Mục lục
Trung Quốc muốn xóa sổ Pháp Luân Công một cách có hệ thống
BẮC KINH — Theo các nguồn tin của Chính phủ và các học viên Pháp Luân Công, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã giành được ưu thế trong cuộc chiến kéo dài chống lại phong trào tu luyện Pháp Luân Công bị cấm bằng cách mở rộng việc sử dụng tra tấn và nhồi sọ áp lực cao. Kết quả, họ nói rằng một lượng lớn người đang từ bỏ Pháp Luân Công đã đặt ra cho Đảng thách thức nghiêm trọng nhất kể từ cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn.
Các nguồn tin cho biết: sau một năm rưỡi khó khăn trong việc đàn áp phong trào, Chính phủ lần đầu tiên trong năm nay đã phê chuẩn việc sử dụng bạo lực một cách có hệ thống đối với Pháp Luân Công, thiết lập một mạng lưới các lớp tẩy não và bắt tay vào nỗ lực cần mẫn để loại bỏ những người tu luyện từ từng khu phố và từng nơi làm việc.
Họ cho biết cuộc đàn áp đã trở nên thuận lợi hơn từ việc dư luận chuyển sang chống lại Pháp Luân Công kể từ khi năm thành viên được cho là đã tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn, khiến nhiều người Trung Quốc kết luận nhóm này là một tà giáo nguy hiểm.
Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, các nguồn tin và học viên lần đầu tiên mô tả chi tiết những nỗ lực có phương pháp đang được sử dụng để xóa sổ Pháp Luân Công, những nỗ lực mà người Trung Quốc gọi là “cải tạo”. Họ kể về việc các học viên bị đánh đập, bị sốc bằng dùi cui điện và buộc phải chịu áp lực thể chất không thể chịu nổi, chẳng hạn như ngồi xổm trên sàn nhà nhiều ngày. Nhiều học viên cũng bị đưa đến các lớp học chuyên sâu, nơi những bài giảng của Nhà lãnh đạo Pháp Luân Công – Ngài Lý Hồng Chí bị những cựu học viên, đôi khi là những người bạn tu luyện đã khuất phục khi bị tra tấn, chỉ trích.
“Tôi là một người đàn ông thất bại”, James Âu Dương, 35 tuổi, một kỹ sư điện bị lính canh trại lao động bắt đứng quay mặt vào tường trong chín ngày và sau đó bị đưa đến lớp tẩy não thêm 20 ngày nữa, cho biết. “Tôi đã từ bỏ Pháp Luân Công… Bây giờ, bất cứ khi nào nhìn thấy cảnh sát và những chiếc dùi cui điện, tôi cảm thấy buồn nôn, muốn nôn mửa”.
Hai năm trước, Chính phủ Trung Quốc đã cấm Pháp Luân Công, một phong trào bất bạo động kết hợp tín ngưỡng Phật gia với các bài tập khí công chuyển động chậm rãi, lên án nhóm này là một tà giáo và là mối đe dọa đối với xã hội. Nhưng lý do cơ bản của cuộc đàn áp là quan điểm của giới lãnh đạo, rằng Pháp Luân Công là một tổ chức độc lập đe dọa đến quyền lực độc quyền của Đảng Cộng sản.
Những thành tựu gần đây của cuộc đàn áp đã là động lực cho cả Chủ tịch Giang Trạch Dân, nhà Lãnh đạo Trung Quốc có liên hệ chặt chẽ nhất với chiến dịch này, và ĐCSTQ (mà một số chuyên gia cho rằng quá rạn nứt và kém hiệu quả để đánh bại được nhóm học viên Pháp Luân Công được tổ chức tốt một cách bất thường).
“Chiến dịch này sẽ dạy chúng ta không được đánh giá thấp Đảng Cộng sản”, một viên chức của ĐCSTQ đã tư vấn cho Chính phủ về cuộc đàn áp, nhưng phản đối việc sử dụng bạo lực, cho biết. “Đảng có khả năng tổng hợp kinh nghiệm và đưa ra các phương pháp mạnh mẽ để đối phó với những thách thức. Tất cả sự tàn bạo, nguồn lực và sức thuyết phục của hệ thống Cộng sản đang được sử dụng – và đang có hiệu quả”.
Một chiến lược cho sự thành công
Khi bắt đầu cuộc đàn áp, các viên chức Chính phủ ước tính rằng có từ 3 triệu đến 6 triệu học viên Pháp Luân Công chính thức. Khoảng 10 phần trăm, lên đến 600.000 người, được coi là sẵn sàng chống lại cuộc đàn áp của Chính phủ – các viên chức Trung Quốc cho biết. Các ước tính bên ngoài Chính phủ đưa ra con số thành viên cao hơn nhiều – lên tới hàng chục triệu, nhưng không có con số chính xác.
