Trần Nhân Tông: Từ Minh quân đến Phật hoàng

Trần Nhân Tông (1258-1308) là vị vua thứ ba của nhà Trần, nổi tiếng là một vị minh quân, có công lớn trong việc lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược. Ít ai biết rằng, vị vua này từ nhỏ đã có chí hướng tu hành, thậm chí từng nhiều lần muốn nhường ngôi cho em trai để chuyên tâm nghiên cứu Phật Pháp. Ông chính là người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm.

Tranh sơn mài Trần Nhân Tông. Ảnh: Hoàng Dung

Thái tử muốn nhường lại ngôi Vua – Thời niên thiếu và chí hướng tu hành

Trần Khâm (tên thật của vua Trần Nhân Tông) sinh 1258 là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông. Từ nhỏ, ông đã thể hiện tư chất thông minh, hiếu học và đặc biệt có niềm tin sâu sắc vào Phật Pháp.

Theo “Đại Việt Sử ký Toàn thư” ghi chép lại thì hoàng tử mới sinh ra đã “được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng”, Vua cho là điềm lạ nên gọi là “Kim Tiên Đồng Tử”.

Trần Khâm sớm bộc lộ chí hướng tu hành, ông thường xuyên nghiên cứu kinh Phật và mong muốn được xuất gia. Điều này khiên vua Trần Thánh Tông lo lắng vì ông muốn Thái tử Trần Khâm kế vị ngôi vua.

Năm Trần Khâm 16 tuổi thì được Vua cha phong làm Thái tử. Vì muốn chuyên tâm tìm hiểu Phật Pháp, Trần Khâm đã bày tỏ ý định nhường ngôi cho em trai là Tá Thiên vương Trần Việp, nhưng vua Thánh Tông không đồng ý.

Vua Thánh Tông lập Thái tử phi, đồng thời mời rất nhiều danh sĩ đến dạy học cho Thái tử, vì thế mà Thái tử Trần Khâm đạt được trình độ cao về nhiều lĩnh vực. Sách “Thánh đăng ngữ lục” viết rằng: “Bản chất Ngài rất thông minh và hiếu học, có nhiều tài năng, xem đủ các sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển”.

Theo “Thánh đăng ngữ lục” chép rằng có lần Trần Khâm nhân lúc đêm khuya liền vượt thành đến núi Yên Tử, dự định ẩn tu. Lúc trời sáng đến núi Đông Cứu thì mệt quá, ông bèn đi vào ngôi chùa ở đấy xin được nghỉ ngơi. Vua Thánh Tông và Hoàng hậu tìm khắp nơi không thấy, biết Thái tử lên núi Yên Tử liền đến nơi khuyên nhủ ông mới trở về.

Sự nghiệp trị vì và chiến công hiển hách

Tập hợp sức mạnh Đại Việt, hai lần đánh bại đại quân Mông Cổ.

Năm 1278, vua Thánh Tông lên ngôi Thượng Hoàng, truyền ngôi Vua lại cho Thái tử, Trần Khâm lên ngôi Vua lấy hiệu là Trần Nhân Tông. Ông là một vị vua anh minh, có tài trị quốc và đặc biệt coi trọng Phật Pháp.

Kế thừa truyền thống của các Vua Trần trước đó, vua Nhân Tông dùng Phật Pháp để giáo hóa muôn dân, giúp Xã Tắc ổn định. Quan lại đầu Triều lúc đó đều phải thông tỏ Bách gia, Chư tử, Cửu lưu, Tam giáo, và thi đậu Thái học sinh, giúp Giang Sơn vững mạnh. Vua Trần Nhân Tông là người có công lớn trong việc củng cố và phát triển đất nước, đưa Đại Việt trở thành một cường quốc trong khu vực.

Xã Tắc ổn định trở thành nền tảng vững chắc giúp vua Trần Nhân Tông cùng quân dân Đại Việt hai lần đánh bại cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285 và lần thứ 3 năm 1288.

