Ngày 27/3/2023, với tỷ lệ áp đảo, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật trừng phạt Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
H.R.1154, còn được gọi là “Đạo luật Chấm dứt Mổ cướp Nội tạng Cưỡng bức năm 2023”, đã được thông qua với 413 phiếu tán thành và 2 phiếu chống. Đạo luật này có thể trừng phạt tất cả những người tham gia vào hoạt động mổ cướp nội tạng và yêu cầu Chính phủ báo cáo hàng năm về những hoạt động bất hợp pháp như vậy diễn ra ở nước ngoài. Hơn một chục nhà Lập pháp, gồm Thượng nghị sĩ Tom Cotton thuộc Đảng Cộng hòa và Chris Coons thuộc Đảng Dân chủ, dẫn đầu giới thiệu phiên bản luật này của Thượng viện (S.761 – Đạo luật Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức).
Người đề xuất chính của Đạo luật này, Dân biểu Đảng Cộng hòa Chris Smith, đã kêu gọi sự chú ý đến các hình phạt đối với những người tham gia thu hoạch nội tạng cưỡng bức: Hình phạt dân sự lên tới 250.000 USD, tối đa lên tới 1 triệu USD và 20 năm tù giam.
Dân biểu Smith nói với Thời báo Đại Kỷ Nguyên (The Epoch Times) trước cuộc bỏ phiếu: “Đạo luật này có những hình phạt mạnh mẽ. Chúng tôi không đùa đâu.” “Đây là một hành động tàn ác, là tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh đối với những người Trung Quốc vô tội. Lãnh đạo ĐCSTQ – ông Tập Cận Bình phải chịu trách nhiệm trực tiếp về điều này. Nhưng những người tình nguyện tham gia vào các hành động như vậy cũng phải chịu trách nhiệm.”

Tại Hạ viện, Dân biểu Đảng Dân chủ Susan Wild cũng nhấn mạnh tầm quan trọng về yêu cầu báo cáo hàng năm của Đạo luật. Theo bà, điều này sẽ đảm bảo cho Hoa Kỳ có thể “đưa ra đánh giá có cơ sở về quy mô và mức độ phổ biến của vấn đề này”.
Bà nói: “Với nạn diệt chủng đang diễn ra, chúng ta không thể lắng nghe những gì Bắc Kinh nói về việc họ có hành động như vậy hay không. Chúng ta cần điều tra và xác minh.” “Dù bất cứ nơi nào xảy ra bất công và đàn áp, chúng ta cũng không nên nhắm mắt làm ngơ.”
Mục lục
Ký ức ám ảnh
Nhiều người sống sót sau cuộc đàn áp tín ngưỡng của ĐCSTQ đã phải trốn sang Hoa Kỳ để tị nạn. Tin tức về việc thông qua Đạo luật này khiến họ rất vui mừng. Trường hợp của cô Hàn Vũ, một học viên Pháp Luân Công, là ví dụ. Những học viên Pháp Luân Công đã luôn được xác định là nạn nhân chính của nạn buôn bán nội tạng bất hợp pháp của ĐCSTQ.

Pháp Luân Công được chỉ đạo bởi nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”, kết hợp với 5 bài công pháp, giúp con người được thọ ích cả về thể chất và tinh thần. Môn tu luyện này đã được đón nhận rộng rãi ở Trung Quốc vào những năm 90. Trước khi bị chính quyền Trung Quốc bức hại, ước tính có khoảng 70-100 triệu người Trung Quốc đang học Pháp Luân Công.
ĐCSTQ nhận định rằng môn tu luyện được ưa chuộng này đe dọa sự kiểm soát của Đảng nên đã phát động chiến dịch “Tiêu diệt Pháp Luân Công” vào năm 1999, khiến hàng triệu học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp. Trong hơn 23 năm qua, không biết có bao nhiêu người đã chết vì bị cưỡng bức lao động, bị tra tấn và bị ngược đãi theo các hình thức khác.
Năm 2019, sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm, một Tòa án độc lập ở London đã kết luận việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức “quy mô lớn” đã được thực hiện ở Trung Quốc trong nhiều năm và các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ là nguồn cung cấp nội tạng chính. Phán quyết cuối cùng của Toà án được công bố vào tháng 3 năm 2020, gồm 300 trang trần thuật và lời khai của nhân chứng, chỉ ra rằng “không có bằng chứng nào cho thấy hoạt động này đã chấm dứt.”
Cô Hàn Vũ sinh ra ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc. Cha cô đã qua đời vào năm 2004 do bị bức hại, khi cô mới 19 tuổi. Năm 2006, những báo cáo đầu tiên về việc buôn bán nội tạng bí mật của ĐCSTQ được công bố. Hơn một thập kỷ sau đó, vấn đề này mới được thừa nhận rộng rãi.
Hình ảnh cuối cùng của cha mình, ông Hàn Tuấn Thanh – người đã qua đời chỉ hơn hai tháng sau khi bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công – vẫn ám ảnh Hàn Vũ cho đến tận ngày nay.

