Giúp đỡ người khác chính là giúp bản thân mình

Lòng tốt, sự thiện lương, quan tâm và giúp đỡ người khác trong cuộc sống luôn là điều đáng được trân trọng. Tuy nhiên, lại có câu rằng: “Giúp đỡ người khác chính là giúp bản thân mình”. Câu này nên được hiểu như thế nào? Giá trị nhân văn của việc giúp đỡ người khác trong cuộc sống là gì? Chúng ta cùng đến với một góc nhìn mới về điều này.

William Arthur Ward (1921- 30/3/1994) – một nhà giáo dục có thành tựu người Mỹ, tác giả cuốn Fountains of Faith (Suối nguồn Niềm tin), có viết: “Lòng tốt không chỉ là hành động. Nó là thái độ, sự biểu cảm, cái nhìn, sự tiếp xúc. Nó là mọi thứ làm người khác ấm lòng. (Kindness is more than deeds. It is an attitude, an expression, a look, a touch. It is anything that lifts another person).

Có thể thấy lòng tốt có nội hàm rất rộng. Việc giúp đỡ người khác chính là một trong những biểu hiện cụ thể của lòng tốt – mang điều tốt đẹp đến cho người khác – là sự “cho đi” mang đầy tính nhân văn.

Giúp đỡ người khác chính là giúp bản thân mình
Ảnh minh họa: Giúp đỡ người khác chính là giúp bản thân mình (Nguồn: Internet)

Giúp đỡ người khác là nghĩa cử cao đẹp

Giúp đỡ về vật chất: Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Sự giúp đỡ về vật chất đúng lúc sẽ đem lại giá trị cao hơn nhiều lần so với chính thứ vật chất “cho đi” ấy bởi vì nó chứa đựng sự đồng cảm, thấu hiểu và Thiện tâm trong đó.

Giúp đỡ về tinh thần: Một ánh mắt cảm thông hay yêu thương, một lời động viên – khuyên nhủ hay một bờ vai vững chãi khi tinh thần suy sụp; một cái nắm chặt tay trong hoạn nạn, chông gai; hay đơn giản chỉ là sự lặng im khi cần thiết… hết thảy đều có thể làm cho ai đó có thể vượt qua được những thời khắc khó khăn trong cuộc đời, thậm chí là trước cả sự sống còn.

Giúp đỡ (Trợ giúp) về sức khỏe: Khi chỗ đau được một bàn tay xoa nhẹ, khi một người cao tuổi được ai đó nắm tay dắt qua đường, khi nằm bẹp vì ốm đau có ai đó mang đến cho bát cháo nóng, đặc biệt là khi một bộ phận thân thể hư hỏng được ai đó hiến tặng để thay thế và một cuộc đời được tái sinh…, đó là sự giúp đỡ, sự “cho – nhận” thiêng liêng có thể khiến bất kỳ ai đều thấy cảm động và sẽ khắc ghi.

Giúp đỡ người khác chính là giúp bản thân mình

Giúp đỡ người khác là một việc làm tốt đẹp, Thiện lương. Nó có ích không chỉ cho người được giúp đỡ mà nó thực sự có ích cho chính bản thân người giúp đỡ. Tại sao vậy?

Có một câu ngạn ngữ khá nổi tiếng của người Bungari: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Qua đó, có thể hiểu rằng, điều cho đi cũng là điều còn lại. Việc một người giúp đỡ người khác – “cho đi” – sẽ không chỉ để lại dấu ấn trong lòng người đón nhận mà còn để lại dư âm ngọt ngào trong trái tim của chính người trao tặng và nó có thể mang lại niềm hạnh phúc cho người ấy.

Người xưa thường nói: “Ở hiền gặp lành”.

Khi một người chân thành giúp đỡ người khác, người ấy sẽ không trông đợi rằng đến một lúc nào đó lại được nhận về. Tuy nhiên, những gì mà người ấy trao đi, “một cách tự nhiên” – theo đặc tính của vũ trụ, đã trở thành “của để dành” của người ấy. Nếu chẳng may họ gặp khó khăn, hoạn nạn thì sẽ có không ít những bàn tay chìa ra về phía họ – họ sẽ được giúp đỡ, chở che. Câu chuyện cổ tích “Thạch Sanh” chính là một ví dụ điển hình cho đạo lý ”Ở hiền gặp lành” đã được nhiều người biết đến.

Không chỉ vậy, những việc làm tốt đẹp trong hiện tại của một người còn lưu lại được cho họ một phần “Đức” trân quý để họ có thể được nhận “Phúc báo” trong những kiếp sau, bởi vì trong Phật giáo giảng: “Lục đạo luân hồi” – con người không phải chỉ có một kiếp nhân sinh này.