Khi quân Nguyên Mông chuẩn bị lực lượng tiến đánh Đại Việt lần thứ 2, Vua gạt bỏ thành kiến, phong cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế thống lĩnh quân Đại Việt chống giặc. Để có được sức mạnh toàn dân, Vua tổ chức hội nghị Bình Than, lại giúp phục chức cho Trần Khánh Dư.

Tại cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3, Trần Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn nhưng không đánh mà để thủy quân của Ô Mã Nhi đi qua. Triều đình triệu ông về trị tội, Trần Khánh Dư phải khất 3 ngày lấy công chuộc tội. Vua Trần Nhân Tông rộng lòng đồng ý, giúp mưu của Trần Khánh Dư thành công, đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, khiến quân Nguyên Mông thiếu lương thực trầm trọng, không thể đánh lâu dài, phải rút quân trở về.

Theo “Thánh đăng ngữ lục”, vua Nhân Tông rất giản dị, thanh tịnh. Lúc rảnh rỗi, Vua cho mời các cao tăng đến bàn luận, chia sẻ về Phật Pháp.

Cảnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông (ngồi trên lọng) xuất sơn trong tác phẩm “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” được cho là của Trần Giám Như. (Tranh: Wikipedia, Public Domain).

Cuộc đời tu hành và sự nghiệp Phật pháp

Năm 1295, Trần Nhân Tông truyền ngôi cho con trai Trần Anh Tông và chuyên tâm tu luyện. Ông xuất gia tại Hành cung Vũ Lâm và sau đó đến Yên Tử, nơi ông lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mang đậm bản sắc Việt Nam. Với đạo hiệu Điều Ngự Giác Hoàng, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Trần Nhân Tông không chỉ là một nhà lãnh đạo tài ba mà còn là một nhà tu hành uyên bác. Cuộc đời ông là sự kết hợp hài hòa giữa trách nhiệm với đất nước và khát vọng tâm linh. Ông đã dùng Phật Pháp để giáo hóa muôn dân, tuyển chọn quan lại có tiêu chuẩn đạo đức cao, giúp xã tắc ổn định và giang sơn hùng mạnh.

Trần Nhân Tông là một biểu tượng tiêu biểu của một vị vua giác ngộ, biết vận dụng Phật Pháp để gắn kết và phát triển xã hội. Ông không chỉ là một anh hùng trong cuộc chiến chống ngoại xâm mà còn là một minh quân, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phồn thịnh của đất nước. Học tập và phát huy những giá trị di sản mà ông để lại là trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam để có thể góp phần xây dựng một xã hội mỗi ngày thêm văn minh, hòa bình và thịnh vượng.

Tịnh Đế (t/h)

Bài viết liên quan

Bức tranh Chấn động

Vì sao Triển lãm Nghệ thuật “Chân-Thiện-Nhẫn” chạm đến trái tim?

“Thông qua tu luyện, tâm và thân của họ đã dần dần đồng hóa với đặc tính “Chân-Thiện-Nhẫn”. Do vậy, các Tác phẩm Nghệ thuật đã tỏa ra năng lượng tích cực, có khả năng thức tỉnh lương tri, đánh thức điều thẳm sâu trong sinh mệnh của con người và đem đến cho người…
Khám phá nguồn gốc và sự lan tỏa của Phật giáo

Khám phá nguồn gốc và sự lan tỏa của Phật giáo

Phật giáo gắn liền với cuộc đời và sự giác ngộ của Phật Thích Ca Mâu Ni - Thái tử Siddhartha Gautama. Ông sinh ra vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước công nguyên tại Lâm Tỳ Ni, gần biên giới giữa Nepal và Ấn Độ ngày nay. Được nuôi dưỡng trong sự giàu sang…
Hình ảnh lễ hội chùa Ba Vàng

Phật giáo trước làn sóng hiện đại hóa

“việc lạm dụng công nghệ, sự xuất hiện của các nhà sư truyền giảng trên các nền tảng trực tuyến như YouTube, Facebook, và Zoom cũng khiến một số người lo ngại rằng Phật giáo đang dần mất đi tính chất nghiêm trang và thanh tịnh vốn có của nó”.