Tội ác của Trương An Thuận, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang, trong cuộc bức hại Pháp Luân Công

Nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế, ngày 10 tháng 12 năm 2024, các học viên Pháp Luân Công tại 45 quốc gia đệ trình danh sách các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tham gia bức hại Pháp Luân Công và các học viên lên Chính phủ nước sở tại nhằm yêu cầu Chính phủ cấm thủ phạm cùng người thân của họ nhập cảnh, đồng thời đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ theo luật định.

45 quốc gia này bao gồm 5 quốc gia tại Liên minh Ngũ Nhãn (Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc, New Zealand); tất cả 27 quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU): Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Bỉ, Ireland, Áo, Đan Mạch, Romania, Séc, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Bulgaria, Luxembourg, Croatia, Litva, Slovenia, Latvia, Estonia, Síp và Malta; 13 quốc gia còn lại nằm ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein, Israel, Mexico, Argentina, Colombia, Chile, Cộng hòa Dominica và Paraguay. Đây là lần đầu tiên Paraguay tham gia.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã kéo dài 25 năm, và gần đây chế độ này tăng cường trấn áp ở nước ngoài. Theo một báo cáo do Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) công bố, trong một cuộc họp do Bộ Công an tổ chức vào tháng 5 năm 2024, ĐCSTQ nhấn mạnh mục tiêu “Đặc biệt chú ý đến sự hợp tác giữa Pháp Luân Công và các chính trị gia phương Tây nhằm trừng phạt các Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Phải ngăn chặn hành vi đó bằng mọi giá.”

Trong số những kẻ bức hại được liệt kê có Trương An Thuận, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang, kiêm Bí thư Ban Công tác Giáo dục của Tỉnh ủy.

Thông tin về thủ phạm

Họ và tên: Trương An Thuận

Tên tiếng Trung: 张安顺

Giới tính: Nam

Ngày sinh: Tháng 4 năm 1965

Nơi sinh: Huyện Bình Âm, tỉnh Sơn Đông

Tội ác của Trương An Thuận, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang, trong cuộc bức hại Pháp Luân Công
Trương An Thuận Phó Bí Thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang

Chức danh, chức vụ

Tháng 11/2005 – Tháng 3/2011: Quyền Thị trưởng, Thị trưởng và Bí thư Thành ủy Thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm.

Tháng 4/2011 – Tháng 1/2016: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cát Lâm, kiêm Bí thư Khu tự trị dân tộc Triều Tiên Diên Biên.

Tháng 1/2016 – Tháng 11/2019: Ủy viên Ban Thường vụ, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm.

Tháng 11/2019 – Tháng 12/2019: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hắc Long Giang.

Tháng 12/2019 – Tháng 2/2022: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hắc Long Giang, kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh.

Tháng 2/2022 – Tháng 11/2023: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hắc Long Giang kiêm Bí thư Thành ủy Cáp Nhĩ Tân.

Tháng 12/2023 – nay: Phó Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang, kiêm Bí thư Ban Công tác Giáo dục của Tỉnh ủy.

Tội ác chính

Tỉnh Hắc Long Giang và tỉnh Cát Lâm là hai trong số những khu vực đàn áp Pháp Luân Công nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc. Theo thống kê từ Minghui.org, trong số 31 tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương), tỉnh Hắc Long Giang đứng đầu về số lượng học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết, còn tỉnh Cát Lâm xếp thứ tư.

Trong khi đảm nhiệm các chức vụ khác nhau ở cả hai tỉnh trên, Trương An Thuận tích cực tuân theo và triển khai các chính sách bức hại, dẫn đến những tội ác bức hại nhân quyền kéo dài hàng thập kỷ.

1. Bức hại trong thời gian Trương An Thuận làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hắc Long Giang, kiêm Bí thư Thành ủy Cáp Nhĩ Tân (tháng 2/2022 – tháng 11/2023)

Cáp Nhĩ Tân là một trong những thành phố cấp tỉnh của Trung Quốc, nơi cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra nghiêm trọng nhất, đồng thời cũng là một trong những nơi có số học viên tử vong do bị đàn áp cao nhất cả nước. Có 221 học viên Pháp Luân Công bị đàn áp đến chết, chiếm 34% số học viên bị đàn áp đến chết ở tỉnh Hắc Long Giang và chiếm 4,3% số học viên bị đàn áp đến chết trên toàn quốc.

