Cưỡng bức thu hoạch nội tạng

Các bác sĩ đang mang theo thùng nội tạng tươi phục vụ cho việc cấy ghép, ảnh chụp ngày 16/08/2012 tại bệnh viện tỉnh Hà Nam, Trung Quốc (Ảnh: The Epoch Times)
Các bác sĩ đang mang theo thùng nội tạng tươi phục vụ cho việc cấy ghép, ảnh chụp ngày 16/08/2012 tại bệnh viện tỉnh Hà Nam, Trung Quốc (Ảnh: The Epoch Times)

Một khối lượng bằng chứng ngày càng tăng cho thấy các bệnh viện Trung Quốc đã thông đồng với cảnh sát nước này trong một kế hoạch đen tối được gọi là “Thu hoạch nội tạng”. Họ giam giữ các tù nhân lương tâm trái với ý muốn của họ, thường là bất hợp pháp, kiểm tra khả năng tương thích của nội tạng, sau đó có hệ thống lấy đi các nội tạng khỏe mạnh của họ để cung cấp cho ngành cấy ghép nội tạng đang bùng nổ.

Thi thể của họ được hỏa táng, theo lời kể của những người chứng kiến.

Phần lớn tù nhân lương tâm trở thành mục tiêu của loại hành vi này được cho là những học viên Pháp Luân Công — có thể lên tới hàng chục nghìn người mỗi năm, theo ước tính của Ethan Gutmann – một Nhà báo Điều tra, David Matas – một Luật sư Nhân quyền Quốc tế và David Kilgour – một cựu Thành viên Quốc hội Canada, những người đã công bố những phát hiện của họ vào năm 2016, (Báo cáo Kilgour-Matas Thu Hoạch Đẫm Máu Điều tra về mổ cướp tạng sống các học viên Pháp Luân Công).

Những cáo buộc về việc giết hàng loạt các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng đã được đưa ra từ năm 2006. Với mỗi năm trôi qua kể từ đó — và đặc biệt là trong vài năm trở lại đây — ngày càng có nhiều bằng chứng ủng hộ các cáo buộc này. Các phương pháp được sử dụng để phân tích bằng chứng đã trở nên mạnh mẽ hơn và các mối quan tâm ngày càng trở nên phổ biến. Trong khi đó, lập trường của Chính quyền Trung Quốc và những người bảo vệ chế độ này, những người phủ nhận các cáo buộc, đã trở nên ngày càng không thể duy trì được.

Diễn biến

Vấn đề liệu Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác có bị giết để lấy nội tạng hay không và với số lượng bao nhiêu đã trở thành một vấn đề khá khó xử đối với các Chính phủ thế giới, các Tổ chức nhân quyền lớn và các tập đoàn truyền thông lớn kể từ khi các cáo buộc xuất hiện vào năm 2006.

Hàng triệu người trên khắp thế giới, bao gồm cả các chuyên gia nổi tiếng, đã xem các phim tài liệu như “Thu hoạch nội tạng người” (Human Harvest) hoặc  “Thật khó tin” (Hard to Believe), đã đọc các báo cáo và kết luận rằng những tội ác chống lại loài người như vậy thực sự đã xảy ra. Nhưng vấn đề phức tạp hơn đối với các Bộ Ngoại giao của các nước phương Tây. Nếu họ cũng kết luận rằng những tội ác này đã xảy ra, họ sẽ phải xác định phải làm gì về vấn đề này.

Các hành vi bị cáo buộc tương đương với bất kỳ tội ác chống lại loài người lớn nào của thế kỷ 20, nếu không phải về quy mô thì chắc chắn là về mức độ nghiêm trọng. Có khả năng việc phơi bày và thừa nhận trên toàn cầu rằng những tội ác này đã xảy ra và có khả năng vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc sẽ đặt ra những câu hỏi lớn về tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đảng cầm quyền) và buộc các Chính phủ phải có phản ứng mạnh mẽ.

