Một báo cáo mới tuyên bố rằng Trung Quốc vẫn đang thực hiện việc thu hoạch nội tạng trên diện rộng và có hệ thống từ các tù nhân, đồng thời cho biết những người có quan điểm mâu thuẫn với Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền đang bị sát hại để lấy nội tạng.
Báo cáo – do cựu Nghị sĩ Canada David Kilgour, Luật sư nhân quyền David Matas và Nhà báo Ethan Gutmann thực hiện – tổng hợp các số liệu được công bố từ các bệnh viện trên khắp Trung Quốc để cho thấy điều mà họ cho là sự chênh lệch lớn giữa con số chính thức về số ca ghép tạng được thực hiện trên toàn quốc.
Họ quy trách nhiệm cho Chính phủ, Đảng Cộng sản, hệ thống y tế, các bác sĩ và bệnh viện Trung Quốc vì đã tiếp tay cho hoạt động này.
“Đảng Cộng sản nói rằng tổng số ca ghép tạng hợp pháp là khoảng 10.000 ca mỗi năm. Nhưng chúng ta có thể dễ dàng thấy vượt qua con số chính thức của Trung Quốc chỉ bằng cách xem xét hai hoặc ba bệnh viện lớn nhất,” ông Matas cho biết trong một tuyên bố.
Báo cáo ước tính rằng mỗi năm có từ 60.000 đến 100.000 ca ghép tạng được thực hiện tại các bệnh viện ở Trung Quốc.
Theo báo cáo, khoảng cách đó được tạo nên bằng các tù nhân bị hành quyết, nhiều người trong số họ là tù nhân lương tâm bị giam giữ vì niềm tin tôn giáo hoặc quan điểm chính trị của họ. Trung Quốc không công bố tổng số vụ hành quyết, coi đó là một bí mật.
Những phát hiện trong báo cáo hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Bắc Kinh rằng, kể từ đầu năm 2015, Trung Quốc đã chuyển từ việc gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nội tạng từ tù nhân sang “hệ thống hiến tạng tự nguyện lớn nhất ở châu Á.”
Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết Trung Quốc có “các luật pháp và quy định nghiêm ngặt về vấn đề này.”
“Về lời khai và báo cáo đã công bố, tôi muốn nói rằng những câu chuyện như vậy về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc là tưởng tượng và vô căn cứ – chúng không có bất kỳ cơ sở thực tế nào,” bà nói.
Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Y tế Quốc gia, cơ quan giám sát việc hiến tạng ở Trung Quốc, đã không phản hồi yêu cầu bình luận về vấn đề này.

Hơn 300.000 người cần được ghép tạng mỗi năm.(Nguồn: China Photos/Getty Images AsiaPac/Getty Images.Bottom of Form)
Mục lục
Ghép tạng trong bí mật
Theo báo cáo, hàng nghìn người đang bị hành quyết bí mật ở Trung Quốc và nội tạng của họ bị thu hoạch để sử dụng trong các ca ghép tạng.
Vậy ai là những người bị giết? Các tác giả cho biết, phần lớn là các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số bị giam giữ, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, các tín đồ Cơ Đốc giáo hoạt động ngầm và những học viên Pháp Luân Công vốn bị cấm ở Trung Quốc (kể từ 20/7/1999).
Mặc dù phần lớn hệ thống ghép tạng của Trung Quốc được giữ bí mật, nhưng số liệu chính thức cho thấy vào năm 2015, có 2.766 tình nguyện viên hiến tạng, với 7.785 bộ phận nội tạng lớn được thu nhận.
Số liệu chính thức ước tính số ca ghép tạng ở Trung Quốc vào khoảng 10.000 ca mỗi năm, nhưng báo cáo này không đồng tình với con số đó.
