Nhân dịp ngày 20 tháng 7, khi các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới tổ chức các hoạt động kỷ niệm 13 năm cuộc đàn áp, một cuốn sách mới có tựa đề “Nội tạng Nhà nước” đã được xuất bản, tiếp tục vạch trần tội ác mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đây là một kiệt tác khác sau khi cuốn “Thu hoạch đẫm máu” được xuất bản, giúp nhiều người hiểu hơn về tội ác của ĐCSTQ.

Cuốn sách “Nội tạng Nhà nước” (State Organs) được viết bởi các tác giả đến từ bốn châu lục, bảy quốc gia, với nhiều nền tảng chuyên môn khác nhau, đã phân tích từ nhiều góc độ về hành vi cấy ghép nội tạng bất hợp pháp và tội ác mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công tàn bạo đang diễn ra ở Trung Quốc. Cuốn sách này đã thu thập các báo cáo của nhân chứng, tài liệu chính thức, trình tự thời gian của các sự kiện và phân tích sâu sắc hành vi mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ. Các tác giả cũng đề xuất các biện pháp ngăn chặn hành vi cấy ghép nội tạng bất hợp pháp trong cuốn sách.
Mục lục
Bác sĩ Trey: ĐCSTQ có nguồn cung cấp nội tạng bí mật
Bác sĩ Torsten Trey, người phát ngôn của Hiệp hội Bác sĩ Chống cưỡng bức lấy nội tạng, cho biết trong cuốn sách, rằng thông thường, người hiến tặng sẽ tự nguyện đồng ý hiến tạng. Nhưng ở Trung Quốc, theo tuyên bố chính thức, hơn 90% nội tạng cấy ghép đến từ tử tù, điều này vi phạm các tiêu chuẩn y tế phương Tây. Theo số liệu chính thức của ĐCSTQ, mỗi năm có từ 2.000 đến 8.000 tử tù bị hành quyết, nhưng mỗi năm lại có từ 10.000 đến 20.000 ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng. Xét đến tuổi tác, tình trạng sức khỏe, bệnh truyền nhiễm mà tù nhân mắc phải, nhóm máu, yếu tố mô tạng và thời gian chờ đợi ngắn, lời giải thích chính thức của ĐCSTQ không thể giải thích được nguồn gốc của nhiều nội tạng cấy ghép như vậy. Điều này cho thấy có một nguồn cung cấp nội tạng khác. ĐCSTQ không có một kế hoạch hiến tạng cấy ghép công khai hiệu quả, điều này có nghĩa là có một nguồn cung cấp nội tạng bí mật khác.
Vì các học viên Pháp Luân Công phải trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe trong thời gian bị giam giữ (bao gồm xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang, siêu âm đắt tiền, v.v.), trong khi họ phải chịu đựng những hình thức tra tấn tàn khốc. Người ta không khỏi tự hỏi: Mục đích của những cuộc kiểm tra sức khỏe này là gì? Sau khi xem báo cáo điều tra “Thu hoạch đẫm máu” của David Matas và David Kilgour, người ta hiểu rằng học viên Pháp Luân Công chính là nguồn cung cấp nội tạng bí mật này.
Bác sĩ Trey nói trong cuốn sách: “Giết người để lấy nội tạng rồi cấy ghép nội tạng cho người khác là một sự báng bổ đối với y học và ngành cấy ghép nội tạng.”
Giám đốc Đại học Hoa Kỳ: ĐCSTQ kết án tử hình tù nhân để mổ cướp nội tạng
Arthur Caplan, Giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh học thuộc Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ, đã thảo luận trong cuốn sách về hiện tượng du lịch ghép tạng và buôn bán nội tạng đang nổi lên. Ông nhấn mạnh rằng việc hiến tạng tự nguyện là “cực kỳ quan trọng”. Ông tin rằng hành vi mổ cướp nội tạng từ tù nhân và người bị giam giữ ở Trung Quốc vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức quốc tế. Ở Trung Quốc, người ta kết án tử hình tù nhân để mổ cướp nội tạng của họ.
Caplan kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt hành vi lấy nội tạng và gửi lời kêu gọi đến thế giới: hãy thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để từ chối chấp nhận nội tạng có nguồn gốc không rõ ràng.
Caplan nói trong cuốn sách: “Hệ thống hiện hành dựa vào nội tạng của tử tù cần phải thay đổi. Không phải thay đổi trong ba đến năm năm tới, mà là phải thay đổi ngay lập tức trong ba đến năm phút!”