 “Thật khó tin” (Hard to Believe) là một phim tài liệu điều tra về nạn thu hoạch nội tạng sống từ những tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, và câu trả lời – hoặc thiếu sự trả lời – của thế giới. Liệu một thảm họa diệt chủng Holocaust lại tái hiện, mà lần này còn kinh khiếp và trên phạm vi rộng hơn nữa? Nhưng điều đáng sợ hơn cả là sự im lặng và thờ ơ của phần lớn thế giới…

Gần đây, một số diễn biến đã nhanh chóng nâng cao nhận thức về vấn đề này và đang gióng lên hồi chuông báo động.

1. Chính sách của Hiệp hội cấy ghép tim và phổi quốc tế (ISHLT)

Vào tháng 6 năm 2022, Hiệp hội quốc tế về ghép tim và phổi (ISHLT) đã ban hành chính sách loại trừ các bài “có liên quan đến cấy ghép và liên quan đến nội tạng hoặc mô từ người hiến tặng là con người tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. 

2. Vương quốc Anh: Đạo luật Y tế và Chăm sóc năm 2022

Vào ngày 30 tháng 3 năm 2022, Hạ viện Anh đã thông qua một sửa đổi do Chính phủ hậu thuẫn đối với Dự luật Y tế và Chăm sóc mở rộng: mở rộng lệnh cấm du lịch nội tạng thương mại đến các khu vực ngoài lãnh thổ. Trên thực tế, công dân Anh hiện bị cấm mua nội tạng để cấy ghép từ Trung Quốc do rủi ro về mặt đạo đức. 

Bản sửa đổi liên Đảng được đưa ra bởi Lord Hunt of Kings Heath và được soạn thảo với sự ủng hộ áp đảo. Nó đã được thông qua tại Hạ viện Anh vào ngày 16 tháng 3 năm 2022 với 203 số phiếu ủng hộ so với 159 (phản đối).

Vào thời điểm Thượng nghị viện Anh bỏ phiếu, Ngài Philip Alexander Hunt tuyên bố:

Việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc là tội cưỡng bức lấy nội tạng từ tù nhân lương tâm, giết chết nạn nhân trong quá trình này. Nội tạng thu hoạch được bán cho các viên chức Trung Quốc, công dân Trung Quốc hoặc người nước ngoài để cấy ghép. Đây là một sửa đổi rất khiêm tốn, góp phần ngăn chặn thói quen tồi tệ này. – Ngài Philip Alexander Hunt (là Nam tước Hunt của Kings Heath, Huân chương Đế chế Anh xuất sắc nhất, Cố vấn cơ mật của Vương quốc Anh, cựu Quản trị viên Y tế và là Thành viên của Hợp tác xã Lao động thuộc Viện Quý tộc).

Bộ trưởng Y tế Anh, Edward Agar, bình luận thêm, cùng với “cam kết hợp tác của Chính phủ với Dịch vụ Y tế Quốc gia về Máu và Cấy ghép (nội tạng) để nâng cao nhận thức của nhiều bệnh nhân về hậu quả pháp lý, sức khỏe và đạo đức của việc mua nội tạng”, sửa đổi này sẽ “gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng sự tiếp tay cho những hành vi lạm dụng liên quan đến buôn bán nội tạng ở nước ngoài sẽ không được dung thứ”.

3. Hoa Kỳ: Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công

Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công H.R. 6319” đã được Đại biểu Perry Scott [R-PA-10] trình lên Quốc hội khóa 117 (2021-2022) vào ngày 17 tháng 12 năm 2021. Dự luật đã được chuyển đến Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Tư pháp.

Dự luật này nhằm mục đích áp đặt “các biện pháp trừng phạt chặn thị thực và tài sản đối với những người nước ngoài chủ động chịu trách nhiệm, đồng lõa hoặc đã tham gia vào việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc”.

Dự luật yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ phải:

  1. Cập nhật danh sách người nước ngoài bị xử phạt.
  2. Áp dụng các hình thức xử phạt theo danh sách mới nhất.

4. Hoa Kỳ: Đạo luật chấm dứt cưỡng bức thu hoạch nội tạng năm 2021

Ngày 3 tháng 3 năm 2021, Dự luật “Đạo luật chấm dứt cưỡng bức thu hoạch nội tạng H.R. 1592 năm 2021” đã được Dân biểu Christopher H. Smith [R-NJ-4] trình lên Quốc hội khóa 117 (2021-2022). Nó đã được chuyển đến Ủy ban Đối ngoại, Năng lượng và Thương mại, và Cơ quan Tư pháp.

