
Mục lục
Tình huống vô phương giải quyết
Vào lúc 3 giờ sáng ngày 13.11.1953, tại Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, Eric, người lính cứu hỏa 22 tuổi, trong phiên trực của mình, đã nhận được một cuộc điện thoại: một người phụ nữ kêu cứu khẩn cấp trong tình trạng bà đang “choáng váng”, hơi thở mệt nhọc, đầu bị chảy máu. Bà không nhớ tên của mình, không nhớ số nhà, không nhớ tên đường phố, số điện thoại. Bà chỉ trả lời được: cửa sổ nhà bà hình chữ nhật, nhà có bật đèn, bà nhìn thấy đèn đường. Sau đó, Eric không nghe thấy tiếng của bà nữa nhưng điện thoại của bà vẫn mở.
Người phụ nữ cần được cấp cứu nhưng làm sao tìm được bà? Ngay cả người đội trưởng đội cứu hỏa cũng nghĩ là “không còn cách nào cả” khi nghe Eric báo cáo sự việc. Điều đó có nghĩa là người phụ nữ đang kêu cứu kia sẽ không được cứu. Bà sẽ phải rời khỏi cuộc đời.
Nhưng…
Giải pháp bất ngờ và táo bạo
“Nhiệm vụ hàng đầu của người lính cứu hỏa là cứu người”. Eric nhớ lời dạy ấy. Anh đề xuất với đội trưởng một ý tưởng hết sức bất ngờ, vô cùng táo bạo. Đội trưởng có chút băn khoăn vì e rằng sẽ làm thủ đô Copenhagen chấn động, người ta sẽ tưởng rằng “đang xảy ra một vụ chiến tranh hạt nhân”. Eric kiên định thuyết phục. Phương án của anh được chấp nhận. Họ phối hợp thực hiện.
20 chiếc xe cứu hỏa cùng rú còi, lao đi các nẻo đường của thành phố Copenhagen. Một lát sau, Eric nghe thấy tiếng còi cứu hỏa vang lên qua điện thoại. Nhưng rồi tiếng còi lại xa dần. Anh báo cáo với đội trưởng. Đội trưởng ra lệnh cho xe số 12 quay lại đoạn đường có khu nhà cổ các cửa sổ hình chữ nhật. Xe 12 báo tin đoạn đường đó có tới 100 ngọn đèn đường. Như vậy không thể biết căn phòng mà người phụ nữ nọ ở trong nhà nhìn thấy đèn đường là căn phòng nào. Đội trưởng ra lệnh: gọi loa thông báo ngắn gọn tình hình và yêu cầu người dân trong tòa nhà đó tất hết đèn trong nhà họ. Trong tích tắc, tòa nhà tối om, chỉ còn duy nhất một ô cửa sáng đèn.
Những người lính cứu hỏa nhanh chóng tìm thấy người phụ nữ trong trạng thái “bà đã mất ý thức nhưng mạch vẫn còn đập”. Họ lập tức đưa bà tới bệnh viện. Vài tuần sau, trí nhớ của bà đã hồi phục.
“Cuộc điện thoại lúc 3h sáng làm chấn động thủ đô Đan Mạch” là một câu chuyện thấm đẫm tinh thần nhân văn: Sinh mệnh con người là vô giá.
Nhờ sự mách bảo của trái tim, Eric đã tìm ra một giải pháp thông minh, có thể nói là giải pháp duy nhất khả thi trong tình huống ấy. Sự nhân hậu của anh và sự phối hợp của đồng đội, của người dân trong khu phố đó đã được đền đáp xứng đáng: Họ đã cứu được một sinh mạng.
Cổ nhân dạy: “Nhân chi sơ, tính bản Thiện”. Những câu chuyện về vẻ đẹp của lòng nhân hậu, của đức vị tha dễ làm lòng người xúc động, bởi nó chạm đến “phần Thiện Trời sinh” trong mỗi con người.
Tác giả: Hàn Mai