Các tác giả chỉ ra những tuyên bố công khai và hồ sơ được công bố từ các bệnh viện trên khắp Trung Quốc, trong đó họ tuyên bố đã thực hiện hàng nghìn ca ghép tạng mỗi năm. Họ cũng trích dẫn các cuộc phỏng vấn và tiểu sử chính thức của các bác sĩ, những người khẳng định đã thực hiện hàng nghìn ca ghép tạng trong sự nghiệp của mình.
“Chỉ cần cộng số liệu từ một vài bệnh viện được đề cập trong báo cáo này, chúng ta đã có thể dễ dàng đưa ra con số ca ghép tạng hàng năm cao hơn 10.000,” các tác giả viết.
Theo thống kê chính thức, có hơn 100 bệnh viện ở Trung Quốc được cấp phép thực hiện các ca ghép tạng. Tuy nhiên, báo cáo khẳng định rằng các tác giả đã “xác minh và xác nhận có 712 bệnh viện thực hiện ghép gan và thận” và cho rằng số ca ghép tạng thực tế có thể cao hơn hàng trăm nghìn so với con số mà Trung Quốc công bố.

“Hành vi man rợ và vô nhân đạo”
Báo cáo tuyên bố rằng khoảng cách rõ ràng trong số liệu ghép tạng chính thức được lấp đầy bằng nội tạng của các tù nhân lương tâm.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, “hàng chục nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ tùy tiện” kể từ khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu đàn áp môn tu luyện này vào năm 1999.
Trung Quốc coi Pháp Luân Công là một “tà giáo” và cáo buộc những người thực hành pháp môn này tham gia vào “các hoạt động chính trị chống Trung Quốc.”
“Chính phủ coi Pháp Luân Công là một mối đe dọa đối với quyền lực của họ, và đã bắt giữ, bỏ tù cũng như tra tấn các học viên,” Maya Vương, nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cho biết.
Báo cáo cũng nêu rằng các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ đã bị ép buộc xét nghiệm máu và kiểm tra y tế. Các tác giả cho rằng kết quả xét nghiệm này sau đó được đưa vào một cơ sở dữ liệu về nguồn nội tạng sống để có thể nhanh chóng tìm được người ghép phù hợp.
Nguồn cung cấp nội tạng khổng lồ này đã mang lại lợi ích cho các bệnh viện và bác sĩ, tạo ra một ngành công nghiệp ngày càng phát triển.
Các tác giả của báo cáo đã ra điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào thứ Năm.
“Chính phủ Trung Quốc đã buôn bán nội tạng vì lợi nhuận trong một thời gian quá dài, và chúng tôi có bằng chứng mạnh mẽ rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị nhắm đến để thu hoạch nội tạng,” Dân biểu Chris Smith, đồng Chủ tịch Ủy ban, tuyên bố.
Trong một tuyên bố được công bố trực tuyến, Đại diện Ileana Ros-Lehtinen, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho biết rằng hành vi “man rợ và vô nhân đạo” của Chính phủ Trung Quốc khi tước đoạt tự do của con người, giam họ vào các trại lao động hoặc nhà tù, sau đó hành quyết và thu hoạch nội tạng của họ để ghép tạng là điều không thể chấp nhận được và cần phải bị lên án trên toàn thế giới, chấm dứt ngay lập tức và vô điều kiện.
“Ý định tốt”
Trong nhiều thập kỷ, các quan chức Trung Quốc kiên quyết phủ nhận việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân, gọi những cáo buộc trái ngược là “vu khống độc ác.”
Cuối cùng, vào năm 2005, các quan chức thừa nhận rằng hành vi này đã diễn ra và hứa sẽ cải cách.
Tuy nhiên, năm năm sau, Hoàng Khiết Phu, Giám đốc Ủy ban Hiến tạng Trung Quốc, nói với Tạp chí Y khoa The Lancet rằng hơn 90% nội tạng dùng để ghép vẫn đến từ các tù nhân bị hành quyết.
Theo Tổ chức Death Penalty Worldwide (Án tử hình trên toàn thế giới), Trung Quốc thực hiện nhiều vụ hành quyết hàng năm nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại, với ít nhất 2.400 vụ vào năm 2014. Số liệu chính thức của Trung Quốc không được công bố.