Dự luật thiết lập các biện pháp chống lại nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng và buôn bán nội tạng quốc tế. Các biện pháp bao gồm:

  1. Xây dựng các biện pháp phong tỏa tài sản, phong tỏa thị thực.
  2. Cấm xuất khẩu một số thiết bị phẫu thuật cho các tổ chức được xác định là chịu trách nhiệm về tội cưỡng bức thu hoạch nội tạng hoặc liên quan đến buôn bán người.
  3. Yêu cầu Bộ Ngoại giao báo cáo về những hoạt động này.

Vào ngày 4 tháng 3 năm 2021, Thượng nghị sĩ Tom Cotton [R-AR] đã giới thiệu “Đạo luật S. 602 về Chấm dứt việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức năm 2021” – một Dự luật giống hệt với H.R. 1592 – và chuyển đến Ủy ban Đối ngoại.

5. Tòa án Trung Quốc: Tòa án Độc lập Xét xử việc Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng Tù nhân Lương tâm ở Trung Quốc

Tòa án Độc lập Xét xử việc Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng Tù nhân Lương tâm ở Trung Quốc do Luật sư và Giáo sư người Anh nổi tiếng, Ngài Geoffrey Nice QC làm chủ tọa. Ngài Nice đã chỉ đạo việc truy tố Slobodan Milošević (là một chính trị gia người Serb của Nam Tư) từ năm 1997 đến 2000) tại The Hague (còn gọi là Den Haag – thành phố lớn thứ ba ở Hà Lan) và sau đó xử lý các vụ án trước Tòa án Hình sự Quốc tế thường trực. Tòa án bao gồm một nhóm chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã đánh giá bằng chứng về việc thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc và đưa ra phán quyết về việc liệu có phạm tội ác chống lại loài người hay không.

Việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã diễn ra trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc ở quy mô lớn. – Ngài Geoffrey Nice KC, công tố viên của cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.

Sau khi đọc bằng chứng lần đầu trong khoảng chín tháng trước khi tổ chức ba ngày điều trần tại London, vào tháng 12 năm 2018, Tòa án đã đưa ra phán quyết tạm thời, trong đó nêu rõ: “Tất cả các thành viên của Tòa án đều chắc chắn – nhất trí và chắc chắn trừ sự nghi ngờ hợp lý — rằng ở Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã diễn ra trong một thời gian dài liên quan đến một số lượng lớn nạn nhân”.

Năm 2019, Tòa án Trung Quốc đã kết luận về hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng:

Việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã diễn ra trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc ở quy mô đáng kể và các học viên Pháp Luân Công là một – và có lẽ là nguồn cung cấp nội tạng chính –…. Tòa án không có bằng chứng nào cho thấy cơ sở hạ tầng quan trọng liên quan đến ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng của Trung Quốc đã bị phá bỏ và không có lời giải thích thỏa đáng nào về nguồn gốc của các cơ quan nội tạng có sẵn nên kết luận rằng việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. – Phán quyết cuối cùng của Tòa án Trung Quốc vào ngày 17 tháng 6 năm 2019.

Phán quyết cuối cùng được đưa ra vào tháng 6 năm 2019.

Bản án đầy đủ được công bố vào tháng 3 năm 2020. 

Dữ liệu đáng ngờ của Trung Quốc

Để ứng phó với áp lực ngày càng tăng từ nước ngoài, các quan chức cấy ghép của Trung Quốc đã hứa rằng vào năm 2015, họ sẽ không còn lấy nội tạng từ các tù nhân tử hình nữa. Tuyên bố này phần lớn được giới chức cấy ghép quốc tế chấp nhận. Sau đó, các quan chức Trung Quốc đã trở thành thành viên của lực lượng đặc nhiệm cấy ghép nội tạng của Tổ chức Y tế Thế giới, và các bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc tiếp tục xuất bản trên các Tạp chí Y khoa phương Tây và trình bày các bài báo tại các hội nghị.

