Mạn đàm về Tết truyền thống

Tết là ngày hội truyền thống long trọng nhất và đặc sắc nhất trong dân gian Trung Quốc và Á Đông. Tương truyền ngày Tết bắt nguồn từ lịch Vạn Niên (trong tiếng Trung, ngày Tết gọi là “Quá niên” – Qua năm mới).

Nguồn gốc của ngày Tết truyền thống

Tương truyền vào thời viễn cổ, con người tuy rằng đã biết một năm có bốn mùa, nhưng việc phân ra các tiết khí không chuẩn xác. Khi đó, một người tên là Vạn Niên muốn tính toán và điều chỉnh lại tiết khí, nên ông đã nghĩ đủ mọi phương pháp để tính toán thời gian. Một ngày nọ, ông lên núi đốn củi, trong lúc ngồi dưới bóng cây nghỉ ngơi, ông quan sát thấy sự dịch chuyển của bóng cây dưới ánh nắng, nhờ đó ông đã dựa vào bóng ảnh mặt trời và thiết kế ra chiếc đồng hồ mặt trời có thể tính toán chính xác giờ trong ngày. Về sau, nhờ sự gợi mở từ những giọt nước chảy tí tách trên vách núi, ông đã bắt tay vào làm ra một chiếc đồng hồ nước năm tầng để tính toán thời gian. Sau nhiều lần tính toán lặp đi lặp lại như vậy, Vạn Niên phát hiện rằng cách nhau hơn 360 ngày sẽ bắt đầu một vòng lặp lại của bốn mùa, độ dài ngắn trong một ngày sẽ lặp lại một lần. Vua Tổ Ất khi đó biết được việc này thì rất vui mừng. Ông đã cho tu sửa Lầu Nhật Nguyệt ở trước đàn tế Trời, đồng thời xây dựng Đài Nhật Quỹ (đồng hồ mặt trời) và Đình Lậu Hồ (đồng hồ nước), hy vọng Vạn Niên có thể đo được chuẩn xác quy luật của mặt trăng và mặt trời cũng như thời gian của ngày và đêm.

Tín ngưỡng ngày Tết của người Việ
Tín ngưỡng ngày Tết của người Việt (Nguồn danangprivatecar.com)

Mười mấy năm trôi qua, một lần trong lúc Tổ Ất bước lên đàn Nhật Nguyệt, ông nhìn thấy bức bích họa trên vách có khắc một bài thơ:

Nhật xuất nhật lạc tam bách lục,
Chu nhi phục thuỷ tòng đầu lai;
Thảo mộc khô vinh phân tứ thời,
Nhất tuế nguyệt hữu thập nhị viên.

Dịch nghĩa:

Mặt trời mọc rồi lặn 360 lần,
Cứ như vậy mà lặp lại tuần hoàn;
Cỏ cây héo khô rồi xanh tốt phân làm bốn mùa,
Một năm thì có 12 lần trăng tròn.

Biết được Vạn Niên đã thành công trong việc sáng lập nên hệ thống Lịch Pháp, Vua Tổ Ất đích thân lên Lầu Nhật Nguyệt để thăm hỏi Vạn Niên. Lúc này, Vạn Niên đã râu tóc bạc phơ, chỉ lên bầu trời và nói với vua Tổ Ất rằng: “Hiện tại chính là lúc trăng đã tròn 12 lần, năm cũ đã qua, năm mới lại đến. Thỉnh cầu Quốc vương định ra một lễ tiết”. Vua Tổ Ất nói: “Vậy hãy gọi thời khắc đầu năm mới này là Quá niên (Đón Tết) đi”. Như vậy ngày Tết đã được định ra. Để kỷ niệm công tích của Vạn Niên, vua Tổ Ất đã đổi tên lịch Thái Dương (lịch mặt trời) thành “lịch Vạn Niên”, đồng thời phong cho Vạn Niên là “Nhật Nguyệt thọ tinh”. Nghe nói, hiện nay hình ảnh ông Thọ mà mọi người treo trong nhà vào mỗi dịp Tết đến chính là hình của ông Vạn Niên đức cao vọng trọng.