Năm 2023, tổng cộng 134 học viên Pháp Luân Công tại Cáp Nhĩ Tân đã bị ĐCSTQ bức hại. 35 học viên trong số họ đã bị kết án tù bất hợp pháp với mức án từ 01 đến 15 năm tù và bị tống tiền để nộp tiền phạt từ 1.000 đến 100.000 Nhân dân tệ, 57 học viên khác đã bị bắt cóc và bị giam giữ hành chính, và 41 học viên đã bị sách nhiễu.

Bà Ngưu Tiểu Na, bị tàn tật nặng. Vào ngày 19 tháng 4 năm 2021, bà bị Cảnh sát Đường sắt bắt cóc và vu khống. Đến cuối tháng 9 năm 2022, Bà bị Tòa án Vận tải Đường sắt Cáp Nhĩ Tân xét xử phi pháp. Ngày 10 tháng 1 năm 2023, Tòa án kết án bà 15 năm tù một cách bất hợp pháp.

Từ tháng 2 đến tháng 12 năm 2022, 83 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt cóc và 160 học viên bị sách nhiễu tại Cáp Nhĩ Tân.

Vào ngày 13 tháng 4 năm 2022, một nhóm cảnh sát mặc thường phục đã xông vào nhà của bà Thôi Kim Thực, 88 tuổi, một học viên Pháp Luân Công. Họ ngang nhiên cướp đoạt tài sản cá nhân của bà và cưỡng chế bà (sống ở tầng hai) xuống tầng dưới. Trong quá trình đó, bà Thôi Kim Thực bị ngã xuống đất… Đến 5 giờ 45 phút chiều cùng ngày, con trai của bà nhận được cuộc gọi từ cảnh sát, thông báo rằng mẹ anh đang nguy kịch và được cấp cứu tại bệnh viện. Anh lập tức chạy đến bệnh viện, nhưng chưa đầy năm phút sau, bác sĩ bước ra và nói rằng họ không thể cứu được bà, bà đã qua đời. Khi vào phòng, anh thấy sắc mặt mẹ rất tệ, cổ họng đã bị rạch và trên chân bà chỉ còn một chiếc giày.

Chỉ tính riêng tháng 7 năm 2022, tại Cáp Nhĩ Tân, ít nhất 73 học viên đã bị sách nhiễu và bắt cóc. Trong đó, 1 học viên bị xét xử phi pháp, 33 học viên bị bắt cóc, một số học viên bị giam giữ trái phép, 39 học viên bị sách nhiễu và bức hại, trong đó nhiều học viên đã bị sách nhiễu nhiều lần.

2. Bức hại trong thời gian Trương An Thuận làm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh ủy Hắc Long Giang (tháng 12/2019 – tháng 2/2022)

Năm 2020, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương ĐCSTQ cùng Phòng 610 đã tiến hành chiến dịch đàn áp gọi là “Xóa sổ” đối với các học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc. Nhiều học viên Pháp Luân Công bị sách nhiễu và bắt giữ. Tại tỉnh Hắc Long Giang, 719 học viên bị bắt cóc, 1.094 học viên bị sách nhiễu, đứng thứ hai trên toàn quốc.

Vào ngày 7 và 8 tháng 4 năm 2020, 10 học viên Pháp Luân Công tại quận Hương Phường, thành phố Cáp Nhĩ Tân đã bị bắt cóc và giam giữ. Nhiều người trong số họ đã bị bắt giữ phi pháp và truy tố lên viện kiểm sát. Được biết, chiến dịch đàn áp này do Đội chống tà giáo của Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang đứng sau chỉ đạo, ra lệnh cho cảnh sát thành phố Đại Khánh bắt cóc các học viên Pháp Luân Công trên khắp khu vực.

Vào ngày 22 và 23 tháng 9 năm 2020, Cảnh sát An ninh Quốc gia Thành phố Cáp Nhĩ Tân đã thực hiện chiến dịch “hành động thống nhất” đầy ác ý, bắt giữ nhiều học viên Pháp Luân Công. Được biết, lệnh bắt giữ trái pháp luật này do Hách Vỹ Phu, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh ủy Hắc Long Giang ban hành. Ngoài ra, Cảnh sát bắt các học viên theo danh sách được lập sẵn, được giao chỉ tiêu và thưởng tiền cho mỗi học viên bị bắt.

Năm 2021, tỉnh Hắc Long Giang có 24 học viên bị bức hại đến chết, đứng thứ hai cả nước; số học viên bị bắt cóc lên đến 463 người, xếp thứ tư cả nước; số học viên bị sách nhiễu là 872 người, cũng xếp thứ tư; số học viên bị kết án lên tới 125 học viên, đứng thứ hai cả nước.

