Trong cuộc sống, có không ít người làm việc gì thành công việc ấy; ngược lại không ít người làm việc gì hỏng việc ấy. Tất nhiên có nhiều người lúc bại lúc thành. Người hiểu đạo sẽ nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.
Mục lục
Xuất xứ của câu nói
Câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” là lời của nhân vật Khổng Minh (tức Gia Cát Lượng) – một quân sư lỗi lạc của Lưu Bị trong tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung.

Trong trận hỏa chiến ở hang Thượng Phương, quân sư Khổng Minh đã bày mưu để đưa cha con Tư Mã Ý vào thế trận hỏa thiêu bày sẵn. Cứ ngỡ Tư Mã Ý sẽ bị chết cháy ở Thượng Phương Cốc, nhà Ngụy đại nạn tới nơi, giấc mộng phục hưng triều Hán bao năm sắp thành hiện thực, thì bỗng gió nổi lên, trời đổ mưa rào. Bao nhiêu lửa đều bị dập tắt hết, cha con Tư Mã Ý thoát chết. Đứng trên cao, Khổng Minh nhìn tàn cuộc, mắt rơm rớm lệ, ngửa mặt lên trời than rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”.
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” nghĩa là gì?
Câu nói thể hiện sự nhận thức, chiêm nghiệm của Khổng Minh về mối quan hệ giữa “Thiên” và “nhân”, về vai trò chi phối, quyết định của “Thiên” đối với sự thành bại trong cuộc đời của con người.
Con người tính việc, thành công hay không là do Trời định.
Người ta khi muốn làm việc gì thì sẽ tính toán, lên kế hoạch, và thực hiện kế hoạch, mong muốn công việc đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, công việc có thành công hay không lại không phải do con người quyết định, mà là do “Thiên”, tức Trời, Ông Trời quyết định.

Tại sao “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”?
Cổ nhân dạy: “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Có một quy luật chi phối hết thảy các sinh mệnh trong vũ trụ, chính là Luật Nhân quả. Từng ý nghĩ, từng lời nói, từng việc làm của mỗi người đều được vị Thần cai quản nhân gian ghi lại. Đó là cơ sở để Trời quyết định số phận của họ trong tương lai. Con người trong đời đáng được gì, không đáng được gì đều do Đức và nghiệp mà bản thân đã gieo từ tiền kiếp quyết định.
Thực tế cho thấy, dù con người có tính toán giỏi đến đâu, kế hoạch có hoàn hảo đến đâu nhưng nếu Đức mà người ấy tích từ tiền kiếp rất ít hoặc không có, tức là người ấy không xứng đáng được hưởng điều tốt, thì kế hoạch của họ vẫn không thành. Cổ nhân có câu: “Người tính không bằng Trời tính”. Chỉ là con người ngày nay chịu ảnh hưởng của thuyết vô thần nên mới không tin điều đó.
Sinh mệnh con người là do Trời ban. Việc con người muốn làm nếu hợp với Thiên Đạo, thuận theo Thiên ý sẽ được Thần Phật gia trì, nên sẽ thành.
Ngày xưa, vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thành cứ xây lại đổ, cứ xây lại đổ, là do yêu quái phá hoại. Nhà vua cho lập đàn trai giới, tắm gội sạch sẽ, ngửa mặt kêu Trời. Trời cao thấu tỏ, phái sứ giả đến giúp, thành lập tức xây xong. Bởi mục đích xây thành giữ nước của nhà vua là chân chính.
Người làm điều trái với Đạo, gọi là nghịch Đạo, cũng có thể “thành” nhưng kết cục phải nhận quả báo vô cùng đáng sợ.
Trung Quốc thời cổ đại đã từng xảy ra sự kiện diệt Phật “Tam Vũ nhất Tông”. Bốn lần Pháp nạn trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc là do ba vị hoàng đế tên “Vũ” và một vị hoàng đế tên “Tông” khởi xướng, nên gọi là “Tam Vũ nhất Tông”. Đó là Bắc Ngụy Thái Võ Đế Thác Bạt Đảo, Bắc Chu Võ Đế Vũ Văn Ung, Đường Võ Tông Lý Viêm và hậu Chu Thế Tông Sài Vinh. Tuy nhiên, bất cứ Hoàng đế nào diệt Phật thì về sau hoặc là bị ám sát, hoặc là bạo bệnh mà chết. Ví như Chu Thế Tông Sài Vinh từng tự tay cầm rìu chém vào ngực của tượng Quan Âm Bồ Tát ở Đại Bi Tự. Vị Hoàng đế này thỏa mãn được ác tâm của mình nhưng cuối cùng ông ta đã chết vì vết thương ở ngực bị thối rữa. Những người hiểu về Luật Nhân quả đều hiểu rằng đây là báo ứng do hành động diệt Phật gây nên.

Muốn được “Thiên” cho “thành sự” thì cần phải làm thế nào?
Con người muốn cuộc đời gặp nhiều điều may mắn tốt lành, an yên hạnh phúc thì cách làm đúng đắn nhất chính là chú trọng tu tâm, tích Đức, hành Thiện. “Có Đức mặc sức mà hưởng” – từ xa xưa, cha ông ta đã đúc kết nên chân lí ấy.
Câu nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” là lời khẳng định sự tồn tại của “Thiên” và vai trò sắp đặt, chi phối, quyết định của “Thiên” đối với đời sống của nhân loại.
Con người muốn được “Thiên” luôn luôn phù trợ thì con người cần quay trở về với văn hóa truyền thống chân chính – văn hóa Thần truyền – với tinh thần Thiên-nhân hợp nhất, kính Trời tín Thần, trọng Đức hành Thiện, coi trọng và tự tu dưỡng bản thân mình theo Đạo: “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”.

Tác giả: Hàn Mai – Thu Hà