Chiến dịch chống lại Pháp Luân Công của Chính phủ, được phát động vào tháng 7 năm 1999, ban đầu gặp khó khăn, bị cản trở bởi sự thực thi không đồng đều và sự chia rẽ giữa các Lãnh đạo Chính quyền Trung ương – những người coi nhóm này là mối đe dọa đối với sự cai trị của Đảng, và các Quan chức địa phương – những người không coi như vậy. Nhưng trong vòng sáu tháng trước, lực lượng an ninh Trung Quốc đã tập hợp lại và đưa ra một cách tiếp cận mà họ cho là đang mang lại kết quả.
Theo một Cố vấn Chính phủ khác, cách tiếp cận đó có ba thành phần.
Ông nói, thành phần đầu tiên là bạo lực. Cuộc đàn áp luôn gắn liền với sự tàn bạo của cảnh sát và nhà tù, nhưng cố vấn này cho biết chỉ đến năm nay, Ban lãnh đạo Trung ương mới quyết định cho phép sử dụng bạo lực rộng rãi đối với các học viên Pháp Luân Công Trích dẫn các báo cáo của Chính phủ, ông cho biết các học viên không bị đánh đập thường không từ bỏ tu luyện.
Ông cho biết, yếu tố thứ hai, một chiến dịch tuyên truyền gây áp lực cao chống lại Pháp Luân Công, cũng rất quan trọng. Khi xã hội Trung Quốc quay lưng lại với Pháp Luân Công, áp lực buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ ngày càng tăng, và Chính phủ dễ dàng sử dụng bạo lực đối với những người không từ bỏ đức tin. Vụ tự thiêu của năm người được cho là thành viên của Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23 tháng 1 là một bước ngoặt. Một bé gái 12 tuổi và mẹ của em đã qua đời, và ĐCSTQ đã biến sự việc này thành trọng tâm của chiến dịch làm mất uy tín của Pháp Luân Công. Bằng cách liên tục phát sóng hình ảnh thi thể đang bốc cháy của bé gái và phỏng vấn những người khác nói rằng họ tin rằng việc tự thiêu sẽ đưa họ đến thiên đường, Chính phủ đã thuyết phục được nhiều người Trung Quốc tin rằng Pháp Luân Công là một “tà giáo”.
Cuối cùng, bộ máy an ninh đã bắt đầu buộc các học viên tham gia các buổi học chuyên sâu, trong đó những bài giảng của Nhà sáng lập Pháp Luân Công bị những người theo học trước đây chỉ trích. Viên Cố vấn Chính phủ nói rằng các lớp tẩy não này đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các học viên từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.
“Mỗi khía cạnh của chiến dịch đều rất quan trọng”, ông nói. “Bạo lực thuần túy không hiệu quả. Chỉ học thôi cũng không hiệu quả. Và không có cách nào hiệu quả nếu tuyên truyền không bắt đầu để thay đổi cách suy nghĩ của công chúng. Bạn cần cả ba. Đó là những gì họ đã tìm ra”.
Một số chính quyền địa phương đã thử nghiệm các lớp tẩy não trước đây. Nhưng vào tháng 1, Phòng 610 bí mật của Bắc Kinh, một lực lượng đặc nhiệm liên ngành đi đầu trong cuộc tấn công chống lại Pháp Luân Công, đã ra lệnh cho tất cả các ủy ban khu phố, các tổ chức nhà nước và các công ty bắt đầu sử dụng chúng – các nguồn tin Chính phủ cho biết. Không có học viên Pháp Luân Công nào được tha. Các học viên tích cực nhất được đưa thẳng đến các trại lao động, nơi họ là những người đầu tiên bị “phá vỡ” bằng cách đánh đập và tra tấn – Cố vấn cho biết.
Đồng thời, Bắc Kinh đang trở nên hiệu quả hơn trong việc buộc các quan chức địa phương thực hiện lệnh của mình đối với Pháp Luân Công. Các cuộc thăm dò nội bộ do Trường Đảng Trung ương tiến hành cho thấy các quan chức cấp quận đặt ưu tiên lớn hơn vào việc xóa bỏ nhóm này – Cố vấn Chính phủ cho biết. Văn phòng 610 cũng cử các nhóm điều tra viên đến kiểm tra các quan chức địa phương, và hiện tại, bất kỳ sự thăng chức nào cũng đòi hỏi có “thái độ đúng mực” đối với Pháp Luân Công, ông cho biết.
