Tôi là Đoàn Thị Thu Hoài, 28 tuổi, đến từ Đà Nẵng, hiện là du học sinh tại Trường Đại học Kyonggi, Seoul, Hàn Quốc. Trước đây, tôi vô tình đọc được thông tin rằng Pháp Luân Đại Pháp có lợi ích đối với sức khỏe. Khi ấy tôi đã không tin là chỉ cần luyện công là có thể hết bệnh. Tôi cũng nghĩ rằng đó là việc của những người lớn tuổi. Thật là may mắn khi đến giờ tôi đã có cơ hội được trải nghiệm điều tuyệt vời này.
Mục lục
Cuộc sống khó khăn, tôi phải tìm con đường giải thoát
Những ngày còn nhỏ, tôi đã bị ảnh hưởng bởi một môi trường bạo lực và chịu nhận sự chán ghét của những người xung quanh đối với bản thân. Tôi cảm thấy rất tủi thân khi tự so sánh với những bạn cùng trang lứa. Nhưng tôi hoàn toàn không thể chia sẻ điều đó với bất cứ ai vì biết rằng sẽ không ai hiểu được những gì bản thân tôi đang phải đối mặt.
Trong những năm học cấp 2, tôi có trạng thái tâm lý chán nản, ăn chơi lêu lổng, bướng bỉnh, hằn học, sống bất cần đời và tùy tiện làm những điều mà nếu bố mẹ tôi biết được có lẽ sẽ rất đau lòng. Nhưng cũng may mắn là cứ mỗi khi tôi có ý định làm bất cứ việc xấu nào có thể khiến tôi mang tù tội thì hình ảnh mẹ lại xuất hiện trong đầu tôi. Đó là điều duy nhất giúp tôi có thể ức chế được những suy nghĩ bất hảo ở thời điểm khó khăn đó.

Lớn hơn một chút, tôi tự nhận ra mình không thể như vậy mãi. Tôi trầm tĩnh hơn và suy nghĩ nghiêm túc về những khốn khổ của mình. Cho đến một ngày, tôi muốn đi đâu đó để thay đổi cuộc đời. Tôi hy vọng có thể tìm thấy một lối thoát. Tôi đã đến Hàn Quốc. Tuy nhiên, cuộc sống của tôi ở đây cũng không được thay đổi. Tôi không những rất vất vả mà còn bị lừa… Khi đó, tôi mới nhận ra là mình không thể nào thay đổi được vận mệnh, không thay đổi được đau khổ của mình. Tôi càng thêm bất mãn.
Chật vật với cuộc sống khó khăn, áp lực về tài chính cũng như không thể cân bằng được việc học và làm thêm ở Hàn, tôi lại bắt đầu rơi vào trạng thái tiêu cực, chán nản, kiệt quệ về cả thể xác lẫn tinh thần.
Tình cờ, tôi tìm thấy Facebook của một người bạn cùng học cấp 3. Trong trí nhớ của tôi thì bạn ấy rất hiền, không bao giờ đòi hỏi điều gì ở người khác. Dù cho bản thân có bị tổn thất, mất mát, bạn ấy cũng không một lời oán trách người khác. Tôi rất có thiện cảm với bạn ấy nhưng không thân thiết vì cảm thấy mình không hợp với tính cách ấy.
Xem những chia sẻ tích cực và cảm nhận được sự bình yên mà bạn ấy có được, tôi đã rất ngạc nhiên. Thành tích học tập của bạn ấy rất tốt. Bạn còn đạt được một giải thưởng và được đăng trên báo. Đặc biệt là bạn ấy còn hay đăng bài nói về “Chân-Thiện-Nhẫn”. Tôi cảm thấy 3 chữ đó rất hay. Tò mò, tôi đã nhắn tin hỏi bạn ấy đang học môn gì. Bạn ấy nói là đang tu luyện Pháp Luân Công và giới thiệu môn pháp này cho tôi.
Tôi mong muốn trở thành một người tốt
Thời điểm đó, vì tôi thường phải đi học từ sáng sớm, chiều tan học phải đi làm ngay cho đến đêm muộn mới về. Thời gian rảnh còn lại là để tôi học bù và làm những việc chưa thể hoàn thành nên thời gian ngủ của tôi cũng rất ít. Chính vì vậy, việc học Pháp (đọc sách) trong thời gian đầu tu luyện đối với tôi là một chướng ngại. Tuy nhiên, nhờ sự khích lệ của bạn ấy, tôi đã cố gắng tranh thủ đọc sách khi ở trên tàu điện ngầm, xe bus hoặc đi bộ. Nhưng thật sự tôi thấy sách rất khó đọc, đọc rất buồn ngủ.
Sau khi nhận lời khuyên của bạn, tôi tạm dừng đọc sách, thay vào đó là nghe các bài giảng Pháp trên Website chính thức của Pháp Luân Công. Điều này đã giúp tôi dễ dàng tiếp nhận nội dung các bài giảng hơn.