Nhưng nghiên cứu khoa học mới đang đặt ra câu hỏi về những tuyên bố cải cách này.

Một bài báo có tiêu đề “Phân tích dữ liệu hiến tặng nội tạng chính thức của người đã khuất làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của cải cách ghép tạng của Trung Quốc” phát hiện ra rằng dữ liệu của Trung Quốc tuân theo một công thức tăng trưởng tùy ý — cụ thể là một phương trình bậc hai — cực kỳ chặt chẽ. Bài báo được chấp bút bởi Matthew Robertson, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Úc và là Nghiên cứu viên của Quỹ tưởng niệm nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản; Tiến sĩ Raymond L. Hinde, một nhà thống kê; và Tiến sĩ Jacob Lavee, một Bác sĩ Phẫu thuật ghép tim và Giáo sư phẫu thuật.

Sự gia tăng nhanh chóng của các ca phẫu thuật cấy ghép ở Trung Quốc có mối tương quan trực tiếp với sự gia tăng nhanh chóng của các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Với Pháp Luân Công, Chính quyền Trung Quốc đột nhiên có nguồn cung cấp nội tạng gần như vô tận để khai thác. – Levi Browde, Giám đốc Điều hành tại Trung tâm thông tin Pháp Luân Đại Pháp, 2019

Tuyên bố về sự tăng trưởng suôn sẻ đáng kinh ngạc như vậy trái ngược với tính chất ngẫu nhiên cao độ của việc hiến tạng tự nguyện cho người chết, trong đó những người hiến tặng đủ điều kiện chỉ có thể có một cách ngẫu nhiên, và các thành viên gia đình của họ thường từ chối đồng ý. Khi so sánh với dữ liệu có thể so sánh được từ 50 quốc gia khác về mức độ phù hợp với cùng loại mô hình, không có quốc gia nào gần giống như vậy — chính xác là vì dữ liệu cấy ghép thực tế không có xu hướng trông giống hệt như một mô hình toán học. Điều này đặt ra câu hỏi liệu dữ liệu của Trung Quốc có thực sự đại diện cho hoạt động hiến tặng nội tạng thực sự diễn ra trên khắp đất nước hay chỉ đơn giản là bịa đặt bằng cách sử dụng một mô hình làm mẫu.

Để kiểm tra giả thuyết về dữ liệu bị làm sai lệch do phân tích ban đầu đề xuất, các tác giả đã so sánh dữ liệu này với dữ liệu do Hội Chữ thập đỏ tạo ra, cả ở trung ương và địa phương, sau đó so sánh dữ liệu này với dữ liệu tại bệnh viện ở một số tỉnh. Họ phát hiện ra rằng có nhiều bất thường trong tất cả các tập dữ liệu, nhiều trong số đó chỉ có thể được giải thích bằng sự thao túng do con người chỉ đạo.

Trong một trường hợp, dữ liệu của Hội Chữ thập đỏ tuyên bố rằng các Bệnh viện Trung Quốc đã thu được 21,33 nội tạng cho mỗi người hiến tặng trong thời gian khoảng hai tuần — một tuyên bố rõ ràng là không thể. Các tác giả tuyên bố, “Việc chế tạo và thao túng ba tập dữ liệu cho thấy một quá trình làm giả có chủ đích, phức tạp và có hệ thống, dường như nhằm tạo ra ấn tượng sai lệch về những thành công của chương trình hiến tặng nội tạng tự nguyện của Trung Quốc.”

Việc phát hiện dữ liệu chính thức về hiến tặng nội tạng bị làm giả một cách có hệ thống đã đặt ra nhiều câu hỏi về hệ thống ghép tạng của Trung Quốc — bao gồm cả quy mô thực sự của hệ thống tự nguyện mà các quan chức tuyên bố, cũng như hoạt động ghép tạng thực tế diễn ra ngoài hệ thống đó.

Bằng chứng giết hại học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng

Như đã đề cập trước đó, Tòa án Trung Quốc đã kết luận vào năm 2019:

Việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc ở quy mô đáng kể và rằng các học viên Pháp Luân Công là một – và có lẽ là nguồn cung cấp nội tạng chính –…. Tòa án không có bằng chứng nào cho thấy cơ sở hạ tầng quan trọng liên quan đến ngành cấy ghép của Trung Quốc đã bị phá bỏ và không có lời giải thích thỏa đáng về nguồn gốc của các cơ quan nội tạng có sẵn nên kết luận rằng việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. – Phán quyết cuối cùng của Tòa án Trung Quốc vào ngày 17 tháng 6 năm 2019.