Năm 2021, tại thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ đã xảy ra các chiến dịch “gõ cửa” và bắt cóc nhằm sách nhiễu toàn diện các học viên Pháp Luân Công. Theo thống kê từ Minghui.org, tổng cộng 47 học viên đã bị bức hại. Trong đó, 2 học viên bị bức hại đến chết, 1 học viên bị đình chỉ lương hưu, 5 học viên bị kết án phi pháp, 15 học viên bị bắt cóc, ít nhất 24 học viên bị sách nhiễu, và tài sản cá nhân trị giá hơn 20.000 Nhân dân tệ bị cướp đoạt.

Trong nửa đầu năm 2021, 20 học viên ở Cáp Nhĩ Tân đã bị xét xử và kết án bất hợp pháp. Tổng số tiền phạt bất hợp pháp được thống kê lên tới 70.000 Nhân dân tệ. Đã xảy ra hai vụ bắt giữ quy mô lớn: Ngày 19 tháng 4, 35 học viên bị bức hại. Trong đó, 27 học viên bị bắt cóc, 1 người thân không tu luyện bị liên lụy, 4 vụ bắt giữ bất thành và 3 trường hợp bị sách nhiễu. Vào ngày 10 tháng 6, ít nhất 20 học viên (19 học viên bị bắt cóc, 1 học viên bị bắt cóc bất thành) đã bị cảnh sát bắt cóc, lục soát nhà cửa và sách nhiễu.

Bà Lý Song Yến, 45 tuổi, học viên Pháp Luân Công ở thành phố Hạc Cương, đã bị cảnh sát đồn bắt cóc vào ngày 16 tháng 12 năm 2021. Đồn cảnh sát đã giam giữ bất hợp pháp và tra tấn bà trong gần 30 giờ, khiến tính mạng của bà bị đe dọa . Ngày hôm sau, cảnh sát thông báo cho chồng bà đến đón. Khi chồng bà Lý đến đồn Cảnh sát, ông thấy bà bị ba cảnh sát khiêng ra ngoài. Bà không thể tự đi lại, tính mạng nguy kịch. Cùng ngày, bà Lý Song Yến đã qua đời trong oan ức.

Từ năm 2019 đến 2021, 6 học viên gồm bà Mạnh Hồng, bà Dương Lập Hoa, bà Vương Phương, bà Lý Quế Nguyệt, bà Tô Vân Hà và bà Lưu Á Cần đã chết oan uổng do bị bức hại tàn bạo tại Nhà tù nữ tỉnh Hắc Long Giang.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Minghui.org, trong thời gian Trương An Thuận giữ chức Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh, chỉ trong hai năm 2020 và 2021, tỉnh Hắc Long Giang đã có 28 học viên bị bức hại đến chết. Nhiều người khác bị tra tấn đến tàn tật, mất trí hoặc bị thương nặng, và Trương An Thuận không thể trốn tránh trách nhiệm vì đã trực tiếp lãnh đạo thực hiện những sự việc này.

3. Bức hại trong thời gian Trương An Thuận làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cát Lâm kiêm Bí thư Khu tự trị dân tộc Triều Tiên Diên Biên (tháng 4/2011 – tháng 1/2016)

Kể từ khi ĐCSTQ công khai đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, hệ thống Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Tư pháp và “Phòng 610” tại khu tự trị dân tộc Triều Tiên Diên Biên, tỉnh Cát Lâm đã liên tục thực hiện cuộc đàn áp mang tính diệt chủng đối với các học viên Pháp Luân Công, bắt giữ phi pháp, giam cầm, tra tấn, xét xử, tuyên án oan sai, khiến nhiều học viên bị thương tật hoặc tàn phế. Trong thời gian tại vị, Trương An Thuận chịu trách nhiệm lãnh đạo không thể chối bỏ đối với các tội ác đàn áp Pháp Luân Công diễn ra tại Khu tự trị này.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Minghui.org, trong năm 2015, có tổng cộng 60 học viên ở Diên Biên bị bắt giữ phi pháp, 14 học viên bị bắt cóc đưa đến các lớp tẩy não, 1 học viên bị kết án bất hợp pháp và 3 học viên bị bức hại đến chết.

Bà Trương Thục Hiền ở thành phố Đồ Môn, tỉnh Cát Lâm, bị Cảnh sát Đội An ninh Quốc gia thành phố Đồ Môn bắt cóc vào ngày 7 tháng 8 năm 2014. Bà bị tra tấn đến chết trong vòng 24 giờ. Gia đình của bà nhìn thi thể thấy từ ngực xuống đến đùi đầy những vết bầm tím đen. Ngô Cát Long, đội trưởng Đội An ninh Quốc gia thuộc Cục Công an thành phố Đồ Môn, là thủ phạm trong vụ giết hại bà Trương Thục Hiền.

