Giới thiệu về Pháp Luân Công

Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một môn tu luyện Phật gia cổ xưa.
Pháp Luân Công kết hợp Thiền định và những bài tập nhẹ nhàng (tương tự như yoga và thái cực quyền) với triết lý đạo đức tập trung vào các nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” (hoặc trong tiếng Trung là Zhen 真, Shan 善, Ren 忍). Các học viên Pháp Luân Công thực hành sống theo những nguyên lý này trong cuộc sống hằng ngày.
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, quá trình rèn luyện và hoàn thiện tâm, thân được gọi là “tu luyện”. Ngôn ngữ hiện đại của chúng ta gọi nó là “khí công”.
Điểm khác biệt cơ bản giữa Pháp Luân Công với các hình thức khí công khác là sự nhấn mạnh vào đạo đức, nhân cách và việc tu dưỡng đạo đức của con người.

Lịch sử của Pháp Luân Công
Pháp Luân Công đại diện cho mối liên hệ trực tiếp và đích thực với văn hóa truyền thống Trung Hoa chân chính.
Người xưa tin rằng, thông qua việc tu luyện tinh thần một cách nghiêm túc, con người có khả năng siêu xuất khỏi tầng người thường. Họ tìm kiếm một trạng thái cao hơn của sinh mệnh, thoát khỏi khổ đau và những ảo mộng của thế gian trần tục. Để đạt được trạng thái này, cần phải duy trì đạo đức ngay thẳng, buông bỏ các dục vọng trần thế và thực hành thiền định để cải thiện tinh thần và cơ thể. Nhiều pháp môn đã xuất hiện, mang đến những con đường dẫn tới sự thăng hoa sinh mệnh. Nhiều môn đã được đơn truyền qua nhiều thế hệ từ sư phụ cho đệ tử.
Pháp Luân Công được truyền thừa theo cách này và đã được điều chỉnh cho phù hợp với lối sống hiện đại. Pháp Luân Công được Đại sư Lý Hồng Chí giới thiệu ra công chúng vào tháng 5 năm 1992.
Các học viên đã chia sẻ về tác dụng cải thiện sức khỏe nhanh chóng, rõ rệt, thậm chí một số bệnh nhận mắc bệnh nặng đã hồi phục nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Ngoài ra, người dân Trung Quốc nhận thấy ở Pháp Luân Công các giá trị tâm linh truyền thống đích thực gần như đã bị mất đi sau nhiều thập kỷ cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này đã tạo ra ở Trung Quốc một làn sóng hào hứng đối với pháp môn này trong những năm 1990, và Pháp Luân Công nhanh chóng phát triển rộng khắp cả nước.
Đến năm 1998, chỉ sáu năm sau khi được giới thiệu ra công chúng, các báo cáo chính thức của Trung Quốc ước tính rằng đã có từ 70 đến 100 triệu người tu luyện Pháp Luân Công, khiến pháp môn này trở thành hình thức khí công phát triển nhanh nhất và phổ biến nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Khi hiểu sâu hơn về pháp môn này, các học viên nhận ra rằng Pháp Luân Công không chỉ đơn thuần là một hình thức khí công để cải thiện sức khỏe và tinh thần. Pháp môn này còn đại diện cho sự phục hưng những “giá trị cổ xưa, tốt đẹp của Trung Hoa,” như lời một cụ ông cao tuổi và một cựu quan chức Trung Quốc từng nói. Các giá trị đạo đức trong nguyên lý của Pháp Luân Công đã khơi dậy những giá trị truyền thống của Trung Quốc như: sức mạnh và sự chân thật của Đạo gia, lòng từ bi và thiện lương từ Phật gia, cùng với trí tuệ để đối nhân xử thế một cách chính trực và khoan dung từ Nho gia.
Với Pháp Luân Công, mọi người đã trải qua thời kỳ phục hưng của trí tuệ và các giá trị truyền thống Trung Quốc, và điều này đã gây được tiếng vang sâu sắc với người dân trên khắp Trung Quốc.
Pháp lý và niềm tin của Pháp Luân Công

