, sớm ba chiều bốn.
Phương pháp dưỡng sinh: Sống hoà hợp với tự nhiên. Người bình thường chọn “kiêng kỵ”, bậc cao nhân chọn “tự nhiên”.
Tư Mã Thiên nói về Lão Tử: “Ước chừng Lão Tử có hơn 160 tuổi hoặc hơn 200 tuổi, dựa vào tu đạo mà dưỡng thọ mệnh”. Là sử gia của hoàng tộc nhà Chu, Lão Tử hiểu rõ đạo dưỡng sinh, cũng đặc biệt có được trí tuệ trong việc chăm sóc sức khỏe.
Ngày nay, mọi người ngày càng “có ý thức” hơn trong việc dưỡng sinh cũng như chăm sóc sức khỏe thế nào cho tốt. Thế nhưng họ lại bắt đầu ăn kiêng, chẳng hạn như không ăn lòng đỏ trứng, không ăn nội tạng động vật, mỗi khi ăn vào đều nơm nớp lo sợ, như đi trên lớp băng mỏng, vô cùng lúng túng, khiến người nhìn thấy cũng bật cười.
Đạo Đức Kinh giảng: “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc, vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân, các quy kỳ căn. Quy căn viết tĩnh, tĩnh viết phục mệnh”. (Tạm dịch: Hư không cùng cực, hết sức yên tĩnh. Vạn vật đua sống, ta nhân đó xem chúng trở về (nguồn). Vạn vật trùng trùng đều trở về cội. Trở về cội rễ là tĩnh; tĩnh là phục mệnh; phục mệnh tức là trường cửu).
Trong thế giới quan của Lão Tử, mấu chốt của dinh dưỡng là nuôi dưỡng tinh thần.
Giữ được nội tâm thanh tịnh, bình hòa mới là cách dưỡng sinh trọng yếu nhất.
Người hiện đại vì dưỡng sinh mà gạch ra rất nhiều điều dưỡng sinh, ghi lại điều cấm kỵ, như vậy thì tâm thái của bản thân đã thua ngay từ lúc bắt đầu rồi.
Lão Tử nói: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”.
Liệu pháp dưỡng sinh thật sự chính là con người chỉ cần thuận theo thiên đạo tự nhiên, không bị trạng thái tâm lý bó buộc, không cần cố gắng uống thuốc bồi bổ hay luyện tập. Hãy làm những việc bản thân thấy cần làm, chớ lo lắng sợ hãi.
Dưỡng sinh thích hợp, thuận theo tự nhiên mới là cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Thuật hoạch định: Mục tiêu “xả bỏ” để “đạt được”. Người bình thường muốn “đạt được”, bậc cao nhân muốn “xả bỏ”.
Nếu bạn muốn làm được những điều vĩ đại, bạn phải có khả năng tập hợp mọi người. Nếu bạn có thể tập hợp mọi người, bạn phải có khả năng quản lý họ.
Một nhà lãnh đạo giỏi, một doanh nhân thành đạt và thậm chí là một bậc cha mẹ giỏi cũng phải biết đạo của quản lý.
Thế nào là quản lý tốt?
Lão Tử nói: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”.
Câu này nhấn mạnh rằng vạn vật đều bắt nguồn từ một gốc chung và trải qua quá trình phát triển từ đơn giản đến phức tạp. “Đạo” ở đây chính là nguyên lý vận động của vũ trụ, là nguồn gốc của mọi suy nghĩ, khi hiểu được nguyên lý này sẽ nhận ra sự phát triển của vạn vật là một quy luật tự nhiên. Kiểu “sinh ra vạn vật” này là một loại bản tính, sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên cũng là bản tính của vạn vật.
Áp dụng vào việc quản lý, dù quản lý quốc gia, quản lý gia đình hay giáo dục trẻ em, chúng ta cần tạo điều kiện để mọi việc phát triển một cách tự nhiên nhất. Điều này có nghĩa là chúng ta cần tạo ra môi trường thuận lợi, cung cấp những nguồn lực cần thiết, đồng thời loại bỏ những rào cản không cần thiết sẽ là thành công lớn nhất.
Các nhà giáo dục phương Tây nói: Giáo dục là sự phát triển tự nhiên. Một nền giáo dục tốt không nên quá cứng nhắc, bó buộc mà cần tạo điều kiện để học sinh tự học hỏi, khám phá, sáng tạo theo khả năng. Hãy để đứa trẻ tìm ra lĩnh vực phù hợp cho riêng chúng. Đừng đặt ra quá nhiều hạn chế cho sự phát triển mà nên để trẻ tự do phát triển theo bản chất của mình. Đây mới là một nền giáo dục tốt.
Tóm lại, để đạt được những thành công lớn trong quản lý, cần hiểu rõ quy luật phát triển tự nhiên và áp dụng nó vào cuộc sống. Không nên cố gắng kiểm soát mọi thứ mà nên tạo ra một môi trường thuận lợi để mọi thứ được phát triển thuận tự nhiên.
Triết lý của Lão Tử trong “Đạo Đức Kinh” không chỉ là những lời dạy đơn thuần mà còn là những chân lý vượt thời gian, hướng con người đến một lối sống giản dị, hòa hợp với tự nhiên, và đạt được sự an yên trong tâm hồn. Những đạo lý về sự đơn giản, hiền hòa, hài hòa với tự nhiên và xả bỏ để đạt được thành công là những bài học quý giá mà mỗi chúng ta có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Sự khác biệt giữa bậc cao nhân và người bình thường không chỉ nằm ở tri thức hay tài năng, mà chính là sự tinh tế trong cách nhìn nhận và đối đãi với cuộc đời. Người cao nhân biết sống đơn giản, hiểu sâu sắc sự cân bằng và tôn trọng quy luật tự nhiên, từ đó có thể vươn lên và đạt được sự viên mãn trong cuộc sống.
Hy vọng rằng, qua việc học hỏi và thực hành học thuyết của Lão Tử, mỗi chúng ta đều có thể tìm thấy sự bình an, hạnh phúc và trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình.
Tịnh Đế (t/h)