Liên Hợp Quốc đã ban hành một tuyên bố vào năm 2021 rằng các chuyên gia nhân quyền của họ vô cùng lo ngại trước những phát hiện đáng tin cậy này.

Dưới đây là biên soạn bằng chứng về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công:

1. Báo cáo và Điều tra

Vào tháng 11 năm 2017, đài truyền hình Hàn Quốc TV Chosun đã phát hành một bộ phim tài liệu điều tra mang tên “Mặt Tối của Du Lịch Cấy Ghép ở Trung Quốc: Giết để sống”. Bộ phim khám phá những vấn đề đạo đức trong việc nhận cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc, đồng thời vạch trần sự sẵn có nội tạng một cách nhanh chóng và sự thiếu minh bạch trong nguồn cung cấp.

Giá nội tạng. Bạn có giá trị bao nhiêu?
Giá nội tạng. Bạn có giá trị bao nhiêu?

Phóng sự độc quyền năm 2018 của BBC World News về hoạt động buôn bán nội tạng ở Trung Quốc đưa tin về các cáo buộc rằng Trung Quốc đang sử dụng các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ làm nguồn cung cấp nội tạng bất hợp pháp cho ngành công nghiệp cấy ghép đang phát triển mạnh của nước này.

Báo cáo Thu Hoạch Đẫm Máu của David Matas và David Kilgour bao gồm bản ghi các cuộc gọi điện thoại được ghi âm với nhân viên từ 15 bệnh viện và cơ sở giam giữ ở Trung Quốc, trong đó họ thừa nhận đã sử dụng hoặc có thể thu thập nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công để cấy ghép. Một số bác sĩ đã ám chỉ sự tham gia của tòa án địa phương và các cơ quan an ninh trong quá trình thu thập nội tạng. Một số người còn cho biết nội tạng của các học viên Pháp Luân Công khỏe mạnh hơn so với của các phạm nhân.

Gần đây hơn, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã thực hiện hàng trăm cuộc gọi đến các trung tâm và bệnh viện cấy ghép nội tạng trong các năm 2020 và 2021, và đã phát hiện bằng chứng không thể chối cãi rằng ngành công nghiệp cấy ghép phi đạo đức của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động trong suốt đại dịch. Báo cáo này cũng tiết lộ rằng các học viên Pháp Luân Công vẫn tiếp tục là nguồn cung cấp nội tạng.

Liên quan đến việc lấy nội tạng, một bài nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cấy ghép Nội tạng Hoa Kỳ (American Journal of Transplantation) danh tiếng vào ngày 4 tháng 4 năm 2022 đã phát hiện 71 báo cáo lâm sàng bằng tiếng Trung thừa nhận rõ ràng hành vi giết người của các bác sĩ phẫu thuật, tức là các “người hiến tạng” vẫn còn sống khi nội tạng của họ bị lấy ra. Các tác giả nghi ngờ rằng đây chỉ là một phần rất nhỏ trong một quần thể lớn và bị che giấu.

2. Nguồn gốc Dữ liệu Hiến tạng của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã ngừng thu hoạch nội tạng từ tù nhân bị kết án tử hình vào năm 2015 và từ đó chỉ sử dụng nội tạng từ người hiến tặng tự nguyện. Tuy nhiên, một bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí Đạo đức y khoa trung tâm bioMed (BMC Medical Ethics) vào năm 2019 phát hiện rằng các biểu đồ tăng trưởng của số ca hiến tặng tự nguyện đối với ba loại nội tạng ở Trung Quốc có mức tăng đều đặn một cách phi thực tế, gần như tạo thành các phương trình bậc hai hoàn hảo — điều này cho thấy dữ liệu đã bị làm giả. Bài nghiên cứu cũng kết luận rằng “hệ thống hiến tạng tự nguyện dường như đang vận hành song song với việc tiếp tục sử dụng những người hiến tạng không tự nguyện (khả năng cao là tù nhân), những người này bị ghi nhầm là ‘tự nguyện.’”