Giám đốc Nội khoa Malaysia: Mọi người đến Trung Quốc để du lịch ghép tạng
Ghazali Ahmad, Giám đốc Nội khoa Thận của Bệnh viện Kuala Lumpur, Malaysia, đã giới thiệu về du lịch ghép tạng ở khu vực châu Á và cách Trung Quốc thay thế Ấn Độ trở thành quốc gia cung cấp nội tạng chính. Các tài liệu y tế mà ông trình bày cho thấy công dân Malaysia đã trở về Malaysia sau khi được ghép tạng ở Trung Quốc. Ông nhận thấy rằng bệnh nhân vội vã trở về nước sau khi ghép tạng, và các tài liệu giải thích về cách chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật không rõ ràng. Sau năm 2006, phía Trung Quốc không còn cung cấp tài liệu bệnh án bằng văn bản nữa, và bệnh nhân trở về Malaysia mà không có bất kỳ hồ sơ y tế nào. Và năm 2006, trùng hợp thay, là năm trường hợp học viên Pháp Luân Công đầu tiên bị mổ cướp nội tạng được truyền thông phơi bày, và cũng là năm David Matas và David Kilgour công bố báo cáo điều tra mổ cướp nội tạng đầu tiên.
Học giả của Think Tank*: Cuộc bức hại diễn ra ở Trung Quốc là tội ác chống lại loài người
Ethan Gutmann, tác giả của cuốn sách “Mất đi Tân Trung Quốc” và là cựu nhà nghiên cứu tại một Think Tank của Hoa Kỳ, đã thảo luận trong cuốn sách về sự kiện Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân. Ông nói rằng hai người này đều là những nhân vật chủ chốt của ĐCSTQ, và họ rất có thể biết hoặc tham gia vào việc mổ cướp nội tạng.
Gutmann đã phân tích số lượng học viên Pháp Luân Công bị mổ cướp nội tạng và trích dẫn trong cuốn sách lời khai của 40 nhân chứng mà ông đã phỏng vấn về việc mổ cướp nội tạng. Ông cũng nói về cuộc bức hại mà Pháp Luân Công phải gánh chịu.
Ông viết trong cuốn sách: “Cuộc bức hại diễn ra ở Trung Quốc là tội ác chống lại loài người. Tóm lại, không có tổ chức phương Tây nào có thẩm quyền đạo đức để cho phép ĐCSTQ che đậy tội ác diệt chủng của mình bằng cách hứa hẹn cải cách y tế.”
Trương Nhĩ Bình: ĐCSTQ mổ cướp nội tạng sống từ học viên Pháp Luân Công
Trương Nhĩ Bình, người phát ngôn của Pháp Luân Công, đã giới thiệu về văn hóa Trung Quốc và luật ghép tạng của Trung Quốc. Bộ luật đầu tiên của Trung Quốc cho phép mổ cướp nội tạng tử tù ra đời từ năm 1984. Trung Quốc thiếu nội tạng cấy ghép, bởi vì tư tưởng Nho giáo của Khổng Tử cho rằng người chết phải được toàn thây. Điều này cũng giải thích tại sao ở Trung Quốc có rất ít người dân hiến tạng.
Trương Nhĩ Bình đã mô tả các hình thức mổ cướp nội tạng bất hợp pháp của ĐCSTQ, bao gồm cả việc mổ cướp nội tạng sống từ học viên Pháp Luân Công.
Trương Nhĩ Bình viết trong cuốn sách: “Điều đáng lo ngại nghiêm trọng là nguồn gốc của nội tạng thiếu minh bạch. Số lượng tử hình xảy ra ở Trung Quốc mỗi năm không được tiết lộ: những người bị giam giữ này là ai? Họ bị hành quyết vì tội gì?”
Matas: Số liệu cấy ghép nội tạng do ĐCSTQ công bố không đáng tin cậy
Luật sư nhân quyền quốc tế nổi tiếng người Canada David Matas đã nghiên cứu các số liệu và tuyên bố của Trung Quốc. Kết quả quan sát của ông cho thấy nhiều số liệu liên quan đến cấy ghép nội tạng do chính quyền ĐCSTQ công bố là không đáng tin cậy. Ông đã tính toán số lượng học viên Pháp Luân Công có thể đối mặt với việc bị mổ cướp nội tạng.
