Trương Quả Lão là một trong Bát tiên, tám vị tiên truyền kỳ của Đạo giáo. Ông là một kỳ nhân có thực, được ghi chép lại trong cuốn chính sử “Đường Thư”. Thời nhà Đường, Trương Quả Lão sống ẩn cư ở Trung Điều Sơn, Hằng Châu. Người đương thời đều cho rằng ông đã đắc Đạo, có thể trường sinh bất lão.

Trương Quả Lão thấy đạo đức nhân loại xuống dốc, nhân thế mê trầm trong công danh lợi lộc, lại còn cho rằng sống càng đầy đủ càng tốt, bèn cưỡi lừa du hí nhân gian, để lại nhiều câu chuyện lưu truyền thiên cổ.
Xưa nay chưa từng có người biết rõ Ông đến từ đâu. Theo sử sách ghi chép, quả thực có vị Trương Quả Lão này. Vào thời nhà Đường, Ông sống ở Điều Sơn, Hằng Châu, và tự xưng là đã hàng trăm tuổi. Người thời đó cho rằng Ông có thuật trường sinh bất lão. Thần Tiên không như phàm nhân, tướng quân, quân thần, vương tướng bất quá cũng chỉ là phàm phu tục tử, muốn gặp Thần Tiên không phải chuyện dễ dàng. Đường Thái Tông và Đường Cao Tông đã nhiều lần triệu kiến Ông, nhưng đều bị Ông từ chối. Võ Tắc Thiên cũng mời Ông xuất sơn, Trương Quả Lão đã giả chết trước miếu Đố Nữ. Lúc đó đang là mùa hè nóng bức, trong nháy mắt thân thể của ông bắt đầu thối rữa, sinh ra sâu bọ. Khi Võ Tắc Thiên biết chuyện, liền cho rằng Ông đã chết thật sự, đành phải từ bỏ. Nhưng sau đó có người nhìn thấy Ông ở trong núi tại Hằng Châu.
Người ta nói rằng Trương Quả Lão luôn cưỡi một con lừa trắng ngược, đi hàng vạn dặm mỗi ngày. Khi nghỉ ngơi, con lừa được gấp lại, mỏng như tờ giấy, đặt vào cái rương nhỏ, khi cần cưỡi thì nhúng nước lại trở thành lừa.
Vào năm Khai Nguyên thứ 23, Đường Huyền Tông đã phái người đến Hằng Châu mời Trương Quả Lão, Trương Quả Lão đã chết trước mặt người này. Ông ta sợ hãi lập tức thắp hương và cầu nguyện, giải thích tâm ý cầu Đạo của Thiên tử, Trương Quả Lão mới lập tức hồi sinh sống lại. Người này sau đó không dám ép buộc Ông, vội vã trở về kinh thành để thông báo cho Đường Huyền Tông. Hoàng đế Đường Huyền Tông sau đó lại cho người đến mời Ông kèm theo ấn thư, Trương Quả Lão đã theo ông về Đông Đu. Hoàng đế Đường Huyền Tông đưa Ông đến Tập Hiền Viện, ngồi xe ngựa vào cung và kính biếu nhiều lễ vật.
Đường Huyền Tông thấy Trương Quả Lão đã già yếu bèn hỏi: “Ngài là người đã đắc Đạo, sao vẫn rụng răng trông già như vậy?” Trương Quả Lão nói: “Ta sống đến tuổi già như vậy rồi, lại cũng không có đạo thuật gì để theo, nên ta mới thành ra thế này, thật hổ thẹn. Nếu bỏ hết đi không phải tốt hơn sao?”. Sau đó Ông liền nhổ hết tóc và răng trước mặt Đường Huyền Tông, miệng phun đầy máu. Đường Huyền Tông sửng sốt, vội nói: “Ngài hãy nghỉ ngơi một lát, chúng ta đàm đạo sau”. Một lúc sau, Trương Quả Lão gặp lại Đường Huyền Tông, khuôn mặt hoàn toàn mới, răng trắng tóc đen, là một người đàn ông ở tuổi sung mãn.
