Pháp Luân Công: Những dấu mốc lịch sử

Học viên Pháp Luân Công đi diễu hành ngày 13/05 là ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới
Học viên Pháp Luân Công đi diễu hành ngày 13/05 là ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới

Kể từ ngày 13/5/1992 đến nay, Pháp Luân Công đã trải qua một hành trình vô cùng vĩ đại. Bài viết này sẽ điểm lại những dấu mốc quan trọng của Pháp Luân Công trong hành trình ấy. Những dấu mốc lịch sử:

Sự ra đời của Pháp Luân Công và giai đoạn Đại Pháp được hồng truyền tại Trung Quốc (1992–1994)

Ngày 13 tháng 5 năm 1992, Đại sư Lý Hồng Chí lần đầu tiên truyền Pháp Luân Công tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc.

Cùng năm đó, Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Khí công Trung Quốc công nhận Pháp Luân Công là một trong những môn khí công trực thuộc Hiệp hội, đồng thời còn ủng hộ và hỗ trợ việc quảng bá Pháp Luân Công.

Từ ngày 13 tháng 5 năm 1992 đến ngày 29 tháng 12 năm 1994, Đại sư Lý Hồng Chí đã tổ chức 56 khóa học về các nguyên lý và dạy các bài công pháp.

Ngày 31 tháng 12 năm 1994, Đại sư Lý Hồng Chí giảng Pháp tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, với khoảng 6.600 người.

Năm 1994, cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” ra đời, trở thành tài liệu gốc cho những người theo học và đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên toàn thế giới.

Các tuyên bố và giải thưởng của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian Pháp Luân Công được hồng truyền:

Tháng 9 năm 1992, Pháp Luân Công được xác định là một trường phái khí công, trực thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Khí công Trung Quốc và được phép truyền trên phạm vi cả nước.

Năm 1992, Đại sư Lý Hồng Chí đã cùng các học viên tới tham gia Hội Sức khỏe Đông Phương năm 1992 tại Bắc Kinh. Đại sư Lý Hồng Chí trở thành người được trao nhiều giải thưởng nhất tại Hội chợ.

Ngày 30 tháng 7 năm 1993, với sự chấp thuận của Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Khí công Trung Quốc, Hội Nghiên cứu Pháp Luân Công Trung Quốc được thành lập.

Ngày 31 tháng 8 năm 1993, Tổ chức “Bảo vệ Công lý và Giải cứu Người gặp nguy hiểm”, Bộ Công an, viết thư tri ân gửi Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Khí công Trung Quốc để cảm ơn Đại sư Lý Hồng Chí đã trị bệnh miễn phí cho những người được trao giải trong Hội nghị Quốc gia lần thứ ba về “Bảo vệ Công lý và Giải cứu Người gặp nguy hiểm”.

Từ ngày 11 đến ngày 20 tháng 12 năm 1993, Đại sư Lý Hồng Chí một lần nữa đưa một số học viên tới tham gia Hội Sức khỏe Đông Phương năm 1993 tại Bắc Kinh. Đại sư Lý Hồng Chí đã tham gia sự kiện này với tư cách là một trong những thành viên của Ban tổ chức Hội chợ. Kết thúc Hội chợ, Đại sư Lý đã được trao giải thưởng danh giá nhất của Hội chợ – “Giải thưởng Khoa học Liên ngành Tiên tiến”, “Giải thưởng Vàng đặc biệt” và được vinh danh là “Đại sư khí công được quần chúng hoan nghênh nhất”.

Giải thưởng danh giá nhất dành cho Đại sư Lý Hồng Chí tại Hội Sức khỏe Đông Phương, Bắc Kinh năm 1993 (Ảnh: Internet)
Giải thưởng danh giá nhất dành cho Đại sư Lý Hồng Chí tại Hội Sức khỏe Đông Phương, Bắc Kinh năm 1993 (Ảnh: Internet)

Ngày 27 tháng 12 năm 1993, Đại sư Lý Hồng Chí đã nhận được bằng khen của Tổ chức “Bảo vệ Công lý và Giải cứu Người gặp nguy hiểm”, thuộc Bộ Công an Trung Quốc.