Trong Kinh Phật cũng giảng về “Luật nhân quả”. Những gì của ngày hôm nay chính là “Quả” của “Nhân” trong kiếp trước và là “Nhân” của “Quả” trong kiếp sau. Nếu một người trong đời này, kiếp này có thể làm nhiều điều tốt thì sẽ tích được nhiều “Đức” và đến đời sau sẽ được hưởng “Phúc” – sẽ có “Phúc báo”.

Người xưa cũng dạy: “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Vậy nên, phần “Đức” ấy còn có thể tạo “Phúc” cho cả con cháu của họ nữa. (Ngược lại, một người hay làm việc xấu thì sẽ tạo “Nghiệp” và sẽ phải nhận “Quả báo” trong tương lai và trong cả những kiếp sau).

Như vậy, có thể thấy rằng: “Giúp đỡ người khác chính là giúp bản thân mình”.

Giúp đỡ người khác là sự lan tỏa vẻ đẹp của “Chân-Thiện-Nhẫn” trong cuộc sống

“Chân-Thiện-Nhẫn” là Phật Pháp, là cảnh giới tư tưởng mà con người cần hướng tới. Vậy nên, khi một người giúp đỡ người khác, không vì danh tiếng của bản thân, không cầu nhận lại, không vì mục đích cá nhân (tư lợi), thì hành vi đó, trong một mức độ nhất định, có chứa đựng các giá trị “Chân-Thiện-Nhẫn”.

Giúp đỡ người khác là biểu hiện cụ thể của “Chân”. Đó là sự Chân thành xuất phát từ sự cảm thông, thấu hiểu và trái tim yêu thương đồng loại.

Giúp đỡ người khác là biểu hiện cụ thể của “Thiện”. Khi giúp đỡ một người chính là thể hiện sự Thiện lương, bao dung, sẻ chia và mong muốn mang điều tốt đẹp đến cho người khác.

Giúp đỡ người khác là biểu hiện cụ thể của “Nhẫn”. Một người giúp đỡ người khác chính là đang “thi ân” đối với người đó. Tuy nhiên, người “thi ân” không phải lúc nào cũng được nhận lại “sự đáp đền”, “báo ân” theo lẽ thông thường, thậm chí có thể bị hiểu nhầm (về động cơ “thi ân”). Khi đó, người “thi ân” cần phải có thể cảm thông và Nhẫn nhịn, bao dung.

Chân-Thiện-Nhẫn có thể làm cảm động lòng người. Nếu việc giúp đỡ người khác, lan tỏa vẻ đẹp “Chân-Thiện-Nhẫn” trở thành một hoạt động mang tính xã hội thì nó có thể giúp “cân bằng xã hội” – giảm bớt những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn. Không những vậy, nó còn có thể tạo nên sự thay đổi về đời sống tinh thần của toàn xã hội, giúp thay đổi nhân sinh quan của con người: con người sẽ sống với nhau chân thành hơn trong sự bao dung và lòng nhân ái.

Những hành vi giúp đỡ người khác là nghĩa cử cao đẹp, mang giá trị nhân văn sâu sắc và xứng đáng được tôn vinh trong xã hội.

Cho đi là còn mãi

Robert Anson Heinlein – một nhà văn khoa học viễn tưởng Mỹ, thường được gọi là “bậc thầy của các nhà văn khoa học viễn tưởng” – có viết: “Khi một người chết đi, anh ta nắm trong tay chỉ những gì mình đã cho đi khi còn sống”. (When a man dies, he clutches in his hands only that which he has given away during his lifetime).

Tuy vậy, việc “cho đi” – giúp đỡ người khác – cũng cần phải được thực hiện đúng cách, sao cho cả người trao và người nhận đều cảm thấy ấm lòng. Bởi vậy, nuôi dưỡng thiện tâm, sự chân thành, hòa ái, bao dung và học cách biết nghĩ cho người khác trong mọi hoàn cảnh chính là điều mà mỗi chúng ta đều nên gắng sức thực hiện mỗi ngày. Để rồi, ví như có một ngày nào đó, khi chúng ta cần trao hay nhận một sự giúp đỡ, chúng ta sẽ có thể thực hiện được việc ấy một cách tốt đẹp nhất, chứa đựng trong đó trọn vẹn sự Chân thành, Thiện lương và Nhẫn nhịn của mình, để xã hội của chúng ta sẽ ngày càng trở nên văn minh và hạnh phúc hơn.

Tác giả: Trí Huệ

Bài viết liên quan

Họ là những Thiên Thần

Họ là những người điên hay Thiên Thần?

“Nếu bạn nhìn thấy chân tướng, nghe thấy chân tướng, xin hãy đón nhận chân tướng, tin tưởng chân tướng và truyền rộng chân tướng. Đó là chìa khóa để bạn mở ra cánh cửa hạnh phúc, là chiếc thang giúp bạn thoát khỏi đau khổ ở địa ngục, và là hy vọng của bạn…