Mạn đàm về Trà đạo

Trong số hàng ngàn hàng vạn loại thực vật, duy chỉ có trà là có mối liên hệ với “Đạo” một cách thâm sâu, vậy nên mới gọi là “Trà Đạo”. Cũng giống như chữ Hán, trà có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng nó lại có sức ảnh hưởng ở khắp nơi trên thế giới. Là một thức uống thông thường, vì sao trà lại có ảnh hưởng lịch sử lớn như vậy, lại có thể nâng tầm vươn lên thành văn hóa, lại còn gắn liền với “Đạo” của tu luyện?

Nguồn gốc của Trà 

Trà là một thức uống được Thần truyền cho con người, nên trong trà có yếu tố Thiên-Địa-Nhân hợp nhất. Nói về nguồn gốc của trà, ở Trung Quốc xưa nay lưu truyền một truyền thuyết về Thần Nông như sau: “Thần Nông nếm thử trăm thứ cỏ, ngày trúng phải 72 thứ độc, nhờ trà mà giải được độc”. Tương truyền tổ tiên Thần Nông của người Trung Quốc có một cái bụng trong suốt như thủy tinh, bất kỳ thứ gì ăn vào cũng đều có thể thấy rõ ràng. Lúc đó, con người đang trong trạng thái nguyên thủy, dù là thịt cá hoa quả đều ăn sống nuốt tươi, nên tất nhiên là thường mắc bệnh. Truyền thuyết kể rằng Thần Nông vì để giúp đỡ loài người, bèn lợi dụng cái bụng thủy tinh của mình để nếm thử trăm thứ cỏ, nhìn xem những thứ đó sau khi ăn vào trong bụng sẽ xảy ra biến hóa như thế nào. Quanh năm suốt tháng ông trèo đèo lội suối. Có một ngày, khi Thần Nông gặp một loài cây lá xanh hoa trắng, thì ăn thử lá của loài cây ấy. Thật kỳ lạ, sau khi ăn lá, ông phát hiện trong dạ dày phát sinh biến hóa kỳ diệu. Những chiếc lá ấy chẳng những lưu chuyển trong ruột từ trên xuống dưới, gột tẩy sạch sẽ những thứ đồ ăn thừa, mà sau khi ăn vào miệng còn có mùi hương, cảm giác thơm ngọt. Phát hiện tác dụng giải độc của loại lá cây này, Thần Nông vô cùng mừng rỡ. Thần Nông cho rằng phát hiện ra trà ấy là do Thiên Thần cảm động, niệm tình ông tuổi già tâm thiện, khổ công hái thuốc chữa bệnh cho con người, nên ban tặng ông lá ngọc ấy để cứu giúp chúng sinh. Thế là Thần Nông cảm ơn Trời xanh, đồng thời càng chăm chỉ đi thu thập thảo dược. Sau này, mỗi lần nếm phải cỏ độc, ông dùng loại lá này để giải độc. Bởi loại lá xanh này giống như một vị lương y, kiểm tra và gột tẩy cho cái bụng của Thần Nông, nên ông bèn gọi loại lá xanh ấy là “Tra” (nghĩa là kiểm tra). Sau này người ta biến đổi chữ ấy thành “Trà”. Đó chính là nguồn gốc của Trà.

Tranh Thần Nông nếm bách thảo
Tranh Thần Nông nếm bách thảo (Nguồn chanhkien.org)

Tác dụng của Trà

Trà có tác dụng giải khát, làm tinh thần và trí óc tỉnh táo, lợi tiểu giải độc. Sau đó trà dần dần được khai thác, thu thập và gieo trồng, được người ta dùng làm một loại diệu dược dưỡng sinh. Như thế, trà dần dần được con người hiểu rõ. Ngoài tác dụng làm thuốc, người ta còn dùng nó làm đồ cúng tế, làm đồ ăn thức uống. Sau khi được cải biến nhiều lần qua các thời đại, hình thành loại trà có hương vị mà chúng ta thưởng thức hôm nay. Vì vậy, trà là vị thuốc hay mà tổ tiên Thần Nông đã phát hiện, là thiện tâm cảm động trời xanh của ông ấy đã được Trời cao hồi đáp. Thần cố ý để cho Thần Nông phát hiện ra trà và lưu lại cho hậu thế, tạo phúc cho nhân loại.

Bàn trà trong văn hóa thưởng trà của người xưa
Bàn trà trong văn hóa thưởng trà của người xưa (Nguồn chanhkien.org)

Hán tự chữ Trà

Chữ “茶” (Trà) trong tiếng Hán được cấu thành từ bộ Thảo (艹), Nhân (人), Mộc (木) và Nhất (一). Trong đó bộ Thảo (艹) là chỉ nói về thiên nhiên, cỏ cây. Bộ Nhân (人) chỉ người làm trà, người dùng trà và con người nói chung. Bộ Mộc (木) chỉ về một loại cây trong tự nhiên, còn bộ Nhất (一) chính là Đạo, là cân bằng. Thông qua Hán tự chữ Trà, người xưa muốn truyền tải thông điệp: Trà là một loại cây giúp con người cân bằng, hòa hợp với thiên nhiên.

Hán tự chữ Trà
Hán tự chữ Trà (Nguồn Pinterest.com)

Đạo của Trà

Thời Đường có người tên là Lục Vũ, thông qua việc quan sát nghiên cứu về trà nhiều năm, đã viết thành một quyển “Trà kinh”, tổng kết ra một danh mục các loại trà, phương pháp chọn trà, đun trà, nếm trà, còn xây dựng cho nghệ thuật uống trà một loại nội hàm văn hóa sâu sắc, hình thành nên trà đạo nguyên sơ. Người đời sau tôn xưng Lục Vũ là “Thánh trà”.