Ngày 3 tháng 8 năm 1994, Chính quyền thành phố Houston của Hoa Kỳ đã ban hành tuyên bố vinh danh Đại sư Lý Hồng Chí là “Công dân danh dự của Houston” và là “Đại sứ Thiện chí”.

Bằng khen của Tổ chức “Bảo vệ Công lý và Giải cứu Người gặp nguy hiểm”, thuộc Bộ Công an Trung Quốc dành cho Đại sư Lý Hồng Chí (Ảnh: Internet)
Bằng khen của Tổ chức “Bảo vệ Công lý và Giải cứu Người gặp nguy hiểm”, thuộc Bộ Công an Trung Quốc dành cho Đại sư Lý Hồng Chí (Ảnh: Internet)

Sự phát triển của Pháp Luân Công (1994–1999)

Trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến 1999, số lượng người theo học Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng, ước tính có khoảng 70–100 triệu người tu luyện.

Cảnh tượng học viên Pháp Luân Công thế giới luyện công tập thể (Nguồn: Internet)
Cảnh tượng học viên Pháp Luân Công thế giới luyện công tập thể (Nguồn: Internet)

Từ 1995, Đại Sư Lý Hồng Chí bắt đầu truyền Pháp Luân Công ra nước ngoài. Pháp Luân Công được đón nhận tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự phát triển của Pháp Luân Công thời điểm đó đã được đánh giá là một trong những phong trào tu luyện tinh thần lớn nhất thế giới.

Pháp Luân Công bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp (từ 1999 đến nay)

Ban đầu, Pháp Luân Công được Chính phủ Trung Quốc rất ủng hộ. Nhưng đến năm 1999, khi số lượng người tu luyện lớn hơn rất nhiều so với số đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trở thành một nhóm xã hội dân sự lớn nhất trong lịch sử của Trung Quốc. Do lo sợ và đố kỵ, từ rất sớm, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân đã tìm mọi cách để phát động cuộc đàn áp nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công.

Năm 1997, ông La Cán, Cựu Ủy viên Bộ Chính trị, lệnh cho Bộ Công an phải tiến hành một cuộc điều tra nội bộ đối với Pháp Luân Công, để quyết định Pháp Luân Công có phải là một “tà giáo” hay không. Cuộc điều tra đã phải tạm dừng vì không có chứng cứ. Ngày 21/7/1998, Văn phòng số 1 của Bộ Công an Trung Quốc phát hành Thông tư số 555/1989 với tựa đề: “Chú ý về điều tra Pháp Luân Công” cùng lời tuyên bố có sẵn rằng Pháp Luân Công là một tà giáo, song lại yêu cầu tất cả các điều tra viên phải tìm ra được bằng chứng nhằm chứng minh lời tuyên bố trên. Thông tư này đã khiến lực lượng công an trên toàn quốc ra quân đàn áp, giải tán các điểm tập luyện dù không có bất kỳ chứng cứ phạm pháp nào.

La Cán vì muốn lập công với Giang Trạch Dân, nên đã trở thành người tiên phong trong việc tiến hành gài bẫy người tập Pháp Luân Công, từ đó lấy lý do để triển khai cuộc đàn áp. Ông yêu cầu Hà Tộ Hưu viết bài bôi nhọ Pháp Luân Công đăng trên Tạp chí của Học viện Giáo dục Thiên Tân, rồi bắt 45 người đi phản ánh sự việc và đánh trọng thương nhiều người khác. Khi những người tu luyện Pháp Luân Công tại các nơi thỉnh nguyện yêu cầu Thiên Tân thả người thì công an đã gợi ý cho họ đến Bắc Kinh thỉnh nguyện và nhấn mạnh là chỉ có Bắc Kinh mới giải quyết được việc này.

Ngày 25 tháng 4 năm 1999, khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tập trung một cách ôn hòa trước Văn phòng Kháng cáo Trung ương ở Bắc Kinh để yêu cầu Chính quyền công nhận quyền tự do tu luyện và thả những học viên bị bắt giữ vô lý.

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Chính phủ Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên diện rộng. Với phương châm “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể” người tu luyện, Giang Trạch Dân chủ trương “nhổ tận gốc” Pháp Luân Công trong vòng ba tháng.

Hàng triệu người tập Pháp Luân Công bị bắt giữ, giam cầm, tra tấn, hàng nghìn người bị tra tấn đến chết. Pháp Luân Công bị xuyên tạc là “tà giáo”.

Năm 2006, tội ác mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công đang sống của ĐCSTQ bị phát hiện. Các tổ chức nhân quyền quốc tế, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), đã lên án cuộc đàn áp này là một vi phạm nghiêm trọng quyền con người.

Hình ảnh ĐCSTQ đàn áp các học viên Pháp Luân Công (Ảnh: Internet)
Hình ảnh ĐCSTQ đàn áp các học viên Pháp Luân Công (Ảnh: Internet)

Pháp Luân Công được thế giới ủng hộ và tôn vinh

Pháp Luân Công đã nhận được hơn 5000 giải thưởng, thư khen và thư công nhận từ các tổ chức chính phủ, hiệp hội và các cá nhân trên khắp thế giới.

Nhiều quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc và các nước châu Âu, đã thông qua các nghị quyết lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua nhiều nghị quyết kêu gọi Chính phủ Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động vi phạm nhân quyền đối với những người tu luyện Pháp Luân Công. Năm 2016, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết lên án hành vi mổ cướp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ tại Trung Quốc.

Ngày 25 tháng 6 năm 2024, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua Dự luật H.R.4132 có tên “Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công” (Falun Gong Protection Act), trong đó lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), gồm cả nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Ngoài việc kêu gọi trừng phạt những người liên quan đến hoạt động thu hoạch nội tạng, dự luật còn kêu gọi ĐCSTQ lập tức chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Hình ảnh các giải thưởng, thư khen, nghị quyết về sự công nhận của các tổ chức, các chính phủ thế giới dành cho Pháp Luân Công (Ảnh: Internet)
Hình ảnh các giải thưởng, thư khen, nghị quyết về sự công nhận của các tổ chức, các chính phủ thế giới dành cho Pháp Luân Công (Ảnh: Internet)

Pháp Luân Công được hồng truyền trên toàn thế giới (2000-nay)

Trong những năm qua, Pháp Luân Công không chỉ là được truyền rộng khắp thế giới mà còn thu hút sự quan tâm của giới khoa học và y học nhờ các lợi ích sức khỏe rõ ràng do Pháp Luân Công mang lại.

Các học viên Pháp Luân Công cũng đã tổ chức các sự kiện như Ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới (13/5 hàng năm) nhằm tôn vinh giá trị của pháp môn này; tổ chức Lễ thắp nến tưởng niệm và tri ân nhân dịp 20/7 hàng năm để tưởng nhớ những người tu luyện bị bức hại tại Trung Quốc. Những hoạt động như biểu diễn nghệ thuật, hội thảo và diễu hành thu hút hàng nghìn người tham dự đã góp phần nâng cao nhận thức của thế giới về vẻ đẹp “Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công và sự thật về cuộc bức hại của chính quyền Trung Quốc.

Những dấu mốc lịch sử của Pháp Luân Công trong hơn 32 năm qua cho thấy, đối mặt với cuộc đàn áp tàn khốc chưa từng có của ĐCSTQ, Pháp Luân Công không những không bị “nhổ tận gốc” như chính quyền Trung Quốc chủ trương mà vẫn bước đi vững vàng và kiên định, từ Trung Quốc hồng truyền đến khắp thế giới. Sự phát triển rộng khắp của Pháp Luân Công cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế đã chứng minh sức mạnh của “Chân-Thiện-Nhẫn” – một nguyên lý có tính phổ quát ngày càng được thế giới tôn vinh.

Pháp Luân Công – Những hình ảnh lịch sử (Nguồn: Hoa Sen Thiên Thượng)

Hàn Mai (t/h)

Bài viết liên quan