Do ảnh hưởng của tín ngưỡng truyền thống, phần lớn người Trung Quốc muốn giữ cơ thể nguyên vẹn sau khi qua đời, vì vậy việc hiến tạng tự nguyện ở Trung Quốc là rất hiếm. Trước năm 2009, chỉ có tổng cộng 120 ca hiến tạng tự nguyện, trong khi trong vài năm sau đó, tù nhân bị xử tử vẫn chiếm phần lớn số nội tạng được “hiến tặng”, theo lời cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu. Mặc dù Trung Quốc bắt đầu xây dựng một chương trình hiến tạng toàn quốc vào năm 2013, nhưng đến cuối năm 2017 chỉ có 262.500 người (khoảng 0,02% dân số Trung Quốc) đăng ký làm người hiến tạng tự nguyện. Ở Hoa Kỳ, có hơn 145 triệu người (44% dân số Hoa Kỳ) đăng ký hiến tạng. Nếu ta áp dụng tỷ lệ giữa số ca cấy ghép hàng năm (35.582 ca vào năm 2017 ở Hoa Kỳ) và số người đăng ký hiến tạng (145 triệu) để tính tương đương ở Trung Quốc, thì Trung Quốc chỉ có thể thực hiện khoảng 65 ca cấy ghép mỗi năm từ nguồn hiến tạng tự nguyện. Thế nhưng, Trung Quốc đã thực hiện 16.687 ca cấy ghép vào năm 2017. Vậy phần còn lại của số nội tạng đó đến từ đâu?

Hà Hiểu Thuần (Xiaoshun), thành viên Ủy ban Chuyên gia của Ủy ban Hiến tặng Nội tạng Nhân đạo và phó giám đốc Bệnh viện Số Một trực thuộc Đại học Tôn Trung Sơn, đã phát biểu với tờ Southern Weekly vào tháng 3 năm 2010 rằng: “Năm 2000 là một bước ngoặt đối với ngành cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc… số ca cấy ghép gan trong năm 2000 đã gấp 10 lần so với năm 1999; đến năm 2005, con số này lại tăng gấp ba lần so với năm 2000.”

Sự gia tăng đột biến trong số lượng ca cấy ghép trùng hợp với thời điểm bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công, vốn khởi phát vào tháng 7 năm 1999 — chỉ sáu tháng trước khi ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng tăng trưởng nhanh chóng. Điều này cho thấy hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người khỏe mạnh đã bị đưa vào hệ thống lao cải (laogai) ngoài vòng pháp luật của Trung Quốc (gồm các trại lao động, nhà tù, trại tạm giam, “nhà đen,” bệnh viện tâm thần, v.v.) để trở thành nguồn cung cấp nội tạng sống.

3. Nguồn gốc nội tạng 

Theo nhiều tổ chức nhân quyền, bao gồm Quỹ Đối thoại (Dui Hua), số lượng các vụ tử hình hình sự ở Trung Quốc đã có xu hướng giảm kể từ năm 2000. Hơn nữa, không phải ai cũng đủ điều kiện để trở thành người hiến tạng. Như truyền thông nhà nước Trung Quốc, tờ Quang Minh Nhật báo (Guangming Daily), đã đưa tin vào tháng 9 năm 2013, khoảng 50% những người có tiềm năng hiến tạng ở Trung Quốc không đủ điều kiện vì tình trạng sức khỏe nội tạng của họ không đạt yêu cầu. Tỷ lệ này ở tù nhân bị xử tử thậm chí có thể còn thấp hơn, do tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và viêm gan siêu vi cao hơn.

Từ năm 1999 đến 2006, số trung tâm ghép tạng ở Trung Quốc đã tăng 300%, từ 150 lên hơn 600 trung tâm. Việc mở rộng cơ sở hạ tầng với quy mô như vậy cho thấy chính quyền rất tự tin vào nguồn cung nội tạng dồi dào, ngay cả khi không có chương trình hiến tạng tự nguyện. Các vụ tử hình không thể lý giải cho sự tự tin này, nhưng hệ thống lao cải (laogai) thì có thể. Những người tập Pháp Luân Công không có bất kỳ sự bảo vệ pháp lý nào đối với mạng sống của họ tại Trung Quốc, và họ bị coi như đã mất mạng ngay khi bị đưa vào hệ thống lao cải.

