
Tác giả An An từng chia sẻ rằng, thơ ca và hội họa là những loại hình nghệ thuật có khả năng truyền tải cảm xúc và đánh thức trái tim con người một cách mạnh mẽ nhất. Khi lần đầu tiên chiêm ngưỡng triển lãm tranh quốc tế “Chân-Thiện-Nhẫn”, cô đã lặng người trước bức tranh “Nước mắt cô nhi” của họa sĩ Đổng Tích Cường. Chính bức tranh này đã khơi nguồn cảm hứng để cô sáng tác bài thơ “Cô nhi”. Bài thơ không chỉ khắc họa bi kịch của một đứa trẻ mồ côi trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, mà còn gửi gắm hy vọng rằng độc giả sẽ cảm nhận được những mất mát, sự kiên định của những người tu luyện Pháp Luân Công và những giá trị nhân văn mà tất cả chúng ta cần trân quý, bảo vệ.
Bức tranh “Nước mắt cô nhi” là một tác phẩm hội họa nổi bật tại Triển lãm tranh quốc tế “Chân-Thiện-Nhẫn”, chuỗi triển lãm do các học viên Pháp Luân Công tổ chức nhằm truyền tải 02 thông điệp: vẻ đẹp của nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” và sự thật về cuộc đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công từ năm 1999 cho đến nay.
Trong tranh, hình ảnh bé gái khoảng 5-6 tuổi, khoác trên người chiếc áo quá khổ, ôm một hộp tro cốt trước bụng, đã để lại ấn tượng không thể xóa nhòa. Mặt trước của hộp tro cốt có dán bức ảnh của một cặp vợ chồng trong ngày cưới, chính là cha mẹ em, những người đã bị cướp đi mạng sống tại trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, nơi nổi tiếng với việc tra tấn và giết hại các học viên Pháp Luân Công. Hình ảnh cô bé đứng giữa không gian xám xịt và lạnh lẽo, tang thương là hiện thân của những nỗi đau câm lặng mà bao trẻ em Trung Quốc phải gánh chịu, khi cha mẹ các em trở thành nạn nhân trong cuộc bức hại phi nhân tính của ĐCSTQ. Không những vậy, nó còn là biểu tượng cho sự mất mát của cả một thế hệ, khi những giá trị đạo đức truyền thống bị chà đạp bởi bạo quyền.
Bài thơ “Cô nhi”
Em vẫn còn là một bé thơ Mà sao gương mặt nhỏ thẫn thờ? Sao đôi mắt nhỏ buồn thăm thẳm? Bạn bè đùa vui, em hững hờ? Biển đời mênh mông em bơ vơ Mẹ em, cha em: hai nấm mồ Phút cuối vẫn tin “Chân-Thiện-Nhẫn” Tim trong lồng ngực ai bây giờ?
Trong khổ thơ đầu, từ “bé thơ” khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh hồn nhiên, vui tươi của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cảm giác ấy nhanh chóng bị phá vỡ bởi ba câu hỏi dồn dập ngay sau đó.
Em vẫn còn là một bé thơ Mà sao gương mặt nhỏ thẫn thờ? Sao đôi mắt nhỏ buồn thăm thẳm? Bạn bè đùa vui, em hững hờ?
Gương mặt thẫn thờ, đôi mắt buồn thăm thẳm, cùng thái độ hững hờ trước niềm vui của bạn bè khắc họa nên chân dung một đứa trẻ đã mất đi sự ngây thơ vốn có. Sự tương phản giữa tuổi thơ trong sáng, hạnh phúc mà lẽ ra em có quyền được hưởng và thực tế đau thương em đang phải gánh chịu tạo nên nỗi ám ảnh sâu sắc cho người đọc. Đặc biệt, các từ láy như “thẫn thờ,” “thăm thẳm,” “hững hờ” không chỉ khắc họa vẻ ngoài mà còn phản ánh một thế giới nội tâm đầy bi kịch. Phải chăng, tuổi thơ em đã vĩnh viễn bị chôn vùi cùng nỗi mất mát không gì bù đắp nổi?