Truyền thuyết về năm mới

Ngoài câu chuyện về nguồn gốc ngày Tết, ở Trung Quốc còn lưu truyền một truyền thuyết về năm mới. Thời cổ đại ở Trung Quốc có một loại quái thú tên là “Niên”, đầu dài sừng nhọn, hung mãnh dị thường. “Niên” sống quanh năm ở sâu dưới đáy biển. Mỗi khi tới giao thừa, nó lại lên bờ ăn súc vật và làm hại con người. Thành thử mỗi khi tới giao thừa, người dân các thôn làng lại dìu già dắt trẻ trốn vào nơi núi sâu để tránh bị “Niên” hại.

Một đêm giao thừa nọ, khi mọi người đều đang vội vàng thu dọn đồ đạc trốn vào núi sâu, thì ở phía Đông thôn có một ông lão tóc bạc đi tới. Ông lão nói với gia đình một bà lão rằng chỉ cần cho ông ở nhà bà một đêm, ông nhất định có thể đuổi “Niên” đi. Mọi người đều không tin, bà lão khuyên ông lên núi tránh đi thì tốt hơn, nhưng ông lão vẫn kiên trì ở lại, mọi người thấy khuyên ông lão không được, liền hối hả lên núi lánh nạn.

Khi quái thú “Niên” chuẩn bị xông vào trong thôn tàn sát bừa bãi như những năm trước, thì đột nhiên có tiếng pháo nổ vang lên. “Niên” toàn thân rủi rẩy, không dám tiến về phía trước nữa, thì ra quái thú “Niên” sợ nhất là màu đỏ, ánh lửa và tiếng nổ. Đúng lúc đó, cửa lớn mở rộng, chỉ thấy trong sân có một ông lão trên người khoác chiếc áo lụa màu đỏ đang cười lớn, thú “Niên” sợ quá liền bỏ chạy.

Ngày hôm sau, khi mọi người từ núi sâu quay trở lại thôn, thì phát hiện trong thôn bình yên vô sự. Lúc này mọi người mới bừng tỉnh hiểu ra mọi chuyện, thì ra ông lão tóc bạc chính là Thần Tiên tới giúp con người xua đuổi thú “Niên” đi. Đồng thời, mọi người còn phát hiện ra ba loại pháp bảo mà ông lão đầu bạc đã dùng để đuổi “Niên”. Từ đó về sau, mỗi năm vào giao thừa, nhà nhà đều dán câu đối màu đỏ, đốt pháo, thắp đèn sáng rực rỡ và thức đêm để đón chào năm mới. Phong tục này ngày càng được lan truyền rộng rãi và Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Quá Niên (Đón Tết) đã trở thành ngày lễ tết truyền thống long trọng nhất của người dân Trung Quốc.

Cúng ông Táo

Tranh vẽ Táo Quân.
Tranh vẽ Táo Quân. (Nguồn epochtimesviet.com)

Ngày 23 tháng Chạp còn gọi là “Tiểu niên”, tục ngữ gọi: “Nhị thập tam, tế táo quan”. Tập tục xưa ngày 23 tháng Chạp Nông lịch là ngày cúng tế ông Táo. Nghe nói rằng vào ngày này, các Táo vương gia đều lên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Đại Đế về thiện ác của gia chủ, để cho Ngọc Hoàng Đại Đế thưởng phạt. Ngọc Hoàng Đại Đế căn cứ theo Táo vương gia báo cáo, lại đem vận mệnh cát hung họa phúc của nhà này trong năm mới và đưa cho Táo vương gia nắm giữ.