Sau đây là một số vụ đàn áp xảy ra trong nhiệm kỳ của Trương An Thuận, nhưng chúng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm:

(I) Một số trường hợp tử vong do bị bức hại

Trường hợp 1: Bác sĩ Vương Thục Khôn ở thành phố Hải Lâm chết sau khi bị công an đánh đập dã man

Vào cuối tháng 6 năm 2020, Bác sĩ Vương Thục Khôn, 66 tuổi, nhận được cuộc gọi từ Bí thư Đảng ủy Bệnh viện thị trấn Hải Lâm, yêu cầu bà đến Bệnh viện vì Viện trưởng muốn gặp. Tuy nhiên, khi đến nơi, bà mới biết người đang chờ bà lại là cảnh sát. Tại tầng 4 của Bệnh viện, cảnh sát đã tự ý lập một “phòng thẩm vấn” trái phép và tra tấn bà Vương Thục Khôn một cách tàn bạo. Họ đánh đập dã man và ép bà phải ký vào “ba bản cam kết” (Tam thư). Hai người giữ chặt vai bà để ngăn bà chống cự, trong khi một người khác dùng sức ép đầu bà xuống cổ. Ngay lúc đó, bà cảm thấy hai mắt mở to không kiểm soát, chóng mặt, buồn nôn và đau đớn tột cùng ở chân. Sau vài giờ chịu đựng, khi trở về nhà, bà Vương Thục Khôn phải bò lên cầu thang. Chồng bà nhìn thấy cơ thể bà đầy vết bầm tím, xương bánh chè bị gãy, toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Đến khoảng tối ngày 1 tháng 7, bà xuất hiện triệu chứng xuất huyết não, chóng mặt, buồn nôn. Rạng sáng ngày hôm sau, vào lúc 4 giờ 25 phút, bà qua đời do xuất huyết thân não.

Trường hợp 2: Bà Khang Ái Phân ở thành phố Giai Mộc Tư bị tra bức hại chết

Bà Khang Ái Phân, nữ, 64 tuổi, vào ngày 17 tháng 6 năm 2021, bị bắt cóc tại nhà, bị lục soát bất hợp pháp và bị cưỡng ép đưa vào trại giam thành phố Giai Mộc Tư để giam giữ phi pháp. Trong thời gian bị giam, bà bị tra tấn đến mức tim xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng, toàn thân sưng phù, hai chân không thể đứng vững hay đi lại, mắt gần như mù lòa, khó thở và tính mạng rơi vào tình trạng nguy kịch. Đến ngày 17 tháng 8, bà được thả về nhà và bị “giám sát tại khu dân cư”. Mặc dù bà đang trong tình trạng nguy kịch, các quan chức của Viện kiểm sát, Tòa án và Cảnh sát vẫn thường xuyên đến nhà sách nhiễu. Thậm chí có lần còn bắt cóc bà đến tòa án. Trước áp lực khủng khiếp về thể xác và tinh thần, chỉ ba tháng sau khi trở về nhà, bà đã qua đời một cách oan uổng vào ngày 18 tháng 11 năm 2021.

Trường hợp 3: Lưu Phượng Vân ở thành phố Giai Mộc Tư bị kết án phi pháp và bức hại đến chết

Bà Lưu Phượng Vân, ở huyện Đường Nguyên, tỉnh Hắc Long Giang. Bà bị Quan Kính Toàn cùng các nhân viên Đội An ninh Quốc gia bắt cóc, vu cáo và đưa ra tòa án. Trong quá trình này, bà bị bức hại đến mức bị nhồi máu cơ tim, đau tim dữ dội nhưng bà vẫn bị Tòa án Hướng Dương thành phố Giai Mộc Tư kết án phi pháp hai năm tù. Ngày 22 tháng 7 năm 2021, bà qua chết oan uổng tại bệnh viện.

Trường hợp 4: Bà Diêm Kim Hà ở thành phố Cáp Nhĩ Tân bị bức hại phát bệnh khi bị giam giữ và qua đời sau khi trả tự do vài tháng

Vào ngày 22 tháng 9 năm 2020, bà Diêm Kim Hà bị bắt cóc, sau đó bị kết án phi pháp 6 tháng tù giam. Trong thời gian bị giam giữ tại Trại tạm giam số 2 thành phố Cáp Nhĩ Tân, do kiên quyết không từ bỏ đức tin, bà bị cưỡng chế ngồi trên tấm ván lạnh trong thời gian dài, khiến bà bị chảy máu âm đạo nhiều. Mặc dù bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tử cung giai đoạn cuối, nhưng lính canh từ chối trả tự do cho bà. Bà được trả tự do sau khi thụ án xong 6 tháng tù. Vài tháng sau vào ngày 17 tháng 1 năm 2022, bà chết trong oan uổng ở tuổi 59.

Trường hợp 5: Ông Chung Quốc Toàn ở thành phố Mật Sơn bị tra tấn đến chết tại nhà tù Thái Lai

Ông Chung Quốc Toàn, đã bị cảnh sát bắt giữ vì chia sẻ tài liệu giảng rõ sự thật vào ngày 4 tháng 3 năm 2020. Sau đó, ông bị kết án phi pháp 3 năm 6 tháng tù giam. Ban đầu, ông bị đưa đến đội huấn luyện tập trung của nhà tù Cát Tây, sau đó bị chuyển đến nhà tù Thái Lai. Vào ngày 6 tháng 2 năm 2022, ông bị tra tấn đến chết trong tù, hưởng thọ 72 tuổi.

(II) Một số trường hợp bị kết án trái pháp luật trong thời gian Trương An Thuận đương nhiệm

Trường hợp 1: Vợ chồng Chu Minh Địch và Thái Tú Anh bị tòa án Đại Khánh kết án nặng vì đức tin

Trước thềm Tết Nguyên đán 2023, vợ chồng Chu Minh Địch và Thái Tú Anh, cư dân quận Hương Phòng, thành phố Cáp Nhĩ Tân, đã bị tòa án khu Nhượng, Đại Khánh xét xử trực tuyến và bị kết án bất hợp pháp. Trong đó, Chu Minh Địch bị kết án 9 năm 8 tháng tù giam và bị phạt 60.000 Nhân dân tệ; Thái Tú Anh bị kết án 10 năm tù và bị phạt 50.000 Nhân dân tệ.

Cả hai vợ chồng đã kháng cáo. Vào ngày 4 hoặc 5 tháng 4 năm 2023, một phiên tòa xét xử bất hợp pháp thứ hai đã được tổ chức tại Tòa án Đại Khánh. Tuy nhiên, phiên tòa này không đưa ra phán quyết ngay trong ngày, và cả hai đều từ chối ký vào biên bản.

Trường hợp 2: Phiên tòa phi pháp của tòa án Đại Khánh và bản án oan sai đối với bảy học viên Pháp Luân Công

Tòa án quận Nhượng Hồ Lộ, thành phố Đại Khánh đã tiến hành bốn phiên tòa xét xử bất hợp pháp đối với 7 học viên. Vào ngày 17 tháng 11 năm 2021, Tòa án đã đưa ra phán quyết bất hợp pháp, ông Lý Lực Tráng, bà Đường Trúc Ân, bà Triệu Lệ Hoa và ông Hoắc Hiểu Huy bị kết án từ 7 đến 10 năm tù giam. Trong đó, bà Đường Trúc Ân, 71 tuổi, bị kết án 9 năm 4 tháng và bị phạt 50.000 Nhân dân tệ.

Trường hợp 3: Bà Triệu Khánh Bình ở Ngũ Thường, Hắc Long Giang bị kết án oan 6 năm tù

Bà Triệu Khánh Bình, 52 tuổi, cựu giám đốc sản xuất của một công ty dược phẩm, bị Tòa án quận A Thành, thành phố Cáp Nhĩ Tân kết án phi pháp 6 năm tù và bị phạt 20.000 Nhân dân tệ vào giữa tháng 4 năm 2023. Ngày 28 tháng 6 năm 2023, bà Triệu Khánh Bình bị đưa vào Nhà tù nữ tỉnh Hắc Long Giang, nơi bà bị giam giữ và đàn áp.

Trường hợp 4: Ông Vương Kế Vũ bị Tòa án Song Thành kết án 4 năm 6 tháng tù giam

Ông Vương Kế Vũ là học viên Pháp Luân Công, ông và vợ làm việc tại thành phố Cáp Nhĩ Tân. Vào tối ngày 4 tháng 4 năm 2023, khi vừa tan làm về nhà, cả hai bị cảnh sát từ Đồn Công an quận Song Thành bắt cóc tại nơi thuê trọ. Ngày 18 tháng 5 năm 2023, ông Vương Kế Vũ bị Tòa án Song Thành kết án oan 4 năm 6 tháng tù. Sáng sớm ngày 21 tháng 7 năm 2023, ông bị đưa vào Nhà tù Hồ Lan, thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang.

Quỳnh Mai (dịch từ bản tiếng Trung: https://rb.gy/dbdhju)

Bài viết liên quan