Không ai được tha
Các quan chức khu phố thậm chí còn bắt buộc cả người già, người khuyết tật và người bệnh phải tham gia các lớp học. Các trường đại học đã cử nhân viên đi tìm những sinh viên đã bỏ học hoặc bị đuổi học vì tu luyện Pháp Luân Công và đưa họ trở lại để tham gia các buổi học chuyên sâu này. Một số học viên khác đã buộc phải rời xa người thân đang bị bệnh để đến lớp.
Một sinh viên đại học ở Bắc Kinh, Alex Hsu, cho biết: đầu năm nay, anh đang trên đường đến phòng máy tính thì một viên chức Nhà trường chặn anh lại và bảo anh phải học lớp đó. Nhà trường đã từng đối chất với anh về đức tin của anh vào Pháp Luân Công, nhưng anh chưa bao giờ tham gia biểu tình và chưa bao giờ bị bắt.
Sáu người đàn ông đã vây quanh anh, ép anh lên xe và chở anh đến một khách sạn gần Trại lao động bên ngoài Bắc Kinh. Có khoảng 20 học viên ở đó, tất cả đều là sinh viên, giáo viên, nhân viên trường đại học hoặc giáo sư đã nghỉ hưu. Sau đó, Hsu biết được lớp học do Bộ Giáo dục tổ chức. “Tất cả chúng tôi đều rất sợ hãi”, Hsu nói. “Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.
Bằng cách dựa vào các “đơn vị làm việc”, nơi mà tất cả các nhân viên nhà nước được phân công và các ủy ban khu phố để tìm kiếm và cải đạo những người tin theo Pháp Luân Công, Chính phủ đang học theo các chiến thuật vận động quần chúng mà Đảng Cộng sản sử dụng dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông. Kế hoạch này đã có hiệu quả đáng ngạc nhiên, đặc biệt là khi xét đến những thay đổi khác làm suy yếu sự kiểm soát của Đảng đối với xã hội Trung Quốc, chẳng hạn như sự trỗi dậy của khu vực kinh doanh tư nhân và các quy định lỏng lẻo hơn về di cư và nhà ở.
Mỗi đơn vị làm việc có trách nhiệm trả “học phí” cho các học viên của đơn vị mình. Và các chính quyền thị trấn đã thành công trong việc cải tạo các học viên Pháp Luân Công, đáng chú ý nhất là tỉnh Sơn Đông, đã được khuyến khích bán dịch vụ của họ cho các thị trấn khác – các nguồn tin từ Trung Quốc cho biết.
Hsu cho biết các viên chức Nhà trường nói với anh, rằng họ đã trả khoảng 800 đô la để đưa anh đến lớp tẩy não. Buổi sáng sau hôm anh bị bắt, lớp học bắt đầu tại một căng tin bên trong Trại lao động. Bài học đầu tiên là một lời đe dọa.
“Họ nói rằng nếu họ không đạt được mục tiêu đã đặt ra, nghĩa là, nếu chúng tôi không từ bỏ đức tin của mình, chúng tôi sẽ bị đưa đến trại lao động,” Hsu nói. “Cải tạo thông qua lao động là điều đáng sợ đối với một người Trung Quốc. Tất cả chúng tôi đều biết rằng mình sẽ bị tổn hại và tính mạng của chúng tôi sẽ gặp nguy hiểm. Tất cả chúng tôi đều biết một người nào đó đã bị chết trong các trại.”
Trong căng tin, Hsu ngồi cùng bàn với ba cựu học viên Pháp Luân Công, tất cả họ vẫn bị giam giữ tại Trại. Trong 12 giờ một ngày, họ cố gắng thuyết phục anh từ bỏ Pháp Luân Công. Khi một số ngày trôi qua, nhiều “giáo viên” hơn đã đến bàn của anh, phân tích các bài viết của Nhà sáng lập Pháp Luân Công Lý Hồng Chí và không cho Hsu nghỉ ngơi.
“Đó là sự tra tấn về mặt tinh thần. . . . Áp lực cứ tăng dần”, Hsu nói. “Và mối đe dọa luôn ở đó. Bạn có thể thấy những người này đều đã phải chịu đựng, và bạn biết điều gì sẽ xảy ra với mình nếu bạn không đầu hàng”.
Các học viên bị buộc phải ở lại các lớp học cho đến khi họ từ bỏ đức tin của mình bằng văn bản và sau đó là băng ghi hình. Cố vấn Chính phủ cho biết, trung bình, hầu hết mọi người từ bỏ Pháp Luân Công sau 10 đến 12 ngày học, nhưng một số người vẫn chống cự trong 20 ngày.