Cô Hàn Vũ tại một cuộc mít tinh của Pháp Luân Công tại Quảng trường Liên Hợp Quốc vào ngày 24 tháng 9 năm 2019. (Ảnh: Eva Fu/The Epoch Times)
Cực kỳ gầy gò, với khuôn mặt bầm tím và xanh xao, thi thể cha của Hàn Vũ lạnh ngắt nằm trong phòng khám nghiệm tử thi, xung quanh là hàng chục cảnh sát Trung Quốc mặc đồng phục. Có một mô bị mất ở dưới mắt trái của ông và một vết rạch dài bằng dao, được khâu lại bằng chỉ đen, kéo dài xuống từ cổ họng. Cảnh sát đã lôi Hàn Vũ ra ngoài khi cô cố gắng cởi cúc áo sơ mi của cha để xem các mũi khâu kéo tới đâu. Trước khi cảnh sát kịp ngăn cản, dì và chú của Hàn Vũ đã xé toạc chiếc áo sơ mi của tử thi và phát hiện vết rạch kéo dài đến tận bụng. Bên trong xác của ông không có nội tạng, chỉ có những cục nước đá.
‘Một tội ác chưa từng thấy’
Hàn Vũ đã phải đấu tranh trong một thời gian dài để chấp nhận việc mất cha. Cô thường mơ thấy cha và thức dậy trong nước mắt. Năm 2006, nhiều người tố giác đã đến Thời báo Đại Kỷ Nguyên để vạch trần âm mưu đen tối này. Năm 2007, khi đang lướt mạng xã hội, Hàn Vũ tình cờ thấy một bài viết về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng và những gì đã xảy ra với cha cô trùng khớp với mô tả. Đêm đó, Hàn Vũ đã khóc suốt nhiều giờ.
Cô Giang Lê cũng có một câu chuyện tương tự. Cha cô bị bức hại đến chết ở Trại lao động cưỡng bức Tây Sơn Bình, Trùng Khánh. Cha cô, ông Giang Tích Thanh, một quan chức đã nghỉ hưu của Cục Thuế địa phương tại Trùng Khánh, đã bị bắt sau khi bị khám xét nhà vào tháng 5/2008, trước khi Bắc Kinh đăng cai tổ chức Thế vận hội đầu tiên. Ông bị kết án 01 năm cải tạo lao động mà không qua xét xử tại tòa án.