Thời điểm đó, tôi cũng có nghe cả các video của Phật giáo và cảm thấy giáo lý ở Phật giáo dễ hiểu hơn nên có phần lưỡng lự. Tôi cũng nghĩ rằng Pháp Luân Công và Phật giáo hiện đại có phần giống nhau nên nhầm lẫn giữa Pháp Luân Công và Phật giáo. Sau đó, bạn tôi giải thích và bảo tôi rằng hãy thử đọc hết quyển sách “Chuyển Pháp Luân” hai lần, sau đó hãy đưa ra quyết định sẽ theo pháp môn nào; và rằng làm việc gì cũng nên chuyên nhất, chú tâm.
Vậy nên tôi quyết tâm nghe thêm một lượt các bài giảng. Lần này, các bài giảng đã giải khai phần nào những câu hỏi về sinh mệnh, vũ trụ, con người… mà từ nhỏ tôi luôn trăn trở. Càng ngày, tôi càng ham mê đọc Sách. Cuối cùng, tôi cũng tìm được một pháp môn có thể chỉ đường dẫn lối cho cuộc đời. Tôi cảm giác như mình được trở lại là chính mình, tôi muốn trở thành người tốt, tôi cảm thấy mình trở nên tích cực hơn, điềm tĩnh hơn.
Được Thần Phật bảo hộ
Tôi còn nhớ một sự việc xảy ra khiến tôi có niềm tin sâu sắc vào Đại Pháp. Đó là vào buổi tối đầu tiên khi tôi dọn đến một nhà nghỉ đang xây dựng mà tôi làm thêm tại đó. Một mình tôi ở trên tầng 4, xung quanh đều đang xây dựng. Đêm hôm đó đột nhiên tôi đau dạ dày, một cảm giác đau khủng khiếp không thể chịu nổi xen lẫn với sợ hãi vì ở một mình, tiếng Hàn thì chưa thành thạo. Tôi lo lắng không biết gọi cấp cứu như thế nào, rồi nói làm sao để họ đưa tôi đi bệnh viện. Tôi chợt nhớ đến lời bạn tôi nói: “Nếu gặp khó khăn thì thành tâm niệm “Pháp Luân Đại Pháp Hảo, Chân Thiện Nhẫn Hảo””. Tôi nhẩm niệm liên tục và cầu mong Thần Phật giúp đỡ. Tôi nhẩm đến lần thứ 3 thì cơn đau dịu đi và chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau tôi thấy hoàn toàn bình thường. Tôi biết mình đã được Thần Phật che chở và từ đó tôi quyết tâm tu luyện.
Khi tôi có mong muốn luyện công chung, thì một hôm, ngay trước cửa nhà tôi gặp một nhóm người tu luyện Pháp Luân công đang giảng chân tướng Đại Pháp. Các học viên người Hàn Quốc đã hướng dẫn tôi liên hệ với học viên người Việt Nam. Họ đã hỗ trợ và giúp đỡ tôi luyện công.

Tôi trưởng thành và bao dung khi biết nghĩ cho người khác
Có một chuyện xảy ra khiến tôi rất nhớ, đó là lần tôi làm ở quán ăn tầng một. Có một bác, là chủ quán ăn trên tầng hai, rất nóng tính. Bác ấy thường hấp tấp và thỉnh thoảng nói những lời bất lịch sự với tôi, còn hay đưa bạn đến quấy rối tại quán tôi làm việc. Mặc dù trước khi đóng cửa quán, chúng tôi đều quét rất sạch, không để lại tàn thuốc ngoài hành lang. Nhưng mỗi đầu giờ làm việc buổi chiều, bác ấy đều quát nạt, chỉ trích rằng quán tôi đã luôn không quét dọn sạch sẽ khiến cửa nhà bác lúc nào cũng đầy các đầu thuốc lá. Bác yêu cầu tôi ra quét sạch chúng đi mặc dù thời điểm đó quán rất đông và chỉ có mình tôi chạy bàn. Bác ấy còn buông những lời khiếm nhã khiến tôi cảm thấy bất bình trong tâm.
Khi đó, tôi nhớ đến lời giảng trong cuốn “Chuyển Pháp Luân” về việc người tu luyện phải nghĩ cho người khác trước, phải hướng nội, phải làm được “Đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu” – người ta đánh thì không đánh lại, chửi mắng thì không chửi lại. Tôi tĩnh tâm xuống và vẫn niềm nở bê đồ ăn cho bác và các bạn của bác. Sau đó tôi thiện ý giải thích và nói với bác ấy rằng đầu thuốc lá đó không phải là do khách của quán tôi bởi vì chúng tôi luôn dọn sạch trước khi đóng cửa quán, tuy nhiên tôi sẽ vẫn giúp bác ấy quét rác.

Mọi người đều trầm trồ trước cách cư xử của tôi và cảm ơn tôi vì đã nói những lời tốt đẹp với họ. Từ đó trở đi, bác ấy không còn gây phiền phức và quấy nhiễu quán tôi nữa. Nếu là trước khi tu luyện, tôi sẽ không hành xử được như vậy. Nhờ tu luyện, tôi cảm thấy mình biết cách tìm lỗi sai của bản thân và trở nên hòa ái, vui vẻ hơn.
Những người tốt cần được bảo vệ
Thời điểm tôi được người bạn giới thiệu môn tu luyện này, tôi không hề biết Pháp Luân Công là gì. Giờ đây, tôi hiểu rằng cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc là vấn đề trọng đại, liên quan đến nhân quyền của con người. Tôi mong rằng mỗi người hãy là những nhân vật anh hùng trong đời thực, hãy đưa ra tiếng nói công lý để sớm chấm dứt cuộc bức hại tại Trung Quốc.
Tu luyện không chỉ dành cho người già

Các bạn trẻ thường có suy nghĩ rằng việc tu luyện là việc của người già, mình còn trẻ, chưa cần nghĩ đến việc tu luyện. Tuy nhiên, nếu những bạn nhỏ có thể biết đến Đại Pháp sớm thì có thể biết hành xử cho phải đạo với ông bà, bố mẹ, bạn bè; trở thành một người tốt, tránh xa những điều độc hại như nghiện điện thoại, những chương trình độc hại trên tivi. Như thế, các bậc cha mẹ sẽ không cần quản thúc con cái quá mức nữa.
Ví dụ hiện nay học sinh có những tệ nạn như bạo lực học đường, quay cóp bài, hút thuốc lá, uống rượu… Nếu là người tu luyện thì sẽ biết những việc đó là sai, tự động tránh xa. Hay trong học tập, sẽ có những bạn học giỏi hơn mình, mình có thể sẽ nổi tâm đố kỵ. Nếu là người tu luyện thì sẽ hiểu rằng tâm đó là không đúng và buông bỏ; học cách mỉm cười và chúc mừng từ trong tâm với những điều tốt đẹp mà người khác đạt được; gặp người giỏi hơn mình thì sẽ khiêm nhường học hỏi; đứng sau hỗ trợ nếu người khác cần; bản thân cũng nỗ lực hết mình trong học tập, cố gắng làm tốt vai trò của một người học sinh.
Tôi cho rằng mỗi người đều đảm nhận một công việc, một trách nhiệm khác nhau trong xã hội, vậy nên tu luyện càng sớm càng tốt. Nếu mỗi người ở bất kể độ tuổi nào, từ một người con, người học sinh, trở thành phụ huynh, rồi làm các công tác xã hội… đều là người tu luyện, đều là người có quy chuẩn đạo đức cao, làm gì cũng nghĩ đến người khác, vậy thì trị an của xã hội sẽ càng ngày càng trở nên tốt đẹp, mối quan hệ giữa người với người sẽ trở nên chan hòa hơn.
Vậy nên tôi nghĩ rằng, nếu có thể có cơ duyên tu luyện được từ sớm thì quả là một điều may mắn, không chỉ cho chính cá nhân ấy, mà còn cho cả những người xung quanh và cho toàn xã hội.
Tịnh Đế (s/t)