
Báo cáo năm 2024 của Minghui.org đã xác nhận 5.692 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin (Bài viết). Tuy nhiên, người ta lo ngại rằng số lượng thực tế các học viên Pháp Luân Công tử vong do bị tra tấn, suy dinh dưỡng, kiệt sức và bị bỏ mặc trong trại giam và đặc biệt là do thu hoạch nội tạng trong bệnh viện đã cao hơn nhiều lần.
Trong khi các chuyên gia pháp lý ngày càng gọi cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ là “diệt chủng”, thì hình thức diệt chủng này lại khác với các mô hình trước đây. Các học viên Pháp Luân Công không bị treo cổ nơi công cộng như những chủ đất ở Trung Quốc khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền, họ cũng không bị xe tải đưa ra cánh đồng trống và bị bắn như ở Campuchia; họ không bị chặt chết bằng dao rựa như ở Rwanda và chắc chắn không bị đầu độc bằng khí độc như ở Auschwitz.
Nhưng cuộc đàn áp Pháp Luân Công đáp ứng các định nghĩa của Công ước Diệt chủng về những gì cấu thành tội diệt chủng: “Gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần cho các thành viên của nhóm” và “cố tình gây ra các điều kiện sống của nhóm nhằm mục đích dẫn đến sự hủy diệt toàn bộ hoặc một phần thân thể.”
Bên cạnh tổn hại về tinh thần, cưỡng bức cơ cực và đàn áp kinh tế, việc giết hại các học viên Pháp Luân Công chủ yếu diễn ra dưới ba hình thức:
Mục lục
Tử vong do tra tấn
Hình thức đầu tiên là giết chết những học viên Pháp Luân Công bằng cách đánh đập và nhiều hình thức tra tấn khác nhau. Phần lớn các hình thức tra tấn diễn ra trong các nhà tù, trại tạm giam và trong toàn bộ hệ thống trại lao động rộng lớn của Trung Quốc. Cảnh sát cũng đánh đập dẫn đến tử vong do thương tích ngay tại nhà của những học viên Pháp Luân Công hoặc khi bắt giữ tại Quảng trường Thiên An Môn, thường là xảy ra bên trong xe cảnh sát.
Các phương pháp tra tấn gây tử vong phổ biến bao gồm sốc điện bằng nhiều dùi cui điện, treo cổ tay hoặc mắt cá chân – bao gồm cả treo ngược người trong nhiều giờ, đốt bằng bàn là hoặc các vật khác, và tiêm thuốc gây tổn thương thần kinh.
Bị giết vì niềm tin của họ. Dưới đây là hình ảnh của 16 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết .
1. Cô Cao Dung Dung (37 tuổi)

Vào tháng 7 năm 2003. Cô Cao bị bắt giữ vì tập Pháp Luân Công và bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Long Sơn ở thành phố Thẩm Dương.
Vào ngày 7 tháng 5 năm 2004, cô bị tra tấn bằng dùi cui điện trong bảy giờ liên tục. Cuộc tra tấn đã làm cháy da mặt và cổ của cô, để lại những những vết thương nghiêm trọng đến kinh hoàng.
Khuôn mặt từng rạng rỡ của cô giờ đây đầy sẹo và phồng rộp, tóc cô dính đầy mủ và máu. Cô Cao muốn vạch trần những tội ác đã gây ra cho mình, nên đã lén lút gửi những bức ảnh khuôn mặt đầy sẹo của cô đến các phương tiện truyền thông quốc tế. Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp thế giới. Khi cô Cao đang bên bờ vực của cái chết, gia đình và bạn bè của cô đã thực hiện một cuộc giải cứu táo bạo, dũng cảm đưa cô ra khỏi bệnh viện nơi cô bị giam giữ và giám sát. Nhưng sau cuộc truy lùng kéo dài năm tháng với sự tham gia của các cán bộ cộng sản hàng đầu, cô Cao đã bắt và bị đưa trở lại nhà tù. Khi họ nhìn thấy cô lần cuối, cô chỉ còn “da bọc xương”, và cô đã chết bốn ngày sau đó.
2. Anh Lý Văn Nhụy (37 tuổi)

