Theo cách nghĩ thông thường, “đạm bạc” chỉ sự giản dị, đơn sơ, không cầu kỳ, không khoa trương. Phải chăng hàm nghĩa của “đạm bạc” chỉ có thế? Có những người sống đạm bạc vì hoàn cảnh khó khăn, nhưng có những người dù rất khá giả, có “của ăn của để” vẫn chọn cách sống đạm bạc. Vậy tại sao những người sở hữu nhiều thứ như thế lại có thể sống “đạm bạc”? Bài viết “Đạm bạc là một loại mỹ Đức” gửi gắm một góc nhìn sâu hơn về hai chữ “đạm bạc” trong mối liên hệ với Đức và căn nguyên của sự “đạm bạc” đó.
Mục lục
Đức là gì?
Đức, hiểu một cách đơn giản, đó là lòng tốt.
Trong văn hóa cổ xưa, Đức mang nét nghĩa sâu hơn thế.
Cổ nhân từng nói “đức giả, đắc dã” (“thăng hoa đạo đức và nâng cao cảnh giới”) là ý nghĩa của chữ Đức chân chính. Như vậy, chữ Đức cổ mang hàm nghĩa là sự vươn lên cao, nói cho chúng ta rằng làm người căn bản phải chú trọng thăng hoa đạo đức và đề cao cảnh giới của sinh mệnh.
Với ý nghĩa sâu xa ấy, Đức không chỉ là một khái niệm đơn thuần về đạo đức, mà còn mang trong đó những đặc tính đặc biệt: Đức có thể biến hóa, chuyển hóa và có thể mang theo.
Đức có thể biến hóa: Đức có thể biến nỗ lực thành thành quả hay sự hưởng thụ, có thể biến khổ đau hiện tại thành phúc báo về sau.
Đức có thể chuyển hóa: Khi một người có được những thứ vốn không phải của mình thì người ấy phải dùng đức để bồi thường. Khi bản thân nhẫn chịu cơn tức giận của người khác, bị người khác chiếm hữu những lợi ích của mình, người khác cũng phải dùng đức để bồi thường cho mình.
Đức có thể mang theo: Có hai thứ mà con người luôn mang theo khi rời khỏi nhân gian và mang đến kiếp sau. Đức chính là một trong hai thứ đó. Vậy nên, có càng nhiều Đức thì các đời sau sẽ đắc được càng nhiều phúc báo.
Có thể thấy rằng, Đức tuy vô hình nhưng vô giá. Con người tuy không nhìn thấy Đức nhưng có thể cảm nhận được ảnh hưởng tốt đẹp từ Đức.
Tại sao nói Đạm bạc là một loại mỹ Đức?
Các câu chuyện về sự đạm bạc
Câu chuyện đầu tiên: “Đạm bạc” trong khốn khó là biểu hiện của bậc quân tử
Trong “Luận ngữ” có viết: Khổng Tử và các đệ tử ở một địa phương nọ của nước Trần, bị người nơi đó vây hãm, cắt nguồn lương thực, những người đi theo đều rất đói, không thể gượng dậy làm gì. Tử Lộ mặt đầy tức giận đi gặp Khổng Tử nói: “Quân tử mà cũng có khi bị cùng quẫn sao?” Khổng Tử đáp: “Quân tử đương nhiên cũng có lúc gặp khốn khó, nhưng vẫn có thể giữ vững tiết tháo. Còn kẻ tiểu nhân gặp khốn khó thì không thể ước thúc bản thân mà làm càn”.

Câu chuyện thứ hai: “Đạm bạc” trong giàu sang là biểu hiện của người đạo đức trong sạch – Tấm gương cổ xưa Trương Tri Bạch
Trương Tri Bạch là người Thương Châu, thời Bắc Tống. Ông đã thi đỗ Tiến Sĩ, làm quan đến chức Ngự Sử, sau đó đảm nhiệm chức vụ Tể Tướng. Sau khi qua đời, ông còn được truy tặng chức Thái Phó. Dù là người có quyền cao chức trọng, Trương Tri Bạch lúc bình thường sống rất thanh bạch và cần kiệm, cuộc sống cũng giản dị, chất phác giống như những người dân bình thường. Tuy vậy, tự bản thân ông vẫn cảm thấy vui vẻ và đầy đủ.
