Tu là điều tốt đẹp và tu cũng là điều khó làm. Khi nói đến tu, nhiều người có thể sẽ nghĩ đến hình ảnh một tu sĩ, một ni cô… với bộ quần áo nâu sòng và một cuộc sống khổ hạnh tại chùa, tu viện, đạo viện… Đó là những người tu chuyên nghiệp trong các tôn giáo. Còn có nhiều pháp môn tu của Phật gia – tu giữa đời thường. Ngoài ra, chữ “tu” còn để chỉ việc tu dưỡng đạo đức của con người trong cuộc sống hàng ngày. Như vậy, con người có thể “tu” bản thân mình trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường, như “tu tại gia”, “tu chợ”, “tu chùa”… Tu tại hoàn cảnh nào cũng đều khó nhưng có thể nói rằng: “Tu tại gia là khó nhất”.
Mục lục
Tu tại gia khó hơn tu chợ
“Chợ” theo nghĩa hẹp là nơi mua bán, còn gọi là chốn thương trường, nơi vấn đề lợi ích của cả người mua kẻ bán được đặt lên hàng đầu.
Theo nghĩa rộng thì “chợ” là môi trường xã hội, như: đơn vị công tác, cộng đồng làng xóm, hội nhóm cho đến quốc gia, dân tộc… Tu chợ chính là tu trong môi trường như thế.
Trong quan hệ xã hội, vấn đề khiến con người dễ mắc sai lầm, vấn đề tạo nên mâu thuẫn giữa người với người chính là danh-lợi-tình, là hơn thua, được mất, là yêu ghét, oán thù… Chợ chính là nơi con người tu dưỡng sự thật thà, trung thực, thiện lương và vị tha – luôn nghĩ cho người khác. Đây cũng là nơi con người tu để buông bỏ tâm tật đố, tâm tranh đấu, tâm hiển thị hay thái độ kiêu căng ngạo mạn, thích hơn người… Do đó “tu chợ” cũng rất khó. Tuy nhiên, tu chợ không khó bằng tu tại gia. Vì sao?
Tu tại gia khó hơn tu chợ ở một số phương diện.
Gia đình là hình ảnh thu nhỏ của xã hội. Cuộc sống gia đình cũng có thể có các mâu thuẫn, xung đột nhưng chủ yếu là mâu thuẫn về tâm tính, ý kiến, quan điểm, cách xử lí vấn đề…; xung đột về lợi ích ít xảy ra. Ở xã hội, người ta có thể cứ theo lí mà làm, có thể đấu tranh đến cùng. Nhưng ở gia đình, nếu như thế thì dễ dẫn đến sự bất hòa ngày càng sâu sắc, gia đình có thể trở thành địa ngục, thậm chí vợ chồng có thể dẫn đến li hôn. Trong quan hệ xã hội, người ta có thể thích thì quan hệ, không thích thì thôi. Nhưng ở gia đình, người ta cần xây dựng và duy trì một mái ấm hạnh phúc, là cha mẹ thì cần yêu thương, chăm sóc con cái, làm gương cho con cái; là con thì cần giữ đạo làm con, hiếu kính cha mẹ… Do đó, người tu tại gia nhất định phải bao dung, phải Nhẫn, phải vị tha và phải biết hi sinh.
Ngoài xã hội, người ta bị chi phối bởi danh và lợi nhiều hơn so với bị chi phối bởi tình. Ở gia đình thì chủ yếu là bị tình chi phối, danh cũng có nhưng ít, lợi thông thường không có, trừ những trường hợp cá biệt. Khi con người xung đột với nhau về danh và lợi, người ta cũng không dễ gì chịu thua nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng coi trọng danh lợi. Thậm chí, có nhiều người có thể coi nó rất nhẹ, không màng danh lợi. Nhưng tình là thứ không ai không bị chi phối. Hết thảy mọi thứ trong cuộc sống đều liên quan đến tình. Trong hoàn cảnh gia đình thì tình chi phối đặc biệt lớn.
“Tu chợ” là việc đối đãi với với người ngoài, do vậy thiên về lí tính, nên dễ giải quyết vấn đề. Tu tại gia dễ bị “tình” cuốn theo, làm cho thiếu tỉnh táo, mất lí trí. Ví dụ: Vì tình, nhiều cha mẹ coi con như ông hoàng, bà chúa khiến con trở nên ích kỷ, có tính ỷ lại và không có trách nhiệm với cha mẹ, gia đình.