Điểm cốt lõi của Pháp Luân Công là các giá trị của “Chân-Thiện-Nhẫn”.
Các trường phái tư tưởng Trung Quốc cổ đại nhấn mạnh rằng việc tìm kiếm “sự hòa hợp giữa Thiên, Địa và Nhân” (trời, đất và con người) có thể mang lại sự ổn định và thịnh vượng cho xã hội. Tương tự như vậy, đối với một người trên con đường tâm linh, việc tuân theo các nguyên lý chỉ đạo của vũ trụ (Đạo, hoặc Con đường) và đồng hóa với các đặc tính của nó có thể mang lại sức khỏe tinh thần và thể chất tốt hơn, phúc lành, và những cấp độ giác ngộ tâm linh khác nhau.
Pháp Luân Công giảng rằng đặc tính căn bản nhất của vũ trụ có thể được tóm gọn trong ba chữ “Chân- Thiện-Nhẫn”, được hiểu là Chân thật, Thiện lương và Nhẫn nhịn.
Ba nguyên tắc này đóng vai trò như kim chỉ nam cho các học viên Pháp Luân Công trong cuộc sống hàng ngày. Nghĩa là, mỗi ngày họ đều nỗ lực tu dưỡng phẩm chất của mình theo những nguyên tắc này để trở thành những người chân thật hơn, thiện lương hơn và nhẫn nhịn hơn.

Sách Pháp Luân Công

Pháp lý của Pháp Luân Công được trình bày trong một số Kinh sách, với hai cuốn sách chính là “Pháp Luân Công” và “Chuyển Pháp Luân”.
“Chuyển Pháp Luân” là cuốn sách chính của pháp môn này và chứa đựng đầy đủ các Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp. Cuốn sách là tổng hợp của chín bài giảng do Đại sư Lý Hồng Chí truyền giảng tại Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 1992 đến 1994. Vào năm 1996, cuốn sách này trở thành cuốn sách bán chạy nhất tại Trung Quốc.
“Chuyển Pháp Luân” đã định nghĩa lại thuật ngữ “khí công” và “tu luyện”. Mặc dù bàn về những nguyên lý rất thâm sâu, nhưng ngôn ngữ đơn giản và dễ tiếp cận của cuốn sách đã giúp hàng triệu người bắt đầu con đường tự cải biến bản thân. “Chuyển Pháp Luân” giải nghĩa những nguyên lý uyên thâm, bao gồm thuật ngữ “tu luyện” đã bị lãng quên từ lâu, nguồn gốc của bệnh tật, nghiệp, vai trò của đạo đức trên con đường thăng hoa sinh mệnh, và nhiều vấn đề khác.
Các sách của Pháp Luân Công đã được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ và được xuất bản, phát hành trên toàn cầu. Tất cả các tài liệu hướng dẫn, bao gồm sách và video, đều có sẵn và miễn phí tại website FalunDafa.org. Có thể mua các sách của Pháp Luân Công tại FaYuanBooks.com hoặc TiantiBooks.org.
Tu luyện Pháp Luân Công có ý nghĩa gì?
Tu luyện Pháp Luân Công là một quá trình nâng cao tinh thần và đạo đức của con người bằng sự chân thật, thiện lương và nhẫn nhịn, đồng thời buông bỏ những thói quen và những mong cầu không lành mạnh. Pháp Luân Công dạy rằng, khi đối diện với khó khăn hay xung đột, cần phải tìm kiếm nguyên nhân ở chính bản thân thay vì đổ lỗi cho người khác; cần kiên nhẫn chịu đựng và không phản kháng, mà thay vào đó là nhận ra những thiếu sót của bản thân và cải thiện chính mình trong suốt quá trình đó.
Các môn khí công khác nói về các cấp độ thành tựu khác nhau. Trong Pháp Luân Công, sự tiến bộ của một người gắn liền với việc đề cao tâm tính của bản thân.
Quá trình tu luyện bản thân, kết hợp với luyện các bài công pháp giàu năng lượng và bài Thiền định, có thể giúp sức khỏe được cải thiện, nội tâm yên bình, trí tuệ tăng cường, và ở mức độ cao hơn, đạt được sự khai công (hoặc khai ngộ) ở các tầng thứ khác nhau.
Pháp lý của Pháp Luân Công nhìn nhận rằng bản nguyên của con người là thiện lương. Vì vậy, tu luyện đôi khi được coi là quay trở về với bản nguyên chân thật và tốt đẹp ban đầu của con người.