Ngay sau khi chế độ cộng sản phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công, vào tháng 7 năm 1999, anh Lý Văn Nhụy đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện tại Quảng trường Thiên An Môn nhằm chấm dứt cuộc đàn áp đức tin của mình. Năm 1999, anh bị cảnh sát bắt giữ và tra tấn. Sau đó, anh Lý đã tuyệt thực, yêu cầu thả tất cả các học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ phi pháp. Sau mười ngày và trên bờ vực tử vong, anh đã được thả. Năm sau, anh Lý lại thực hiện một cuộc biểu tình ôn hòa tại Bắc Kinh và lại bị cảnh sát bắt giữ. Anh Lý đã chết trong khi bị cảnh sát giam giữ. Gia đình anh cho biết cơ thể anh có dấu hiệu bị đánh đập nghiêm trọng.
3. Bà Khương Thụy Hồng (68 tuổi)

Bà Khương đã bị bắt sau khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Trong những năm tiếp theo, bà đã phải chịu đựng lao động cưỡng bức, đánh đập, tra tấn, giam giữ, xâm phạm nhà riêng, thẩm vấn và giam giữ trước khi qua đời vào ngày 16 tháng 9 năm 2009 do bị bức hại.
4. Anh Cao Tiên Dân (41 tuổi)

Sau khi biểu tình ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn, anh Cao Tiên Dân đã bị cảnh sát bắt giữ. Anh Cao đã tuyệt thực trong thời gian bị giam giữ. Một trong những kỹ thuật tra tấn mà cảnh sát sử dụng đối với Anh Cao là ép anh uống nước muối có nồng độ cao. Anh Cao đã chết trong khi bị giam giữ.
5. Cô Hoàng Châu (30 tuổi)

Vào ngày 01 tháng 4 năm 2004, cảnh sát đã bắt giữ học viên Pháp Luân Công là cô Hoàng mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích hay tiết lộ nơi cô bị giam giữ. Vào ngày 16 tháng 4, cảnh sát thông báo với gia đình cô Hoàng rằng cô đã chết vào sáng ngày 16 tháng 4 tại Bệnh viện số 1, Thành phố Vũ Hán, mới chỉ 15 ngày kể từ khi cô bị bắt. Sau khi cô qua đời, cảnh sát không cho phép khám nghiệm tử thi hoặc cho phép gia đình cô nhìn thấy thi thể của cô.
6. Ông Ngụy Tại Tâm (63 tuổi)

Ông Ngụy Tại Tâm là một kỹ sư cao cấp tại Viện Khoa học và Công nghệ Fashun ở tỉnh Liêu Ninh. Vì không chịu từ bỏ đức tin của mình, ông đã bị cảnh sát của Trung tâm giam giữ chung ở thành phố Phủ Thuận tra tấn đến chết.
7. Cô Trần Anh, bên phải (17 tuổi)

Nạn nhân đầu tiên được biết đến là cô Trần Anh, 17 tuổi. Cô Trần đã đến Bắc Kinh để yêu cầu Chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm Pháp Luân Công. Cô đã bị bắt, bị đánh đập và bị đe dọa. Vào ngày 16 tháng 8 năm 1999, cô đã chết khi cố gắng trốn thoát khỏi sự giam giữ của cảnh sát.
8. Bà Trần Tử Tú (58 tuổi)