Trong môi trường xã hội, người ta có ý thức ước thúc bản thân mình cao hơn so với khi ở nhà. Trong môi trường gia đình, họ dễ tự buông lơi bản thân, buông lơi việc ước thúc mình ở trong Đạo. Ví dụ: theo văn hóa truyền thống, người phụ nữ cần phải chú ý đến tứ đức (công dung ngôn hạnh). Tuy nhiên, nhiều phụ nữ hiện nay ra ngoài ăn mặc trang điểm rất đẹp nhưng ở nhà lại xuề xòa đến mức khó coi, ra ngoài xã hội nói năng nhẹ nhàng lịch sự nhưng về nhà lại dễ dàng cáu gắt, to tiếng nặng lời…
“Tu chợ” có thời hạn nhưng “tu tại gia” không có thời hạn. Khi người ta trở về nhà là có thể tạm gác những chuyện ngoài xã hội lại. Nhưng “tu tại gia” không có giới hạn về thời gian. Những vấn đề của cuộc sống gia đình luôn thường trực trong tâm trí người ta, nhất là người chủ gia đình. Tu tại gia là tu suốt đời.
Tu tại gia khó hơn tu chùa
“Tu chùa” tức là vào chùa, vào đạo viện, tu viện… để tu, tu ở nơi chuyên biệt, tách khỏi cuộc sống thế tục. Tu chùa là tu chuyên nghiệp, có điều kiện về thời gian, không gian, phương tiện, có thượng sư chỉ bảo, có bạn tu để chia sẻ… thuận lợi cho việc tu. Người tu chỉ cần tuân theo các giáo lí của pháp môn mình đang tu, chỉ chuyên tâm vào việc tu, không phải lo chuyện mưu sinh, không phải có quan hệ và trách nhiệm với gia đình, với xã hội, ít đối mặt với danh-lợi-tình. Tuy nhiên, tu chùa cũng có mặt hạn chế của nó. Vì người tu chùa sống cách biệt với xã hội nên sự cọ sát về tâm tính sẽ ít hơn, hoàn cảnh để đề cao tâm tính cũng ít hơn. Ngoài ra, rất nhiều người thường xuyên đi lễ chùa, dâng hương, bái Phật… nhưng không tu tâm tính. Họ cho rằng họ đang tu Phật. Thực ra, họ chẳng được gì.

Tu tại gia không có hoàn cảnh chuyên biệt dành cho việc tu. Người tu tại gia nếu tu theo một pháp môn nào đó thì vừa phải tuân thủ các giáo lí của pháp môn tu, vừa phải phù hợp với cuộc sống đời thường, làm người tốt nơi người thường; không có bạn tu để chia sẻ, để đối chiếu việc tu; không có thượng sư nhắc nhở chỉ bảo kịp thời. Người tu vẫn phải lo kiếm sống, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội… Áp lực đối với họ rất lớn, vì thế ảnh hưởng đến thời gian, sức lực, tâm trí… dành cho việc tu.
Mặt khác, quan hệ gia đình thân thiết, quen thuộc quá nên người thân trong gia đình cũng thể hiện bản thân, bao gồm cả điều hay và điều dở, điều tốt và điều không tốt của họ một cách tự nhiên nhất, thật nhất. Như thế thất tình lục dục ở người tu đều luôn đứng trước khảo nghiệm thường xuyên, liên tục. Vì thế người ta dễ vui, dễ buồn, dễ cao hứng, dễ nổi nóng, thậm chí mất ăn mất ngủ… trước những chuyện xảy ra trong gia đình, từ người thân.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, tu tại gia là khó nhất. Nhưng tu tại gia có ích về nhiều phương diện: giúp người ta luôn phải ước thúc bản thân ở trong Đạo, nhờ đó có thể giữ gìn phẩm hạnh bản thân, khiến cuộc sống gia đình hòa thuận, êm ấm, tạo ra một môi trường tốt cho sự trưởng thành của con cái; đồng thời, góp phần giữ gìn các giá trị đạo đức truyền thống, duy trì sự ổn định của xã hội… Mỗi cá nhân đều tốt, mỗi gia đình đều hòa thuận, êm ấm sẽ góp phần làm cho xã hội tốt lên.
Tu giúp con người tốt lên. Vì vậy ai cũng nên tu, cần tu, tu mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Dù tu tại môi trường nào thì điều quan trọng là phải tu Tâm, hướng Thiện, chỉ làm điều tốt, tránh làm điều xấu, tích đức cho bản thân và cho con cháu. Để giúp con người trong hoàn cảnh xã hội hiện đại với rất nhiều áp lực có thể tu Tâm, Phật gia đã hồng truyền một pháp môn tu Phật có nguồn gốc cổ xưa nhưng rất phù hợp với con người thời hiện đại, phù hợp với mọi lứa tuổi, đang được hơn 100 triệu người trên thế giới thực hành và tôn vinh, đó là môn tu luyện Phật gia Pháp Luân Công, tu thẳng cái Tâm con người bằng việc thực hành sống theo nguyên lí “Chân-Thiện-Nhẫn”, kết hợp với luyện tập năm bài công pháp. Đây là môn tu luyện giữa đời thường, không mất phí, vừa nâng cao đạo đức vừa cải thiện sức khỏe, giảm stress, có thể cân bằng bản thân, có thể duy trì cuộc sống gia đình và xã hội hài hòa…, còn có thể nâng cao cảnh giới của sinh mệnh, còn có thể “đắc Đạo, viên mãn”.
Tác giả: Thu Sương