Ví dụ 1: Số ca phẫu thuật ghép gan đã thực hiện được công bố trên trang web của Trung tâm Cấy ghép Nội tạng Đông Phương Thiên Tân vào năm 2004.

Số ca phẫu thuật ghép gan đã thực hiện được công bố trên trang web của Bệnh viện Số 2, thuộc Đại học Quân y số 2.
Ví dụ 2: Số ca phẫu thuật ghép gan đã thực hiện được công bố trên trang web của Bệnh viện Số 2, thuộc Đại học Quân y số 2.

Mặc dù các quan chức Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra con số chính xác, họ thường nói rằng Trung Quốc thực hiện khoảng 10.000 ca ghép tạng mỗi năm, đôi khi lên tới 20.000 ca mỗi năm (theo báo cáo của China Daily vào năm 2006). Tuy nhiên, báo cáo “Thu hoạch đẫm máu” và “Đại thảm sát” của Kilgour, Gutmann và Matas cho thấy con số hàng năm này dễ dàng bị vượt qua chỉ bởi một vài bệnh viện. Truyền thông Trung Quốc và quốc tế đưa tin rằng một số bệnh viện ở Trung Quốc thực hiện hàng ngàn ca ghép tạng mỗi năm.

Bằng cách kiểm tra kỹ lưỡng các chương trình ghép tạng của hàng trăm bệnh viện ở Trung Quốc, Kilgour, Gutmann và Matas ước tính rằng khối lượng ghép tạng thực tế của Trung Quốc gần với con số 60.000 – 100.000 ca mỗi năm kể từ năm 2000. Tuy nhiên, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế và Quỹ Đối thoại (Dui Hua) , số lượng các vụ hành quyết ở Trung Quốc chỉ vào khoảng vài ngàn mỗi năm. Với tỷ lệ hiến tạng tự nguyện cực kỳ thấp, sự chênh lệch lớn này chỉ có thể được giải thích bằng những người tù lương tâm — chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công. Số lượng người chết có thể lên đến hàng trăm nghìn trong suốt hai thập kỷ qua. 

Cũng đã có thông tin rằng nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị kiểm tra máu và thăm khám sức khỏe, bao gồm cả MRI, xét nghiệm nước tiểu, v.v., trong các trại lao động hoặc nhà tù. Những xét nghiệm này không được thực hiện vì lợi ích sức khỏe của họ, vì họ thường bị tra tấn dã man. Thay vào đó, các cuộc kiểm tra này dường như chỉ được sử dụng để đánh giá chức năng cơ quan. Điều này phù hợp với và giải thích sự tồn tại của một ngân hàng tạng sống phục vụ cho việc thu hoạch tạng theo yêu cầu.

4. Quá trình ghép tạng

Các bệnh viện cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc tuyên bố rằng có thể tìm được nội tạng phù hợp trong vòng vài tuần, thậm chí chỉ trong vài ngày. Ở các quốc gia khác, quá trình này mất nhiều năm. Kết hợp với thực tế rằng việc cấy ghép nội tạng phải được thực hiện nhanh chóng sau khi lấy ra khỏi cơ thể người hiến, thời gian chờ đợi ngắn như vậy cho thấy các bệnh viện Trung Quốc có một ngân hàng người hiến tạng sống quy mô lớn, từ đó có thể thu hoạch nội tạng theo yêu cầu. Đối với ghép thận và gan, thời gian chờ đợi ở Hoa Kỳ là khoảng 2 đến 3 năm.

Nhiều bệnh viện ở Trung Quốc cũng thường xuyên thực hiện các ca “ghép tạng khẩn cấp”, có nghĩa là nội tạng có thể được cung cấp chỉ trong vài ngày hoặc thậm chí vài giờ. Báo cáo của Cơ sở Dữ liệu Ghép gan Trung Quốc năm 2006 cho biết hơn 25% ca ghép là “khẩn cấp”. Thời gian chờ ngắn nhất chỉ là 4 giờ, hàm ý rằng có những “người hiến” đang chờ để bị giết.