Bấy giờ, các quan đại thần đều chạy đến bái kiến Trương Quả Lão, dò hỏi về thế giới Thần Tiên, nhưng đều bị Ông từ chối. Ông tự xưng là sinh vào năm Bính Tý thời vua Nghiêu, nhưng không ai có thể đoán được tuổi chính xác của Ông.
Trương Quả Lão nói mình từng là thị giả thời vua Nghiêu, có thể mấy ngày không ăn, khi ăn chỉ cần uống chút rượu và uống ba viên thuốc màu vàng. Đường Huyền Tông mời ông vào nội điện uống rượu, nhưng Trương Quả Lão từ chối, nói rằng tửu lượng của Ông rất kém, chỉ uống được hai lít. Nhưng Ông có một đệ tử uống rượu rất giỏi, có thể uống một đấu. Đường Huyền Tông mừng lắm, thỉnh mời đệ tử của Trương Quả Lão.
Trong nháy mắt, một tiểu đạo sĩ từ mái hiên trong đại điện bay xuống, nhìn qua chỉ khoảng 16, 17 tuổi, hình dáng ưu tú, khí chất thanh nhã, khi bái kiến Đường Huyền Tông thì ngôn từ rõ ràng, lễ phép chu toàn. Đường Huyền Tông bảo tiểu đạo sĩ ngồi xuống, Trương Quả Lão nói: “Đệ tử nên đứng sang một bên mà hầu hạ, không được ngồi”. Đường Huyền Tông càng lấy làm thích thú, liền ban rượu mời, anh ta uống liền một đấu. Trương Quả Lão từ chối và nói: “Không được uống nữa, uống quá nhiều sẽ có vấn đề, khiến Hoàng thượng cười chê”. Đường Huyền Tông tiếp tục ép tiểu đạo sĩ uống, nhưng rượu đột nhiên phun ra từ đầu anh ta, khiến mũ của tiểu đạo sĩ rơi xuống đất, biến thành vàng. Đường Huyền Tông và các phi tần đều kinh ngạc bật cười, nhìn lại thì tiểu đạo sĩ đã biến mất. Số vàng đó chỉ đủ để đựng vào một cái đấu, nguyên là vàng trong Tập Hiền Viện.
Đường Huyền Tông càng thấy hiếu kỳ. Một lần, Đường Huyền Tông quyết định thử rượu độc. Trương Quả Lão uống liền ba vại, dáng vẻ như say, nói với những người xung quanh: “Rượu này không ngon”. Sau đó lăn ra ngủ, ngủ một giấc, chợt tỉnh dậy, đứng lên, soi gương, nhìn răng mình đã thành màu đen. Ông gọi tiểu thị vệ đi lấy gậy sắt như ý, đập gãy hết răng, nhét vào thắt lưng. Chậm rãi lấy từ trong túi ra một viên thuốc nhẵn nhụi, hơi đỏ, bôi lên chân răng. Rồi lại nằm xuống ngủ thiếp đi, một lúc sau ông tỉnh dậy, soi gương lần nữa, răng đã mọc lại, trắng và chắc, đẹp hơn trước.
Đường Huyền Tông từng đi săn ở Hàm Dương và bắt được một con hươu, trông có vẻ dị dạng. Khi nhà bếp chuẩn bị giết con hươu, Trương Quả Lão nhìn thấy vậy liền nói: “Đây là một con hươu tiên, nó đã sống được một nghìn tuổi. Năm Nguyên Thú thứ năm thời Hán Vũ Đế, ta từng cùng Hoàng đế đi săn ở Thượng Lâm, đã bắt được con hươu này và phóng sinh”. Đường Huyền Tông nói: “Thế giới này có rất nhiều hươu nai, thời gian qua đã lâu như vậy, ông làm sao dám chắc là nó chứ?” Trương Quả Lão nói: “Khi Hán Vũ Đế phóng sinh, sừng bên trái của hươu có miếng đồng làm ký hiệu”, nhìn vào con hươu, quả nhiên có một miếng đồng to khoảng hai thốn (đốt ngón tay), và các từ trên đó bị mờ và không thể nhận ra được. Đường Huyền Tông lại hỏi: “Khi đó là thời nào? Bao lâu rồi?” Trương Quả Lão nói: “Đến nay đã 852 năm”. Đường Huyền Tông sai sử quan tra sử sách, quả nhiên không sai chút nào.