“Giống như bị chuốc thuốc mê. Họ lao vào bạn rất nhanh, khiến bạn sợ hãi và bối rối”, Sydney Lý, một học viên đã trốn thoát khỏi một lớp học do các viên chức khu phố tổ chức, nơi anh bị đánh vào đầu, cho biết. “Nếu bạn không phải là một đệ tử có chính tín vững chắc, bạn sẽ dễ bị lừa”.
Bước ngoặt đối với Hsu đến vào tuần thứ ba. Một buổi sáng, anh nhìn lên và nhận ra một trong những “giáo viên” ngồi cùng bàn với mình – một người bạn, bạn cùng lớp và đồng tu, đã biến mất vào đầu năm. Người sinh viên đó trông gầy gò và ốm yếu. Sau đó, anh ấy nói với Hsu rằng anh ấy đã bị tra tấn.
“Đó là một cú sốc. Tôi không biết anh ấy đã bị đưa đến trại lao động, và anh ấy trông rất khác”, Hsu nói. “Lúc đầu anh ấy không nói nhiều, nhưng những người khác đã bắt anh ấy nói. Tôi cảm thấy rất buồn”.
Vài ngày sau, Hsu đã ký một tuyên bố hứa sẽ không tu luyện Pháp Luân Công nữa và một tuyên bố khác chỉ trích nhóm này là một tà giáo. Anh ấy đã đọc to chúng cho lớp học của mình và trước một máy quay video. Anh ấy đã khóc trên đường trở về trường đại học của mình.
“Tôi không chắc về những người khác, nhưng tôi không bao giờ tin vào những gì tôi viết”, anh nói. “Thật đau đớn. Họ buộc chúng tôi phải nói dối. Chúng tôi biết Pháp Luân Công là tốt, nhưng họ buộc chúng tôi phải nói rằng nó là tà ác”.
Từ đó, Hsu đã bỏ học và trốn đi vì anh muốn tiếp tục tu luyện. Nhưng anh thừa nhận rằng nhiều học viên đã từ bỏ Pháp Luân Công hoàn toàn. Không có ước tính đáng tin cậy nào về số lượng học viên đã từ bỏ Pháp Luân Công.
Những người từ chối phục tùng trong các lớp học sẽ bị đưa đến các trại lao động, nơi các thành viên phải đối mặt với chế độ bạo lực có hệ thống hơn so với trước đây – theo các học viên và nguồn tin của Chính phủ.
Những ngày bị đánh đập
James Âu Dương, một người đàn ông gầy gò đeo kính dày và răng khấp khểnh, đã cảm nhận được nỗi đau của sự tra tấn. Vào ngày thứ sáu bị đánh đập trong tháng 4 này, anh nhớ lại, anh bắt đầu lên án Pháp Luân Công.
“Tôi đã chửi rủa và chửi rủa Pháp Luân Công, nhưng cảnh sát nói rằng như vậy là chưa đủ,” anh nói, vừa run rẩy đưa tay vuốt mái tóc thưa thớt. “Họ tiếp tục đánh tôi thêm ba ngày nữa cho đến khi họ thỏa mãn.”
Âu Dương đã yêu cầu chúng tôi chỉ được nhắc đến anh bằng họ tiếng Trung và tên tiếng Anh mà anh tự gọi mình. Khi anh bị bắt lần đầu vào đầu năm 2000 vì đến Quảng trường Thiên An Môn để giương cao biểu ngữ ca ngợi Pháp Luân Công, cảnh sát đã đánh anh nhưng họ đã thả anh sau một tuần. Vào thời điểm đó, Cố vấn Chính phủ cho biết, các cơ quan an ninh của Trung Quốc chỉ gây ra “mức độ lạm dụng bình thường” đối với các học viên Pháp Luân Công. Và ở nhiều nơi tại Trung Quốc, cảnh sát đã phớt lờ Pháp Luân Công miễn là các học viên không đến Bắc Kinh để phản đối.
Trái ngược với một số báo cáo của phương Tây, Cố vấn cho biết: trước đây Chính phủ không có chiến dịch bạo lực có hệ thống nào để tiêu diệt Pháp Luân Công. “Trước năm nay, các học viên bị đánh nếu họ vi phạm các quy tắc trong tù hoặc nếu gặp những cảnh sát tàn bạo”, ông nói. “Cần phải hiểu rằng bất kỳ ai trong nhà tù Trung Quốc đều sẽ bị đánh vì vi phạm các quy tắc. Tử vong trong khi bị giam giữ là chuyện thường tình”.