David Kilgour: Cần hành động mạnh mẽ để ngăn chặn tội ác mổ cướp nội tạng sống
David Kilgour, cựu Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Nghị sĩ Quốc hội Canada, cùng Jan Harvey, Nhà giáo dục Canada, đã trình bày chi tiết về tình hình Pháp Luân Công bị bức hại và liệt kê các trường hợp học viên Pháp Luân Công bị bức hại và mổ cướp nội tạng. Họ cũng liệt kê thời gian biểu các vụ mổ cướp nội tạng xảy ra ở Trung Quốc và đưa ra các khuyến nghị về những việc người dân nên làm khi đối mặt với tội ác mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ. Họ viết trong cuốn sách: “Chúng ta nên có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn hành vi mổ cướp nội tạng dã man, vì những hành vi này vi phạm phẩm giá cơ bản nhất của con người: sự tôn trọng đối với cơ thể con người và bản chất của các tiêu chuẩn đạo đức y tế.”
Chuyên gia Israel: Người Israel không còn đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng
Bác sĩ Jacob Lavee, chuyên gia cấy ghép nội tạng nổi tiếng của Israel, đã đề cập đến kinh nghiệm cá nhân của mình trong cuốn sách. Ông có một bệnh nhân đến Trung Quốc để phẫu thuật cấy ghép tim, và phía Trung Quốc nói với bệnh nhân rằng có thể cung cấp người hiến tặng trong vòng hai tuần. Vì tò mò, bác sĩ Lavee đã tự mình nghiên cứu. Ông biết rằng những người bị giam giữ ở Trung Quốc đã trở thành người hiến tặng nội tạng. Do đó, bác sĩ Lavee bắt đầu phản đối du lịch ghép tạng và đồng thời thực hiện luật cấy ghép nội tạng mới, giúp tăng số lượng hiến tạng trong nước Israel lên 60%. Bài viết thể hiện cách chủ động chống lại hành vi mổ cướp nội tạng dã man. Bác sĩ Lavee viết trong cuốn sách: “Các biện pháp pháp lý được Israel thực hiện đã thành công trong việc khiến người Israel không còn đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng.”
Giám đốc Y tế: Bác sĩ nên lên án hành vi mổ cướp nội tạng dã man của ĐCSTQ
Gabriel Danovitch, Giáo sư Đại học California, Los Angeles và Giám đốc Y tế Dự án Cấy ghép thận, đã nhận thấy các bác sĩ Trung Quốc đăng các bài báo về quy trình cấy ghép nội tạng trên các Tạp chí Y khoa phương Tây. Ông phát hiện ra rằng các Tạp chí Y khoa phương Tây đã không làm tròn trách nhiệm khi chấp nhận các bài báo của các bác sĩ Trung Quốc. “Phương pháp tiêu chuẩn” mà các bác sĩ Trung Quốc đề cập thực sự đề cập đến “vết thương do súng bắn vào đầu”. Nghiên cứu khoa học này không nên trở thành kiến thức khoa học phương Tây. Danovitch nói rằng mặc dù chúng ta không có quyền kiểm soát ở Trung Quốc, nhưng chúng ta có thể kiểm soát các Tạp chí Y khoa của mình. Chúng ta không nên hy sinh các tiêu chuẩn đạo đức của mình. Bà tin rằng các bác sĩ trong xã hội tự do nên từ chối và lên án hành vi mổ cướp nội tạng dã man xảy ra ở Trung Quốc. Bà đề nghị các tạp chí Y khoa không chấp nhận các bài báo về cấy ghép nội tạng từ Trung Quốc. Các bác sĩ đến từ Trung Quốc không được phép nói về cấy ghép nội tạng của họ tại các hội nghị y khoa trừ khi họ nêu rõ rằng nội tạng họ sử dụng không phải từ tử tù. Danovitch viết trong cuốn sách: “Chúng ta không thể kiểm soát những gì xảy ra ở Trung Quốc, nhưng ít nhất, chúng ta có thể kiểm soát nội dung của các hội nghị và tạp chí của mình. Chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực để ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng của Trung Quốc có thể trở thành một thành viên được kính trọng trong cộng đồng cấy ghép nội tạng quốc tế trong tương lai.”