Cái chết của bà Trần đã trở thành chủ đề của một bài báo đoạt giải Pulitzer của tờ The Wall Street Journal và được đưa tin nổi bật trên tờ The Boston Globe. Câu chuyện của tờ báo bắt đầu như sau: “Một ngày trước khi Trần Tử Tú qua đời, những kẻ bắt giữ bà một lần nữa yêu cầu bà từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp. Bà gần như bất tỉnh sau nhiều lần bị điện giật. Người phụ nữ 58 tuổi này vẫn cương quyết lắc đầu. Tức giận, các viên chức địa phương ra lệnh cho bà Trần chạy chân trần trên tuyết. Hai ngày bị tra tấn đã khiến bà bị bầm tím ở mông và mái tóc đen ngắn của bà bết lại vì mủ và máu, những người bạn tù và các tù nhân khác chứng kiến vụ việc cho biết. Bà bò ra ngoài, nôn mửa và ngã gục. Bà đã không bao giờ tỉnh lại.
9. Anh Tả Chí Cương (33 tuổi)

Anh Tả Chí Cương làm việc tại một Công ty máy tính ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc. Vào ngày 30 tháng 5 năm 2001, các viên chức Phòng 610 thuộc Cục Công an Thạch Gia Trang đột nhiên xông vào đơn vị làm việc của anh và bắt giữ anh một cách bất hợp pháp. Sau đó, vào chính ngày hôm đó, anh Tả đã bị những kẻ bắt giữ đánh chết. Những người trực tiếp chứng kiến cho biết cơ thể anh đầy vết thương, tai anh chuyển sang màu đen tím, và có hai hố vuông lớn ở thắt lưng sau. Ngoài ra, còn có dấu vết của sợi dây mỏng trên cổ anh.
10. Cô Hứa Chí Liên (29 tuổi)

Sau khi Pháp Luân Công trở thành mục tiêu quấy rối của chính quyền, cô Hứa đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện đòi công lý và đã bị bắt và thả ra nhiều lần. Vào lúc 11 giờ tối ngày 28 tháng 6 năm 2001, cảnh sát từ thành phố Thành Đô đã bao vây nhà cô Hứa, nơi cô đang ở cùng gia đình, bắn ba phát súng, sau đó phá cửa và xông vào. Trong cuộc rượt đuổi, cô Hứa ngã xuống đất và gãy cổ. Bốn cảnh sát đã nhấc cô lên khỏi mặt đất và ném cô vào xe cảnh sát, nói rằng họ sẽ đưa cô đến phòng cấp cứu, nhưng họ đã từ chối yêu cầu đi cùng của các thành viên trong gia đình cô. Ngày hôm sau, gia đình cô Hứa được thông báo rằng cô đã qua đời.
11. Ông Ngọc Châu (42 tuổi)

Ông Ngọc, một nhạc sĩ dân gian được yêu mến, đã bị bắt và tra tấn đến chết trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Cái chết của ông đã được tờ The Times tại Anh đưa tin. Ông Ngọc được người hâm mộ yêu mến vì những giai điệu của mình và đứng đầu bảng xếp hạng, chiếm được trái tim của vô số công dân Trung Quốc. Trong nhiều năm, danh tiếng của ông đã mang lại cho ông một mức độ bảo vệ nhất định trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công mà ông đã thực hành vào năm 1995. Tuy nhiên, trong những tháng trước Thế vận hội Bắc Kinh, Chính quyền Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch chống lại Pháp Luân Công. Vào ngày 26 tháng 01 năm 2008, ông Ngọc đã bị bắt khi đang trên đường về nhà sau một buổi hòa nhạc. Mười một ngày sau, ông đã bị tra tấn đến chết. Cái chết của ông là một ví dụ về mức độ mà Chính quyền đã thực hiện để đảm bảo “ổn định xã hội” cho Thế vận hội.
12. Cô Triệu Tân (32 tuổi)

Cô Triệu Tân là giảng viên tại Đại học Công nghệ và Kinh doanh Bắc Kinh. Vì cô đến công viên vào một đêm để luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công nên đã bị Cục Công an giam giữ bất hợp pháp. Cô Triệu đã bị đánh đập trong khi bị giam giữ, bị gãy một số đốt sống. Sau khi rơi vào tình trạng hôn mê, cô đã tử vong vì vết thương của mình.
13. Ông Trương Hữu Vi (47 tuổi)

