Giai điệu đầy sức lan tỏa của cây đàn Cầm

Một bức họa của Trần Hồng Thu về một người đàn ông bên cây đàn Cổ Cầm
Một bức họa của Trần Hồng Thu về một người đàn ông bên cây đàn Cổ Cầm (Ảnh: Wikipedia)

Cầm, kỳ, thi, họa vốn là những loại hình nghệ thuật của bậc quân tử Trung Quốc xưa nay, trong đó Cổ cầm là nhạc cụ mà người quân tử Trung Quốc cổ đại thường mang theo bên mình, là biểu tượng của thánh hiền và quân tử.

Âm nhạc Cổ cầm chứa đựng văn hóa truyền thống Trung Hoa vừa sâu vừa rộng, phản ánh tinh thần yên tĩnh và nho nhã, điềm đạm và trung hậu, theo đuổi cảnh giới tĩnh mịch cao xa. Người xưa trọng phẩm hạnh, mọi việc đều trọng dùng cái tâm. Việc tìm hiểu về đàn Cổ cầm có thể mang đến những gợi mở cho thế nhân.

Đàn Cầm Trung Hoa (còn gọi là đàn Cổ Cầm, hay Tam Thập Lục) không chỉ là một nhạc cụ âm nhạc để biểu diễn. Nó có một lịch sử lâu đời, mang những ý nghĩa văn hóa phong phú và uyên thâm. Các học giả và các nhà lãnh đạo cổ đại coi nó là thể hiện của những điều lý tưởng về tu dưỡng bản thân, sự hài hòa trong gia đình, tài thao lược và ổn định xã hội. Nó là biểu tượng của đời sống tri thức. Trong cuốn “Lễ Ký” có chép rằng: “Kẻ văn sỹ không tự nhiên mà rời chiếc Cầm hay chiếc đàn Sắt (một loại nhạc cụ âm nhạc lớn có dây) của mình.” Khổng Tử cũng từng nói: “Say mê trong thi ca, nguyên tắc trong lễ tiết, tài hoa trong âm nhạc”.

Bản thân cổ cầm là một tiểu vũ trụ; đàn dài ba thước sáu tấc năm phân, đại biểu cho một năm có 365 ngày
Bản thân cổ cầm là một tiểu vũ trụ; đàn dài ba thước sáu tấc năm phân, đại biểu cho một năm có 365 ngày (Ảnh: Wiki)

Cổ cầm tương truyền do vua Phục Hy sáng tạo ra, chế theo thân hình phượng hoàng, chiều dài tượng trưng 365 ngày trong năm, ban đầu có 5 dây, tượng trưng ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Văn vương (một vị vua thời nhà Chu) sau này để tưởng nhớ con trai trưởng Bá Ấp Khảo nên đã tăng thêm 1 dây. Lúc Võ vương (là vị vua sáng lập triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc cổ đại) đánh Trụ, để tăng sĩ khí, lại tăng thêm 1 dây, do đó Cổ cầm còn có tên “Văn Võ thất huyền cầm”.

Cổ cầm có 3 loại âm, tán âm, phiếm âm và án âm, đều rất yên tĩnh. Tán âm trầm mà khoáng đạt xa xôi, gợi nhớ về thời viễn cổ. Phiếm âm như những âm thanh của thiên nhiên, gợi cảm giác thanh lạnh như vào cõi tiên. Án âm rất phong phú, những âm thanh mềm mại tinh tế du dương, lúc như tiếng người, có thể cùng đàm luận, lúc như sợi tơ lòng, thăm thẳm nhiều sắc thái. Phiếm âm như trời, án âm như người, tán âm như đất, hợp thành tam tài: thiên – địa – nhân, do đó Cổ cầm có thể biểu lộ tâm tư tình cảm của con người, biểu đạt đạo lý của trời đất vũ trụ.

Cổ cầm - báu vật của Trời Đất
Cổ cầm – báu vật của Trời Đất (Ảnh: Internet)

Âm thanh Cổ cầm rất độc đáo, nghe nhạc Cổ cầm cảm thấy yên tĩnh du dương xa xôi. Đặc điểm lớn nhất của Cổ cầm là “Tĩnh”, tiếng đàn Cầm được gọi là “Âm thanh cổ đại”, âm thanh Cổ cầm là “Tiếng của trời đất”. Chơi Cổ cầm cần phải có môi trường yên tĩnh và tâm cảnh yên tĩnh.

Chơi đàn Cầm là luôn hướng đến quan điểm nghệ thuật – thưởng thức ý nghĩa nội hàm hơn là chỉ dừng lại ở sự hoàn hảo trong kỹ thuật. Nó vượt ra khỏi biên giới của âm nhạc; hiện thân cho sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, cho khái niệm về vũ trụ: giữa mối quan hệ của Trời và người, quan niệm về cuộc sống và đạo đức. Bởi thế nó trở thành một công cụ để để tu dưỡng phẩm chất đạo đức của một người, giác ngộ tới những chân lý cao hơn, và khai sáng cho con người. Các học giả gọi đó là Đức hạnh của đàn Cầm hay là Đạo của đàn Cầm.