Văn hóa trà đạo có đặc điểm thể hiện truyền thống văn hóa tinh thần phương Đông, là sự kết hợp của “Trà” với “Đạo”. Bởi vì “Đạo” thể hiện phép tắc và quy luật của vũ trụ và nhân sinh, nên người Trung Quốc xưa không tùy tiện nói về Đạo, cho rằng ấy là điều vô cùng cao thâm, không thể nói rõ ràng ra được. Văn hóa Trà đạo là một loại văn hóa “Trung gian”, lấy trà làm phương tiện truyền đạt, kế thừa tinh thần của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Thời Đường có Lưu Trinh Lượng trong tác phẩm “Ẩm trà thập đức” cũng sáng suốt đưa ra: “Dùng trà có thể hành Đạo, dùng trà có thể đạt được chí khí thanh cao”. Như vậy, Trà Đạo là gì?

Bề ngoài mà nói chính là do ở “Trà lễ, trà quy, trà pháp, trà kỹ, trà nghệ, trà tâm” – sáu việc này cấu thành nên, gọi là “Trà đạo lục sự”. Tu tập Trà Đạo chính là thông qua “Trà đạo lục sự” ấy mà chứng ngộ được tinh thần của trà đạo. Nhìn bề ngoài thì tu tập Trà Đạo có vẻ là “Kỹ năng”, nhưng cần phải tu tập Trà tâm, tiếp theo còn phải bắt đầu tu tập trà kỹ, cần phải hiểu được đạo lý này mới có thể đàm luận về Trà Đạo được.

Trà đạo nghiên cứu “Hòa tĩnh di chân”, lấy “Tĩnh” để đạt tới trạng thái Tâm Không, gột sạch những kiến giải sai lầm, sáng tỏ con đường phải đi để đạt Đạo. Cái “Tĩnh” trong “Tĩnh Hư” này, phải chăng có nghĩa là từ đầu tới cuối cần phải “Tĩnh” để đạt được sự nghiêm túc trang trọng? Đương nhiên không phải như vậy. Nói đến cái “Tĩnh Hư” này, trong Văn hóa Trà đạo Trung Quốc thực chất là nói về sự tĩnh lặng của thế giới tâm hồn, đến mức tĩnh lặng với mọi hoàn cảnh bên ngoài. Chỉ cần tâm hồn của bản thân không mất đi “Hư tĩnh”, thì uống trà cũng được, nói cười cũng được, nghe nhạc cũng được, xem kịch cũng được, không có gì là không thể được. Trước khi nếm trà, cần buông bỏ những phiền muộn, những điều cố chấp trong lòng, tĩnh tâm lại, bắt đầu tiến vào cảnh giới thẩm mỹ nếm trà, lặng lẽ lĩnh hội sắc của trà, hương của trà, vị của trà, hình tượng của trà… , từ đó mà tĩnh lặng quan sát, nghĩ lại về cuộc sống nhân sinh, bồi dưỡng tâm tính, đạt tới cảnh giới “Tĩnh Không” trong tâm hồn, nhận thức được cái đẹp của “Tĩnh Hư”.

Đạo thưởng trà của cổ nhân
Đạo thưởng trà của cổ nhân (Nguồn Internet)

Tu hành Trà Đạo quan trọng nhất là tu tâm dưỡng tính, từ vị đắng của trà mà nhìn thấu được nhân sinh, tĩnh lặng mà xem sự biến hóa của nó, tâm tính linh hoạt kỳ ảo, trong cuộc sống thường ngày thấy được chân tướng sự thật, cuối cùng có thể buông bỏ được sướng khổ của đời người, thấu triệt triết lý của nhân sinh, sự ảo diệu của vũ trụ, từ đó mà phản bổn quy chân (quay trở về nguồn cội). Vì vậy mà Thần đã trao cấp cho con người trong mỗi ngành nghề, trong mỗi loại văn hóa đều có thể giúp người ta tu luyện tâm tính, nâng cao cảnh giới của sinh mệnh. Bởi vì trong mắt của Thần, con người căn bản không phải là sống tại thế gian để làm người, mà là có ý nghĩa rất thâm sâu hàm chứa bên trong. Thần mỗi thời khắc đều cố gắng thức tỉnh con người một cách lặng lẽ, che chở cho con người, hy vọng con người có thể chân chính bước đi trên con đường thành Thần.

Viên Minh s/t (Nguồn: tại Minh Huệ Net)

Bài viết liên quan

Lục nghệ trong văn hóa Trung Quốc: Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số

Lục nghệ trong văn hóa truyền thống

Lục nghệ trong văn hóa Trung Quốc: Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, vào thời Chu là khóa học công phu bắt buộc của tầng lớp quý tộc, cũng là sáu loại kỹ nghệ mà quân tử thời xưa cần học. Sách "Chu Lễ ▪ Địa Quan ▪ Bảo Thị" có ghi chép : “Bảo…
Bức tranh Chấn động

Vì sao Triển lãm Nghệ thuật “Chân-Thiện-Nhẫn” chạm đến trái tim?

“Thông qua tu luyện, tâm và thân của họ đã dần dần đồng hóa với đặc tính “Chân-Thiện-Nhẫn”. Do vậy, các Tác phẩm Nghệ thuật đã tỏa ra năng lượng tích cực, có khả năng thức tỉnh lương tri, đánh thức điều thẳm sâu trong sinh mệnh của con người và đem đến cho người…