Ông Trương ở quận Thuận Nghĩa, Bắc Kinh đã phát tờ rơi về Pháp Luân Công tại một ngôi làng vào năm 2001, nơi ông bị bắt và bị kết án hai năm lao động cưỡng bức tại Trại lao động cưỡng bức Tuấn Hà, bắt đầu những năm tra tấn, giam trong phòng giam nhỏ và sốc điện bằng dùi cui điện. Ông đã bị cảnh sát Đồn cảnh sát Quang Minh bắt lại vào ngày 14 tháng 5 năm 2009, bị buộc tội sở hữu sách Pháp Luân Công và một lần nữa bị kết án lao động cưỡng bức. Hai năm sau, khi gia đình ông được phép đón ông tại Trại lao động cưỡng bức Hà Thiên Đường, cơ thể ông bị sưng tấy và biến dạng do bị đánh đập. Ông đã qua đời không lâu sau đó, vào ngày 01 tháng 12 năm 2011.
14. Cô Lưu Kiệt (37 tuổi)

Cô Lưu Kiệt bị cảnh sát bắt giữ chỉ vì phát thiệp chúc mừng ngày lễ có dòng chữ: “Chân-Thiện-Nhẫn” – các nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Công. Mười một ngày sau, cô đã chết trong khi bị cảnh sát giam giữ. Những người chứng kiến cho biết cơ thể cô có dấu hiệu bị tra tấn. Thi thể cô đã được hỏa táng trước khi có thể tiến hành khám nghiệm tử thi.
15. Bà Tấn Thuận Nữ (66 tuổi)

Bà Tấn ở tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vào ngày 10 tháng 10 năm 2018, sau khi bị bắt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công tại một văn phòng hưu trí ở Trung Quốc. Đây là lần giam giữ thứ sáu của bà kể từ năm 1999. Một ngày sau khi bị bắt, tù nhân lương tâm trước đó khỏe mạnh này đã rơi vào tình trạng hôn mê trong khi bị cảnh sát giam giữ. Chính quyền không tiết lộ nguyên nhân gây ra tình trạng hôn mê. Bà Tấn đã phải chịu đựng sự tra tấn tàn bạo về thể xác của cảnh sát và lính canh trong 13 năm bị giam giữ trước đó, và chồng và con gái bà tin rằng sự tàn bạo của cảnh sát là nguyên nhân khiến bà hôn mê. Vào ngày bà qua đời, nhân viên bệnh viện đã hỏa táng thi thể bà mà không khám nghiệm tử thi.
16. Anh Lý Bảo Thủy (39 tuổi)