Tảo trần – Quét bụi

Sau khi cúng ông Táo, cho đến thời khắc giao thừa ngày 30 tháng Chạp là chính thức khởi đầu chuẩn bị bước sang năm mới, dân gian gọi khoảng thời gian trước giao thừa này là “Nghênh xuân nhật” (Ngày đón xuân), cũng gọi là “Tảo trần nhật” (Ngày quét bụi). Tảo trần chính là tổng vệ sinh cuối năm, phương Bắc gọi là “Tảo phòng” (Quét nhà), phương nam gọi là “Đạn trần” (Quét bụi). Trước Tảo trần, người dân trong nước có tập quán truyền thống riêng. Theo cách nói dân gian: vì ‘trần’ 尘 (bụi) và ‘trần’ 陈 (cũ) cùng âm “trần”, tảo trần dịp năm mới có hàm ý là “loại bỏ cái cũ, đón tiếp cái mới”, dụng ý là phải đem hết thảy “vận nghèo”, “vận đen” quét hết ra cửa. Tập tục này nhắn gửi nguyện vọng “phá cựu lập tân” (phá đi cái cũ lập nên cái mới) và ước nguyện “từ cựu nghênh tân” (từ biệt cái cũ nghênh đón cái mới) của mọi người.

Xin câu đối Tết
Xin câu đối Tết (Nguồn danangprivatecar.com)

Bái niên – Chúc Tết

Bái niên (Chúc Tết) là tập tục truyền thống dân gian, là mọi người “từ cựu nghênh tân” (từ biệt cái cũ nghênh đón cái mới) là một phương thức biểu đạt mong ước mỹ hảo cho nhau. Chúng ta thông thường đều biết là vào ngày mùng 1, Gia trưởng (thường là cha mẹ) sẽ dẫn tiểu bối (người vai dưới, thường là con cái) xuất môn đi gặp thân thích, bạn bè, tôn trưởng (người bề trên), lấy lời tốt lành chúc mừng năm mới họ, trẻ nhỏ tụ lại cúi đầu hành lễ, gọi là Bái niên (chúc Tết). Chủ nhà sẽ dùng điểm tâm, kẹo mứt, bao lì xì (tiền mừng tuổi) nhiệt tình khoản đãi.

Áp tuế tiền – Tiền mừng tuổi

Em bé cầm phong bao lì xì đỏ.
Em bé cầm phong bao lì xì đỏ. (Nguồn epochtimesviet.com)

Lúc chúc Tết, trưởng bối phải chuẩn bị trước Áp tuế tiền (tiền mừng tuổi) để phân phát cho vãn bối. Nghe nói Áp tuế tiền 压 岁 钱 (tiền dằn tuổi, tiền mừng tuổi) còn có thể ngăn chặn tai họa, bởi vì Áp 压 có nghĩa là ép, dằn, còn có nghĩa là chặn lại, chữ Tuế (tuổi) 岁 và Túy (tai họa) 祟 đồng âm (ㄙㄨㄟˋ), nên ngoài ý nghĩa tiền dằn tuổi, mừng tuổi còn có ý là ngăn chặn tai họa, vãn bối được tiền lì xì có thể bình an suốt năm. Tiền mừng tuổi có hai loại: một loại là dùng dây màu thắt thành hình rồng, đặt ở chân giường. Một loại khác thường thấy nhất là gia trưởng cho tiền vào bao giấy đỏ phân phát cho trẻ. Ngoài ra, còn có một loại tiền lì xì rất ý nghĩa, đó là do vãn bối tặng cho lão nhân (Tuế chính là tuổi tác, số tuổi, thêm tuổi), ý là mong mỏi lão nhân trường thọ.