Đường Huyền Tông phong cho Trương Quả Lão làm Ngân Thanh Quang Lộc Đại Phu. Trương Quả Lão quyết tâm quay lại ở núi Hằng Châu. Vào thời đầu của những năm Thiên Bảo (niên hiệu thứ ba của Huyền Tông), Đường Huyền Tông lại cho mời Trương Quả Lão, Trương Quả Lão nghe tin lại đột ngột qua đời. Các đệ tử của Ông đã chôn cất Ông, nhưng khi họ mở quan tài ra, hóa ra đó là một chiếc quan tài trống rỗng. Cuối cùng không ai biết Trương Quả Lão đã đi đâu.
Trương Quả Lão có một điểm đặc biệt là ông rất hay cưỡi lừa ngược. Vì sao ông lại cưỡi lừa ngược?
Trong “Bát tiên đắc đạo truyện”của đạo nhân Vô Cấu triều nhà Thanh có ghi chép: Vào những năm cuối triều đại nhà Đường, Trương Quả Lão tình cờ gặp Trương Đạo Lăng. Hai cao nhân gặp nhau, họ đàm đạo về rất nhiều điều trong Trời đất. Trương Quả Lão hiểu rõ thế sự khiến Trương Đạo Lăng cảm thán mãi không thôi.
Trương Quả Lão còn nói: “Ngàn năm sau, trong xã hội sẽ xuất hiện việc quan trọng, không lo việc nước, chỉ biết nhận hối lộ, mọi việc đều dựa vào đó là được giải quyết. Việc này không còn lén lút nơi tối tăm. Trong dân chúng, hiếu đạo mất đi, phóng túng dâm loạn khởi xướng. Người người chỉ lo cầu lợi cho mình, không kể gì đến liêm sỉ lễ nghĩa nữa”.
Ngày nay, khi nghĩ về những lời này của Trương Quả Lão, người ta không khỏi phải suy ngẫm. Kỳ thực, Ông cưỡi lừa ngược không phải là thú vui, mà vì Ông phát hiện ra rằng thói đời, đạo đức nơi trần thế chính là như vậy. Người ta càng cho rằng xã hội tiến bộ, phát triển, thì đạo đức lại càng tụt lùi, nhân loại càng rời xa Đạo. Xã hội thời xưa dẫu có chiến tranh thì về cơ bản vẫn duy trì được luân lý đạo đức, trong tâm của con người phổ biến là có giới hạn, có thể nhận biết tốt xấu. Ngày nay, dù nhân loại có gìn giữ hòa bình đến đâu, dù luật pháp có kiện toàn đến mức nào, dù nền văn minh vật chất có tiến bộ ra sao, thì mang trong tâm của rất nhiều người đều là tranh đấu, đều là lợi ích, đều là vì bản thân mà không màng đến người khác, thậm chí là lạnh lùng tàn nhẫn.
Câu chuyện Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược chính là để điểm hoá cho những người hữu duyên, hy vọng họ có thể thông qua đó mà hiểu được dụng ý của Ông, tìm lại bản tính thiện lương của mình, thậm chí bước trên con đường tu luyện, đắc được Đạo, lội ngược dòng mà được cứu độ, Đây chính là dụng tâm của Ông.
Câu chuyện về Trương Thực Lão cưỡi lừa ngược là một lời nhắc nhở cho mỗi chúng ta về tầm quan trọng của đạo đức và nhân cách trong cuộc sống. Ông muốn nhắc nhở chúng ta rằng, dù xã hội có phát triển đến đâu, thì những giá trị đạo đức tốt đẹp như “Chân – Thiện – Nhẫn” luôn là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa.
Tịnh Đế s/t (Nguồn: tại Chánh Kiến Net)