
Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (FDI) đã biết về vụ hiếp dâm vào ngày 25 tháng 11 năm 2005 đối với hai phụ nữ Pháp Luân Công, 42 và 51 tuổi khi bị cảnh sát giam giữ. Những bức ảnh gây sốc cho thấy bản chất bạo lực của ít nhất một trong hai vụ hiếp dâm.
Vụ hiếp dâm xảy ra chỉ ba ngày sau khi Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tra tấn đến Trung Quốc để điều tra, diễn ra tại Đồn cảnh sát thị trấn Phương Đông Thành ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Hà Bắc. Những vụ bắt cóc phụ nữ này phù hợp với một mô hình mà trong đó Chính quyền Trung Quốc bắt giữ những người biểu tình tiềm năng hoặc những người có thể vạch trần các vụ lạm dụng trong “thời kỳ nhạy cảm”, tức là thời điểm mà các vị khách nước ngoài nổi tiếng đang ở trong nước và/hoặc phương tiện truyền thông nước ngoài đang theo dõi. Ví dụ, những người theo đạo Thiên chúa Trung Quốc đã bị bắt và giam giữ trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Bush. Các nhà hoạt động thường bị giam giữ trong những ngày kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
“Bi kịch của những vụ hiếp dâm này trong chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc nêu bật một vấn đề cơ bản về cách cộng đồng quốc tế giải quyết các vụ vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đối với ĐCSTQ, tra tấn không phải là một ‘vấn đề’ hay ‘tai họa’ cần phải xóa bỏ mà, đúng hơn, là một trong những cách chính để nó duy trì quyền kiểm soát đối với mọi người”, người phát ngôn của FDI Levi Browde tuyên bố.
“Mặc dù những nỗ lực của Báo cáo viên nên được hoan nghênh, chúng ta cần phải làm rõ mức độ của vấn đề này. Cho đến nay, Chính quyền Trung Quốc vẫn chưa có hành động nào để buộc những kẻ thực hiện hành vi tra tấn và hiếp dâm như thế này phải chịu trách nhiệm, và trên thực tế, đã nhiều lần thăng chức cho chúng khi chúng hành động để kìm hãm các cuộc biểu tình hoặc ngăn chặn các vụ vi phạm nhân quyền được báo cáo.”
Mục lục
Bị đánh đập và hiếp dâm trong khi cảnh sát đứng nhìn
Bà Lưu Kế Chi, một người vợ và người mẹ 51 tuổi, đã bị khoảng bảy cảnh sát bắt cóc vào đêm ngày 24 tháng 11; nhà của bà đã bị lục soát và tất cả các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công đã bị tịch thu. Cảnh sát không có lệnh và đã đột nhập vào nhà bà. Bà Lưu đã bị đưa đến Đồn cảnh sát Thị trấn Phương Đông Thành, nơi bà bị thẩm vấn, bị đánh bằng dùi cui cao su, bị sốc bằng dùi cui điện, bị ném xuống đất và bị cảnh sát nam sờ mó tình dục.
Vào khoảng 2 giờ chiều ngày 25 tháng 11, một cảnh sát tên là Hà Tuyết Kiện đã đưa bà Lưu đến một căn phòng có hai chiếc giường, vén áo bà lên và bắt đầu vuốt ve bộ ngực của bà. Sau đó, anh ta đã sốc điện bộ ngực của bà bằng dùi cui điện. Trong khi nhìn những tia lửa bắn ra từ dùi cui điện, Hà Tuyết Kiện đã hét lên, “Vui thật! Vui thật!” Một cảnh sát tên là Vương đã đứng đó, nhìn và nói, “Đánh bà ta đi! Đánh bà ta thật đau!” Vương rời khỏi phòng ngay sau đó. Hà Tuyết Kiện tiếp tục tấn công tình dục bà Lưu. Anh ta nhanh chóng cởi quần và cưỡng hiếp bà Lưu, 51 tuổi. Trong quá trình cưỡng hiếp, Hà Tuyết Kiện liên tục tát vào mặt bà Lưu và bóp cổ bà.
Sau đó, cảnh sát Hà Tuyết Kiện đã đưa một học viên Pháp Luân Công khác, bà Hàn Ngọc Chi, 42 tuổi, vào cùng phòng và tiến hành cưỡng hiếp bà. Cả hai vụ cưỡng hiếp đều diễn ra trước sự chứng kiến của một cảnh sát khác, có biệt danh là Đại Quân, đang nằm trên một trong hai chiếc giường. Đại Quân được cho là đã không cố gắng ngăn chặn cả hai vụ cưỡng hiếp.
Xâm hại tình dục như một sự tra tấn
Các báo cáo về hiếp dâm trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Chính quyền Trung Quốc đang ngày càng trở nên phổ biến. Vào tháng 6 năm 2000, mười tám phụ nữ Pháp Luân Công bị giam giữ tại Trại lao động Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh đã bị lột trần và bị ném vào các phòng giam với những tên tội phạm nam hung bạo. Những kẻ này được khuyến khích hiếp dâm và ngược đãi những người phụ nữ. Vào tháng 5 năm 2003, cô Ngụy Hành Ngạn, một sinh viên Sau đại học tại Đại học Trùng Khánh ở tỉnh Tứ Xuyên, đã bị một cảnh sát hiếp dâm sau khi cô bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Vào năm 2004, Chu Hạ, 32 tuổi đã bị suy sụp tinh thần hoàn toàn sau khi bị hiếp dâm nhiều lần tại cơ sở tẩy não huyện Bì Đô (tên khác là Quyên Thành) ở tỉnh Tứ Xuyên.
Hơn 44.000 trường hợp tra tấn và ngược đãi nghiêm trọng đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã được ghi nhận. Nhiều trường hợp, bao gồm cả nam và nữ, liên quan đến lạm dụng tình dục hoặc hiếp dâm.
“Những vụ đánh đập và hãm hiếp gần đây là lời cảnh tỉnh cho cộng đồng quốc tế,” Ông Browde nói. “Những vụ vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công đang tràn lan ở Trung Quốc ngày nay không chỉ đơn thuần là do các vấn đề hành chính hoặc thất bại trong hệ thống pháp luật, mà đúng hơn là chính sách cố ý của Ban lãnh đạo ĐCSTQ nhằm ‘xóa sổ’ Pháp Luân Công. Đây là một tội ác mà cộng đồng quốc tế phải tuyệt đối không khoan nhượng. Chúng ta không thể bị xoa dịu trước những tuyên bố hoặc hành động được gọi là ‘thiện chí’ của chính phủ Trung Quốc nhưng không mang lại bất kỳ thay đổi thực sự nào. Yêu cầu hoặc chấp nhận bất cứ điều gì ít hơn sự thay đổi thực sự là một sự xúc phạm đến lòng nhân đạo cơ bản của chúng ta và là một sự khuyến khích đối với sự cai trị độc tài của ĐCSTQ”
Hồng Hạnh (Dịch từ bản tiếng Anh: https://faluninfo.net/two-falun-gong-women-raped-amid-un-rapporteur-visit/)