Lục nghệ trong văn hóa truyền thống

Lục nghệ trong văn hóa Trung Quốc: Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, vào thời Chu là khóa học công phu bắt buộc của tầng lớp quý tộc, cũng là sáu loại kỹ nghệ mà quân tử thời xưa cần học.

Lục nghệ trong văn hóa Trung Quốc: Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số
Lục nghệ trong văn hóa truyền thống

Sách “Chu Lễ ▪ Địa Quan ▪ Bảo Thị” có ghi chép : “Bảo Thị chưởng gián vương ác, nhi dưỡng Quốc tử dĩ đạo, nãi giáo chi lục nghệ: nhất viết ngũ lễ, nhị viết lục nhạc, tam viết ngũ xạ, tứ viết ngũ ngự, ngũ viết lục thư, lục viết cửu số.” 

[Bảo Thị chưởng quản việc can gián khuyên bảo vua, dạy dỗ con cháu quý tộc theo đạo, đó là dạy lục nghệ: thứ nhất là ngũ lễ (lễ nghĩa), thứ hai là lục nhạc (âm nhạc), thứ ba là ngũ xạ (bắn cung), thứ tư là ngũ ngự (cưỡi ngựa đánh xe…), thứ năm là lục thư (thư pháp), thứ sáu là cửu số (toán học).] 

Con cháu quý tộc thời xưa khi đến tám tuổi nhập học tiểu học, do Bảo Thị dạy dỗ các em dựa trên các giá trị đạo đức cao thượng phù hợp với thiên thượng của bản thân, dạy các em sáu loại kiến thức và kỹ năng là lễ nghĩa, âm nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, thư pháp và toán học.

Vậy học lục nghệ như thế nào mới có thể đạt đến Thiên đạo? Bài viết sẽ giới thiệu khái quát về sáu loại kiến thức và kỹ năng này.

Ngũ ngự

Ngũ ngự chỉ năm kỹ thuật đánh xe mà người xưa cần phải nắm vững.

Xe ngựa là phương tiện đi lại quan trọng của người thời xưa, đồng thời đó cũng là nhân tố quan trọng để giành được chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. Chiến xa là phương tiện chủ yếu trong chiến trận thời xưa, khi đánh trận thì cần đi nhanh tiến xa, tấn công kẻ địch, nhanh chóng giành tiên cơ (chớp thời cơ chiếm những yếu tố lợi thế), nên kỹ năng của người đánh xe chính là yếu tố quyết định tới thành bại của cuộc chiến.

Ngũ ngự chỉ năm kỹ thuật đánh xe mà người xưa cần phải nắm vững
Ngũ ngự chỉ năm kỹ thuật đánh xe mà người xưa cần phải nắm vững

Đánh xe cần có kỹ pháp, nhưng quan trọng hơn là cần có tâm pháp. Tâm pháp liên quan trực tiếp đến vấn đề cảnh giới tâm của con người. Kỹ pháp thì thông qua miệng nói, tai nghe thì thầy có thể truyền lại cho trò, rồi qua quá trình luyện tập là có thể nắm vững được, còn tâm pháp thì người học phải tự mình ngộ, tu tâm, đề cao cảnh giới tâm tính thì mới có thể đạt được.

Khi một người đánh xe đạt được hoà hợp cao độ với cả ngựa và xe, thì người đó sẽ hòa hợp nhất trí với những người xung quanh, với các thành viên trong gia đình cũng như với môi trường xã hội; dần dần tâm thái ấy sẽ thành tự nhiên, sẽ đạt được hài hoà hợp nhất với trời đất, đó cũng là cảnh giới cao Thiên – Nhân hợp nhất, cũng là cảnh giới cao của đạo tu thân của người xưa. Người như thế tề gia thì gia đạo hoà thuận, trị quốc thì quốc sẽ an ổn, bình thiên hạ thì thiên hạ sẽ thái bình.

Ngũ xạ

Ngũ xạ chỉ năm phương pháp bắn cung thời cổ đại.

Đối với tiêu chuẩn yêu cầu đối với nghề bắn cung thời xưa, sách “Lễ ký – Xạ nghĩa” của Khổng Tử có ghi chép rằng: thời xưa khi chư hầu, khanh, đại phu tham gia bắn cung trước tiên phải cử hành lễ nghi tương ứng; từ đó khiến chư hầu hiểu rõ cái nghĩa quân thần, còn về khanh, đại phu thì hiểu rõ được thứ tự trưởng ấu. Người bắn cung trong các bước tiến, thoái, xoay người, đều phải hợp với lễ nghi, tư thế ngay chính, ý chính tâm thành, tay cầm cung tên một cách vững chãi, sau đó mới nói đến mục tiêu bắn cung. Thông qua việc bắn tên có thể quan sát được đức tính của người bắn.