Trong cuốn “Chỉ dẫn về đàn Cầm” của Thái Ung, ông nói: “Thời xưa, Phục Hy làm ra cây đàn Cầm để kiềm chế bản thân khỏi lầm lạc và chống lại sự tăng trưởng của dục vọng, như vậy một người có thể tu luyện một cách có lý trí và trở về bản nguyên đích thực của mình”. Trong “Nhạc Ký”, một bản ghi chép cổ về âm nhạc có đoạn viết: “Đạo hạnh là ngay thẳng nhất trong tự nhiên, và người chơi nhạc là cao quý nhất trong Đạo hạnh”. Đạo hạnh là bản tính tự nhiên của con người, và âm nhạc là sự thăng hoa của Đạo hạnh. Âm nhạc trong một cảnh giới cao chính là hiện thân của Đạo Trời. Khi thưởng thức âm nhạc, người ta được thấm nhuần trong đạo đức và được nâng cao về cảnh giới tư tưởng.

Có 6 điều kị: nghe đau thương, khóc lóc, việc chuyên tâm, lòng phẫn nộ, giới dục và kinh sợ, và có 7 lúc không chơi đàn: mưa to gió lớn, đau buồn cực độ, áo mũ không chỉnh tề, say rượu loạn tính, không sạch hoặc gần cái dơ bẩn, không thơm hoặc gần với cái suồng sã, không hiểu âm nhạc hoặc gần với cái dung tục. Gặp những cái này đều không chơi đàn.

Đàn Cầm phương Bắc
Đàn Cầm phương Bắc (Ảnh: Internet)

Thời cổ, đàn Cầm là một nhạc cụ không thể thiếu được mà một người nam nhi phải học và rèn luyện. Người nhạc công phải chơi đàn với một tư tưởng chính trực và suy nghĩ ngay thẳng để đạt tới sự hài hoà giữa bản thể và tâm hồn. Trong lịch sử, nhiều người chơi đàn Cầm có được những phẩm cách cao quý, tiết hạnh và liêm khiết. Họ thường thể hiện sự lịch thiệp cao quý, và chơi đàn với sự kính trọng trong một khung cảnh thiên nhiên trang nhã. Dù trong một khung cảnh hỗn loạn, một người vẫn có thể giữ được tâm thanh thản, ung dung chơi đàn, giống như Đào Uyên Minh (220 – 589 SCN) đã miêu tả thì cảnh giới của người ấy hẳn đã rất cao rồi:

Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên.
Vấn quân hà năng nhĩ,
Tâm viễn địa tự thiên.

Diễn nghĩa:

Tự dựng một túp lều tranh tại cõi người
Mà lại không bị làm phiền bởi tiếng ồn ào của ngựa xe.
Hỏi sao có thể làm được như vậy,
Tâm ở xa thì đất tự dời theo.

Tâm hồn là trung tâm để chơi đàn Cầm. Một tâm hồn chính trực sẽ làm nên âm nhạc chính trực. Một tâm hồn cao cả làm nên âm nhạc với ý tứ sâu xa, rung động tới tận tâm can của người thưởng thức, khiến người ta cảm động, làm cho họ hiểu và hòa vào giá trị đạo đức của âm nhạc, tâm tình và sự phóng khoáng của người nhạc công. Nó là một thứ nghệ thuật của tự nhiên.

Ý nghĩa của Cổ cầm vượt lên trên âm nhạc thông thường, trở thành biểu tượng về văn hóa truyền thống và lý tưởng nhân cách của người Trung Quốc, nó mang nội hàm về đạo đức, là sự kết nối tâm hồn giữa người với người, là để người ta dùng tâm hồn trong sáng, thiện hảo mà cảm hóa khắp nơi./.

Huệ Huệ (t/h)

Bài viết liên quan

Bức tranh Chấn động

Vì sao Triển lãm Nghệ thuật “Chân-Thiện-Nhẫn” chạm đến trái tim?

“Thông qua tu luyện, tâm và thân của họ đã dần dần đồng hóa với đặc tính “Chân-Thiện-Nhẫn”. Do vậy, các Tác phẩm Nghệ thuật đã tỏa ra năng lượng tích cực, có khả năng thức tỉnh lương tri, đánh thức điều thẳm sâu trong sinh mệnh của con người và đem đến cho người…
Ảnh chụp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại Gandhara

Câu chuyện cổ Phật gia về 500 năm luân hồi do ác khẩu

Trong Phật giáo, "ác khẩu" hay còn gọi là “ác ngữ” là một trong bốn điều bất thiện thuộc về lời nói (vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu). "Ác khẩu" nghĩa là dùng lời lẽ ác độc, chỉ trích, phỉ báng, gây đau khổ cho người khác. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp…