Giai thoại về Vũ Huấn: Người ăn mày xây trường nghĩa học (P.1)

Tích góp vạn quan tiền, mua ba trăm mẫu đất, thiết lập ba trường nghĩa học, đều là nhờ hành khất. Chưa từng nghĩ tới việc lấy vợ sinh con, cả đời không từ bỏ hành khất, ông vừa ăn xin vừa hát: “Không cưới vợ, không sinh con, xây trường nghĩa học mới vô tư.” (Ảnh: Epoch Times Tiếng Việt)
Tích góp vạn quan tiền, mua ba trăm mẫu đất, thiết lập ba trường nghĩa học, đều là nhờ hành khất. Chưa từng nghĩ tới việc lấy vợ sinh con, cả đời không từ bỏ hành khất, ông vừa ăn xin vừa hát: “Không cưới vợ, không sinh con, xây trường nghĩa học mới vô tư.” (Ảnh: Epoch Times Tiếng Việt)

Vũ Huấn (1838-1896) – người thôn Vũ, thị trấn Liễu Lâm, huyện Quan, tỉnh Sơn Đông – là một người ăn xin sống dưới đáy xã hội vào cuối triều đại nhà Thanh. Nhờ đi ăn xin, trải qua hơn 30 năm nỗ lực bền bỉ, ông đã xây được ba ngôi trường học miễn phí, mua được hơn ba trăm mẫu học điền (là ruộng công, lợi ích thu được đều dùng cho giáo dục), tích lũy được hơn một vạn quan tiền để mở trường học. Đây là sự việc có một không hai trong lịch sử Trung Quốc cũng như trong lịch sử giáo dục thế giới. Người đời sau ca tụng Vũ Huấn là “Thiên cổ nhất cái”, nghĩa là Người ăn xin ngàn năm có một.

Thuở thiếu thời cơ cực nhưng hiếu thảo và ham học

Vũ Huấn vốn không có tên chính thức, thuộc dạng dân nghèo tới mức ngay cả cái tên cũng không có. Bởi vì trong gia tộc, so với các huynh đệ ngang hàng thì ông là thứ bảy nên mọi người gọi ông là Vũ Thất. “Vũ Huấn” thực ra là tên triều đình ban cho ông lúc tuổi già vì công lao chấn hưng ngành giáo dục (“Huấn” có nghĩa là “dạy bảo”).

Vũ Huấn từ nhỏ đã bộc lộ thiên tính thiện lương, vô tư. Mặc dù gia cảnh nghèo khổ nhưng cậu lại ham học vô cùng. Cậu thường xuyên đi theo con cái của các gia đình giàu có tới tận cửa lớp học, nghe lén người ta đọc sách. Những đứa trẻ khác thấy cậu quần áo rách rưới đều cười nhạo, nhục mạ, thậm chí đánh chửi cậu nhưng cậu đều không quan tâm. Một hôm, cậu lấy hết dũng cảm chạy vào lớp, thỉnh cầu thầy giáo cho cậu được học. Nhưng thầy giáo này chẳng những không đồng ý, ngược lại còn mắng nhiếc cậu: “Mi là đứa tiểu tử nhà nghèo, sao có thể tới nơi này chứ? Còn không mau cút ngay, mi muốn ăn trộm gì đây hả?”. Ông ta cầm thước đe dọa, đuổi Vũ Huấn ra ngoài. Từ đó về sau, Vũ Huấn không còn nhắc đến chuyện học nữa.

Khi Vũ Huấn 7 tuổi thì cha qua đời, gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt, Vũ Huấn phải theo mẹ đi ăn xin. Vũ Huấn mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng đối với mẹ vô cùng hiếu thảo. Mỗi khi xin được lương khô ngon sạch, cậu đều không ăn mà nhất quyết mang về cho mẹ. Xin được cơm canh, cậu thường mời mẫu thân dùng trước. Xin được tiền lẻ, Vũ Huấn liền tích cóp lại, mua một phần thức ăn thật ngon, tận tay bưng đến trước mặt mẫu thân. Có khi ở nơi xa hai, ba mươi dặm, dẫu đêm hôm, Vũ Huấn đều chạy về phụng dưỡng mẹ già. Phẩm chất hiếu thuận hiền đức của Vũ Huấn khiến người đời sau vô cùng kính ngưỡng. Sau khi Vũ Huấn qua đời, Tri huyện huyện Đường Ấp là Kim Lâm ca ngợi nói: “Người lương thiện lại chí hiếu.”

Tượng Vũ Huấn ở quê nhà (Ảnh: Internet)
Tượng Vũ Huấn ở quê nhà (Ảnh: Internet)

Khi Vũ huấn 15 tuổi, cậu tới chỗ người họ hàng là Trương Biến Chinh để làm công. Mặc dù chỉ là một đứa trẻ chưa trưởng thành nhưng tính tình cậu vô cùng trung thành và hồn hậu, luôn làm việc siêng năng chăm chỉ. Tuy nhiên, ông chủ họ Trương không vì nể 2 mẹ con Vũ Huấn là thân thích mà dành cho họ chút ưu đãi. Ngược lại, ông ta còn bắt cậu làm lụng như công nhân trưởng thành, việc gì nặng nhọc đều tìm cậu. Cậu làm việc quần quật suốt ngày, cuộc sống chẳng khác nào trâu ngựa. Ông chủ Trương thậm chí còn không trả tiền công vì cho rằng ban cho cậu một chén cơm ăn đã là ân huệ lắm rồi. Ông ta thường hay đánh mắng Vũ Huấn, cậu đều nhẫn chịu. Bởi vì quá trung hậu, mọi người xung quanh cười nhạo cậu là kẻ ngốc, cậu cũng không quan tâm.

Năm 17 tuổi, Vũ Huấn tới nhà của một cử nhân họ Lý làm đầy tớ. Một ngày, chị gái Vũ Huấn nhờ người gửi một phong thư kèm theo mấy xâu tiền cho em. Lý cử nhân lợi dụng Vũ Huấn không biết chữ, chỉ đưa thư cho cậu, còn tiền thì lấy mất. Sau này, Vũ Huấn biết chuyện bèn hỏi lại Lý cử nhân nhưng ông ta thề thốt không chịu nhận và còn chửi mắng Vũ Huấn. Một lần khi cho heo ăn, chỉ vô ý làm thức ăn rơi vãi trên mặt đất, Vũ Huấn cũng bị đánh đến mức thương tích toàn thân. Có năm, vào đêm giao thừa, ông Lý sai Vũ Huấn dán câu đối Tết. Bởi vì không biết chữ, Vũ Huấn dán lộn ngược. Ông chủ cho rằng như vậy là điềm gở, liền tay đấm chân đá, mắng chửi ầm ỹ. Ông ta phạt không cho cậu ăn cơm, không cho cậu ngủ, bắt cậu phải đứng một mình giữa sân suốt đêm trong gió tuyết lạnh thấu xương.

Vũ Huấn làm công ba năm, không hề nhận được một đồng tiền công nào. Vì lúc ấy mẹ cậu sinh bệnh, cậu tới hỏi ông chủ để lĩnh tiền công. Không ngờ, Lý cử nhân đưa ra một cuốn sổ kế toán giả, khăng khăng nói là đã thanh toán tiền công từ lâu rồi. Vũ Huấn không biết chữ, tức giận đến ngẩn ngơ chết lặng, muốn khóc nhưng không ra nước mắt. Cậu cố gắng tranh luận nhưng lại bị vu oan là cố ý lừa đảo để tống tiền. Cuối cùng, Vũ Huấn bị đánh dập đầu chảy máu rồi bị ném ra khỏi cửa.

Kịch “Chuyện Vũ Huấn” chiếu năm 1951 (Ảnh: Internet)
Kịch “Chuyện Vũ Huấn” chiếu năm 1951 (Ảnh: Internet)

Nuôi chí lớn xây trường nghĩa học

Sau cú bị lừa ấy, Vũ Huấn vào một ngôi miếu nhỏ trong thôn ngủ mê man liền ba ngày ba đêm. Sau khi thức dậy, Vũ Huấn tỉnh táo suy nghĩ lại, hiểu ra rằng mình đã chịu bao nhiêu lừa dối, sỉ nhục đều là vì không biết chữ. Những người nghèo khổ như cậu trong xã hội có rất nhiều, nếu không được học hành thì sẽ vĩnh viễn không có lối thoát. Từ đó, Vũ Huấn nảy sinh ý muốn xây dựng trường nghĩa học (trường học tình nghĩa).