Năm bài tập của Pháp Luân Công
Khí công là khoa học về thân thể con người mà hiện tại ở phương Tây nó vẫn chưa được khám phá hoặc chưa được hiểu rõ. Mặt khác, nhiều môn phái của phương Đông, bao gồm Y học Cổ đại Trung Hoa, đã nghiên cứu trong hàng ngàn năm và đã xác nhận về sự tồn tại của năng lượng và sự lưu thông của các dòng năng lượng trong cơ thể. Việc tìm hiểu các dòng năng lượng và cách thức để khai thông, mở ra và làm rộng chúng nhằm mang lại lợi ích cho sức khỏe là nền tảng của các phương pháp chữa bệnh truyền thống của phương Đông.
Tương tự, các môn khí công dạy cách sử dụng năng lượng của cơ thể, cách cải thiện việc lưu thông của nó bên trong thân thể, và ở các tầng thứ cao hơn, khí công còn dạy về việc biến đổi năng lượng này thành một loại năng lượng mạnh mẽ hơn, gọi là “công”.
Động tác trong các bài khí công thường rất chậm rãi, đôi khi, thậm chí hoàn toàn bất động. Pháp Luân Công có bốn bài tập đứng, bao gồm các động tác kéo dãn, các tư thế tĩnh và những chuyển động chậm rãi dẫn năng lượng xuyên suốt cơ thể. Pháp Luân Công cũng có một bài ngồi thiền.

Lợi ích sức khỏe của Pháp Luân Công
Một số nghiên cứu về sức khỏe (được thực hiện tại Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga và Úc), bao gồm các nghiên cứu được kiểm soát lâm sàng, được bình duyệt tại các cơ sở y tế hàng đầu, đã bắt đầu khám phá và xác nhận những lợi ích sức khỏe tích cực, và đôi khi là rất kỳ diệu, mà nhiều người cho là nhờ (tu luyện) Pháp Luân Công.
Những lợi ích điển hình mà mọi người miêu tả bao gồm tăng cường năng lượng và giảm mệt mỏi, khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn, giấc ngủ sâu hơn, cân bằng cảm xúc, cảm giác bình an, thái độ tích cực, các mối quan hệ được cải thiện, sự nhận thức về sinh mệnh sâu sắc hơn, cảm giác được ý nghĩa sâu xa của cuộc sống, và sự thăng hoa tâm hồn.
Giải thưởng và Sự công nhận từ khắp nơi trên thế giới
Pháp Luân Công đã nhận được hơn 5000 thư khen ngợi, giải thưởng và tuyên bố từ các quan chức chính phủ và các tổ chức khác nhau trên toàn cầu. Nhiều người tu luyện Pháp Luân Công đã nhận được các khen thưởng về hỗ trợ đối với cộng đồng và nơi làm việc của họ.
Người sáng lập Pháp Luân Công, Đại sư Lý Hồng Chí, là người bốn lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình và đã được Nghị viện Châu Âu đề cử giải Sakharov về Tự do Tư tưởng. Đại sư cũng là người nhận Giải thưởng Tự do Tôn giáo Quốc tế từ Freedom House.

