
Theo nguồn tư liệu bị rò rỉ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vào tháng 10 năm 2000, lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát lệnh “tăng cường đàn áp” Pháp Luân Công ở hải ngoại.
Kể từ ngày phát lệnh, những người tu luyện Pháp Luân Công ngoại quốc đã chứng kiến cảnh lốp xe của họ bị rạch, nhà cửa bị tàn phá, tài khoản email bị hack và điện thoại bị nghe lén; họ cũng nhận được những lời đe dọa sát hại, đánh đập và thậm chí bị bắn.
Thêm vào đó, dưới sự xúi giục của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc, những người tu luyện Pháp Luân Công còn bị cấm tham gia các sự kiện văn hóa cộng đồng, nhiều nhà hàng từ chối nhận phục vụ họ và bị đồng nghiệp cũng như bạn học soi xét. Sau đây là một số ví dụ về các vụ việc đã xảy ra tại Hoa Kỳ.
Những điều này được trích dẫn trong Nghị quyết của Hạ viện (HCR 304) lên án việc mở rộng cuộc đàn áp ra nước ngoài, được thông qua vào năm 2003:
- Năm học viên Pháp Luân Công đã bị tấn công khi đang phát tờ rơi bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại Chicago. Hai kẻ tấn công, bị kết tội hành hung, là thành viên của một tổ chức người Mỹ gốc Hoa, có quan hệ chặt chẽ với Lãnh sự quán.
- Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco đã viết thư cho Thị trưởng Saratoga, nài nỉ ông thu hồi lại tuyên bố vinh danh những đóng góp của Pháp Luân Công cho cộng đồng.
- Từ năm 1999 đến năm 2003, căn hộ của bà Rachlin (phát ngôn viên Pháp Luân Công) đã bị đột nhập năm lần. Những đồ vật duy nhất bị lấy cắp là sổ địa chỉ, hồ sơ thuế và các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công.
Ông Trần Vĩnh Lâm là một nhà ngoại giao của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, Ông cảm thấy tội lỗi vì những việc mà ông bị yêu cầu phải làm hằng ngày như giám sát, phá hoại các hoạt động của học viên Pháp Luân Công tại Úc hoặc ủng hộ các nhóm đàn áp khác ở Trung Quốc. Điều này khiến ông quyết định rời khỏi tổ chức của Đảng và xin tị nạn vào năm 2005.
Những tài liệu bí mật mà ông Trần lén mang ra ngoài cho thấy sự đàn áp Pháp Luân Công ngoại quốc không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ.
Sau đây là một số vụ việc tiêu biểu:
- Iceland: Vào tháng 6 năm 2002, hàng trăm học viên Pháp Luân Công đã bị cấm nhập cảnh vào Iceland để tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa trong chuyến thăm của Giang Trạch Dân. Họ đã mắc kẹt tại các sân bay trên khắp thế giới sau khi bị từ chối lên máy bay dựa trên danh sách đen do chính quyền Trung Quốc cung cấp, hành động này đã được Thanh tra Iceland phán quyết là bất hợp pháp.
- Nam Phi: Vào tháng 6 năm 2004, những học viên Pháp Luân Công người Trung Quốc đã đến Johannesburg với mục đích đệ đơn kiện các quan chức Trung Quốc là Tăng Khánh Hồng và Bạc Hy Lai về tội ác chống lại loài người. Sau đó, những tay súng đã nổ súng vào một chiếc xe chở các học viên, khiến một người bị thương nghiêm trọng ở chân.
- Argentina: Vào tháng 12 năm 2005, những kẻ tấn công người gốc Hoa đã dùng vũ lực vào một nhóm học viên Pháp Luân Công tại Buenos Aires trước truyền thông quốc gia. Vụ tấn công xảy ra một ngày sau khi một quan chức cấp cao của Trung Quốc ông La Cán, bị đưa ra tòa vì tội tra tấn và tội ác chống lại loài người. Một năm trước đó, trong chuyến thăm của Lãnh đạo Đảng Hồ Cẩm Đào, ba mươi người đàn ông Trung Quốc đã tấn công các học viên Pháp Luân Công, cắt biểu ngữ của họ bằng dao.
Ngoài những sự việc như trên, được ghi nhận tại hơn 30 quốc gia, cuộc đàn áp còn diễn ra trên toàn thế giới theo nhiều cách khác nhau:
- Tuyên truyền đàn áp Pháp Luân Công bắt nguồn từ Đảng Cộng sản đã lan rộng dường như ở khắp mọi nơi, dẫn đến sự kỳ thị và nghi ngờ đối với các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới. Trong khi mà hầu hết những người tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công thì đều có cái nhìn tích cực về những lợi ích mà môn tu luyện này mang lại, những cuộc đàn áp và bôi nhọ đối với môn tu luyện (bắt đầu vào năm 1999) vẫn để lại dư âm cho đến ngày nay. Ví dụ, các học viên Pháp Luân Công sống tại Hoa Kỳ, Úc và Châu Âu – bao gồm cả nhiều người không phải là người Trung Quốc – đưa tin rằng họ bị từ chối nhận làm việc hoặc cơ hội học tập vì đức tin của họ.
Tất nhiên, một lý do khác khiến Pháp Luân Công bị phân biệt đối là một số người lo sợ rằng nếu họ có liên quan đến Pháp Luân Công, họ có thể mất cơ hội kinh doanh hoặc các lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc. - Người Hoa sống ở hải ngoại cảm thấy bị phân biệt đối xử trong chính cộng đồng của mình vì tinh thần kỷ luật và lựa chọn sẵn sàng lên tiếng vì nhân quyền ở Trung Quốc. Ngoài việc bị đe dọa sát hại, họ còn bị cấm tham gia các hoạt động cộng đồng.
- Ví dụ, bà Vương Hiểu Đan kể về việc bà bị chỉ trích như thế nào tại Câu lạc bộ sinh viên Trung Quốc của trường Đại học Minnesota. Bà Hoàng Đại Minh đã thắng kiện sau khi một câu lạc bộ người cao tuổi người Hoa ở Ottawa thu hồi giấy phép của bà vì bà tập Pháp Luân Công.
- Các học viên Pháp Luân Công Trung Quốc sống ở hải ngoại hiếm khi có thể trở về Trung Quốc đại lục để thăm gia đình, bao gồm cả cha mẹ già. Họ thường không thể nói chuyện thoải mái qua điện thoại vì những cuộc gọi này sẽ bị nghe lén ở trong và ngoài nước dẫn đến việc gia đình họ ở Trung Quốc có thể bị phạt.
Hân Liên & Bảo Chân (Dịch từ bản tiếng Anh: https://faluninfo.net/beyond-chinas-borders/)