Nhưng – cố vấn cho biết – chính sách đã thay đổi sau vụ tự thiêu ngày 23 tháng 1 và Hội nghị công tác của Đảng Cộng sản vào đầu tháng 2. Vào thời điểm đó, các quan chức Đảng đã kết luận về vụ tự thiêu và chiến dịch tuyên truyền không ngừng nghỉ sau đó đã khiến công chúng chống lại Pháp Luân Công. Ông cho biết, vụ tự thiêu dường như cho thấy Pháp Luân Công là một giáo phái kỳ lạ và điều đó đã giải thoát cho Đảng.
“Các vụ tự thiêu có tác động rất lớn”, ông nói. “Trước đây, hầu hết người Trung Quốc đều nghĩ rằng cuộc đàn áp này thật ngu ngốc, giống như chó bắt chuột. Sau khi những người đó tự thiêu và Đảng phát sóng khuôn mặt của cô bé đó trên TV trong gần một tháng liên tục, quan điểm của mọi người ở đây đã thay đổi. Bây giờ, nhiều người đồng ý rằng đó là một tà giáo. Đó là một thất bại lớn đối với ông Lý Hồng Chí”.
Ngài Lý đã đáp lại những thủ đoạn của Đảng Công sản. Người phát ngôn của ông tại Hoa Kỳ đã phủ nhận những người tự thiêu là học viên Pháp Luân Công. Điều đó khiến một số người ở Trung Quốc thất vọng, vì họ cảm thấy ông đang từ chối các đệ tử của mình. Và Ngài Lý tiếp tục công bố các bài viết khuyến khích các học viên không lùi bước trước Chính quyền, khiến mọi người khó chịu, vì ông dường như không hề nao núng trước số người thương vong ngày càng tăng. Cho đến nay (năm 2001), Pháp Luân Công cho biết đã có hơn 250 học viên chết trong khi bị Chính quyền giam giữ.
Âu Dương đã bị bắt lại vào tháng 4 sau khi đến Quảng trường Thiên An Môn để thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Pháp Luân Công. Lần này, anh nói, cảnh sát đã có phương pháp biến anh thành một “thứ ngoan ngoãn” trong 10 ngày tra tấn.
Tại một đồn cảnh sát ở phía Tây Bắc Kinh, Âu Dương bị lột đồ và thẩm vấn trong năm giờ. “Nếu tôi trả lời không đúng, tức là nếu tôi không nói ‘Có’, họ sẽ sốc điện tôi bằng dùi cui điện”, anh nói.
Sau đó, anh bị chuyển đến một trại lao động ở vùng ngoại ô phía Tây Bắc Kinh. Ở đó, lính canh ra lệnh cho anh đứng quay mặt vào tường. Nếu anh cử động, họ sẽ sốc điện anh. Nếu anh ngã xuống vì mệt, họ sẽ sốc điện anh.
Mỗi sáng, anh có năm phút để ăn và đi vệ sinh. “Nếu tôi không nhịn được, tôi sẽ đi vệ sinh trong quần”, anh nói. “Và họ cũng sốc điện tôi vì điều đó”.
Đến ngày thứ sáu, Âu Dương nói, anh không thể nhìn thẳng khi nhìn chằm chằm vào thạch cao cách mặt anh ba inch. Đầu gối anh khuỵu xuống, khiến anh phải chịu thêm nhiều cú sốc điện và đánh đập. Anh đã nhượng bộ trước yêu cầu của lính canh.
Trong ba ngày tiếp theo, Âu Dương đã lên án những lời dạy của Ngài Lý, hét vào tường. Các sĩ quan tiếp tục sốc điện vào cơ thể anh và anh thường xuyên tè dầm. Cuối cùng, vào ngày thứ 10, sự từ chối của Âu Dương đối với Pháp Luân Công được coi là đủ chân thành.
Anh ta bị đưa đến trước một nhóm tù nhân Pháp Luân Công và tuyên bố từ bỏ tu luyện thêm một lần nữa khi máy quay video chạy. Âu Dương rời khỏi nhà tù và tham gia các lớp tẩy não. Hai mươi ngày sau, sau khi tranh luận về Pháp Luân Công 16 giờ một ngày, anh ta đã “tốt nghiệp”.
“Áp lực đối với tôi là và vẫn là không thể tin được”, anh nói. “Trong hai năm qua, tôi đã chứng kiến những điều tồi tệ nhất mà con người có thể làm. Chúng ta thực sự là loài động vật tồi tệ nhất trên Trái đất”.
Thu San (Dịch từ bản Tiếng Anh: https://faluninfo.net/washington-post-torture-is-breaking-falun-gong/)