Trương Tri Bạch có nói: “Người ta nói rằng ‘Sống thanh bạch, đạm bạc thì sự vui vẻ được lâu dài hơn’. Với lương bổng của ta, ta có thể chu cấp cho cả gia đình được ăn ngon, mặc đẹp một cách dễ dàng. Nhưng ta thử nhìn qua sự thường tình của con người, từ cuộc sống cần kiệm đổi qua cuộc sống xa hoa thì rất dễ, nhưng từ lối sống giàu có mà đi trở lại lối sống giản dị, đạm bạc thì rất khó. Lương bổng của ta hôm nay có thể giữ được mãi mãi chăng? Thân thể của ta có thể giữ mãi như thế này chăng? Nếu người nhà của ta quen thói sống xa xỉ, một khi lương bổng của ta hết rồi, làm thế nào họ có thể lập tức hòa đồng với đời sống thanh đạm chứ? Giả sử ta có còn giữ chức vị hay không, còn sống hay không, thì cuộc sống của người nhà ta cũng không khác biệt, họ vẫn theo nếp sống bây giờ”.
Thực chất của đạm bạc
Từ hai câu chuyện trên, có thể thấy cả hai nhân vật đều có điểm chung, đó là họ vẫn sống vui vẻ, an lạc ngay cả trong “đạm bạc”. Vậy tại sao họ có thể sống an lạc trong “đạm bạc”? Có lẽ vì họ không có nhiều chấp trước. Giống như Khổng Tử biết ước thúc bản thân, coi nhẹ những chuyện nhỏ trong cuộc sống, nên dù trong hoàn cảnh thiếu thốn thì ông vẫn an bần, lạc đạo. Cũng vậy, Trương Tri Bạch coi nhẹ bạc tiền, biết tiết chế bản thân trước những cám dỗ của tiền tài, danh vọng nên dù sống “đạm bạc” thì ông vẫn cảm thấy an lạc.
Như vậy, không thể sống “đạm bạc” chẳng phải do trong tâm còn nhiều ham muốn, còn vướng bận nhiều bởi danh vọng – lợi lộc – tình ái hay sao? Nói cách khác, thực chất của đạm bạc chính là cái tâm kiền tịnh, có thể coi nhẹ hết thảy những gì không thuộc về “tự thân” của mình.
Đạm bạc là một loại mỹ Đức
Đối chiếu đạm bạc với hàm nghĩa của chữ “Đức” cổ xưa
Khi sống “đạm bạc”, ta bỏ được những tham vọng và ham muốn cá nhân, có thể xem nhẹ danh vọng – lợi lộc – tình ái, biết ước chế bản thân không làm điều xấu, từ đó nâng cao đạo đức của bản thân.
Khi tâm ta “đạm bạc”, ta bỏ được cái tôi cá nhân để nghĩ cho người khác trước, biết cách đối nhân xử thế, duy trì mối quan hệ hài hòa với những người xung quanh, từ đó người xung quanh cảm thấy gần gũi và có mong muốn được ở cạnh bên ta. Cuối cùng, họ cũng nhận được ảnh hưởng tích cực từ ta và họ có thể thay đổi để trở nên tốt hơn.
Như vậy, sự đạm bạc có thể giúp cả bản thân và người khác thăng hoa về đạo đức. Điều này phù hợp với ý nghĩa “làm người căn bản phải chú trọng thăng hoa đạo đức” của chữ Đức cổ phía trên.

Đối chiếu đạm bạc với đặc tính của Đức
Đức tuy vô hình nhưng vô giá. Sự đạm bạc cũng vậy – tuy vô hình, nhưng tạo ảnh hưởng tốt đẹp hữu hình. Nó giúp cả bản thân và người khác thay đổi cách sống và trở nên tốt hơn.
Đức có thể biến hóa, chuyển hóa và cũng có thể mang theo. Sự đạm bạc cũng thế. Khi sống đạm bạc, bản thân biết suy nghĩ đúng đắn theo tiêu chuẩn đạo đức, không làm việc ác, nên những điều tốt sẽ đến với mình – đó là sự biến hóa.
Đạm bạc giúp bản thân cởi bỏ nhiều tham vọng, biết nghĩ cho người khác, có thể khiến người khác thay đổi – đó là sức chuyển hóa lòng người.
Đạm bạc làm thanh thuần cái tâm, phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức chân chính – đó là điều ta có thể mang theo.
Lời kết
Nói “Đạm bạc là một loại mỹ Đức” là bởi “đạm bạc” xuất phát từ cái tâm kiền tịnh, giúp bản thân xem nhẹ danh vọng – lợi ích – tình ái, từ đó có thể giúp người khác thay đổi tâm của chính họ. “Đạm bạc” là sự thăng hoa đạo đức, có thể biến hóa-chuyển hóa-mang theo, tuy vô hình mà vô giá. Trong cuộc sống hiện đại, với danh lợi và tình ái bao quanh, tưởng chừng việc rèn luyện cái tâm “đạm bạc” là điều không thể. Nhưng kỳ thực, chỉ cần ta có một tiêu chuẩn cao để đối chiếu và rèn luyện đạo đức bản thân thì điều đó không phải không khả dĩ.
Khiết Tâm (t/h)