Điệp viên và Gián điệp

Ông Trần Vĩnh Lâm tiết lộ có một mạng lưới gián điệp quốc tế theo dõi các nhóm, như Pháp Luân công
Ông Trần Vĩnh Lâm, cựu Bí thư đầu tiên và Lãnh sự phụ trách các vấn đề chính trị tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney Trần Vĩnh Lâm tiết lộ nhiệm vụ Lãnh sự của ông bao gồm theo dõi các học viên Pháp Luân Công và các nhóm khác, ví dụ như các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc.

Với tính chất toàn diện của cuộc đàn áp ở Trung Quốc, không có gì đáng ngạc nhiên khi Pháp Luân Công bị giám sát chặt chẽ ở đó. Tuy nhiên, điều mà một số người thấy sốc hơn là quy mô giám sát vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc.

Một vấn đề có từ thời chiến tranh lạnh, đó là việc Trung Quốc ngầm theo dõi để đánh cắp bí mật quân sự và công nghệ, đang ngày càng gây phiền hà cho các quan chức an ninh tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Ví dụ, các báo cáo truyền thông gần đây đã tiết lộ một điệp viên Trung Quốc trong Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cùng các tin tặc Trung Quốc, đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của Lầu Năm Góc, cũng như các mạng lưới Chính phủ ở Đức.

Nhưng hoạt động gián điệp của Trung Quốc không chỉ nhằm vào thông tin Chính phủ. Chính phủ Trung Quốc có một mạng lưới gián điệp quốc tế theo dõi các nhóm, đặc biệt là những nhóm được gọi là “năm chất độc”: các nhà hoạt động dân chủ, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, những người ủng hộ độc lập ở Đài Loan, và các học viên Pháp Luân Công.

Theo một tài liệu bị rò rỉ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vào tháng 10/2000, Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc là Giang Trạch Dân đã ra lệnh “tăng cường đấu tranh” chống lại các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả việc tăng cường giám sát.

Do tính chất bí mật, toàn bộ chiều sâu của hoạt động gián điệp của Đảng Cộng sản vẫn chưa được tiết lộ, nhưng thành phần điệp viên của các hoạt động gián điệp đã bị phơi bày: nhân viên Đại sứ quán và Lãnh sự quán, Lãnh đạo Tổ chức sinh viên đại học, điệp viên đóng giả là học viên Pháp Luân Công, và các nhà báo Tân Hoa Xã làm việc tại các tờ báo hàng đầu của phương Tây.

Gián điệp, Nghe lén và Đột nhập

Việc nghe lén điện thoại di động, đột nhập vào tài khoản email và cài phần mềm gián điệp thông qua tệp đính kèm email diễn ra phổ biến đến mức hầu như mọi học viên Pháp Luân Công đang hoạt động ở nước ngoài đều có bằng chứng trực tiếp về việc bị theo dõi.

Một ví dụ điển hình đáng ngạc nhiên là trường hợp của Tiến sĩ Sen Nieh, người đã báo cáo rằng các cuộc trò chuyện riêng tư của ông bằng cách nào đó đã bị ghi âm và sau đó được phát lại trên máy trả lời tự động khi ông trở về nhà. Đây được cho là một hình thức đe dọa (Washington Post 2001, Quyền tự do đang bị tấn công).

Một ví dụ khác, đó là trường hợp email “bảo mật”  của một nhà nghiên cứu của Infocenter (Trung tâm Thông tin về Pháp Luân Đại Pháp) đã bị tấn công từ các địa chỉ IP không xác định trong nhiều tháng. Vì việc thay đổi mật khẩu hoặc đổi máy tính cũng không thể ngăn chặn được tình trạng đó, nên việc email bị tấn công vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày (thú vị là, trừ cuối tuần) cho đến khi tài khoản buộc phải bị đóng.

Việc đột nhập không chỉ giới hạn ở loại hình ảo. Một ví dụ nổi bật là trường hợp của người phát ngôn của Pháp Luân Công Gail Rachlin. Căn hộ của bà ở Manhattan đã bị đột nhập năm lần trong vài năm đầu của cuộc đàn áp (căn hộ của bà chưa bao giờ bị đột nhập trước đó). Những thứ duy nhất bị lấy đi là sổ địa chỉ, thông tin thuế và các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công.

1.000 điệp viên Trung Quốc tại Úc

Năm 2005, ông Trần Vĩnh Lâm, cựu Bí thư đầu tiên và Lãnh sự phụ trách các vấn đề chính trị tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, đã trở thành tiêu điểm khi ông đào tẩu một cách ngoạn mục và tiết lộ rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa điều hành một mạng lưới khoảng 1.000 điệp viên chỉ riêng tại Úc. Ông Trần tiết lộ nhiệm vụ Lãnh sự của ông bao gồm theo dõi các học viên Pháp Luân Công và các nhóm khác, ví dụ như các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc.