Ông qua đời vào cuối tháng 01 năm sau, chưa đầy 24 giờ sau khi gia đình tới thăm, mà khi ấy ông còn khỏe mạnh. Sau 7 giờ trong phòng lạnh, khuôn mặt và ngực của thi thể ông Giang Tích Thanh vẫn ấm. Nhưng khi Giang Lê và các thành viên gia đình cố gắng kêu gọi sự chú ý đến việc này, cảnh sát đã đẩy họ ra khỏi nhà xác. Sau vài ngày, cảnh sát hỏa táng thi thể ông Giang và đe dọa, quấy rối gia đình ông khi họ cố gắng tìm hiểu căn nguyên vụ việc. Thậm chí, cảnh sát còn nói với Giang Lê “hãy đưa ra bất kỳ giá nào” để giải quyết. Một viên chức của Viện Kiểm sát Trùng Khánh, Chu Bách Lâm, đã nói với họ rằng tất cả các cơ quan nội tạng của ông Giang đã bị “lấy ra để làm mẫu vật y tế”. Cảnh sát chưa bao giờ hỏi gia đình họ Giang có chấp thuận hay không, cũng như không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.
“Việc thu hoạch nội tạng từ người sống là một tội ác chưa từng thấy trên hành tinh này, và nó vẫn đang diễn ra”, cô Giang Lê, hiện đang sống tại New York, nói với Thời báo Đại Kỷ Nguyên. Cô hy vọng rằng Chính phủ Hoa Kỳ sẽ giúp “ngay lập tức ngăn chặn tội ác chống lại loài người như vậy, buộc ĐCSTQ và tất cả những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm, và thanh trừng bộ máy do Nhà nước điều hành vẫn đang phạm tội”.
Một bước tiến mới
Ông Torsten Trey, Người sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội các Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), cũng ủng hộ Đạo luật trên. Ông gọi đây là một “bước tiến lớn” giúp “nâng cao nhận thức quan trọng về mổ cướp nội tạng sống”. Ông cũng tin rằng cần có nhiều biện pháp hơn nhằm hạn chế du lịch y tế đến Trung Quốc.
Ông nói với Thời báo Đại Kỷ Nguyên trong một email: “Đạo luật này đã được thông qua trong hệ thống pháp luật của chúng tôi và vận dụng các cơ chế hiện có nhằm loại bỏ hoặc cấm những kẻ phạm tội ác chống lại loài người này”.
Ông cho rằng điều còn thiếu hiện giờ là một yêu cầu, bắt buộc tất cả những người nhập cảnh vào Hoa Kỳ, dù là người nhập cư hợp pháp hay bất hợp pháp, hoặc công dân Hoa Kỳ đều phải trả lời liệu họ có “‘nhập khẩu’ nội tạng mới được cấy ghép từ các quốc gia đã được biết là có hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức” hay không và số tiền họ bỏ ra để mua nội tạng.
“Ông viết: “Thu hoạch nội tạng là một tội ác”. Mặc dù bệnh nhân có quyền riêng tư, nhưng quyền riêng tư đó “phải chấm dứt ở tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng: Nếu các học viên Pháp Luân Công hoặc các tù nhân lương tâm khác bị giết để lấy nội tạng ở Trung Quốc, chúng ta không nên che đậy những tội ác này dưới cái ô của quyền riêng tư chăm sóc sức khỏe”.

Dân biểu Smith của Bang New Jersey cho biết Đạo luật này có thể trừng phạt tất cả những ai tham gia thu hoạch nội tạng sống, bao gồm cả bệnh nhân cấy ghép tạng.
Ông nói: “Nếu cố tình đánh cắp (nội tạng) từ các học viên Pháp Luân Công hoặc bất kỳ ai khác, họ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự.”
“Làm sao có thể biết được chính xác ngày nào bạn sẽ nhận được một lá gan sẵn sàng để cấy ghép? Đó là vì họ đã giết một người để cướp nội tạng. Họ đã sát hại những người này”, ông Smith nói thêm.
Ông đang đề cập đến trường hợp các bệnh viện Trung Quốc cam kết có thể cung cấp những nội tạng quan trọng vào một ngày cụ thể. Điều này không thể khả thi trong hệ thống hiến tạng tự nguyện. Ông Smith nhấn mạnh rằng những người Mỹ đến Trung Quốc để ghép tạng du lịch cũng có trách nhiệm đạo đức trong việc tìm hiểu nguồn gốc của những nội tạng này.
Hiện nay, trên thế giới, Israel, Đài Loan, Ý và Tây Ban Nha đều đã cấm du lịch ghép tạng.
Nghị viện Châu Âu, Quốc hội Hoa Kỳ và nhiều cơ quan địa phương khác cũng đã công khai lên án hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Trung Cộng nhưng vẫn chưa thông qua biện pháp Lập pháp.
Theo ông Levi Browde, Giám đốc Điều hành Trung tâm thông tin Pháp Luân Đại Pháp nói rằng, nếu “Đạo luật chấm dứt cưỡng bức thu hoạch nội tạng” trở thành luật thì đó sẽ là một bước ngoặt.
Ông Browde tuyên bố với Thời báo Đại Kỷ Nguyên “Với Dự luật này, Quốc hội của chúng tôi đang gia nhập cùng các nhà lập pháp từ một số quốc gia đã thông qua các luật nhằm chấm dứt hành vi khủng khiếp giết người vô tội để cướp nội tạng và trừng phạt những kẻ tiếp tục làm như vậy”.
Ông thúc giục Thượng viện thông qua Dự luật đi kèm.
Ông cho biết: “Bất chấp mọi áp lực kinh tế và chính trị mà ĐCSTQ gây ra trong nhiều năm qua, thông qua Đạo luật này, Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức lên án ĐCSTQ trên trường thế giới vì tội ác giết người để cướp nội tạng”.
Liên Hoa (Biên dịch từ tiếng Anh: https://www.theepochtimes.com/us/house-passes-first-ever-us-bill-to-punish-ccps-forced-organ-harvesting-5153155)