Phương pháp xét nghiệm sự tương thích nội tạng và mô tại Trung Quốc cũng đi ngược lại với các quốc gia khác. Ở những nước có hệ thống hiến và phân phối nội tạng phát triển, khi một người hiến qua đời, tất cả nội tạng của họ đều có thể được sử dụng để cấy ghép miễn là nhóm máu và mô phù hợp với người trong danh sách chờ. Ở Trung Quốc, ngay khi có người cần nội tạng, một “người hiến” có nhóm máu và mô phù hợp sẽ bị giết để lấy nội tạng. Thông thường, bệnh nhân chỉ cần một cơ quan, khiến cho việc tìm người nhận phù hợp cho các nội tạng còn lại của tù nhân trở nên khó khăn do Trung Quốc không có hệ thống hiến và phân phối nội tạng thực sự. 

Theo báo China Medicine News năm 2004, “vì không có mạng lưới đăng ký ghép tạng, nên đối với một số người hiến, chỉ có thận được lấy, còn tất cả các nội tạng khác đều bị lãng phí.” Theo báo Guangxi News ngày 9 tháng 1 năm 2013, tính đến đầu năm đó, chỉ có hai bệnh viện ở Trung Quốc có thể lấy và ghép nhiều nội tạng từ một người hiến.

Do tính chất của quy trình, không hiếm trường hợp thực hiện nhiều ca ghép tạng cho cùng một bệnh nhân nếu ca ghép ban đầu không thành công. Mỗi năm, có nhiều trường hợp thực hiện hai, ba, thậm chí bốn ca ghép tạng cho cùng một bệnh nhân. Thẩm Trung Dương (Shen Zhongyang) tại Trung tâm Cấy ghép Đông Phương Thiên Tân cho biết số ca ghép tạng lần hai cho bệnh nhân tại trung tâm của ông chiếm từ 10% đến 20% tổng số ca, do xử lý sai hoặc phẫu thuật sai kỹ thuật.

Tại sao điều này lại quan trọng?

Đại sứ lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Sam Brownback, đã nói với các phóng viên tại Hồng Kông vào ngày 8 tháng 3 năm 2019: “Những cáo buộc vẫn tiếp diễn rằng Chính phủ Trung Quốc tiếp tục cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân bị giam giữ vì đức tin của họ, như các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ. … Đây thực sự là viễn cảnh kinh hoàng.” 

Các báo cáo gần đây xác nhận rằng hình thức đàn áp này đã được hoàn thiện và hiện đang được mở rộng sang các nhóm khác. Tính đến năm 2017, các cựu tù nhân Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã làm chứng rằng họ bị xét nghiệm máu và khám sức khỏe đáng ngờ  – rất giống với những gì các học viên Pháp Luân Công báo cáo. Điều này có nghĩa là rất có thể người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ngày càng bị sử dụng làm nguồn nội tạng.

Với việc ĐCSTQ vẫn chưa bị trừng phạt vì tội ác tày đình này, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công không chỉ có ý nghĩa quan trọng vì quy mô mà còn vì những khả năng mà nó kéo theo. Theo phương tiện truyền thông nhà nước của ĐCSTQ, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công và 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang sống ở Trung Quốc. Ngay cả theo những ước tính thận trọng nhất, ĐCSTQ vẫn lấy nội tạng từ hàng triệu tù nhân lương tâm.

“Chính phủ và bất kỳ ai tương tác theo bất kỳ cách đáng kể nào với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa… cần phải nhận ra rằng họ đang tương tác với một quốc gia tội phạm ở mức độ được tiết lộ ở trên.” – Phán quyết cuối cùng của Tòa án Trung Quốc vào ngày 17 tháng 6 năm 2019.

Giúp chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc bằng cách: chia sẻ trang này để nâng cao nhận thức của mọi người dân trong xã hội. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Quý độc giả!

Yến Sơn (Dịch từ bản tiếng Anh: https://faluninfo.net/forced-organ-harvesting-in-china-falun-gong/ )