“Các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới đang bị ĐCSTQ giám sát”

– Hạo Phong Quân, cựu cảnh sát thuộc Phòng 610

Ngay sau khi ông Trần Vĩnh Lâm đào tẩu, ông Hạo Phong Quân, một cảnh sát từng làm việc tại Phòng 610 bí mật, cũng đào tẩu, vạch trần cách thức thông tin từ hoạt động giám sát ở nước ngoài được gửi về Trung Quốc. “Các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới đang bị ĐCSTQ giám sát”, ông Hạo nói. “Cá nhân tôi đã nhận được thông tin tình báo về các học viên Pháp Luân Công ở Úc, Hoa Kỳ và Canada”, ông nói, đồng thời nêu tên những cá nhân cụ thể.

Một báo cáo năm 2004 của tờ Thời báo Đài Bắc kể về một nghi phạm gián điệp bị bắt giữ tại Đài Loan. Người đàn ông này đã thu thập thông tin về các học viên Pháp Luân Công trong khi làm tài xế taxi. Sử dụng thông tin của ông, Chính quyền Trung Quốc đã đưa nhiều học viên Pháp Luân Công Đài Loan vào danh sách đen, sau đó cấm họ nhập cảnh vào Trung Quốc và thậm chí cả Hồng Kông.

Thâm nhập – Nội gián

Có lẽ chiến thuật phổ biến nhất mà các điệp viên của ĐCSTQ ở nước ngoài sử dụng là thực hiện hoạt động nội gián trong một nhóm dưới vỏ bọc là những thành viên tích cực. Đây là một chiến thuật được sử dụng trong nước để thu thập thông tin về Pháp Luân Công vào mùa hè năm 1999 – khi Đảng chuẩn bị phát động cuộc đàn áp.

Những điệp viên này thường đóng vai trò kép là thu thập thông tin về các cá nhân hoặc các hoạt động đã lên kế hoạch, đồng thời cố gắng gieo rắc sự bất hòa trong các cộng đồng học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài. Mục tiêu cuối cùng, như ông Hạo đã nói, là “phát triển các chiến lược và chính sách để giải tán cộng đồng học viên Pháp Luân Công trên trường quốc tế, cuối cùng là tiêu diệt nhóm này”.

Những người tu luyện Pháp Luân Công trở về Trung Quốc từ năm 1999 đã báo cáo rằng sau khi họ về đến nơi, cảnh sát địa phương sẽ liên lạc với họ để “nói chuyện thân thiện”. Trong những cuộc trò chuyện này, các sĩ quan cuối cùng yêu cầu (sử dụng các phương pháp thuyết phục từ hối lộ đến đe dọa) rằng sau khi họ trở về nước, các cá nhân sẽ cung cấp “báo cáo về tình hình” định kỳ (tình báo) như là nghĩa vụ để phục vụ quê hương.

Hoạt động gián điệp của Đảng có nhiều hình thức, trong đó một hình thức cuối cùng được đưa ra ánh sáng kể từ năm 2007 là sự xâm nhập vào các tổ chức sinh viên. Được thành lập với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc thích nghi và trao đổi văn hóa, các nhóm Hiệp hội Học giả và Sinh viên Trung Quốc (CSSA) tại Mỹ và Châu Âu hợp tác chặt chẽ với các Đại sứ quán và Lãnh sự quán của họ. Họ theo dõi những người bạn cùng lớp, vận động hành lang các chính phủ nước ngoài và phá hoại các hoạt động của trường về các vụ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Các cựu chủ tịch CSSA đã làm chứng rằng các nhóm sinh viên này về cơ bản đóng vai trò là các tổ chức mặt trận ở nước ngoài cho Đảng.

Năm 2004, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị quyết 304, lên án ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nghị quyết ghi lại các trường hợp quấy rối, giám sát, đột nhập và đe dọa học viên Pháp Luân Công.

Nghị quyết kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ công khai phản đối và kêu gọi Tổng chưởng lý (luật sư trưởng, người có trách nhiệm quản lý chung về các vấn đề pháp luật của đất nước, nắm giữ quyền công tố) điều tra. Tuy nhiên, dù FBI đã biên soạn bằng chứng về các hoạt động này, nhưng khác với phản ứng dữ dội khi bí mật quân sự bị đánh cắp, phản ứng của quốc tế về hình thức gián điệp này vẫn im ắng, khiến cho nó tiếp tục diễn ra mà không bị kiểm soát.

Tú Nhi (Dịch từ bản tiếng Anh: https://faluninfo.net/espionage/)

Bài viết liên quan