Ở khổ thơ thứ hai, hình ảnh ẩn dụ “biển đời mênh mông” khiến người đọc cảm nhận được sự bơ vơ, lạc lõng của cô bé giữa thế giới rộng lớn khi hai chỗ dựa vững chắc nhất trong cuộc đời em là cha và mẹ, nay đã trở thành “hai nấm mồ”. Em chỉ còn lại sự cô độc giữa giông bão của cuộc đời.
Biển đời mênh mông, em bơ vơ Mẹ em, cha em: hai nấm mồ Phút cuối vẫn tin: “Chân-Thiện-Nhẫn” Tim trong lồng ngực ai bây giờ?
Nỗi đau của em không chỉ thể hiện cảnh tang thương của một đứa trẻ khi mất đi cả gia đình mà còn phản ánh một bi kịch lớn hơn, đó là số phận của các học viên Pháp Luân Công và thân nhân của họ trước sự bức hại tàn bạo của ĐCSTQ. Ngoài việc giữ vững niềm tin vào nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”, giá trị cốt lõi của Pháp Luân Công mà bất kỳ người thiện lương nào cũng có thể đồng cảm nhưng lại hoàn toàn trái ngược với bản chất “Giả-ác-đấu” của ĐCSTQ thì cha mẹ em không hề phạm tội. Nhưng họ đã bị ĐCSTQ cướp đi sinh mạng của mình.
Câu hỏi cuối cùng trong bài thơ: “Tim trong lồng ngực ai bây giờ?” là một hình ảnh ẩn dụ sâu sắc. Theo tác giả An An, câu thơ này không chỉ khắc họa nỗi đau mất mát của cô bé, mà còn phơi bày một hiện thực làm nhức nhối lòng người, đó là tội ác mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ-một tội ác không thể dung thứ. Tại sao xác cha mẹ của bé gái không được trả lại nguyên vẹn cho gia đình, mà chỉ là một hòm tro cốt? Phải chăng trái tim của cha mẹ em–biểu tượng thiêng liêng của sự sống đã bị tước đoạt một cách tàn nhẫn và vô nhân tính? Hòm tro cốt ấy dường như chỉ để che giấu bằng chứng của tội ác khủng khiếp. Câu hỏi trong bài thơ tựa như tiếng kêu cứu, đòi lại công lý cho những nạn nhân vô tội đã chịu đựng sự bức hại tàn bạo này.
Hình ảnh cô bé mồ côi trong bức tranh và trong bài thơ đại diện cho tình cảnh của hàng nghìn trẻ em khác ở Trung Quốc. Các em đã mất đi gia đình chỉ vì cha mẹ các em có đức tin vào “Chân-Thiện-Nhẫn”. Mỗi câu thơ được viết đều chất chứa nỗi đau, sự đồng cảm của người viết đối với em bé cũng như đối với tất cả những học viên Pháp Luân Công đang bị bức hại tại Trung Quốc và hy vọng những cảm xúc đó cũng có thể chạm đến trái tim người đọc.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã kéo dài hơn 25 năm, và những bi kịch như của cô bé trong tranh đến nay vẫn còn tiếp diễn. Bài thơ “Cô nhi” không chỉ là tiếng khóc thương cho một con người mà còn là thông điệp thức tỉnh lương tri của những ai biết trân trọng những điều chân chính. Một xã hội văn minh không thể để nỗi đau này tiếp tục tồn tại. Những giá trị như “Chân-Thiện-Nhẫn” cần được tôn trọng và bảo vệ, vì đó chính là nền tảng đạo đức phổ quát cho sự phát triển bền vững của nhân loại.
Nếu vượt qua được nghịch cảnh để tồn tại, đến nay, cô bé trong tranh có lẽ đã trưởng thành. Tuy nhiên, hình ảnh của em với đôi mắt đầy đau thương và oan khuất, ôm hộp tro cốt của cha mẹ sẽ mãi là lời nhắc nhở nghiêm túc về tầm quan trọng của việc bảo vệ công lý và nhân quyền.
Có một chân lý: cho dù bạo quyền có hung tàn đến đâu cũng sẽ phải chịu khuất phục trước sức mạnh của những điều thiện lương và những giá trị phổ quát “Chân-Thiện-Nhẫn” mà nhân loại tôn vinh. Đây là những giá trị vĩnh hằng, như ánh sáng mặt trời xua tan bóng tối .
Tác giả: Huệ Tâm