Tập tục mùng 5 Tết

Thương gia nghỉ ngơi từ mùng 1 đến mùng 4, mùng 5 khai trương, cũng có người khai trương mùng 2; chủ tiệm thường hay dán câu đối lên cột nhà: “Khai thị đại cát, Vạn sự hanh thông” từ ngữ đại cát đại lợi các loại, mà cách thức đa số là dùng loại giấy đỏ chữ vàng; khi người khách đầu tiên tới tiệm thì vui mừng hớn hở hô to một tiếng: “Thần Tài gia đã đến!” Thương gia bất luận là quản lý hay là người phục vụ, mặt mày đều tươi cười đón chào, hiện ra bộ dạng vui mừng phấn khởi, cũng chính là có ý muốn cát lợi mà thập phần chú trọng.

Ý nghĩa Tết truyền thống

Người xưa có giá trị quan truyền thống, tôn kính Thần Phật, tin rằng “trên đầu ba thước có Thần linh”. Rất nhiều sự kiện truyền thống trong một năm được người xưa dùng các phương thức khác nhau để biểu đạt lòng kính ngưỡng đối với Thần Phật, cảm tạ Thần Phật đã phù hộ cho con người. Ngày Tết truyền thống biểu đạt điều này một cách sâu sắc và rõ rệt.

Ngày Tết sung túc
Ngày Tết sung túc (Nguồn danangprivatecar.com)

Ngoài ra, ngày Tết truyền thống còn đảm nhận nhiệm vụ giáo hoá đạo đức đối với quần chúng nhân dân, cũng có thể nói là một dạng ước thúc đạo đức đối với dân chúng, mà những ước thúc này lại sẽ biểu hiện ở trong cuộc sống thường ngày của người ta, trở thành một bộ phận của đạo đức luân lý trong cuộc sống của mọi người. Ví dụ: Đêm giao thừa, con cái cháu chắt phải hối hả về nhà đoàn tụ với ông bà cha mẹ, ngày mồng một phải cúng bái Thần linh, tổ tông, chúc Tết ông bà cha mẹ; “Tết Nguyên Tiêu” phải mở cửa nhà thờ tổ cùng họ hàng thắp hương, phải dẫn cháu trai cháu gái đi xem hội hoa đăng, đoán câu đố, ăn các món trong Tết Nguyên Tiêu v.v.. Tất cả mọi người đều phải tuân theo quan hệ luân lý này, tuân thủ yêu cầu đạo đức của nội hàm ấy. Hành sự phải phù hợp với đạo lý, phải thể hiện sự hoà hợp giữa người với tự nhiên, chú trọng sự sống. Hơn nữa những lý niệm về giá trị như “Trung, Hiếu, Thành, Tín, Lễ, Nghĩa” trong văn hoá truyền thống cũng sẽ thể hiện đầy đủ trong các hình thái biểu hiện của ngày Tết truyền thống. Ngày Tết truyền thống chính là dùng hình thức biến hoá âm thầm như thế để triển hiện văn hoá tinh thần của dân tộc, kính Thiên tín Thần, đền ơn đáp nghĩa, khiến người ta trong ngày Tết cảm nhận được sức mạnh của đạo đức truyền thống, để tâm hồn được tịnh hoá, cảnh giới tư tưởng được thăng hoa.

Viên Minh (t/h)

Bài viết liên quan

Bức tranh Chấn động

Vì sao Triển lãm Nghệ thuật “Chân-Thiện-Nhẫn” chạm đến trái tim?

“Thông qua tu luyện, tâm và thân của họ đã dần dần đồng hóa với đặc tính “Chân-Thiện-Nhẫn”. Do vậy, các Tác phẩm Nghệ thuật đã tỏa ra năng lượng tích cực, có khả năng thức tỉnh lương tri, đánh thức điều thẳm sâu trong sinh mệnh của con người và đem đến cho người…
Ảnh chụp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại Gandhara

Câu chuyện cổ Phật gia về 500 năm luân hồi do ác khẩu

Trong Phật giáo, "ác khẩu" hay còn gọi là “ác ngữ” là một trong bốn điều bất thiện thuộc về lời nói (vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu). "Ác khẩu" nghĩa là dùng lời lẽ ác độc, chỉ trích, phỉ báng, gây đau khổ cho người khác. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp…