Pháp Luân Công tại Việt Nam - nhìn từ góc độ pháp lý
Đến nay, những lợi ích to lớn mà Pháp Luân Công mang lại cho con người và cho xã hội đã là một điều không thể bàn cãi. Để có nhiều người hơn nữa yên tâm thực hành tu luyện Pháp Luân Công, bài viết này thể hiện sự nhìn nhận về Pháp Luân Công từ góc độ pháp lý.
Một số khái niệm liên quan
Có nhiều người nhìn nhận rằng Pháp Luân Công là một tôn giáo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Pháp Luân Công không được công nhận là tôn giáo nên Pháp Luân Công không hợp pháp tại Việt Nam. Để xác định Pháp Luân Công có là tôn giáo hay không, có hợp pháp tại Việt Nam hay không, trước hết cần làm rõ một số khái niệm có liên quan đến vấn đề này.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội (sau đây gọi là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo) có đề cập đến các khái niệm như:
Tín ngưỡng: là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Tôn giáo: là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.
Cũng theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong tôn giáo có: Tín đồ, Nhà tu hành, Chức sắc, Chức việc, Lễ nghi tôn giáo, Tổ chức tôn giáo, Cơ sở tôn giáo (gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo)...
Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam - các Điều, Khoản liên quan đến vấn đề tín ngưỡng
1. Hiến pháp Việt Nam:
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định rõ ràng và bảo vệ các quyền con người, quyền tự do cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người:
Điều 24.
- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Các điều khoản liên quan: Ngoài Điều 24, còn nhiều điều khoản khác trong Hiến pháp liên quan đến quyền con người, quyền tự do cơ bản, như quyền bình đẳng, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, bao gồm: Điều 16, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 25.
Các quy định này đóng vai trò nền tảng cho một xã hội dân sự, nơi mọi cá nhân được tôn trọng và bảo vệ quyền lợi. Chúng góp phần xây dựng một quốc gia pháp quyền, nơi mọi người được đối xử công bằng và có cơ hội phát triển.
2. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo:
Tại Khoản 1, Điều 1. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có nêu: “Luật này quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo”. Dưới đây là một số Điều, Khoản liên quan trực tiếp đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo:
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
- Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
- Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
Điều 6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người
- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
- Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
3. Bộ luật Hình sự:
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền cơ bản của con người và được bảo vệ bởi pháp luật. Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 có uy định cụ thể về Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác, cụ thể:
Điều 164: Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.
Khoản 1: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên
Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về nhân quyền, trong đó có Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị là một trong những văn bản quốc tế quan trọng nhất về nhân quyền, được thông qua bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1966 và có hiệu lực từ năm 1976. Đây là một trong những công ước quốc tế quan trọng nhất về nhân quyền và được coi là "Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế thế kỷ XX". ICCPR thiết lập một bộ tiêu chuẩn tối thiểu về quyền con người mà tất cả các quốc gia thành viên phải tuân thủ. Công ước này bảo vệ các quyền cơ bản như quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp, v.v.
Quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo có tại Điều 18 của Công ước.
Điều 18: Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng.
Việt Nam chính thức gia nhập Công ước này vào năm 1982, nghĩa là Việt Nam đã cam kết thực hiện các quy định của Công ước, trong đó bao gồm nghĩa vụ bảo đảm quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng cho mọi công dân.
Pháp Luân Công hoàn toàn hợp pháp tại Việt Nam
Tại website chính thức của Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, Pháp Luân Công được giới thiệu là một môn tu luyện Phật gia, lấy việc tu tâm tính, đồng hoá với đặc tính “Chân-Thiện-Nhẫn” của vũ trụ thông qua việc đọc các bài giảng của Đại sư Lý Hồng Chí – nhà sáng lập pháp môn - trong cuốn Chuyển Pháp Luân và các Kinh sách và Kinh văn khác làm căn bản; đồng thời hàng ngày luyện tập Năm bài công pháp “đơn giản dễ học” qua video hướng dẫn https://vi.falundafa.org/falun-dafa-video-audio.html?v=bks04
Pháp Luân Công hoàn toàn không có Chức sắc, Chức việc, Lễ nghi, Tổ chức, Cơ sở như tôn giáo như trong tôn giáo. Người thực hành (tu luyện) pháp môn Pháp Luân Công kính ngưỡng các giá trị “Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công tự tu, tự luyện, tự ước thúc bản thân, “dĩ Pháp vi Sư” (lấy Pháp làm Thầy) mà đề cao tâm tính, cảnh giới tư tưởng và cải thiện sức khỏe của mình.
Như vậy, căn cứ theo khái niệm về Tín ngưỡng và Tôn giáo trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì Pháp Luân Công là một đối tượng Tín ngưỡng nhưng hoàn toàn không phải là tôn giáo, không thể bị đánh đồng với tôn giáo. Đây là một cơ sở vô cùng quan trọng để xác định cách đối đãi với pháp môn Pháp Luân Công cũng như với những người tu luyện Pháp Luân Công.
Chiểu theo các Điều, Khoản của Hiến pháp Việt Nam,Luật Tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam, Bộ luật Hình sự Việt Nam và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là thành viên đã được nêu ở trên, Pháp Luân Công hoàn toàn hợp pháp tại Việt Nam. Chính vì vậy, những người tín ngưỡng và thực hành tu luyện Pháp Luân Công cần được toàn thể người dân tôn trọng (sự lựa chọn của họ) và được Nhà nước bảo hộ.
Mọi người dân đều bình đẳng trước Pháp luật. Sống và làm việc theo Hiến Pháp và Pháp luật là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người dân. Người tu luyện Pháp Luân Công cũng không là ngoại lệ. Ngược lại, Pháp luật có trách nhiệm bảo vệ người dân được hưởng mọi Quyền theo đúng Hiến Pháp và Pháp luật.
Với những cơ sở pháp lý và những phân tích như trên, bài viết này khẳng định Pháp Luân Công hoàn toàn hợp pháp tại Việt Nam. Bởi lợi ích to lớn cả về đạo đức, sức khỏe và tinh thần cũng như những tác động tích cực đến toàn xã hội, hiện nay, Pháp Luân Công đã được tôn vinh và thực hành ở 156 quốc gia trên thế giới với hơn 100 triệu học viên.
Quý độc giả cũng có thể tìm hiểu thêm về Pháp Luân Công qua video: Toàn thế giới lên tiếng ủng hộ pháp luân công