Vào cuối năm 2014, Trung Quốc tuyên bố sẽ chuyển sang một hệ thống hiến tạng hoàn toàn tự nguyện.
Tuy nhiên, tuyên bố này đã bị nghi ngờ mạnh mẽ, vì từ năm 2012 đến 2013, chỉ có khoảng 1.400 người đăng ký hiến tạng – trong khi hơn 300.000 người cần được ghép tạng mỗi năm. Kể từ đó, Chính phủ Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người dân đăng ký vào hệ thống hiến tạng quốc gia.
Một phụ nữ 86 tuổi họ Chu nói với CNN rằng bà đã muốn hiến tạng từ năm 1996, nhưng vào thời điểm đó, chi nhánh Hội Chữ thập đỏ địa phương chưa từng nghe về trường hợp nào làm như vậy.
“Vì tôi không thể theo đuổi sự nghiệp y khoa, tôi muốn đóng góp điều gì đó sau khi qua đời,” bà nói.
Bà Chu cho biết, mặc dù gia đình bà phần lớn ủng hộ quyết định của bà, nhưng “ở Trung Quốc, quan niệm truyền thống cho rằng việc cắt xẻ thi thể sau khi chết là không đúng đắn.”
Dù có những người như bà Chu tình nguyện hiến tạng để bù đắp cho sự thiếu hụt sau khi ngừng sử dụng nội tạng từ tù nhân, các chuyên gia cảnh báo rằng không có gì ngăn cản những người bị kết án tử hình cũng “tình nguyện” hiến tạng. Hơn nữa, các quy định hợp pháp hóa việc sử dụng nội tạng của tù nhân vẫn còn hiệu lực.
Tạp chí Y khoa BMJ nhận xét rằng thông báo năm 2014 của Trung Quốc “chỉ đơn thuần là một tuyên bố có ý định tốt nhưng không có hiệu lực pháp lý.”
Giáo sư Lý Hội Cách của Đại học Johannes Gutenberg cho biết trong một báo cáo gần đây do Nghị viện châu Âu ủy quyền rằng việc loại bỏ dần nội tạng của tử tù chỉ là một “thủ thuật ngôn từ.”
Tại sao Trung Quốc gặp khó khăn trong việc chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng từ tử tù?
Giáo sư Lý Hội Cách chỉ ra phát biểu của Hoàng Khiết Phu trên truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng “tử tù cũng là công dân.”
“Nếu họ sẵn sàng chuộc lỗi bằng cách hiến tạng, họ nên được khuyến khích,” ông Hoàng nói với Nhân dân Nhật báo (People’s Daily).
Bằng cách tái định nghĩa tử tù là công dân bình thường, Giáo sư Lý cảnh báo rằng “hệ thống hiến tạng quốc gia của Trung Quốc có thể bị lạm dụng để hợp thức hóa nội tạng từ cả tử tù lẫn tù nhân lương tâm.”
Trong một bức thư ngỏ gửi đến tạp chí The Lancet, năm bác sĩ đã viết rằng “Trung Quốc vẫn đang sử dụng nội tạng của tử tù. Sự khác biệt duy nhất là giờ đây những nội tạng này được phân loại thành nội tạng hiến tặng tự nguyện của công dân.”
Ông Hoàng không trả lời yêu cầu bình luận. Khi nói chuyện với New York Times, ông cho rằng lời nói của mình đã bị “xuyên tạc” và không phản ánh chính sách của Chính phủ.
Khi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào thứ Năm, ông Francis Delmonico, Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng (Transplantation Society), đã ca ngợi ông Hoàng là một “đồng minh quan trọng trong việc thay đổi thực trạng đáng lên án” của việc sử dụng nội tạng từ tù nhân.
Đức Hậu (Dịch từ bản gốc Tiếng Anh: https://edition.cnn.com/2016/06/23/asia/china-organ-harvesting/index.html)