Ngày nay, ít người biết rằng Pháp Luân Công và các học viên đã nhận được nhiều sự công nhận chính thức tại Trung Quốc trong suốt những năm 1990, trước khi có sự thay đổi chính trị bạo lực vào năm 1999, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp pháp môn này. Trước năm 1999, Đại sư Lý Hồng Chí đã tổ chức 56 khóa giảng khắp Trung Quốc, theo lời mời từ các chính quyền địa phương, các Hiệp hội và cả các Đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài.
Vào năm 1993, Báo Công an Nhân dân (人民公安報) — tờ báo chính thức của Bộ Công an Trung Quốc — đã khen ngợi Đại sư Lý Hồng Chí vì những đóng góp của Đại sư “trong việc phát huy phẩm chất đấu tranh chống tội phạm truyền thống của người dân Trung Quốc, bảo vệ trật tự và an ninh xã hội, và thúc đẩy sự chính trực trong xã hội.”
Đến năm 1999, nhiều quan chức Trung Quốc đã xác nhận lợi ích của Pháp Luân Công, ví dụ như một quan chức từ Ủy ban Thể thao Quốc gia Trung Quốc, khi trò chuyện với U.S. News & World Report (Bản tin Hoa Kỳ & Thế giới), đã tuyên bố rằng, Pháp Luân Công “có thể giúp mỗi người mỗi năm tiết kiệm 1.000 Nhân dân tệ tiền phí y tế. Nếu 100 triệu người thực hành, thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được 100 tỷ Nhân dân tệ tiền phí y tế.” “Thủ tướng Chu Dung Cơ rất vui mừng về điều đó”. Quan chức này nói tiếp.
Pháp Luân Công trên toàn cầu
Pháp Luân Công đầu tiên được giới thiệu ra công chúng tại Trung Quốc, nhưng hiện nay người dân ở 156 quốc gia đã thực hành tu luyện pháp môn này — từ Boston đến Berlin; Moscow đến Mumbai; Jerusalem đến Jacksonville…
Trên khắp thế giới, Pháp Luân Công đã vượt qua ranh giới giai cấp, dân tộc và trình độ học vấn. Các điểm tập luyện tình nguyện, nơi mọi người tụ họp để luyện các bài tập chậm rãi và bài thiền định của Pháp Luân Công, xuất hiện ở các khuôn viên của trường đại học Ivy League ở Hoa Kỳ, cũng như ở những con đường mòn đầy bụi của các làng nông thôn ở khu vực hạ Sahara của Châu Phi. Mỗi sáng Chủ nhật, một nhóm người tập trung dưới bóng tháp Eiffel ở Paris để thiền, trong khi cách đó nửa vòng trái đất, một nhóm khác kết thúc một ngày của họ bằng cách luyện các bài tập chậm rãi của Pháp Luân Công trong một khu vườn Nhật Bản tươi tốt, với núi Phú Sĩ nhô lên ở phía xa.





Cách học Pháp Luân Công
Hãy truy cập vào https://vi.falundafa.org/ — tại trang web này, bạn có thể xem các video hướng dẫn học các bài công pháp hoặc tải các cuốn sách Pháp Luân Công, tất cả đều miễn phí. Nhiều người thấy được lợi ích qua việc học từ các tình nguyện viên tại các công viên địa phương. Các điểm tập Pháp Luân Công có ở hầu hết các thành phố của Việt Nam cũng như trên thế giới. Bạn có thể sử dụng trang web này để tìm một điểm tập gần bạn.
Nếu bạn thích học trực tuyến, bạn có thể đăng ký các lớp học trực tuyến miễn phí có sẵn trên trang web này: Pháp Luân Đại Pháp – Liên Lạc.
Câu hỏi thường gặp về Pháp Luân Công
Nguyên lý và niềm tin của Pháp Luân Công là gì?
Cốt lõi của Pháp Luân Công là các giá trị “Chân-Thiện-Nhẫn” (hoặc trong tiếng Trung, Zhen 真, Shan 善 và Ren 忍). Pháp Luân Đại Pháp dạy rằng đây là những phẩm chất cơ bản nhất của vũ trụ. Các học viên cố gắng áp dụng những nguyên lý này trong cuộc sống hàng ngày của mình thông qua thiền định, các bài tập giống như Thái Cực Quyền và nghiên cứu các nguyên tắc đạo đức của Phật gia.
Pháp Luân Công có phải là một tôn giáo không?
Để tu luyện Pháp Luân Công, không có tổ chức nào để tham gia, không có tư cách thành viên, không có hệ thống cấp bậc và không có lệ phí. Bất kỳ ai muốn tu luyện đều có thể thực hành mà không tốn một xu nào, trong sự riêng tư tại nhà riêng của mình và không cần sự giúp đỡ hoặc chấp thuận của bất kỳ ai khác. Môn tu luyện này có những nguyên lý tâm linh và một tập hợp các tín ngưỡng tương tự như những gì người ta tìm thấy trong một tôn giáo, và Pháp Luân Công cũng chia sẻ một số nguyện vọng giống như các nhóm được xác định chính thức hơn là tôn giáo, bao gồm cả việc nâng cao bản thân về mặt đạo đức hoặc theo đuổi sự thức tỉnh về mặt tâm linh.
Pháp Luân Công không có các đặc điểm của tôn giáo như: không có tổ chức, không có hệ thống cấp bậc và không có lệ phí. Bất kỳ ai muốn thực hành đều có thể tham gia mà không tốn một xu nào, tự thực hành tại nhà riêng của mình và không cần sự giúp đỡ hoặc cho phép của bất kỳ ai khác.
Tuy nhiên, theo luật pháp của hầu hết các nước phương Tây, Pháp Luân Công được coi là một tôn giáo hoặc một tín điều được bảo vệ. Mặc dù vậy, Pháp Luân Công không được thể chế hóa; không có bất kỳ phương tiện chính thức nào để nhập môn, một tín điều chính thức, cũng không có các hoạt động thờ cúng sùng đạo, v.v.
Môn tu luyện này có những nguyên lý nhằm nâng cao bản thân về mặt đạo đức hoặc theo đuổi sự thức tỉnh về mặt tâm linh. Pháp Luân Công không mang tính chính trị, cũng không phải là một doanh nghiệp. Tất cả các tài liệu hướng dẫn đều có sẵn trên Internet, miễn phí và các tình nguyện viên cũng cung cấp tất cả các lớp học miễn phí.
Pháp Luân – biểu tượng của Pháp Luân Đại Pháp