Nghèo khổ nhưng kiên cường, chí khí cao cả của Vũ Huấn không vì cảnh nghèo hèn mà suy nhụt. Khi đã xác định mục tiêu, Vũ Huấn dùng công phu khổ hạnh cả đời mình để thực hiện tâm nguyện này. Với thân phận cực nghèo mà muốn lập trường nghĩa học là chuyện từ cổ chí kim chưa từng có ai làm. Không khó để tưởng tượng ra việc ấy khó khăn đến nhường nào.

Một người ăn mày, không màng danh, không vì lợi, nuôi chí lớn, từ đó làm lại cuộc đời. Năm ấy là năm 1859, Vũ Huấn 21 tuổi bắt đầu đi ăn xin tích lũy tiền của. Tay cầm một cái muôi đồng, trên vai vác túi, mặc quần áo rách nát, vừa đi vừa hát. Vũ Huấn đi ăn xin ở khắp nơi, khắp cả các vùng Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam, Giang Tô rộng lớn đều đã từng in dấu chân ông.

Vũ Huấn ngày nào cũng ôm tâm niệm mở trường nghĩa học trong lòng mà ca hát. Ca từ giống thơ mà không phải thơ, giống nhạc mà không phải nhạc, có thanh có sắc, có nội dung, có vần điệu, tất cả đều về việc mở trường nghĩa học. Dù người khác hỏi chuyện hay chế giễu, ông đều lấy tiếng hát để đối đáp; dù là làm việc hay nghỉ ngơi, ông đều ca hát vui vẻ.

“Đi ở đợ bị người ta ức hiếp, không bằng tự mình đi ăn xin,
Đừng khinh tôi ăn xin, sớm muộn sẽ lập được trường nghĩa học.”

Một lòng xả thân vì đại nghĩa

Vũ Huấn còn đi các nơi làm thuê, giành lấy việc khổ, việc nặng mà làm. Trải qua cuộc sống như trâu ngựa, mục đích của ông hoàn toàn là vì để mở trường nghĩa học. Làm khuân vác để kiếm miếng cơm nhưng Vũ Huấn không cho là khổ, luôn vui vẻ và ca hát. Ông hát rằng:

“Bón phân, rẫy cỏ, làm đất, bất kể dơ bẩn, bất kể tiền nhiều hay ít tôi đều làm.
Cho tôi tiền, tôi làm ruộng, xây được trường nghĩa học thì không uổng công.
Vừa giống lừa, vừa giống trâu, lập được trường nghĩa học thì không đáng buồn.”

Vũ Huấn cực khổ tích cóp được một ít tiền thì lại bị anh rể lừa lấy hết. Ông buồn giận đến mức không ăn được cơm, ngất lịm đi, mấy ngày sau trong lòng chợt có tiếng nói: “Chỉ gặp người tốt nhà cao, không làm cho phường ác bá.”

Để xoay sở tiền, Vũ Huấn cắt tóc, cạo đầu, chỉ để lại bím tóc nhỏ bên thái dương. Số tiền có được nhờ bán bím tóc đã trở thành món tiền đầu tiên mà ông dành dụm được để xây trường nghĩa học. Ông còn mặc trang phục kỳ dị như anh hề để được người ta bố thí.

Vũ Huấn mặc trang phục kỳ dị như một anh hề mua vui cho khách qua đường (Ảnh: Internet)
Vũ Huấn mặc trang phục kỳ dị như một anh hề mua vui cho khách qua đường (Ảnh: Internet)

Mọi người xung quanh thấy ông không có nhà cửa, cũng không có nghề nghiệp ổn định, lưu lạc tứ phương nhưng lúc nào cũng nói muốn xây trường nghĩa học, đều cười nhạo bảo ông bị “bệnh nghĩa học”. Ông không hề động tâm, ca hát đáp lại: “Bệnh nghĩa học, không nóng tính, nhìn thấy người, đều kính lễ, thưởng cho tiền, nuôi mạng này, xây trường nghĩa học vạn năm chẳng thay lòng”.

Việc hành khất của Vũ Huấn có thể so sánh với hòa thượng vân du, nhọc cái gân cốt, khổ cái tâm chí. Khi xin cơm ăn mà gặp phải người keo kiệt không bố thí, ông hát: “Không cho tôi, tôi không oán, tự nhiên sẽ có người lương thiện giúp tôi chút cơm ăn.” Khi bị người ta lớn tiếng chửi rủa, ông vẫn ôn hòa đối đáp: “Xin ngài đừng tức giận, khi nào ngài nguôi giận, thì tôi sẽ đi ngay.”

