Pháp Luân Công không cấm thờ cúng
Rất nhiều người biết Pháp Luân Công rất tốt nhưng ngại ngần không bước vào tu luyện chỉ vì "nghe nói Pháp Luân Công không cho thờ cúng". Đó là một thông tin hoàn toàn sai về Pháp Luân Công. Pháp Luân Công không hề cấm thờ cúng.
Vấn đề thờ cúng trong đời sống
Thờ cúng là một phần không thể thiếu trong văn hóa và tín ngưỡng của nhiều dân tộc, đặc biệt là tại Việt Nam. Mỗi tôn giáo và vùng miền đều có những hình thức thờ cúng khác nhau, nhưng nhìn chung, mục đích của thờ cúng là để con người bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên, Thần Phật… Thờ cúng là để kết nối con người với những sức mạnh siêu nhiên, tìm kiếm sự bảo hộ và sự an lành trong cuộc sống. Khi thờ cúng, người ta thường cầu xin những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình, như sức khỏe, may mắn, tài lộc, bình an…
Sự hiểu lầm về Pháp Luân Công trong vấn đề thờ cúng
Một số người cho rằng Pháp Luân Công cấm học viên thờ cúng. Tuy nhiên sự thật hoàn toàn không phải như vậy. Chúng ta có thể kiểm chứng điều này, vì toàn bộ “Kinh sách và Kinh văn” của Pháp Luân Công đều đăng công khai trên mạng internet và được truy cập hoàn toàn miễn phí.
Những hiểu lầm về Pháp Luân Công trong việc thờ cúng thường xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Nhận thức không phù hợp với Pháp của một số học viên
Học viên Pháp Luân Công có số lượng rất đông, thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội, mức độ tu luyện và trạng thái tu luyện cũng rất khác nhau. Có người có trình độ hiểu biết nhưng chỉ luyện công, không đọc sách hoặc ít đọc sách. Có người trình độ hiểu biết rất có hạn, khi đọc sách không hiểu hoặc hiểu không đúng, làm không đúng, gây hiểu lầm về pháp môn. Có người không chiểu theo Pháp để tu mà lại tu theo bạn tu… Tuy nhiên, những người này trong quá trình giao lưu, được nghe chia sẻ về các pháp lý trong pháp môn thì hầu hết họ đều hiểu ra và thực hành đúng theo yêu cầu của pháp môn.
Tu luyện Pháp Luân Công là tu luyện tại đời thường. Nếu các học viên Pháp Luân Công đều không thờ cúng thì thân nhân của họ chắc chắn sẽ không chấp nhận. Trên thực tế, ở Việt Nam, bất chấp việc vẫn có những hiểu lầm, những thông tin sai sự thật và cả sự ngăn cản từ một bộ phận trong xã hội, số người tu luyện vẫn đang tăng lên. Có những gia đình ban đầu chỉ có một người tu luyện nhưng sau đó các thành viên trong gia đình, cả vợ (chồng), anh chị em, cả cha mẹ, ông bà… đều bước vào tu luyện. Điều đó cũng có thể chứng minh rằng Pháp Luân Công không cấm thờ cúng, cũng chứng minh rằng Pháp Luân Công rất tốt.
Sự nhầm lẫn của một bộ phận người trong xã hội
Còn một nguyên nhân khác dẫn đến sự hiểu lầm, đó là một số người trong xã hội do không tìm hiểu kĩ, nhầm lẫn Pháp Luân Công với Hội Thánh Đức Chúa Trời. Theo “kenh14.vn”, Hội Thánh Đức Chúa Trời bị cho là làm con người u mê, khuyên con người đập bàn thờ tổ tiên đi.
Vụ đàn áp ở Trung Quốc:
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, nhiều thông tin sai lệch và định kiến đã được tạo ra và lan rộng gây hiểu lầm về Pháp Luân Công.
Quan điểm của Pháp Luân Công đối với vấn đề thờ cúng
Pháp Luân Công là một pháp môn tu luyện Phật gia thượng thừa. Nhưng Pháp Luân Công không phải là một tôn giáo: không có giáo hội, nhà thờ, chức sắc tôn giáo hay các nghi lễ thờ cúng…
Pháp Luân Công không những không phủ nhận sự tồn tại của Thần, Phật hay các khía cạnh tâm linh khác, trái lại, Pháp Luân Công khẳng định mạnh mẽ và đầy thuyết phục về sự tồn tại của Thần, Phật, Luật Nhân quả và luân hồi chuyển kiếp…
Pháp Luân Công không có bất kỳ quy định cấm hay quy định bắt buộc nào trong việc thờ cúng. Các học viên Pháp Luân Công hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện các nghi lễ thờ cúng theo truyền thống của gia đình hoặc cộng đồng nếu họ muốn. Tuy nhiên, môn tu luyện này không khuyến khích việc dựa dẫm vào các nghi lễ thờ cúng hay cầu nguyện để đạt được cuộc sống an lành và sự thăng hoa của sinh mệnh.
Pháp Luân Công hướng học viên tập trung vào việc tự tu dưỡng bản thân, nâng cao đạo đức và sống theo nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”. Mục tiêu là đạt được sự an hòa và “viên mãn” thông qua việc tu dưỡng nội tâm, chứ không phải thông qua các nghi lễ bề ngoài. Điều này không hề mâu thuẫn với việc duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bao gồm cả việc thờ cúng.
Thờ cúng thường gắn liền với việc cầu xin tổ tiên, Thần Phật, mong đắc được những lợi lộc, công danh, gia đình yên ấm. Mặc dù đây là một hành động xuất phát từ lòng thành kính, nhưng Pháp Luân Công cho rằng tất cả những gì con người có được trong đời này đều là kết quả của những việc đã làm trong tiền kiếp, thậm chí là kết quả của cả những điều đã làm trong hiện tại, gọi là “hiện thế hiện báo” - báo ứng ngay trong đời này.
Theo Luật Nhân quả, những hành động hiện tại sẽ quyết định những gì con người sẽ nhận được trong tương lai.
Do đó, để có một cuộc sống tốt đẹp và nhận được những điều tốt lành, người tu luyện cần phải sống tốt, tu dưỡng tâm tính và hành xử đúng mực theo nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”. Khi thực sự sống theo nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”, họ sẽ đạt được nội tâm an hòa, thanh thản và bao dung. Đây là điều mà Pháp Luân Công hướng tới, thay vì dựa dẫm vào việc cầu xin từ các nghi lễ thờ cúng.
Những chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống - nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội và phu nhân của ông về vấn đề thờ cúng trong Pháp Luân Công cũng sẽ giúp minh bạch vấn đề.
Thiếu tướng - nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nói về Pháp Luân Công. (Video: Đại Kỷ Nguyên - Văn hoá)Pháp Luân Công không cấm thờ cúng và không có quy định nào trong việc này. Mỗi học viên có thể tự do thực hiện việc thờ cúng theo quan niệm của mình. Những nhận thức không đúng về Pháp Luân Công thường xuất phát từ những thông tin sai lệch và định kiến. Do đó, mỗi cá nhận cần nhận thức chính xác về các Pháp lý của Pháp Luân Công để tránh những hiểu lầm dẫn đến thái độ đối xử không đúng đắn với Pháp Luân Công cũng như với những người tu luyện. Điều đó không chỉ làm mất “cơ duyên vạn cổ” của bản thân mà thậm chí có thể còn tạo tội nghiệp.
Ghi chú: Bài viết này thể hiện nhận thức của cá nhân về Pháp Luân Công thông qua quá trình thực hành tu luyện. Quý độc giả có thể tìm hiểu về vấn đề này tại Website chính thức của Pháp Luân Công.