Chuyên gia Nhân quyền Thụy Sĩ: Nội tạng cấy ghép phải có khả năng truy xuất nguồn gốc
Arne Schwarz, chuyên gia nhân quyền Thụy Sĩ, đã giải thích về các thử nghiệm lâm sàng của các công ty dược phẩm ở Trung Quốc đối với các loại thuốc liên quan đến cấy ghép như thuốc chống thải ghép. Ông nói rằng các bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng đã được cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo dữ liệu do Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc cung cấp, 90% nội tạng cấy ghép đến từ tử tù, do đó, nội tạng được cấy ghép cho những bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng này rất có thể đến từ các nguồn phi đạo đức. Các loại thuốc thử nghiệm lâm sàng này gây ra vấn đề đạo đức, và các loại thuốc này cũng được bán trên khắp thế giới. Schwarz đề cập đến Roche là một trong những công ty dược phẩm như vậy. Ông nhắc nhở rằng các nguyên tắc của Tổ chức Y tế Thế giới về cấy ghép tế bào, mô và cơ quan người yêu cầu nội tạng được cấy ghép phải có khả năng truy xuất nguồn gốc. Một nguyên tắc khác là việc xem xét và xây dựng phải minh bạch. Ông kêu gọi các công ty chịu trách nhiệm xã hội để đảm bảo các tiêu chuẩn đạo đức. Schwarz viết trong cuốn sách: “Do đó, trong trường hợp này, việc ủy thác cho một hệ thống mổ cướp nội tạng dã man để có được nội tạng là vô trách nhiệm.”
Schwarz viết trong cuốn sách: “Do đó, trong trường hợp này, việc ủy thác cho một hệ thống mổ cướp nội tạng dã man để có được nội tạng là vô trách nhiệm.”
Giáo sư Y khoa: Cần hành động để bảo vệ những người bị tổn hại
Maria Fiatarone Singh, Giáo sư Y khoa Lão khoa tại Đại học Sydney, Úc, đã bị sốc khi nghe về tội ác mổ cướp nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công. Mặc dù nghề nghiệp của bà không liên quan đến cấy ghép nội tạng, nhưng bà đã tích cực tham gia vào các hoạt động của Hiệp hội các Bác sĩ chống cưỡng bức lấy nội tạng (DAFOH). Một lần, một người Trung Quốc tự xưng là sinh viên đã ép bà chấp nhận quan điểm rằng việc mổ cướp nội tạng sống là không tồn tại. Người Trung Quốc này cũng tuyên bố rằng vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 hoàn toàn không xảy ra. Tuy nhiên, khi Hiệp hội Cấy ghép Úc và New Zealand quyết định rằng các chương trình đào tạo cấy ghép nội tạng của Úc sẽ không còn chấp nhận các bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc trừ khi họ ký hợp đồng bằng văn bản, nói rằng họ sẽ không sử dụng tù nhân làm nguồn cung cấp nội tạng sau khi trở về Trung Quốc, kể từ đó, không còn bác sĩ phẫu thuật cấy ghép Trung Quốc nào đến Úc để đào tạo nữa.
Giáo sư Maria Fiatarone Singh viết trong cuốn sách: “Là bác sĩ, tất cả chúng ta đều tuyên thệ ngăn ngừa tổn hại, điều này bao gồm hành động để bảo vệ những người đang bị người khác làm tổn hại. Là con người, ít nhất chúng ta nên làm như vậy.”
Nhà nhân chủng học người Mỹ Margaret Mead từng nói: “Đừng bao giờ nghi ngờ một nhóm nhỏ những người quyết tâm có thể thay đổi thế giới, trên thực tế, chỉ có họ mới có thể thay đổi thế giới.”
Chú thích:
* “Think tank” là một cụm từ tiếng Anh, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “Trung tâm nghiên cứu” hoặc “Viện nghiên cứu”. Đây là một tổ chức hoặc nhóm chuyên gia thực hiện nghiên cứu và tư vấn về các vấn đề chính sách công, kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, quân sự, hoặc các lĩnh vực khác.
** Năm 2023 phim “Nội tạng Nhà nước” dài 75 phút được sản xuất tại Canada. Mất khoảng 6 năm để hoàn thành bộ phim, từ khâu thu thập thông tin, phỏng vấn, quay phim đến biên tập. Bộ phim gây chấn động đối với khán giả và khiến Chính quyền Trung Quốc ra tay đối phó.
Thu San (Dịch từ bản tiếng Trung: https://byvn.net/8lE6 )