Có bao nhiêu người tu luyện Pháp Luân Công?
Đến đầu năm 1999, các viên chức Chính phủ Trung Quốc và phương tiện truyền thông Nhà nước cho biết có 70-100 triệu người tu luyện Pháp Luân Công tại Trung Quốc, khiến đây trở thành môn khí công phát triển nhanh nhất thế giới vào thời điểm đó. Mặc dù ĐCSTQ đã phát động chiến dịch đàn áp để “dập tắt” Pháp Luân Công, các tổ chức nhân quyền ước tính rằng hàng chục triệu người vẫn tiếp tục tu luyện trên khắp Trung Quốc. Hiện có khoảng hơn 100 triệu người ở 156 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang tu luyện Pháp Luân Công.
Ai là người sáng lập Pháp Luân Công?
Pháp Luân Công lần đầu tiên được công bố bởi ông Lý Hồng Chí. Là người gốc Trường Xuân, Trung Quốc và hiện đang sống tại Hoa Kỳ, ông Lý là người bốn lần được đề cử Giải Nobel Hòa bình và được Nghị viện Châu Âu đề cử Giải thưởng Sakharov về Tự do Tư tưởng. Ông cũng là người nhận Giải thưởng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Freedom House.
Tại sao Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc?
Mặc dù được Chính phủ Trung Quốc công khai ca ngợi và phổ biến rộng rãi trong suốt những năm 1990, một số nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch bạo lực chống lại Pháp Luân Công vào năm 1999. Họ đã làm như vậy vì sự phổ biến bùng nổ của Pháp Luân Công và vì họ cảm thấy sự nhấn mạnh của Pháp Luân Công vào lối sống đạo đức và văn hóa truyền thống Trung Quốc là mối đe dọa đối với Chế độ Cộng sản vô thần phần lớn bị chi phối bởi nỗi sợ hãi. Nhiều người trong cuộc cũng chỉ ra rằng nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ, Giang Trạch Dân, rất phẫn nộ trước sự phổ biến của Pháp Luân Công, lo sợ rằng điều đó sẽ làm mất đi sự chú ý vào nỗ lực xây dựng di sản lâu dài cho bản thân.
Sự khác biệt giữa Pháp Luân Công và Pháp Luân Đại Pháp là gì?
“Pháp Luân Công” chỉ là một tên gọi khác của “Pháp Luân Đại Pháp”, cả hai đều chỉ cùng một môn tu luyện Phật gia có nguồn gốc từ Trung Quốc. “Pháp Luân Đại Pháp” là tên gọi chính thức của môn tu luyện này, trong khi “Pháp Luân Công” là một thuật ngữ thường dùng hơn tại Trung Quốc.
Thu Yên (Dịch từ bản tiếng Anh: https://faluninfo.net/what-is-falun-gong-falun-dafa/ )