Anh Lý Bảo Thủy đến từ thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, là Cục trưởng Cục lao động việc làm. Anh Lý là một trong những người đầu tiên bị giam giữ trong chiến dịch đàn áp vào tháng 7 năm 1999. Trong vòng bốn ngày, vợ anh đã nhìn thấy Anh Lý bị giam giữ và nói rằng anh yếu và hầu như không thể mở mắt. Anh đã qua đời vào cuối ngày hôm đó.
Một phương pháp tra tấn chiếm khoảng mười phần trăm số ca tử vong được biết đến là bức thực. Để phản đối việc giam giữ và tra tấn bất hợp pháp, những người theo Pháp Luân Công thường tuyệt thực. Để đáp trả, cảnh sát và tù nhân, được hoặc không được đào tạo, “ép” những người tuyệt thực “ăn” bằng cách đưa một ống cao su vào mũi và luồn qua khí quản vào dạ dày. Khi chất lỏng được bơm vào – từ dung dịch muối đến nước tiểu – đi thẳng vào phổi, nó sẽ dẫn đến cái chết rất đau đớn.
Để tránh bị truy cứu trách nhiệm, các trại lao động và nhà tù thường xuyên thả những học viên Pháp Luân Công đang bên bờ vực cái chết và yêu cầu gia đình họ đến đón. Các bệnh viện thường từ chối tiếp nhận những người trong tình trạng như vậy và họ chết tại nhà trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi được thả.
Khi một người theo Pháp Luân Công chết trong khi bị giam giữ, cảnh sát tuyên bố rằng người đó đã tự tử. Trên thực tế, những người sống sót đã làm chứng rằng những kẻ tra tấn họ đã đe dọa họ bằng cách nói rằng: “Nếu chúng tôi tra tấn bạn đến chết thì điều đó sẽ không được tính là gì cả – chúng tôi chỉ nói rằng đó là tự tử và sẽ không ai biết được”. Các nhân chứng cũng báo cáo rằng có những thi thể với các vết màu đen và xanh do bị tra tấn bị ném ra khỏi cửa sổ từ trên cao để ngụy tạo một vụ tự tử.
Các thành viên trong gia đình hiếm khi được phép nhìn thấy thi thể vì nó thường đã được hỏa táng vội vàng.
Tử vong do chế độ nô lệ
Có hơn 100.000 học viên đã bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức. Hình thức giết người thứ hai là do kiệt sức, suy dinh dưỡng và bị bỏ bê trong các trại lao động. Các tù nhân chính trị ở Trung Quốc có thể bị kết án hành chính lên đến ba năm giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức mà không qua xét xử.
Ở đó, họ bị buộc phải làm việc tới 20 giờ một ngày dưới sự đe dọa của bạo lực. Nhiều sản phẩm họ làm ra, như đồ chơi, đũa, hộp, đèn treo cây thông Noel và quần áo được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Úc và Châu Âu. Các tù nhân không được trả công gì và trên thực tế, họ là nô lệ.
Ngoài việc kiệt sức vì lao động chân tay với cường độ cao dưới áp lực phải sản xuất, những người nô lệ còn được cho rất ít thức ăn – thường chỉ là một quả dưa chua và một ổ bánh mì khô nhỏ. Thức ăn bị giòi xâm chiếm không phải là cảnh tượng hiếm gặp, trong khi nước uống lại khan hiếm.
Khói từ keo dán và các hóa chất khác liên quan đến công việc của họ kết hợp với điều kiện vệ sinh kém, tình trạng suy dinh dưỡng và kiệt sức là nguyên nhân gây ra số ca tử vong mà hiện chưa xác định được.
Điểm chung giữa chế độ nô lệ và tra tấn là, theo quan điểm của Đảng Cộng sản, mục tiêu không nhất thiết là giết chết những học viên; đúng hơn, cái chết của học viên Pháp Luân Công chỉ là tác dụng phụ.
Mục đích của chiến dịch không phải là hành quyết thi thể của các học viên mà là tiêu diệt tinh thần của học viên Pháp Luân Công. Nhóm này sẽ bị tiêu diệt thông qua “cải tạo” hoặc “chuyển hóa” bằng các phương pháp trên cùng với tra tấn tinh thần, phân biệt đối xử và tuyên truyền trên toàn quốc (Trung Quốc: Phòng 610 áp dụng biện pháp tẩy não đối với các học viên Pháp Luân Công trong 1 tháng). Ý tưởng là buộc những người theo Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ và trở thành những công dân ngoan ngoãn, nếu có thể thì trở thành những người theo Chủ nghĩa vô thần-Mác. Nếu họ chết trong quá trình “chuyển hóa” thì được tính là tự tử.
Mặc dù Trung tâm thông tin (năm 2001) có hồ sơ ghi nhận hơn 3.000 trường hợp tử vong do bị đàn áp, nhưng con số này có thể cao hơn nhiều lần. Vào năm 2002, các nguồn tin bên trong Trung Quốc đã ước tính rằng ít nhất 7.000 người theo Pháp Luân Công đã bị giết.
Với những khó khăn và rủi ro liên quan đến việc thu thập thông tin nhạy cảm như vậy từ Trung Quốc và các báo cáo về hàng chục nghìn học viên mất tích, một ước tính thực tế hơn cho rằng số người chết là 30.000.
Tử vong do mổ lấy nội tạng
Tuy nhiên, theo báo cáo về nạn mổ lấy nội tạng của ông Kilgour-Matas, con số trên có thể cao hơn gấp đôi. Theo cặp luật sư nổi tiếng người Canada, hơn 40.000 nội tạng từ người Trung Quốc được sử dụng để cấy ghép không có nguồn gốc nào khác ngoài cơ thể của những học viên Pháp Luân Công. Bằng chứng rõ ràng cho thấy những tù nhân lương tâm khỏe mạnh này đã bị giết để lấy gan, tim và thận.
Vào tháng 3 năm 2006, một cựu nhân viên Bệnh viện từ vùng Đông bắc Trung Quốc đã xuất hiện trước công chúng tại Hoa Kỳ, tiết lộ rằng tại bệnh viện của cô, khoảng 4.000 học viên Pháp Luân Công đã bị giết để lấy nội tạng. Chồng cô, một bác sĩ phẫu thuật, thừa nhận đã lấy giác mạc khỏi cơ thể của 2.000 học viên Pháp Luân Công, trong khi họ vẫn còn sống nhưng đã bị gây mê. Vài tuần sau, một bác sĩ Quân y Trung Quốc tiết lộ rằng nạn mổ cướp nội tạng không chỉ giới hạn ở Trại tập trung và Bệnh viện gần Thẩm Dương mà người phụ nữ này đã nói đến mà thực tế đang diễn ra ở 36 trại tập trung trên khắp Trung Quốc. Các cuộc điều tra tiếp theo đã xác nhận những cáo buộc này. (Tiết lộ điều tra: Trung Quốc đã trở thành Trung tâm Cấy tạng của Thế giới, nhưng các nội tạng đến từ đâu?)
Video: Mổ cướp nội tạng kiếm lời là tội ác diệt chủng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc
Một hình thức cuối cùng
Vẫn còn một hình thức giết người nữa mà hiếm khi được thảo luận và không thể đo lường được – cái chết do bị từ chối cơ hội để duy trì chế độ chăm sóc sức khỏe đã chọn của mình. Tạ Vệ Quốc, hiện đang sống ở Anh, mô tả như sau: “Sau khi mẹ tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, các vấn đề sức khỏe mà bà đã phải chịu đựng trong một thời gian dài đã được cải thiện lần lượt và bà trở nên hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, bà đã ngừng tu luyện vì áp lực từ ĐCSTQ. Sức khỏe của bà nhanh chóng suy giảm, bệnh tật của bà tái phát và bà đã qua đời vào năm 2003”.
Trong số những học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, những ví dụ như vậy là quá nhiều. Pháp Luân Công đã mang lại cho hàng triệu người Trung Quốc sức khỏe mới. Trên thực tế, danh tiếng về hiệu quả chữa bệnh cụ thể của môn tu luyện này là một phần lớn trong những gì thu hút hàng chục triệu người đến với môn tu luyện trong những năm 1990 và thúc đẩy sự lan rộng của môn tu luyện. Tuy nhiên, sau khi trải qua hết chiến dịch cộng sản này đến chiến dịch cộng sản khác trong suốt cuộc đời, nhiều học viên cao tuổi đã từ bỏ việc tu luyện Pháp Luân Công của họ khi cuộc đàn áp của Nhà nước bắt đầu. Sống dưới áp lực tinh thần lớn, bệnh tật của họ tái phát và họ đã qua đời.
Quốc Minh (Dịch từ bản tiếng Anh: https://faluninfo.net/killed-for-their-beliefs/)