Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận chính thức của Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – đã có một khoảnh khắc thẳng thắn hiếm hoi, nếu không muốn nói là đáng kinh ngạc, vào tháng 7 năm 1999, bốn ngày sau khi đàn áp Pháp Luân Công.
“Trên thực tế, cái gọi là nguyên tắc ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ do Lý Hồng Chí [người sáng lập Pháp Luân Công] rao giảng,” Tân Hoa Xã tự hào tuyên bố, “không có điểm chung nào với tiến bộ về đạo đức và văn hóa xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang phấn đấu đạt được.” Đặc biệt là phần “Chân”.
Giống như mọi cuộc diệt chủng của thế kỷ XX, trọng tâm của cuộc đàn áp Pháp Luân Công là một chiến dịch tuyên truyền thù hận với quy mô cực lớn. “Bắc Kinh đã đẩy chiến dịch lên đến đỉnh điểm, tấn công người dân bằng một cuộc chiến tuyên truyền theo kiểu cộng sản cũ,” Tạp chí Phố Wall đưa tin (Ian Johnson, “Cuộc chiến chống Pháp Luân Đại Pháp của Trung Quốc bước vào chiến trường mới: Trường tiểu học”, ngày 13 tháng 2 năm 2001).
Cuộc oanh tạc, tiếp tục dưới nhiều hình thức khác nhau trong gần một thập kỷ, bắt đầu vào ngày 22 tháng 7 năm 1999, ngày Pháp Luân Công chính thức bị đàn áp ở Trung Quốc. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tuyên truyền, Đài Truyền hình Nhà nước ngay lập tức phát sóng các cuộc chạy đua đưa tin sai lệch, phát sóng các “bài viết vạch trần” về nhóm thiền định này 24 giờ một ngày.
Không chịu thua kém, các đài phát thanh đã tràn ngập những lời lẽ chính thức của Chính phủ lên án Pháp Luân Công. Các tờ báo Nhà nước lên án Pháp Luân Công với sự phô trương không kiểm soát, dẫn đầu là tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ, đã đăng tới 347 “bài viết” đáng kinh ngạc về Pháp Luân Công – chỉ trong một tháng.
Theo thời gian, ĐCSTQ đã mở rộng quy mô và phạm vi tuyên truyền của mình, dựng các biển quảng cáo, phát hành truyện tranh, in áp phích và sản xuất phim điện ảnh, phim truyền hình và thậm chí là cả kịch.
Ông Clive Ansley, một luật sư nổi tiếng đã hành nghề và giảng dạy tại Trung Quốc trong 14 năm, đang cư trú tại đó vào thời điểm ấy. Ông mô tả sự công kích của giới truyền thông là “chiến dịch thù hận hoàn toàn không có lý do và cực đoan nhất mà tôi từng chứng kiến”.
Một đặc điểm chung của tuyên truyền này là tính chất ăn mòn của nó, gây ra sự ngờ vực, phân biệt đối xử và thù hận, cuối cùng tạo ra một môi trường mà người ta có thể biện minh cho những hành vi bạo lực không thể tưởng tượng được. Thông qua sự kết hợp của việc bôi nhọ, xuyên tạc trắng trợn và chiến thuật đe dọa, luận điệu của Đảng là tìm cách hạ thấp nhân phẩm những người tu luyện Pháp Luân Công. Nhãn hiệu phổ biến nhất cho Pháp Luân Công là “thành viên tà giáo”.
Ví dụ, vào ngày 2 tháng 7 năm 2002, Tân Hoa Xã đã đăng một câu chuyện có tựa đề “16 người ăn xin bị đầu độc: Nghi phạm là thành viên Pháp Luân Công”. Trong khi đó, các báo cáo chi tiết hơn từ tờ báo địa phương ở Chiết Giang, nơi xảy ra vụ việc, hoàn toàn không đề cập đến Pháp Luân Công và cho biết vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, phiên bản về câu chuyện này của Tân Hoa Xã đã được lưu hành trên các tờ báo khắp Trung Quốc và thậm chí được các hãng thông tấn nước ngoài đưa tin. (Thuốc diệt chuột tại Cơ quan “Tin tức” Tân Hoa Xã của Trung Quốc – Cuộc điều tra tiết lộ vụ án giết người ăn xin là bịa đặt)
Pháp Luân Công bị đổ lỗi là đã gây nên mọi tệ nạn của Trung Quốc – từ đói nghèo đến “mê tín”. Một số bài viết do Chính phủ biên soạn đã kêu gọi chủ nghĩa dân tộc trong khi cố gắng liên kết một cách vụng về Pháp Luân Công với “các thế lực nước ngoài chống Trung Quốc”.
Chiến dịch tuyên truyền là sự bổ sung cho vấn đề bạo lực được nêu chi tiết ở mục khác trên trang web này. “Bạo lực thuần túy không hiệu quả. Chỉ ‘học tập’ [bắt buộc] cũng không hiệu quả”, một cố vấn của ĐCSTQ giải thích với tờ Washington Post. “Và không có gì trong số đó có thể hiệu quả nếu tuyên truyền không bắt đầu thay đổi cách suy nghĩ của công chúng. Bạn cần cả ba điều đó”.
Năm 2003, Ferdinand Nahimana và Hassan Ngeze đã bị kết án và bị kết án tù chung thân vì kích động lòng căm thù đã châm ngòi cho cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994. “Không có súng ống hay dao rựa, các người đã gây ra cái chết của hàng nghìn thường dân vô tội” –Thẩm phán tuyên bố. Và các quan chức truyền thông và tuyên truyền Trung Quốc cũng đang thực hiện chiến dịch tuyên truyền kích động nhằm diệt chủng đối với Pháp Luân Công. Họ đã bị kiện ở nước ngoài vì tội danh kích động diệt chủng đó.
Chiến dịch tuyên truyền không chỉ giới hạn ở phương tiện truyền thông Nhà nước của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, mà còn lan rộng ra nước ngoài, đến mức những người không phải người Trung Quốc cũng đã lặp lại những điều ĐCSTQ đã gán cho Pháp Luân Công mà không biết nguồn gốc của nó. Tuyên truyền của ĐCSTQ cũng đã lọt vào phạm vi đưa tin của phương tiện truyền thông phương Tây về Pháp Luân Công và một số nghiên cứu hàn lâm mà không bị chất vấn.
Ví dụ nổi bật nhất về một tác phẩm tuyên truyền đơn lẻ được cho là đã thành công trong việc tạo ra nhiều sự căm ghét đối với Pháp Luân Công bên trong Trung Quốc và sự hoài nghi về nó ở nước ngoài là vụ “tự thiêu”. Mặc dù sự việc này đã bị vạch trần là rất có thể do ĐCSTQ dàn dựng (video và bài phân tích đoạt giải thưởng).
Trong khi đó, các kênh chính cho hoạt động tuyên truyền này ở cả Trung Quốc và nước ngoài – Tân Hoa Xã và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc – hiện đang nổi bật hơn bao giờ hết trên trường quốc tế, nhờ vào các hợp đồng của các tập đoàn truyền thông với những người tự xưng là cơ quan ngôn luận của Đảng.
Thu Yên ( Dịch từ bản Tiếng Anh: https://faluninfo.net/propaganda-inside-china/)