Bức tranh sơn dầu “Cha ơi, hãy quay về” của họa sĩ Uông Vệ Tinh được hoàn thành năm 2004. Trong tranh là chân dung ba thành viên của một gia đình người Trung Quốc: Một bà mẹ trẻ góa chồng, một đứa con côi đang ôm bức di ảnh của thành viên còn lại – cha em.
Kể từ khi Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) vào ngày 20 tháng 7 năm 1999 cho đến nay, đã có hàng triệu học viên bị đưa vào các trại lao động cưỡng bức và các nhà giam, nơi họ phải chịu tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần. Hơn 5000 học viên Pháp Luân Công được xác nhận là đã bị bức hại đến chết. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn nhiều. Hàng triệu gia đình tan nát. Một số trẻ em bị bắt giữ bất hợp pháp cùng với cha mẹ. Hàng nghìn trẻ em trở thành vô gia cư sau khi cảnh sát bắt đi cha mẹ của chúng.
Nhiều học viên Pháp Luân Công làm họa sĩ đang dùng cọ vẽ của mình để phơi bày cho thế giới thấy rằng những trẻ em vô tội tại Trung Quốc cũng là nạn nhân của cuộc đàn áp này. Những họa sĩ hy vọng rằng tác phẩm của họ sẽ giúp người dân trên thế giới nâng cao nhận thức, thức tỉnh lương tri và góp phần chấm dứt cuộc bức hại vô nhân tính đối với các học viên Pháp Luân Công và gia đình họ.
Bức tranh sơn dầu “Cha ơi, hãy quay về” của họa sĩ Uông Vệ Tinh được lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật tại Trung Quốc. Cô gái nhỏ trong bức tranh tên là Pháp Độ, bốn tuổi. Còn người phụ nữ buồn bã và kiệt sức ấy là mẹ của Pháp Độ, bà Đới Trí Trân. Cha của Pháp Độ, ông Trần Thừa Dũng đã bị tra tấn đến chết vào tháng 7 năm 2001 sau khi bị cảnh sát Trung Quốc bắt giam vì đã dũng cảm bước ra thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Pháp Độ đã vĩnh viễn mất đi người cha của mình trước khi bé đủ lớn đến hiểu được chữ “cha” có nghĩa là gì.
Họa sĩ đã bố trí khung cảnh bức tranh là phía trước cánh cửa của ngôi nhà, nơi mà cha của em bé nên ở. Bức tường gạch tróc vữa tượng trưng cho một gia đình tan vỡ. Từ gương mặt của bé Pháp Độ tới gương mặt của bà Đới, rồi đến gương mặt của người cha, họa sĩ Uông Vệ Tinh chia sẻ rằng thực sự rất khó cân bằng giữa ba khuôn mặt này để không cái nào nổi trội hơn cái nào và bà đã phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần. Nếu như người xem tranh nhìn từ một góc khác thì các gương mặt lại có biểu cảm khác. Một khía cạnh cực kỳ phức tạp nữa khi vẽ là cách sử dụng màu nóng trong một khung cảnh lạnh lẽo, và sử dụng màu lạnh ở vùng nóng trên khuôn mặt. Nhiều năm nghiên cứu các kiệt tác tại Paris đã khiến họa sĩ thể hiện nét mặt của các nhân vật thật xuất sắc.
Quay trở lại câu chuyện của mẹ con bé Pháp Độ. Sau khi bị sốc vì biết được tin về cái chết của chồng qua website Minh Huệ (trang thông tin về Pháp Luân Đại Pháp), bà Đới đã bình tâm lại. Bà bán tất cả tài sản ở Úc, và cùng con gái Pháp Độ đi vòng quanh thế giới để kể về câu chuyện của họ, kêu gọi sự giúp đỡ của người dân thế giới nhằm kết thúc cuộc bức hại này. Họ đã đi qua hơn 37 quốc gia trên khắp thế giới kể từ tháng 7 năm 2001.
Cô bé Pháp Độ đã và đang tham gia các hoạt động chia sẻ thông tin về Pháp Luân Công và các cuộc diễu hành của những học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới từ lúc bé chỉ mới một tuổi rưỡi. Pháp Độ đã giúp phát các tài liệu giảng sự thật về Pháp Luân Công cho người dân khắp thế giới. Trong phiên điều trần về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Pháp Độ đã ôm khung hình cha của bé đứng trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thụy Sĩ để nói cho mọi người biết về cuộc đàn áp của Trung Cộng đối với gia đình mình.
Trong năm 2004, bé Pháp Độ và mẹ đã đến nhiều nước để đưa đơn kiện Giang Trạch Dân và bè lũ tay chân của hắn, nhằm thúc đẩy việc thế giới yêu cầu ĐCSTQ phải chấm dứt cuộc đàn áp này, và để giúp cho nhiều trẻ em như Pháp Độ không bị mất cha mẹ nữa.
Cuộc bức hại của Trung Cộng rồi sẽ phải chấm dứt, nhưng bức tranh “Cha ơi, hãy quay về” sẽ mãi mãi là một bằng chứng về tội ác của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công và thân nhân của họ. Mặt khác, bức tranh cũng lưu lại vẻ đẹp kiên cường và sự Thiện lương của các học viên Pháp Luân Công Trung Quốc trong cuộc đại chiến giữa Thiện và ác, Chính và tà ấy.
Nguồn: Tranh sơn dầu: “Cha ơi, hãy quay về” – Triển lãm tranh Chân-Thiện-Nhẫn
Hàn Mai (sưu tầm và giới thiệu)