Vũ Huấn hễ kiếm được chút tiền đều tích góp từng đồng, từng đồng. Xin được quần áo, đồ vật tốt hay lương khô ngon, ông đều bán hết đổi thành tiền. Bản thân ông chỉ ăn uống qua loa, toàn ăn những đồ mốc meo và rễ rau cải hay cuống khoai lang, vừa ăn vừa hát:

“Ăn linh tinh, thay bữa cơm, tiết kiệm tiền xây trường nghĩa học.
Ăn ngon miệng, không phải tốt, xây được trường nghĩa học mới tốt.”

Vũ Huấn chưa từng nghĩ tới lấy vợ sinh con, cả đời không từ bỏ hành khất (Ảnh: Epoch Times Tiếng Việt)
Vũ Huấn chưa từng nghĩ tới lấy vợ sinh con, cả đời không từ bỏ hành khất (Ảnh: Epoch Times Tiếng Việt)

Vũ Huấn làm việc luôn tay luôn chân từ sáng đến tối, không khi nào nghỉ ngơi. Ông toàn làm những việc người khác không chịu làm, không thèm làm hoặc không làm nổi. Việc đẩy cối xay lúa thường để cho gia súc, ông cũng sẵn lòng làm. Xay lúa phải làm từ khi mặt trời lặn, ông làm tới mức mồ hôi đầm đìa mà không biết mệt. Mỗi khi đến kỳ nhà nông bận bịu, ông thay người ta gặt lúa lấy công. Lúc sáng sớm, ông còn dọn dẹp nhà vệ sinh thuê, rút hầm cầu đem phơi nắng làm phân bón. Có những khi ông đi gánh nước tưới cây trong vườn, gánh lương thực, gánh những thứ cồng kềnh, nặng nề. Tùy theo đường đi xa hay gần và gánh nặng bao nhiêu mà tính thù lao, tiền thu được cũng khá nhiều. Gặp phải một số người cá biệt không chịu trả tiền, ông cũng không tranh cãi.

Để tích lũy tiền xây trường học, ông còn bắt chước nghệ nhân giang hồ đi biểu diễn tạp kỹ tại các hội làng hay chợ phiên để kiếm tiền thưởng. Ông biểu diễn những tiết mục khó như toàn thân lộn ngược trồng chuối “Giang đại đỉnh”, dùng tay thay chân “Hạt tử bà”, xoay người nhảy “Đả xa luân”, bò trên mặt đất làm ngựa cho trẻ con cưỡi. Thậm chí, ông còn diễn cả những trò nguy hiểm như đâm xuyên người, trảm đầu, ăn cả sâu róm, rắn rết, nuốt gạch đá, v.v.

Ngoài ra, Vũ Huấn còn làm mai mối, đưa thư, nhặt đồng nát, ép bông vải, kéo sợi. Vũ Huấn cứ lang thang phiêu bạt khắp nơi vừa làm lụng, vừa ăn xin như vậy. Buổi tối, ông ngủ trong phòng bếp, phòng xay lúa nhà người ta, hoặc trong những ngôi miếu đổ nát. Ban ngày đi ăn xin, buổi tối ông cũng không nhàn rỗi. Mỗi đêm, dưới ánh đèn bé như hạt đậu, ông se sợi bông, sợi đay làm cuộn chỉ. Ông vừa se sợi vừa hát:

“Mười sợi chỉ, quấn cuộn tròn, một lòng xây trường nghĩa học;
Cuộn chỉ tròn, nối sợi chỉ, xây được trường học thì không có gì phải buồn”.

Liên Hoa (t/h)

Bài viết liên quan

Vẻ đẹp của “trung” và “hòa” trong lý niệm truyền thống

Vẻ đẹp của “trung” và “hòa” trong lý niệm truyền thống

Trong tư tưởng Nho giáo, “trung” và “hòa” là hai khái niệm không thể tách rời, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội. “Trung” đại diện cho sự công bằng, đúng mực và khách quan trong hành xử, là nền tảng giúp con người…
Chan-dung-Pham-Lai

Những câu chuyện về “Thoái” trong lịch sử

Trong văn hóa phương Đông, đặc biệt là trong Đạo giáo, “Thoái” được coi là biểu hiệu của trí tuệ, khả năng hiểu và ứng xử thuận theo quy luật vũ trụ. “Thoái” đôi khi lại còn là một sự giải thoát, giúp con người tìm thấy sự bình an.