Ngũ xạ chỉ năm phương pháp bắn cung của người xưa.
Ngũ xạ chỉ năm phương pháp bắn cung của người xưa.

Từ việc học tập người xưa, chúng ta có thể thấy rằng nghệ thuật bắn cung có hàm chứa đạo nhân nghĩa bên trong. Bắn cung trước hết phải chính kỷ (chính lại bản thân mình), gồm cả hai phương diện là chính lại ngoại hình, dáng dấp bên ngoài và chính cái tâm bên trong. Chính kỷ rồi mới tới xạ tiễn (bắn cung), sau đó rồi mới nói đến chuyện bắn trúng đích. Nếu như bắn chưa trúng thì không được oán hận người vượt trội mình, mà phải quay lại tìm xét nguyên nhân ở bản thân, tiếp tục chính kỷ tu thân, đặt công phu tập luyện.

Trong việc học bắn cung của người xưa, các phương pháp luyện tập chỉ là yếu tố bề mặt, thực chất thì thành ý chính tâm mới là nhân tố quyết định. Quá trình học tập xạ tiễn cũng là quá trình tu chính lại cái tâm của người học. Tâm tính cao thì xạ nghệ mới cao được. Hay nói cách khác kỹ nghệ thiện xạ là nhờ đức hạnh tốt, tâm tính cao.

Lục nhạc

Lục nhạc chỉ sáu loại nhạc vũ trứ danh gồm: Vân Môn của Hoàng Đế, Đại Hàm của vua Đường Nghiêu, Đại Thiều của vua Ngu Thuấn, Đại Hạ của vua Hạ Vũ, Đại Hoạch của Thương Thang và Đại Vũ của Vũ Vương.

Sáu loại nhạc vũ trứ danh này đều là những nhạc khúc thượng thừa được sáng tác khi con người cảm ứng được Thiên đạo, mà Thiên đạo và bản tính con người vốn có sự tương thông mật thiết. Vì thế, những nhạc khúc thượng thừa ấy đều có tác dụng giáo hoá tẩy tịnh tâm linh, đánh thức bản tính thiện lương phù hợp với thiên đạo vốn tồn tại trong mỗi con người. Thời xưa việc giáo dục âm nhạc của học sinh tiểu học chính là thông qua việc tập luyện nhã nhạc mà dần dần đề cao được đạo đức của mình, cuối cùng đạt đến cảnh giới thiên nhân hợp nhất.

“Lục Nhạc” có thể giáo hóa văn hóa đạo đức
“Lục Nhạc” có thể giáo hóa văn hóa đạo đức

Nhã nhạc là phương cách giáo hoá văn hoá đạo đức chủ yếu nhất thời cổ đại.

Người xưa rất chú trọng tác dụng giáo hoá đạo đức của nhã nhạc, không chỉ là học sinh cần học tập nhã nhạc mà trong việc tề gia trị quốc bình thiên hạ cũng đều được tin dùng. Có rất nhiều ví dụ điển hình về việc này. Trong sách Thượng thư có ghi chép rằng vào thời vua Thuấn trị có tộc Hữu Miêu không phục, vua Thuấn không dùng võ lực để trị mà dùng đức giáo hoá 3 năm, chỉ để binh sĩ cầm thuẫn và rìu nhảy múa, khiến tộc Hữu Miêu nể phục. Năm ấy khi Khổng Tử dẫn dắt các đệ tử đi chu du, giữa đường bị bao vây, Khổng Tử đã đánh đàn còn Tử Lộ thì cùng các đệ tử hát xướng, chẳng bao lâu vòng vây được giải. 

Người xưa khắc chế dục vọng là không dựa trên pháp luật áp chế từ bên ngoài mà khắc chế từ bên trong, dùng nhã nhạc giáo hoá nhân tâm, hoán tỉnh bản tính từ trong tâm rồi mới đến hành xử bên ngoài, từ đó khiến nhân tâm quay về với thiên đạo. Người xưa gọi phương pháp giáo hoá này là lấy đức chế dục, tức là dẫn dắt lòng người hướng về Thiên đạo, dùng Thiên đạo mà khắc chế dục vọng. Tiếng nhạc phát ra chính là biểu hiện của cảnh giới đạo đức của người chơi nhạc.

Ngũ lễ

Ngũ lễ chỉ năm loại lễ tiết: “cát lễ” (lễ tế tự), “gia lễ” (lễ cưới), “tân lễ” (lễ tiếp đón khách),“quân lễ” (các lễ nghi dùng trong hoạt động quân sự), “hung lễ” (các lễ liên quan đến tang lễ, chôn cất).

Người xưa không có phân biệt việc lớn hay nhỏ, tất cả đều cần phải tuân thủ theo những quy định, quy phạm nghi thức hoặc phép tắc về hành vi, các quy định đó cũng tương ứng với thân phận con người trong xã hội.

“Ngũ Lễ” (Lễ tiết) rất được coi trọng trong văn hóa xưa
“Ngũ Lễ” (Lễ tiết) rất được coi trọng trong văn hóa xưa

Trong Nhạc ký – Lễ ký có viết: “Đại nhạc dữ thiên địa đồng hòa, đại lễ dữ thiên địa đồng tiết” (Đại nhạc hòa đồng cùng Trời Đất, đại lễ cùng tiết [tấu] với Trời Đất). Trong “Tang phục tứ chế – Lễ ký” có viết rằng: “Phàm lễ chi đại thể, thể thiên địa, pháp tứ thời, tắc âm dương, thuận nhân tình. Cố vị chi lễ’’. Có nghĩa là, những phép tắc quy định lễ nghi thời xưa tuyệt không phải là muốn gì liền làm nấy, mà là phải phù hợp với Thiên Địa, bốn mùa, âm dương, lòng người.

Thế thì “Lễ” của nhân gian như thế nào mới phù hợp với quy luật của thiên địa?

Trong “Nhạc ký – Lễ ký” viết rằng: “Lễ giả, thiên địa chi tự dã” (Lễ, là điều đảm bảo trật tự trong trời đất). Lễ tiết thời cổ đại đều là chiểu theo, học theo Trời Đất, “Lễ” chính là thể hiện cho sự khác biệt của thiên địa ở nhân gian. 

Lấy mối quan hệ quân-thần (vua-tôi) làm ví dụ. Quân phải thuần chính hoà ái như trời, thần phải tòng thuận trung thành như đất, toàn lực giúp quân chủ hoàn thành sứ mệnh. Thân phận và vị trí trong mối quan hệ quân-thần không thể tùy ý thay đổi. Xạ lễ thời cổ đại quy định rằng khi vua và quan tỉ thí bắn cung, các quan phải đứng lùi về sau nhường vua một thước, không thể đứng ngang hàng với vua. Vì sao? Bởi vì vua và các thần tử có sự khác biệt. Thời Xuân Thu Chiến Quốc vua nước Yên và Yến Tương Tử đổi chỗ cho nhau, vua Yên xuống làm bề tôi còn Yến Tương Tử lên làm vua, kết quả nước Yên đại loạn 3 năm, suýt chút nữa thì vong quốc.

Lễ tiết thời xưa hết sức nhiều và nội dung cũng rất chi tiết, phức tạp. Nhưng cho dù lễ tiết có chi tiết tỉ mỉ đến bao nhiêu cũng đều lấy quy luật phát triển cũng như sự khác biệt giữa thiên địa làm chuẩn tắc. Đây là điều cơ bản để con người có thể làm người, cũng chính là điều căn bản để con người lập thân, cũng là cơ sở của việc tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Do đó, thời xưa khi học sinh đi học thì phải học lễ trước tiên, học tập lễ tiết hiếu, đễ, trung, thuận, sắp xếp vị trí bản thân cho phù hợp với các hoàn cảnh xã hội, giữ vững bổn phận của bản thân trong các hoàn cảnh để tránh gây kết oán và hối hận về sau.

Lục thư

Lục thư chỉ sáu phép cấu tạo chữ Hán, bao gồm: Tượng Hình (象形), Chỉ Sự (指事), Hội Ý (會意), Hình Thanh (形聲), Chuyển Chú (轉注) và Giả Tá (假借).

Trong các phépcấu tạo Hán tự thì từ kết cấu hình thể cho đến âm điệu và hàm nghĩa, hết thảy đều có thiên cơ
Trong các phépcấu tạo Hán tự thì từ kết cấu hình thể cho đến âm điệu và hàm nghĩa, hết thảy đều có thiên cơ

Trong các phép cấu tạo Hán tự thì từ kết cấu hình thể cho đến âm điệu và hàm nghĩa, hết thảy đều có thiên cơ. Trong văn tự mà Thần truyền thì khắp mọi chỗ đều là triển hiện thiên đạo cho con người cũng như ám thị cho con người thiên cơ ẩn ý từ Thần, chỉ là xem con người có thể suy nghĩ sâu thêm hay không, có thể ngộ ra được hay không. Nếu ngộ ra được thì mỗi một Hán tự đều là một chiếc thang bắc lên trời, còn nếu không ngộ ra được thì Hán tự chỉ là một loại công cụ văn tự có mang hình-âm-nghĩa mà thôi.

Ví dụ về 3 chữ “大” đại, “天”, thiên “立” lập. Chữ “大” đại là hình tượng một người đang đứng (dang hai tay) khi nhìn từ phía chính diện. Thêm một nét ngang “一” ở trên đầu chữ “大” đại sẽ thành chữ “天” thiên, còn thêm một nét ngang “一” phía dưới sẽ thành chữ “立” lập . Đỉnh đầu của con người đội trời, chân đạp đất, gọi là đỉnh thiên lập địa. Vị trí của một người giữa Trời Đất quyết định việc hết thảy mọi hành vi chuẩn tắc của con người phải phù hợp với quy luật của Thiên Địa, nếu không bầu trời trên đầu sẽ sụp đổ, mặt đất sẽ sụt lún, thiên địa bất dung. Nếu thiên địa bất dung thì tương lai người ấy sẽ đứng ở đâu? Chỉ với ba chữ đại “大”, thiên “天”, lập “立” nhưng đã, một cách hình tượng, bao hàm cả địa vị của con người, chuẩn tắc hành vi của con người trong đó. 

Cửu số

Cửu số chỉ chín chương toán thuật, bao gồm Phương điền 方田, Túc mễ 粟米, Sai phân 差分, Thiếu quảng 少廣, Thương công 商功, Quân thâu 均輸, Phương trình 方程, Doanh bất túc 盈不足 , Bàng yếu 徬要 , là chín loại phương pháp giải quyết vấn đề trong số học.

Trong “Chu dịch – Hệ Từ Thượng” có câu: “Hình nhi thượng giả vị chi Đạo” [1],theo các môn, các phái mà thực hành đi lên, thì đều có thể đạt được một điểm căn bản chung là Đạo, Vô cực, Thái cực cho đến đặc tính “Chân-Thiện-Nhẫn” của Vũ trụ. Đây chính là đạo lý, rằng các môn học khác nhau đi theo các con đường khác nhau nhưng đều hướng chung về một đích.

“Cửu Số” với các phép giải toán học thể hiện của chân lý tương đối của vũ trụ
“Cửu Số” với các phép giải toán học thể hiện của chân lý tương đối của vũ trụ

Các phép giải trong toán học như công thức, định lý, hệ phương trình v.v.., nhìn bề mặt thì chỉ là những ký hiệu trừu tượng hay những trình bày lý luận, nhưng kỳ thực nó đều là thể hiện một cách khái quát về bản chất của các sự vật cùng loại, là quy luật chung mà các sự vật cùng loại tuân theo, là thể hiện của chân lý tương đối của vũ trụ, cũng là cách thể hiện bằng ký hiệu hay sự mô tả theo cách đơn giản nhất của quy luật thiên đạo. Người học toán từ những định lý, công thức, phương trình…mà tìm tòi sâu hơn sẽ phát hiện rằng số học không hề khô khan mà ngược lại lại ý vị như thơ, cái nét ý vị này không có ngôn từ có thể diễn đạt trọn vẹn, đẹp không tả xiết. Tính súc tích cực độ và đặc điểm bao la vô tận của toán học, nếu dùng cách nói “một định lý chính là một thế giới, một phương trình chính là một thiên quốc” để hình dung thì cũng không có gì là thái quá.

Như vậy, lục nghệ thực tế là sáu con đường lớn (đại đạo) thông thiên để các môn sinh tiểu học thời xưa có thể làm được “tiểu học nhi thượng đạt” (học những cái nhỏ về sự vật, nhân tình thế thái, để rồi hiểu những pháp tắc của tự nhiên). Người xưa từ thuở nhỏ đã thuận theo sáu con đường lớn này mà tiến bước, một mạch cho đến khi đạt đến cảnh giới cao thiên nhân hợp nhất. Như vậy thì, “học nhi ưu tắc sĩ” (học tập giỏi thì làm quan) cũng trở thành điều hợp lý trong xã hội. Bởi vì những người “học nhi ưu” (học tập giỏi) kia đều là những người ngộ được thiên đạo, những người ngộ được thiên đạo mà làm quan trị quốc, bình thiên hạ, thiên hạ đương nhiên sẽ thái bình thịnh vượng.

Bạch Linh t/h

Bài viết liên quan

Bức tranh Chấn động

Vì sao Triển lãm Nghệ thuật “Chân-Thiện-Nhẫn” chạm đến trái tim?

“Thông qua tu luyện, tâm và thân của họ đã dần dần đồng hóa với đặc tính “Chân-Thiện-Nhẫn”. Do vậy, các Tác phẩm Nghệ thuật đã tỏa ra năng lượng tích cực, có khả năng thức tỉnh lương tri, đánh thức điều thẳm sâu trong sinh mệnh của con người và đem đến cho người…
Ảnh chụp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại Gandhara

Câu chuyện cổ Phật gia về 500 năm luân hồi do ác khẩu

Trong Phật giáo, "ác khẩu" hay còn gọi là “ác ngữ” là một trong bốn điều bất thiện thuộc về lời nói (vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu). "Ác khẩu" nghĩa là dùng lời lẽ ác độc, chỉ trích, phỉ báng, gây đau khổ cho người khác. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp…